A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Quân khu 4 - mảnh đất kiên cường trên tuyến đầu chống Mỹ, cứu nước”

Quân khu 4 là vùng đất giữ vị trí chiến lược hết sức quan trọng, cầu nối giữa hai miền Nam - Bắc, phía Tây tiếp giáp với biên giới Việt - Lào, phía Đông giáp biển Đông. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân khu 4 vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, đồng thời cũng được xem như tiền tuyến của hậu phương miền Bắc, cũng vì lẽ đó, dải đất này đã phải chứng kiến những thời khắc khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến mà nhân dân ta đã trải qua.

Do điều kiện địa lý, nên Quân khu 4 hình thành ba chiến trường và ba vùng chiến lược kinh tế - quốc phòng rất quan trọng; ba chiến trường gồm: chiến trường A (các tỉnh của Quân khu, chiến trường tại chỗ chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt, bằng không quân, hải quân của địch); chiến trường B (B4 và B5); B4 là Quân khu Trị Thiên, B5 là Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị); chiến trường C (chiến trường Lào); ba vùng kinh tế - quốc phòng đó là vùng rừng núi, vùng đồng bằng - trung du và vùng duyên hải. Hình thái ba chiến trường và ba vùng kinh tế - quốc phòng là đặc điểm hết sức riêng biệt chỉ có ở địa bàn Quân khu 4.

Những năm đầu của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, phần Bắc vĩ tuyến 17, từ Vĩnh Linh (Quảng Trị) đến Nghệ An tổ chức thành Quân khu 4, có Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh. Quảng Trị, Thừa Thiên là phân khu Bắc, thuộc Khu 5, do Khu ủy Khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo, chỉ huy. Đến giữa năm 1966, thực hiện chủ trương chiến lược của Trung ương, chiến trường phía Nam Quân khu có sự thay đổi lớn: Khu ủy, Quân khu Trị Thiên (B4) và mặt trận Đường số 9 - Bắc Quảng Trị (B5) được thành lập. Sau chiến thắng Quảng Trị 1972, mặt trận B5 đã hoàn thành nhiệm vụ và nhập vào Quân khu Trị - Thiên. Ngoài việc lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang Quân khu trên hai chiến trường trong nước, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 còn chỉ huy lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Trung Lào và Hạ Lào trong một thời gian dài.

Quân giải phóng Quảng Trị đánh chiếm căn cứ Tà Cơn, 1968.
Ảnh: T.L

 

Thực hiện đường lối quân sự của Đảng, trong suốt cuộc kháng chiến chống M, cứu nước, Đảng bộ, quân và dân Quân khu 4 đã thể hiện rõ quan điểm nhất quán là: Tập trung xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, vững tin, quyết đánh, tìm ra cách đánh thích hợp, đánh thắng ngay trận đầu, đánh địch bằng tất cả các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại, đánh thắng bất cứ loại hình chiến tranh nào, đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc, huy động và phát động phong trào toàn dân đánh giặc, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân với tất cả các lực lượng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ... góp phần xứng đáng vào những chiến công lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, bằng trí thông minh, ý chí chiến đấu kiên cường và tinh thần quả cảm, quân và dân khu 4 đã cùng các đơn vị chủ lực tấn công các cứ điểm của địch ở Khe Sanh trong Chiến dịch Đường 9, làm đòn nghi binh chiến lược cho chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Thắng lợi Khe Sanh đã tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, góp phần vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam. Với chiến thắng này, huyện Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, được đánh giá như một “Điện Biên Phủ thứ hai”.

Thực tiễn phong phú hơn 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân tố chính trị tinh thần của quân và dân Quân khu 4 luôn được thể hiện rõ nét, thông qua ba bài học, đó là:

Thứ nhất, sự lãnh đạo của Đảng với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo là nhân tố hàng đầu xây dựng và phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Với đặc điểm vị trí chiến lược của từng địa bàn, Quân khu ủy đã chỉ đạo các địa phương, các cấp, các ngành nhanh chóng triển khai thực hiện những chủ trương với mục tiêu chính là tập trung xây dựng yếu tố chính trị tinh thần, xây dựng lực lượng, lấy lực lượng chính trị làm cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang; lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân, gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích làm nòng cốt; kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, tiến công với nổi dậy, nổi dậy với tiến công. Vận dụng linh hoạt cách đánh chiến dịch; các hình thức chiến thuật; nắm chắc diễn biến cụ thể trên chiến trường, nhạy bén trước những động thái của địch, xây dựng quyết tâm đánh địch. Khi ta mở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, đã xác định: “Quân khu 4 cùng với Quân khu Trị - Thiên, Đường số 9 và Trung - Hạ Lào thành một chiến trường, Nam Quân khu 4 cùng với Đường số 9 là một mặt trận”. Từ nhận thức đó, các lực lượng vũ trang Quân khu ở phía sau đã khẩn trương chuẩn bị tăng cường cho các hướng, vùng đất Thanh - Nghệ - Tĩnh và Vĩnh Linh trở thành hậu phương trực tiếp, trong đó Quảng Bình và Vĩnh Linh trở thành hậu phương chiến dịch, tất cả mọi hoạt động của Quân khu đều nhằm thực hiện giải quyết hai vấn đề, đó là phối hợp chặt chẽ với mặt trận Đường 9, vừa chống chiến tranh phá hoại, vừa làm tròn nhiệm vụ hậu phương chiến dịch (Trong chiến dịch lịch sử này, Quân khu vinh dự đã được cử Sư đoàn 324, Trung đoàn 270 bộ đội địa phương Vĩnh Linh, các trung đoàn pháo 164, 84 và một số tiểu đoàn đại đội bộ đội địa phương Quảng Trị với 2.600 dân công hỏa tuyến của tỉnh Hà Tĩnh tham gia). Bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu vật chất hậu cần, vũ khí trang bị, đạn dược cho chiến dịch, trên cả hai hướng Đông và Tây, Quân khu 4 đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực, kết hợp với các đơn vị dân công của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An (tổng lực lượng làm công tác bảo đảm hậu cần lúc cao điểm lên tới 7.624 cán bộ, chiến sĩ và dân công) đã tổ chức vận chuyển dự trữ được 22.253 tấn hàng, chiếm khoảng 71% tổng dự trữ.

Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên - Huế đã quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương và Bộ tổng Tư lệnh, chủ động nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, nhất là mạnh, yếu của địch và khả năng thực tế của ta, trên cơ sở đó, hoạch định chủ trương, phương pháp tiến hành tiến công, nổi dậy một cách đúng đắn, sáng tạo, phát huy được sức mạnh tổng hợp, tiến công nổi dậy mãnh liệt và đều khắp với khí thế chưa từng có đã giáng một đòn mạnh mẽ làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, thể hiện ý chí sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam ngay tại trung tâm, sào huyệt của Mỹ - Ngụy. Trong Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nắm vững chỉ đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Quân và dân  Trị - Thiên đã phối hợp với các đơn vị chủ lực của Bộ đã tấn công quyết liệt, táo bạo, thần tốc, cùng với quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, suốt quá trình lãnh đạo xây dựng và chiến đấu, Quân khu đã không ngừng bám sát đường lối, nhiệm vụ của Đảng, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, để xác định xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho các lực lượng vũ trang Quân khu cũng như từng địa phương. Vì vậy, dù tình huống khó khăn phức tạp đến đâu, quân và dân Khu 4 đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, không ngừng động viên sức người, sức của hết lòng chi viện tiền tuyến và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn, góp phần cùng quân dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc đọ sức quyết liệt với kẻ thù trên cả tiền tuyến và hậu phương.

Lễ xuất quân trước khi đánh vào thành phố Huế, Mậu Thân 1968.
Ảnh: T.L

 

Thứ hai, bám sát nhiệm vụ của Đảng, trong từng thời điểm đã kịp thời chỉ đạo tiến hành công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, tuyên truyền, động viên chính trị cho quân và dân trong xây dựng và chiến đấu.

Bằng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả. Công tác tư tưởng đã thường xuyên làm cho bộ đội nhận thức rõ nhiệm vụ, nắm chắc đặc điểm, tình hình, thuận lợi, khó khăn. Từ đó, nêu cao tinh thần quyết tâm chiến đấu, mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, táo bạo để giành thắng lợi. Điều đó được thể hiện rõ trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của Khu ủy và Quân khu Trị - Thiên: “Tập trung sức lực của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong Quân khu với nỗ lực và cố gắng cao nhất, tiến công địch cả về quân sự, chính trị, binh vận...”. Đây vừa là mệnh lệnh, vừa là sự khích lệ, động viên tư tưởng, hướng dẫn hành động đối với cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân Trị - Thiên. Quân và dân Trị - Thiên - Huế đã phát huy sức mạnh tổng hợp tiến công, nổi dậy rộng khắp trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh lớn, đánh vừa và nhỏ vào các mục tiêu trên địa bàn, trọng tâm là đánh vào các thành phố, thị xã, gây bất ngờ lớn cho Mỹ - ngụy và giành thắng lợi vang dội. Ngay trong ngày đầu tiên, quân và dân Trị - Thiên - Huế đã đánh hơn 40 mục tiêu của địch trong và ngoài thành phố Huế, 34 huyện, thị trấn, chi khu, phá vỡ phần lớn bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng 227.000 dân, 40 xã và 296 thôn, làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm. Trong Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp cả ở hậu phương và tiền tuyến. Lý tưởng, lẽ sống “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” của anh hùng Lê Mã Lương, tinh thần “cả nước ra quân, toàn dân đánh giặc” đã được đẩy lên thành cao trào cách mạng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Các địa phương ở trên địa bàn Quân khu Trị - Thiên và Khu 4 tổ chức các phong trào thi đua với những khẩu hiệu hành động tràn đầy tinh thần triệt để cách mạng và tư tưởng cách mạng tiến công, thực hiện hậu phương thi đua với tiền phương, tiền phương thi đua với hậu phương. Ở hậu phương đó là các phong trào thi đua: “Mỗi người làm việc bằng hai” vì đồng bào miền Nam ruột thịt, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, “Ba điểm cao” của công nhân, các phong trào “Hai tốt”, “Tay cày tay súng, tay búa tay súng”, “Toàn dân bắn máy bay”… Mỗi phong trào đều có những mục tiêu rõ ràng, thiết thực, có những chỉ tiêu cụ thể thích hợp với từng đối tượng và những khẩu hiệu tràn đầy khí thế cách mạng tiến công như: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Đâu có giặc là ta cứ đi”. “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã trở thành phong trào tự giác của quần chúng. Các địa phương đều thi đua thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” để chi viện cao nhất và kịp thời nhất cho chiến trường. Trên chiến trường Trị - Thiên, đó là tinh thần “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám giặc, đánh giặc”; đó là các phong trào “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Toàn quân là dũng sĩ”, “Toàn dân là dũng sĩ”… đã cổ vũ động viên phát huy trí tuệ sáng tạo các tầng lớp nhân dân Khu 4, tạo nên sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nhờ làm tốt công giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sức mạnh chính trị, tinh thần của quân và dân Quân khu 4 đã được phát huy cao độ. Những hành động dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân Trị - Thiên và quân, dân Quân khu 4 là biểu hiện sinh động về sức mạnh chính trị - tinh thần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ tiền tuyến và hậu phương để xây dựng và phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Quân khu 4 là tuyến đầu chống Mỹ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Trị - Thiên không chỉ một hướng chiến trường mà còn là tiền tuyến trực tiếp chiến đấu để bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong chiến tranh phá hoại, Quân khu 4 trở thành “tiền tuyến của miền Bắc XHCN, hậu phương trực tiếp của miền Nam và Trung - Hạ Lào”, là nơi chi viện sức người, sức của cho tuyền tuyến lớn kịp thời và hiệu quả nhất. Với quan điểm “Nam Quân khu 4 với Trị - Thiên là một chiến trường, Bắc Quảng Trị và Vĩnh Linh là một mặt trận”, nhân dân Quảng Bình và Vĩnh Linh đã vì Trị - Thiên mà không tiếc công sức, của cải và tính mạng của mình. Với tinh thần “Tiền tuyến có đánh to thắng lớn hay không là do sức mạnh chi viện của hậu phương lớn quyết định, hậu phương có đáp ứng yêu cầu tiền tuyến hay không, vị trí đầu cầu trung chuyển của Quân khu 4 giữ vai trò quyết định”. Quân và dân khu 4 đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, dồn tất cả sức lực, tài năng, trí tuệ; bằng cả mọi phương tiện, vượt lên cả thử thách hy sinh, thực hiện bằng được quyết tâm chiến lược của Đảng là bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện nhiều nhất, tốt nhất, nhanh nhất cho tiền tuyến, góp phần cùng chiến trường Trị - Thiên đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhờ nhận thức được tầm quan trọng của địa bàn và nhiệm vụ nên Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu đã giải quyết tốt các mối quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến, đã phát huy sức mạnh tổng hợp, động viên sức người, sức của hậu phương để chi viện đắc lực cho tuyền tuyến và cùng với tuyền tuyến đánh bại kẻ địch để bảo vệ hậu phương. Tiền tuyến và hậu phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, quân và dân Trị - Thiên - Huế vinh dự được Trung ương Cục và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trao tặng 8 chữ vàng “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”; quân và dân Khu 4 được Bác Hồ khen ngợi “Quân và dân Quân khu 4 rất xứng đáng là tuyến đầu của miền Bắc anh dũng”.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như xây dựng Quân đội về chính trị vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường... Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, hiện nay, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu lên một bước mới. Trong đó, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về chính trị được xác định là nội dung quan trọng hàng đầu, bảo đảm bất luận trong điều kiện hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần trong kháng chiến công Mỹ vào xây dựng LLVT Quân khu về chính trị hiện nay là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, nhằm bảo đảm cho LLVT Quân khu luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Để làm được điều đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định bốn nội dung cần thực hiện tốt trong thời gian tới, đó là:

Chiến trường Trị Thiên - Huế ác liệt.
Ảnh: T.L

 

Thứ nhất, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng nhằm giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với LLVT Quân khu.

Trong kháng chiến chống Mỹ, sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của các cấp ủy là nhân tố quyết định nhất. Kế thừa bài học mang tính nguyên tắc đó, trong xây dựng LLVT Quân khu về chính trị hiện nay cần phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho LLVT Quân khu luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Vì vậy, trước hết phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân khu và các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chú trọng xây dựng, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng; đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; đề cao tự phê bình và phê bình, ban hành và chấp hành nghiêm các quy chế lãnh đạo trên các mặt công tác trọng yếu, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tổ chức đảng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết không để có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 51-NQ/TƯ, ngày 29-7-2005, của Bộ Chính trị (khóa IX), về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, bảo đảm cơ chế Đảng lãnh đạo Quân đội luôn vận hành thông suốt, hiệu quả. Hết sức coi trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì, có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát góp phần đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, tập trung xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng, coi đây là yếu tố cơ bản, hàng đầu để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT Quân khu.

Trong kháng chiến chống Mỹ, sức mạnh chính trị, tinh thần biểu hiện tập trung ở nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, ý chí chiến đấu, tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng của quân và dân Trị - Thiên nói riêng và quân và dân Khu 4 nói chung. Điều đó có được là do cấp ủy các cấp làm tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng. Bài học đó ngày nay còn nguyên giá trị trong xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh về chính trị, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần. Thực tế hiện nay, việc xây dựng, tăng cường bản lĩnh chính trị cho LLVT tuy có thuận lợi cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn và tác động nhiều chiều. Về khách quan, đó là ảnh hưởng do các yếu tố tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế, mặt trái của kinh tế thị trường, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” để “vô hiệu hóa” lực lượng vũ trang… Về chủ quan, đó là tệ quan liêu, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thậm chí, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nói chung, trong lực lượng vũ trang nói riêng có biểu hiện mơ hồ về mục tiêu chiến đấu, lý tưởng cách mạng, thoái hóa, biến chất, chạy theo lợi ích cá nhận, vụ lợi… Những thách thức đó đang có xu hướng phát triển, diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến bản lĩnh chính trị của mọi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong mọi tình huống, đòi hỏi cần phải có chủ trương, biện pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn.

Nhận thức rõ về vấn đề này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ các giải pháp, tập trung vào ba yếu tố: con người, tổ chức biên chế và vũ khí trang bị. Trong đó, xác định lấy xây dựng con người là trung tâm, có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của LLVT Quân khu. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cùng với nội dung giáo dục hằng năm theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, nhất là Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường lãnh đạo công tác tư tưởng chính trị, củng cố xây dựng đạo đức, lối sống trong LLVT Quân khu”, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chú trọng tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của đất nước, quê hương; về vị trí chiến lược của dải đất Khu 4; nhiệm vụ của LLVT Quân khu và của mỗi đơn vị, địa phương trong tình hình mới; quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Chỉ thị 34/CT-BBT của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Đấu tranh phòng chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa". Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quản lý chặt chẽ tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, kịp thời giải quyết mọi vướng mắc và những vấn đề mới nảy sinh. Trong quá trình tiến hành, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp tập trung quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân khu, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị và tình hình thực tiễn, chủ động tiến hành toàn diện các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị của bộ đội, xây dựng đơn vị thực sự vững mạnh về chính trị gắn với đẩy mạnh thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” bằng những hình thức phong phú, đa dạng và việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Kết hợp giáo dục nhiệm vụ với giáo dục truyền thống lịch sử, làm cho tinh thần yêu nước ngày một sâu đậm, kết thành sức mạnh vô địch trong mỗi quân nhân. Đối với lực lượng dân quân tự vệ chỉ đạo cơ quan chính trị chủ động phối hợp với ban Tuyên giáo các tỉnh tham mưu cho cấp ủy địa phương xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức học tập, bồi dưỡng cho các đồng chí là bí thư, chính trị viên của lực lượng dân quân tự vệ cấp xã, phường, thị trấn thông qua việc mở các lớp tập huấn tập trung tại trường quân sự của các tỉnh, của Quân khu và các trung tâm bồi dưỡng chính trị của địa phương. Thông qua cách triển khai đa dạng với các nội dung, hình thức giáo dục thiết thực, công tác giáo dục chính trị để cuốn hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tự giác, tích cực tham gia phong trào "tự học, tự rèn", xây dựng nền nếp chính quy và rèn luyện kỷ luật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức chính trị, tư tưởng và hành động trong giữ gìn, phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ".

Trong quá trình thực hiện phải xác định nội dung thiết thực, sát với đặc thù hoạt động của LLVT địa phương, đơn vị và cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Phương pháp tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, xây dựng thành kế hoạch, chỉ tiêu, làm đến đâu chắc đến đó; đề cao tính nêu gương bằng hành động thực tiễn của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp; tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Đội ngũ cán bộ chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các đơn vị phải thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; phát huy vai trò trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong rèn luyện phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong. Ngoài ra, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần không ngừng quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhất là những quân nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn; coi trọng xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bộ đội, qua đó, bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách, bản lĩnh, ý chí chiến đấu của bộ đội.

Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bất luận trong thời chiến hay thời bình, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì luôn đóng vai trò quyết định, là “cái gốc” của mọi công việc. Bởi vậy, việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác tốt, phương pháp, tác phong, phong cách lãnh đạo khoa học, có uy tín trước tập thể là vấn đề hết sức quan trọng. Để làm tốt công tác này, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân khu cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 769-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo” và Quy chế công tác cán bộ đã ban hành. Trong đó, phải chủ động làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh, kiến thức, trình độ, năng lực đảm bảo cho đội ngũ cán bộ có đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và Quy định 646-QĐ/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt việc nói đi đôi với làm, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ làm gương cho chiến sĩ học tập, noi theo.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác dân vận, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân - dân, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với các tỉnh và QĐND Lào, mở rộng hợp tác trên lĩnh vực Quốc phòng - An ninh kết hợp với phát triển kinh tế.

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là chúng ta đã phát huy nguồn sức mạnh vô địch của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng LLVT Quân khu hiện nay, xây dựng “Thế trận lòng dân” có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vậy, công tác dân vận cần phải được quan tâm đúng mức, thực hiện hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 25-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) và Nghị quyết 49-NQ/QUTW, ngày 26-01-2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, tích cực đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận cho phù hợp với từng địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Các đơn vị cần chủ động phối hợp với các lực lượng trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc và giúp nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khắc phục hậu quả thiên tai,… góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Qua đó, tăng cường mối đoàn kết máu thịt quân - dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Quân đội, với Đảng, với Nhà nước và chế độ XHCN.

Trong hai cuộc kháng chiến, quân và dân Khu 4 đã phối hợp chặt chẽ, kề vai sát cánh, liên minh chiến đấu cùng với các đơn vị bộ đội và nhân dân nước bạn Lào lập được nhiều chiến công to lớn, góp phần quan trọng đưa cách mạng của cả hai nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Do vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quân khu 4 cũng phải xác định tăng cường hợp tác quốc tế với các tỉnh và QĐND Lào, sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc tế khi bạn yêu cầu. Đây vừa là nhiệm vụ quốc tế đặc biệt, vừa là nhiệm vụ quốc gia trực tiếp và lâu dài của quân và dân Khu 4. Trên cơ sở nắm vững đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào ổn định, hữu nghị, góp phần phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước lên tầm cao mới.

Những bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy nhân tố chính trị - tinh thần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cơ sở quan trọng để xây dựng LLVT Quân khu 4 vững mạnh về chính trị trong điều kiện mới. Với truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được tôi luyện trong chiến đấu, Quân khu 4 càng thêm đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, mãi xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng Trần Võ Dũng

Bí thư Đảng uỷ - Chính uỷ Quân khu 4


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội