A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Cái khó ló cái khôn”

Hơn 12 giờ trưa, nhiệt độ ngoài trời lên đến 400C, thế nhưng cán bộ, nhân viên Xưởng sửa chữa Tàu thuyền, Lữ đoàn Vận tải thủy 873, Cục Hậu cần Quân khu 4 vẫn miệt mài với công việc phun cát làm sạch vỏ tàu. Như hiểu thắc mắc của tôi, Đại úy Trần Văn Hoạt, Xưởng trưởng Xưởng sửa chữa Tàu thuyền chia sẻ: “Xưởng ở gần khu dân cư nên việc phun cát phải lựa theo chiều gió để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Do vậy, bất kể thời gian nào, khi có gió nồm (gió Đông - Nam) thì chúng tôi phải tranh thủ làm ngay...”.

Cán bộ, nhân viên Phân xưởng Cơ khí thực hành sửa chữa máy tàu.

 

Khi công việc phun cát vừa kết thúc cũng là lúc cán bộ, nhân viên Phân xưởng Cơ khí và Phân xưởng Vỏ tàu có mặt trên boong tàu để tiếp tục các phần việc buổi chiều. Tôi theo chân những người lính thợ vào khoang máy chưa đầy 5 phút mà mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo. Không gian chật hẹp, thời tiết oi nồng, nóng bức nhưng không vì thế mà làm giảm đi năng suất lao động. Từng động tác tháo, lắp vẫn hết sức khẩn trương, chính xác, thể hiện sự nhuần nhuyễn của những người lính thợ...

Cán bộ, nhân viên Phân xưởng Vỏ tàu thay tôn vỏ tàu.

 

Nhìn cán bộ, nhân viên Phân xưởng Vỏ tàu vận chuyển những tấm tôn có chiều rộng đến 1,2m, dài 2,5m và dày 8mm vào thay tôn đáy tàu một cách nhẹ nhàng, Đại úy QNCN Trịnh Quốc Trí, Phân xưởng trưởng chia sẻ: “Trong sửa chữa tàu thuyền, việc lắp ghép tôn là công đoạn nặng nhọc và dễ xảy ra mất an toàn; đặc biệt là tôn lắp dưới đáy tàu. Bởi không gian làm việc chật hẹp, tôn có trọng lượng và kích thước lớn. Trước đây, mỗi lần đưa tôn vào đáy tàu để thay thế phải huy động ít nhất 12 người mới làm được. Từ thực tiễn đó, Đại úy Trần Văn Hoạt, Xưởng trưởng đã nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến “Giá đỡ lắp tôn”. Với sáng kiến này, chỉ cần 4 người vẫn đưa tôn vào lắp ráp một cách dễ dàng, độ chính xác cao, bảo đảm an toàn và tiết kiệm được thời gian...”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong điều kiện “người ít, việc nhiều”, nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao. Trong khi đó, một số tàu xuồng đã qua nhiều năm sử dụng, vật tư phụ tùng thay thế khan hiếm... Do vậy, để khắc phục những khó khăn đó, thời gian qua Lữ đoàn đã đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với thực hiện Phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, qua đó đã cho ra đời hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng rộng rãi, hiệu quả trong sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền. Tiêu biểu như sáng kiến: “Xe vận chuyển tôn”, “Hệ thống nâng hạ thủy lực tàu” (đạt giải nhất Hội thi Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 19) của Đại úy Trần Văn Hoạt; “Máy kiểm tra độ kín đường hàn bằng máy hút chân không” của Thượng úy QNCN Lê Thế Long, Phân Xưởng Cơ khí, Xưởng sửa chữa Tàu thuyền; “Xe di động dành cho thợ nằm hàn ngửa” của Trung úy QNCN Nguyễn Văn Nam, Xưởng Cơ khí...

Đại úy Trần Văn Hoạt, Xưởng trưởng Xưởng sửa chữa Tàu thuyền giới thiệu sáng kiến "Hệ thống thủy lực nâng, hạ tàu".

 

Đại tá Trần Văn Chiến, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Vận tải thủy 873 khẳng định: “Trước thực tế khó khăn của đơn vị, chúng tôi luôn quán triệt cho cán bộ, nhân viên tinh thần chủ động, sáng tạo trong công tác, đồng thời đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Do vậy, các sáng kiến, cải tiến của đơn vị đều bắt nguồn từ thực tiễn, ứng dụng được trong thực tiễn, rút ngắn thời gian, công sức, nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuyền và thực hiện nhiệm vụ hằng ngày của đơn vị, góp phần để đơn vị luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao...”.

Bài, ảnh: NGUYỄN CẢNH HÙNG


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội