"Lưu bút lưu tình"
Chúng tôi trở lại Trường Quân sự Quân khu khi 581 công dân đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung và trở về địa phương. Vậy nhưng, không khí làm việc của cán bộ, chiến sĩ vẫn rất tất bật để vệ sinh, khử khuẩn các phòng ở, chỉnh trang doanh trại... sẵn sàng tiếp nhận đồng bào đến cách ly khi có yêu cầu.
Giây phút chia tay, rất nhiều người đã không kìm được cảm xúc khi rời khỏi nơi mà họ có 14 ngày trải nghiệm và để lại nhiều kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời. Nhiều lá thư viết vội, được dúi vào tay các cán bộ, chiến sỹ và đội ngũ y, bác sỹ thay cho lời cảm ơn…
Báo Quân khu 4 điện tử được một số chiến sĩ chia sẻ về những lá thư ấy. Tất cả đều có nội dung rất xúc động…
Nét chữ có phần nguệch ngoạc, nhưng những dòng tâm sự của anh Nguyễn Bá Định, ở Yên Thành, Nghệ An, sinh sống, làm ăn ở Lào lại đầy tình cảm chân thành: “Toàn bộ công dân phòng số 10, đi làm ăn ở nước Bạn Lào về được tiếp đón, cách ly tại Tiểu đoàn 3, Trường Quân sự Quân khu 4. Trong thời gian cách ly (từ 27/4 cho đến nay), chúng tôi chân thành cảm ơn các cán bộ Bộ đội Cụ Hồ của Quân khu 4 đã nhiệt tình giúp đỡ, sát cánh cùng nhân dân chống dịch Covid-19. Công dân đều rất hài lòng với sự phục vụ của các anh bộ đội, ăn uống đầy đủ ngày 3 bữa, các anh đo thân nhiệt cho chúng tôi ngày 2 lần và cấp phát khẩu trang. Một lần nữa toàn bộ công dân chúng tôi cảm ơn sâu sắc đến các anh Bộ đội Cụ Hồ Trường Quân sự Quân khu 4”.
.jpg)
“Lưu bút lưu tình” là những dòng tâm sự của một công dân giấu tên có dòng đầu tiên vừa bằng chữ Việt Nam vừa bằng chữ Lào. Dòng lưu bút mạch lạc, cú pháp chặt chẽ có đoạn viết: “Đến nay cũng đã tròn 10 ngày tôi tôi cùng hơn 200 công dân đi làm ăn từ Thái Lan và Lào về cách ly tại đây. Quả thật lúc đầu mới về khu cách ly, tôi nghĩ 14 ngày này sẽ dài, thật khó khăn và thiếu thốn. Nhưng thật sự tôi đã sai khi nghĩ vậy. Và thực tế, ngày ngày chúng tôi được các đồng chí quân y thăm khám bệnh, đo thân nhiệt, được trò chuyện, luyện tập thể dục thể thao, được phổ biến về cách phòng chống dịch, giúp chúng tôi hiểu rõ hơn sự nguy hiểm của dịch bệnh. Ăn uống đầy đủ, đều đặn, được cung cấp những thứ cần thiết, dù là nhỏ nhất… Có lẽ tôi không tìm ra được một nơi nào nữa mà cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhường chỗ ăn, ở, sinh hoạt hàng ngày cho người dân về cách ly. Ra rừng lập lán, lập trại, ở qua ngày, chịu khó, chịu nắng mưa. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé, may mắn trước sự hi sinh lớn lao đó…”.
.jpg)
Còn “thi sĩ” Cao Văn Hưng, ở Đội 6, xã Diễn Xuân, Diễn Châu, Nghệ An thể hiện tình cảm của mình bằng bài thơ “Tự hào quá Tiểu đoàn 3” sáng tác ngày 8/4/2020. Bài thơ có cách gieo vần khá ấn tượng, lời thơ gần gũi, mộc mạc, dễ nhớ dễ thuộc và dễ đi vào lòng người. Đúng là “xuất khẩu thành thơ”:
Cảm ơn chiến sĩ Tiểu đoàn 3
Có mấy câu thơ để gọi là
Các anh ở đây gần gũi quá
Nhiệt tình tâm huyết vì dân ta
Cơm ăn, nước uống phải gọi là
Đầy đủ mọi thứ chẳng kêu ca
Trưa cơm cá, chiều thịt gà
Còn đồ tráng miệng sướng quá ta
Công dân đi làm ăn xa
Tiểu đoàn 3 đón tiếp như là người thân
Dặn dò, chăm chút ân cần
Chiến sĩ cũng như công dân
Chấp hành nghiêm chỉnh đề ra
Khẩu trang che kín mỗi khi ra ngoài
Thể thao, thể dục dẻo dai
Gái trai tập luyện để mai ra về
Ở đây với Tiểu đoàn 3
14 ngày thôi ngỡ như là
Gia đình yêu quý của chúng ta
Sao thân thương quá Tiểu đoàn 3
Đã cho chúng ta một mái nhà
Cùng nhau chống dịch Cô rô na
Bình yên trở lại với chúng ta
Tôi tự hào quá Tiểu đoàn 3.
.jpg)
Bài, ảnh: MẠNH HÙNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận