Bảo tàng Quân khu 4 tiếp nhận kỷ vật của vợ chồng cựu thanh niên xung phong
Ngày 22/5/2025, Bảo tàng Quân khu 4 tổ chức lễ tiếp nhận những kỷ vật vô giá của vợ chồng cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Văn Thân, nguyên Đại đội 168, Binh trạm 8, Đoàn 559 và bà Vũ Thị Kim Liên, nguyên Tiểu đoàn 2, Binh trạm 14, Đoàn 559. Đây là những hiện vật minh chứng cho một thời kỳ chiến đấu gian khổ nhưng đầy vinh quang của hai ông bà trên tuyến đường 20 Quyết Thắng huyền thoại trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1975.
Ông Trần Văn Thân sinh năm 1944, quê quán xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Tháng 8 năm 1965, với tinh thần yêu nước nồng nàn, ông tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP Nghệ An và được biên chế vào Đại đội 168, Binh trạm 8, Đoàn 559. Tại Công trường 20, miền Tây Quảng Bình, ông đã cùng đồng đội kiên cường bám trụ, bảo vệ tuyến đường huyết mạch - đường 20 Quyết Thắng, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt cho tiền tuyến.

Cùng thời điểm đó, bà Vũ Thị Kim Liên, sinh năm 1949, quê ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cũng hăng hái lên đường tham gia kháng chiến trên tuyến đường Trường Sơn. Bà được phân công nhiệm vụ mở đường, gùi lương thực, tải đạn thuộc Tiểu đoàn 2, Binh trạm 14, Đoàn 559. Dù hoạt động ở hai đơn vị khác nhau, song cả ông Thân và bà Liên đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết của tuổi trẻ, không quản ngại gian khổ, lập nhiều thành tích xuất sắc trong suốt những năm tháng phục vụ chiến đấu.
Trong những năm tháng gian lao mà oanh liệt đó, ông Trần Văn Thân và bà Vũ Thị Kim Liên đã cùng nhau gìn giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng. Trong đó, tiêu biểu là chiếc chăn được cấp cho ông Thân vào năm 1968, vật dụng gắn bó với ông trong những đêm hành quân, trú quân gian khổ, và Giấy chứng nhận đã hoàn thành nhiệm vụ thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước của bà Vũ Thị Liên, minh chứng cho sự cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tại buổi trao tặng hiện vật, gia đình ông Trần Văn Thân và bà Vũ Thị Kim Liên bày tỏ niềm xúc động và hy vọng những kỷ vật này sẽ giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về những khó khăn, gian khổ mà cha ông đã trải qua. Qua đó, góp phần tái hiện một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt là những câu chuyện cảm động về các chiến sĩ TNXP trên tuyến lửa Đường 20 Quyết Thắng - con đường huyền thoại, biểu tượng cho khát vọng độc lập, tự do và ý chí kiên cường của Nhân dân Việt Nam.
Việc tiếp nhận những kỷ vật quý giá này không chỉ làm phong phú thêm tài liệu, hiện vật trưng bày của Bảo tàng Quân khu 4 mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tin, ảnh: TRÀ MY
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận