A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhật ký ghi từ biên giới: Nông dân nhường đất canh tác cho bộ đội lập chốt chống dịch

Đó là câu chuyện được ghi trong sổ tay, nhật ký của chị Trúc Hà, phóng viên Báo Biên phòng khi đến tác nghiệp tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chị đã ghi lại được những tình cảm rất đáng trân trọng của những người dân nghèo như gia đình các ông Hồ Văn Đốp ở thôn Chu Chail, anh Hồ Văn Nái và chị A Râl Thị Nhị cùng ở thôn A Tin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới.

Suốt từ đầu năm 2020 đến nay, là phóng viên Báo Biên phòng, chúng tôi đã có mặt khắp dải biên cương theo dấu chân những người lính quân hàm xanh trên tuyến đầu chống dịch. Tôi đã ghi lại nhiều hình ảnh, nhiều câu chuyện cảm động về ý chí, nghị lực vươn lên của các anh. Nhưng những ngày đầu tháng 6-2021, tới xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi lại được chứng kiến những câu chuyện rất xúc động từ những người nông dân nghèo nhưng nghĩa tình với bộ đội luôn dạt dào, đầy ắp.

Dù còn khó khăn, cuộc sống vất vả nhưng họ vẫn sẵn sàng cho Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế mượn đất canh tác để dựng chốt ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch bệnh xâm nhập qua biên giới.

Khi chúng tôi đến, chị A Râl Thị Nhị vẫn miệt mài bên khung dệt vải. Hai vợ chồng chị đều là người dân tộc Pa Cô, sinh ra và lớn lên ở xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ruộng lúa, gia đình chị chỉ có một hơn 1ha đất vườn ở gần đường biên giới để trồng keo và hoa màu. Cuộc sống tuy không giàu có nhưng ở bản làng biên giới thật yên bình cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát.

Nhật ký ghi từ biên giới: Nông dân nhường đất canh tác cho bộ đội lập chốt chống dịch
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và chị A Râl Thị Nhị.  

Năm trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, yêu cầu tăng cường tuần tra, kiểm soát, lập chốt phòng chống dịch Covid-19 được đặt ra. Nhưng đặt chốt ở đâu là bài toán khó khi chốt phải nằm ở vị trí thuận lợi cho công tác kiểm soát. Keo hoa màu thì đang lên phơi phới. Ấy vậy mà khi nghe anh em bộ đội "đặt vấn đề", không một chút do dự, vợ chồng chị đồng ý để Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế mượn 1 phần trong khu đất vườn ở gần đường biên giới dựng chốt Quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch. Hôm dựng chốt, Đoàn thanh niên xã Lâm Đớt và Đoàn Trường THPT Hương Lâm đã tới giúp bộ đội san mặt bằng; bà con trong thôn cũng người góp gỗ, người góp tre để dựng lán để bộ đội làm việc.

Tháng trước, cán bộ của Đồn Biên phòng A Đớt lại xuống đặt vấn đề với gia đình chị mượn đất lâu dài để dựng chốt kiên cố, do nhiệm vụ phòng chống dịch còn diễn biến phức tạp, có thể kéo dài. Thực lòng ban đầu chị cũng có chút băn khoăn. Đã có người nói, dịch kéo dài thế này biết đến khi nào mới hết để bộ đội trả đất? Liệu Bộ đội Biên phòng có lấy đất luôn không? Nghe những lời đấy vợ chồng chị cùng ngồi lại nói chuyện, nghe ngóng xem những người khác thế nào. Sau đó anh Hồ Văn Tét chồng chị đi hỏi thì được biết, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt dựng 6 chốt thì có 1 chốt dựng trên đất của xã, 4 chốt khác người dân đều đã đồng ý cho mượn, chỉ còn lại nhà chị. Còn chút băn khoăn nhưng nghĩ đến lợi ích chung, bộ đội trên tuyến đầu ngày đêm vất vả hiểm nguy còn không quản ngại, vợ chồng chị bàn bạc và quyết định đồng ý. Hơn thế nữa, bộ đội luôn nói đi đôi với làm, làm gì cũng vì dân vì nước, chắc sẽ không để mình thiệt và sau đó sự quan tâm của chỉ huy đồn đã chứng minh điều đó.

"Chồng tôi còn bảo, Trung tá Đồn trưởng Hồ Sĩ Hòa nói, vì mượn đất làm ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình nên sẽ cử cán bộ, chiến sĩ đến giúp cải tạo đất, làm ao thả cá để gia đình phát triển kinh tế. Như vậy vợ chồng tôi sẽ bớt lo hơn việc để dành tiền cho con trai sắp vào lớp 1. Trung úy Phạm Thái Sơn, đội phó Đội vận động quần chúng cũng nói, chừng nào còn ở đây thì sẽ theo dõi, kèm cặp việc học của con chúng tôi”, chị A Râl Thị Nhị kể lại với tôi. Sau khi nghe chồng nói vậy, ngay hôm sau, hai vợ chồng chị đã đến gặp Trung tá Hồ Sĩ Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt nói muốn được ký vào biên bản cho mượn đất lâu dài để bộ đội dựng chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19. 

Anh Hồ Văn Nái ở cùng thôn A Tin với chị A Râl Thị Nhị cũng đang cho đồn mượn đất dựng chốt, thế nhưng lúc nào cũng chỉ sợ bộ đội chuyển đi chỗ khác. Vốn dĩ đất nhà anh Nái để không, từ ngày có bộ đội về dựng chốt, đất xung quanh được cải tạo trồng hoa màu, nuôi gà, làm rào cẩn thận trông rất đẹp. Nhà anh Nái lúc nào cũng rộn rã tiếng cười nói bởi vậy mà không cần bộ đội mở lời, anh Nái đã chủ động nói bộ đội ở bao lâu cũng được.

Nhật ký ghi từ biên giới: Nông dân nhường đất canh tác cho bộ đội lập chốt chống dịch
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt giúp gia đình chị A Râl Thị Nhị, anh Hồ Văn Tét cải tạo ao để phát triển kinh tế gia đình.

Những ngày ở nơi đây, chúng tôi còn gặp ông Hồ Văn Đốp, ở thôn Chu Chail. Ông chân thành nói với chúng tôi: Nếu phải nhường cả nhà ở cho bộ đội làm chốt phòng dịch ông cũng sẵn sàng. Ông Đốp trước đây là tham gia Công an nhân dân vũ trang, công tác tại cửa khẩu La Lay (tỉnh Quảng Trị). Trong ký ức của ông, ngày trước, đồng bào Vân Kiều ở La Lay khó khăn lắm nhưng luôn đùm bọc bộ đội để bộ đội hoàn thành tốt được nhiệm vụ; bởi vậy khi Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt mượn đất ông đồng ý ngay, không do dự gì cả.

Sau Tết Bun Pi May, nước Lào liên tục phát hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Lo sợ dịch, nhiều người tìm cách vượt biên về Việt Nam. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trên các chốt tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Tháng 4 và 5-2021, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã phát hiện, ngăn chặn 4 vụ/10 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Lào vào địa bàn. Đơn vị đã lập biên bản xử phạt hành chính và phối hợp chính quyền địa phương đưa đi cách ly theo đúng quy định. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì nếu không có Bộ đội Biên phòng phát hiện kịp thời thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là rõ ràng, không biết lúc này thôn, xã có còn bình yên không.

Chia tay những con người thật thà, chất phác ấy, chúng tôi cứ nhớ mãi câu nói của chị A Râl Thị Nhị: "Cho bộ đội mượn đất làm chốt là vì công việc chung. Bà con chúng tôi hiểu rằng, những lúc như thế này, quân và dân phải đồng lòng thì mới chiến thắng được đại dịch...”.

THANH TRÚC

(QĐND)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội