A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ đội Công binh trách nhiệm, nghĩa tình

Có tận mắt chứng kiến những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) trong tham gia tìm kiếm cứu hộ tại nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) do sạt lở núi thời gian qua mới thấy hết sự vất vả của bộ đội. Vượt lên tất cả mọi khó khăn, hiểm nguy, bằng tình cảm, trách nhiệm lớn lao với Nhân dân và đồng đội, các chiến sĩ công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

 

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 414 tham gia cứu nạn tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Ảnh TRẦN SÂM

Trên xe cùng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 cơ động từ điểm trú quân (Trường tiểu học Phong Xuân, xã Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đến Tiểu khu 67, thuộc Trạm Kiểm lâm sông Bồ (nơi 13 cán bộ Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế gặp nạn). Xuất phát từ 05 giờ 00 phút, vượt qua quãng đường rừng với nhiều điểm sạt lở do mưa lũ, chúng tôi phải mất gần hai giờ hành quân mới đến được hiện trường. Nhìn quang cảnh lầy lội, ngổn ngang đất, đá, lòng ai cũng thấy xót xa. “Phải nhanh chóng tìm thấy thủ trưởng và đồng đội trong thời gian sớm nhất”-đó là mệnh lệnh không lời từ trái tim người lính. Mệnh lệnh đó như một sức mạnh vô hình thôi thúc cán bộ, chiến sĩ mỗi người làm việc bằng hai; những nhát cuốc, nhát xẻng như được tiếp thêm sức mạnh, nhanh hơn, mạnh mẽ, dứt khoát hơn; từng lớp đất, đá được bóc gỡ; những tảng đá, thân cây lớn được cắt, xẻ, khiêng đi; cùng với các lực lượng cứu hộ khác, các chiến sĩ thay nhau xới tung hiện trường mong tìm thấy đồng đội.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 414 tham gia cứu nạn tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Ảnh TRẦN SÂM

Với Thượng tá Mai Văn Thanh, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 414, chỉ mới mấy ngày thôi mà người anh gầy đi, khuôn mặt phờ phạc vì lo lắng và thiếu ngủ. Vừa tốt nghiệp lớp cao cấp lý luận chính trị mấy hôm, chưa kịp ghé thăm gia đình, anh đã vội vã vào đơn vị chỉ huy cứu nạn. Những ngày đêm tham gia ứng cứu sạt lở tại Tiểu khu 67, ở đâu cũng thấy bóng dáng anh “điều quân, khiển tướng”; đôi chân anh không ngừng nghỉ, liên tục di chuyển để chỉ huy bộ đội; hô hét nhiều, cộng thêm dầm mưa, dãi gió dài ngày, giọng anh khản đặc vì mất tiếng. Hay Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Phó tham mưu trưởng lữ đoàn, đang trong thời gian nghỉ phép cưới vợ, nhận được lệnh, anh vội vàng chào tạm biệt người vợ mới cưới còn ngơ ngác, chưa hiểu chuyện gì xảy ra để lao ngay vào đơn vị, cùng bộ đội xông pha trên tuyến đầu cứu nạn, dẫm lên trên tất cả hiểm nguy vì nhiệm vụ.

Tôi mãi cảm động với câu nói của Trung sĩ Vũ Thành Đạt, Tiểu đội trưởng, Đại đội 12 (Tiểu đoàn 4), người chiến sĩ khuôn mặt hiền lành, rắn rỏi, tích cực cứu nạn trong thời gian qua: “Thấy thủ trưởng và đồng đội nằm nơi rừng sâu, nước độc cảm giác lạnh lẽo, cô đơn lắm, ai cũng nghẹn lòng anh ơi! Dù hy vọng mong manh những chúng em vẫn mong một điều kỳ diệu dưới từng lớp đất, vì vậy, ráng sức làm mà quên đi mệt nhọc”.

Còn Binh nhất Nguyễn Phong Sắc, chiến sĩ Đại đội 11 (Tiểu đoàn 4) trải lòng: “Chưa bao giờ trong cuộc đời em trải qua một quãng thời gian nhiều xúc cảm như thế. Nhìn những đống đất đá đè lên người đồng chí, đồng đội của mình mà chúng em lòng đau như cắt, không ai bảo ai, nén đau thương thành hành động, gắng sức để sớm đưa thủ trưởng và đồng đội về với đơn vị và gia đình”.

Có lẽ, chẳng thể nào kể hết nỗi đau thương, mất mát to lớn của LLVT Quân khu 4 trong đợt mưa lũ vừa qua và sự vất vả, tinh thần đầy trách nhiệm của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, trong đó có 61 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414. Sau 3 ngày đêm dầm mưa, đội gió, lội bùn, vượt dốc cao, suối dữ tham gia tìm kiếm cứu nạn, khó khăn vẫn không làm các chiến sĩ sờn lòng.

Nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện thời tiết mưa gió; hiện trường toàn bùn trộn đất, đá lầy lội; cường độ làm việc cao, khối lượng công việc lớn, bộ đội tốn rất nhiều sức lực. Các chiến sĩ áo quần ướt đẫm mồ hôi, dầm mình trong mưa gió, người dính đầy bùn đất; cần mẫn cắt từng phiến đá, xẻ từng thân cây; khệ nệ khiêng và chuyền nhau từng tảng đá, chứng kiến mới thấy hết tính kỷ luật, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm của “Bộ đội Cụ Hồ”. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng bằng trách nhiệm, tình cảm với đồng đội, không ai một lời kêu ca, phàn nàn.

Bữa cơm vội vàng của người lính công binh để tìm đồng đội. Ảnh TRẦN SÂM

Nhìn bữa ăn đạm bạc của các chiến sĩ trên hiện trường cứu nạn, ai còn dám bảo bộ đội lương cao, thời bình sướng lắm! Một tấm ni lông được trải trên mặt đất nhão nhoẹt làm mâm cơm, cán bộ, chiến sĩ 4 đến 5 người một nhóm ăn vội vàng, anh nhanh để còn tìm đồng đội. Giữa buổi, không dám nghỉ giải lao, mà cán bộ chiến sĩ thay nhau lót dạ miếng lương khô, bát mỳ tôm pha vội; mưa, gió, mồ hôi, nước mắt cùng thức ăn hòa vào nhau mặn chát. “Có thiết gì ăn và nghỉ nghơi nữa đâu anh ơi! Vì còn ăn và nghỉ ngơi thì còn để thủ trưởng và đồng đội chờ”, Trung úy QNCN Phan Hữu Kiên, Lái xe, Tiểu đoàn 4 xúc động nói.

Vừa hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm 13 cán bộ của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên-Huế hy sinh tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 414 lại tiếp tục nhiệm vụ tìm kiếm các công nhân bị mất tích tại nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, vừa cơ động lực lượng lên Hướng Hóa (Quảng Trị) ứng cứu vụ sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4). Những đôi chân không biết mệt mỏi, mang theo trái tim rực lửa đến nơi Tổ quốc và Nhân dân cần; nhận lệnh là đi, đã đi là đến, đã đến là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

HOÀNG THÁI 

 

 


Tác giả: Hoàng Thái
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội