Huyện A Lưới (Tỉnh Thừa Thiên Huế): Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới
Ngoài huy động hàng chục tỷ đồng, hàng trăm nghìn ngày công, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế còn thực hiện tốt quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đã huy động được nguồn lực lớn từ sức dân, góp phần để địa phương đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới.
Ngoài huy động hàng chục tỷ đồng, hàng trăm nghìn ngày công, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế còn thực hiện tốt quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đã huy động được nguồn lực lớn từ sức dân, góp phần để địa phương đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới.
Hương Phong là địa phương đầu tiên của huyện A Lưới hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vào năm 2015. Là xã biên giới, với dân số thưa chỉ 183 hộ, 534 nhân khẩu, bằng cách làm và bước đi phù hợp, Hương Phong đã huy động được sức dân vào việc hoàn thiện các tiêu chí. Thôn Hương Phú là thôn đi đầu trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của Hương Phong. Từ năm 2010 đến 2015, người dân ở Hương Phú đã tự nguyện đóng góp gần 4,5 tỷ đồng, hàng nghìn mét vuông đất và hàng nghìn ngày công lao lao động để làm đường giao thông nông thôn, đầu tư nhiều mô hình sản xuất mới. Anh Nguyễn Đình Hoàng, ở thôn Hương Phú nói: “Qua việc tuyên truyền của xã, tôi nhận thức được hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới chính là đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Vì vậy, tôi đã tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công để cùng người dân trong thôn thực hiện đạt các tiêu chí”.
Các thôn khác của Hương Phong tập trung vào tiêu chí nâng cao thu nhập để vận động nhân dân phát triển kinh tế; qua đó, xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi. Thành công được đánh giá cao trong xây dựng nông thôn mới ở Hương Phong chính là phong trào phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại, góp phần nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân (từ 10,5 triệu đồng vào năm 2010 đến nay đạt 25 triệu đồng/người/năm).Ông Mai Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết: "Các ban ngành, đoàn thể của xã luôn đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng sát thực, phù hợp nhằm vận động người dân tham gia, đóng góp nguồn lực với nhiều hình thức. Nhờ vậy, toàn xã đã huy động được gần 10 tỷ đồng đầu tư vào các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; trong đó nhân dân đóng góp hơn 3,7 tỷ đồng, hiến gần 25.000m2 đất để làm đường…"
Khác với Hương Phong, xã Hương Nguyên của A Lưới khó khăn hơn do tỷ lệ hộ nghèo còn cao, gần 40%, nên địa phương đã nỗ lực gắn công tác xóa nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Giải pháp có tính hiệu quả là việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, gắn với liên kết vùng trong sản xuất nhằm phát huy thế mạnh của địa phương. Ông Hồ Xuân Phòng, Bí thư Đảng ủy xã Hương Nguyên cho hay: "Vai trò của nhóm hộ gia đình giúp nhau thoát nghèo ở hội nông dân, phụ nữ… được chọn là một trong những giải pháp thuận lợi trong vay vốn, trao đổi kinh nghiệm nuôi trồng, sản xuất; hình thành các nhóm hộ hỗ trợ phát triển. Mỗi gia đình đảng viên có điều kiện giúp đỡ 3 hộ có hoàn cảnh khó khăn…".
Mỗi nơi có cách vận động khác nhau, nhưng điểm chung của các địa phương để phát huy tốt sức dân chính là sự công khai, dân chủ trong quá trình vận động; tinh thần tiền phong, gương mẫu của các cán bộ đảng viên; sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền đã tạo được sự đồng thuận.
Sau khi tiếp nhận chủ trương về xây dựng nông thôn mới, các địa phương phối hợp với các ban, nghình, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua các cuộc họp thôn, cụm dân cư; đồng thời đến từng nhà phổ biến cho từng đối tượng để mỗi người dân nhận thức đúng, nắm rõ về nội dung của chương trình. Xây dựng đường giao thông nông thôn, đầu tư phát triển sản xuất, vệ sinh môi trường, làm đường ngõ, hàng rào... nhờ thông suốt đường lối, chủ trương, người dân ở A Lưới đã tự bàn bạc, thực hiện những phần việc một cách tự chủ, không ỷ lại Nhà nước. Nhiều gia đình ở các xã Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thái, Hồng Quảng, Hồng Kim, Hương Lâm, Bắc Sơn... đã hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để xây trường học, mở rộng đường giao thông...
Theo Bí thư Huyện ủy A Lưới Hồ Xuân Trăng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện chương trình nông thôn mới bằng những hành động, việc làm cụ thể. Các đoàn thể xây dựng, thực hiện tốt chương trình thi đua của mình, như hội nông dân với phong trào “Thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xoá đói giảm nghèo”; Đoàn thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới”... Cùng với đó, các địa phương đã phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, thu hút ngày càng nhiều già làng, trưởng bản, trí thức trẻ tham gia vào các hoạt động xây dựng nông thôn mới.
Bá Trí
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận