Những người "cõng phim" ra chiến trường
Những năm kháng chiến chống Mỹ, “binh chủng chiếu phim”, văn hóa, văn nghệ trên đất Quân khu 4 đông vui ơi là đông vui! Văn công có 3 đoàn “liền chị” là Đoàn Văn công Quân khu 4, Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên - Huế, Đoàn Văn công Trường Sơn (559) và hàng chục đội tuyên truyền “liền em” văn nghệ của các tỉnh đội, sư đoàn, Đoàn 22A, Đoàn 22B, Trường Quân chính. Chiếu phim có Liên đội chiếu phim Phòng Tuyên huấn Quân khu 4, Liên đội chiếu phim Quân giải phóng Trị Thiên - Huế, Liên đội chiếu bóng Trường Sơn và 26 đội chiếu bóng của các đơn vị cơ sở. Các đơn vị Quân giải phóng Trị - Thiên - Huế, Đoàn 559 dù là của Bộ đứng chân trên địa bàn nhưng có sự liên kết phục vụ với các đơn vị của Quân khu 4. Tất cả đã tạo thành một lực lượng vừa đông vừa mạnh, xung kích nòng cốt xây dựng đời sống văn hóa trong chiến tranh làm nên một thời “Tiếng hát át tiếng bom” với những “bài ca không thể nào quên” trên địa bàn Quân khu 4.
Chuyện về Liên đội chiếu phim Quân khu 4 trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước là chuyện về những người lính đánh giặc để chiếu phim, chiếu phim để động viên cổ vũ chiến sỹ và đồng bào đánh giặc. Mang tên những miền quê anh hùng và những anh hùng, 6 đội chiếu phim của Liên đội là: Đội 12/9, Đội Điện Biên, Đội Ấp Bắc, Đội Phan Đình Giót, Đội Cù Chính Lan, Đội Lý Tự Trọng là 6 đơn vị chiến đấu. Trang bị của họ bên máy chiếu phim, máy nổ, phông màn là AK, lựu đạn để cùng đồng đội đánh giặc mà đi, mở đường mà chiếu phim.
Máy bay, pháo hạm Mỹ đánh phá quyết liệt không dùng ô tô vận chuyển thiết bị thì họ dùng xe đạp, dùng đôi vai để gùi, thồ máy móc, phương tiện đi phục vụ. Ban đêm địch đánh phá quyết liệt chẳng kém gì ban ngày, họ lợi dụng các hang, động, địa đạo làm rạp. Nếu phải chiếu ngoài trời thì dùng vải đen che từ màn ảnh đến máy chiếu cho ánh sáng không phát lộ ra ngoài, tổ chức trực báo động phòng không để phục vụ. Khó khăn, gian khổ, ác liệt là vậy nhưng chỉ tiêu phục vụ 20 đêm một tháng không chỉ 6 đội của Quân khu mà các đội của Cục hậu cần, Quân y viện 4, Phòng Địch vận, các Tỉnh đội Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh, các sư đoàn, nhà trường… đội nào cũng vượt chỉ tiêu.
Năm tháng đi qua nhưng âm vang của tiếng máy chiếu phim hòa trong tiếng rít gầm của máy bay, tiếng thét gào của bom đạn vẫn mãi mãi vọng vang, bồi hổi trong lòng những người lính chiếu phim một thời trận mạc… Chiến sỹ thuyết minh Nguyễn Văn Minh hết lương khô, nhịn ăn cả ngày vẫn thồ máy đi phục vụ. Trời nắng như đổ lửa, bụng đói cồn cào, mắt hoa, tay chân bủn rủn cả người lẫn xe lăn xuống vực Nguộc, Thanh Chương, Nghệ An. Xuống tận đáy vực, Minh mới tỉnh, sờ thấy máy không hư hỏng gì Minh mừng quá quên cả đói, quên cả mệt, anh buộc máy, buộc xe vào lưng bám theo bờ vực dốc đứng mà leo. Chẳng hiểu sức mạnh thần kỳ từ đâu tới mà sau ba chuyến Minh đã đưa được toàn bộ trang bị lên bờ để kịp tối đó phục vụ thương binh vừa ở chiến trường ra.
Anh em trong đội Cù Chính Lan gói máy gói phim vào túi ni lông theo thuyền tiếp tế của dân quân ra đảo Cồn Cỏ. Pháo hạm bắn vu vơ chẳng may hai quả trúng thuyền, vừa cấp cứu người bị thương, vừa bịt lỗ thủng của thuyền đưa máy, đưa phim lên đảo. Nghe tin điểm chốt Cổng Trời gần nửa năm chưa được xem phim, anh em Đội Ấp Bắc vận động Nhân dân bắc 3 lần thang, 4 lần cầu để gùi cõng máy lên phục vụ. Đội Điện Biên của Quách Văn Thử phục vụ chiến sỹ và đồng bào bến vượt Xuân Sơn (Quảng Bình) trong động Phong Nha khi chiếu phim tài liệu Mẹ Suốt tất cả mọi người đều đứng dậy hát vang bài “Quảng Bình quê ta ơi” theo giai điệu nhạc trên phim. Kết thúc buổi chiếu chẳng ai cầm càng mà tất cả cùng ở lại cùng hát vang những bài ca về đất lửa Quảng Bình về Thái Văn A, về Nguyễn Viết Xuân… hát cho đến trời tang tảng sáng mới về.
Năm tháng đi qua nhưng ký ức về những lần phục vụ Nhân dân các dân tộc Lào luôn sống động trong tâm thức Bùi Văn Châu… Nghe tin có đội chiếu phim quân tình nguyện về, Nhân dân chín núi, mười mường kéo nhau về xem như trẩy hội. Chập choạng tối là đêm chiếu bắt đầu, những chỗ quân ta xung phong đồng bào đứng dậy hoan hô, vỗ tay, la hét vang động cả núi rừng. Chiếu hết cơ số phim mang theo, đồng bào đốt lửa nhỏ cho ấm, cho sáng để cùng bộ đội uống rượu, phòn, múa hát lăm vông, lăm tơi. Hát múa mấy vòng, uống xong mấy ché rượu đồng bào lại trật tự ngồi lại vị trí cũ xem phim. Lúc này chỉ cần hình ảnh, không cần thuyết minh nữa! Cứ thế khi nào trời sáng hẳn đồng bào mới chịu về. Ngày đội ra đi, cả bản ra tiễn, già bản buộc chỉ cổ tay (xù khoắn) hẹn sớm trở lại cùng bản.
Đội Cù Chính Lan theo lịch thì đến hẹn phục vụ cho Đoàn Pháo cao xạ 214 (Đoàn Sông Gianh) đang tác chiến ở miền Tây Quảng Bình. Chờ mãi không thấy đội tới, Trung đoàn cử trinh sát đi tìm, ai dè đội “bị” hai đại đội nữ thanh niên xung phong “bắt cóc”. “Bắt” về, có gì ngon nhất chị em đều đem ra thiết đãi. Áo quần anh em trong đội bị rách, phông màn bị bom bi làm thủng, chị em chia nhau khâu vá lại lành lặn. Trinh sát Đoàn 214 phải “năn nỉ” mãi chị em mới chịu “thả”. Thế nhưng thả rồi, thì cả hai đại đội, chị em ai cũng nước mắt ngắn, nước mắt dài! Chị em khóc, anh em trong đội cũng khóc. Giọt nước mắt của tình đồng chí chung chiến hào trong những ngày gian khổ ấy chẳng bao giời khô trên đôi má họ.
“Phòng, máy là vũ khí, chiến sĩ chiếu phim là dũng sĩ, chiến trường là nơi lập công” lời căn dặn của Thiếu tướng Lê Quang Hòa, Chính ủy Quân khu trong lần tiễn toàn liên đội đi phục vụ Chiến dịch Đường 9 Nam Lào đã trở thành khẩu hiệu hành động, lời thể của liên đội chiếu bóng Phòng Tuyên huấn Quân khu 4 trong những năm kháng chiến. Ở đâu có chiến sự ác liệt ở đó có mặt họ. Ba cán bộ, chiến sỹ của đội chiếu bóng Tỉnh đội Hà Tĩnh, hai chiến sỹ của liên đội chiếu bóng Quân khu đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Hàng chục cán bộ, chiến sỹ khác trong mình mang đầy thương tích những khi trái gió, trở trời còn nhức nhối. Chiến sỹ Dương Điền của Liên đội có bài thơ “Nhớ bạn” viết để tặng anh Mực đã hy sinh, mọi người trong Liên đội ai cũng thuộc: “Máy bay Mỹ rợp trời/ Đạn bom như vãi trấu/ Bám từng trận chiến đấu/ Màn ảnh vẫn sáng ngời…”
Những năm tháng ấy, Liên đội chiếu phim Phòng Tuyên huấn Quân khu còn là trường đào tạo cán bộ nghiệp vụ chiếu phim cho các chiến trường. Phương thức đào tạo “Lý thuyết vừa đủ, nặng về thực hành, đào tạo toàn năng, giỏi một việc, biết hết việc” nên sau khi học lý thuyết xong là chia nhau đi xuống các đội vừa học, vừa thực hành tại chiến trường. Hàng năm Liên đội vinh dự được đưa từ 2 - 5 đội mới thành lập đi chiến đấu và họ đã mang cả lời thề, truyền thống của Liên đội tới thành lập các đội chiếu phim trên các chiến trường gần, chiến trường xa. Năm 1968, ba cán bộ của Liên đội là các đồng chí Dương Điềm, Nguyễn Trường Giang và Nguyễn Quang Huy được chọn đi thành lập đội chiếu phim phục vụ Trung ương Đảng và Chính phủ thuộc Văn phòng Chủ tịch nước.
Một trong những cán bộ chỉ huy liên đội đầu tiên và gắn bó với đội trong những ngày gian khổ là đồng chí Bùi Lâm. Ông thuộc thế hệ những chiến sĩ chiếu phim từ trong kháng chiến chống Pháp. Về nghỉ hưu ở Sài Gòn, ông đã lặn lội đi khắp ba miền đất nước để gặp các đồng đội, anh em trong liên đội chiếu phim Phòng Tuyên huấn Quân khu 4 tìm tư liệu, biến căn nhà nhỏ của mình thành một Bảo tàng liên đội chiếu bóng Quân khu 4. Nơi đây hình ảnh, tên tuổi, quê quán các đồng chí đã từng gắn bó với Liên đội như Nguyễn Đình Lương, Nguyễn Hữu Dục, Lê Văn Minh, Nguyễn Tuấn Khanh, Hoàng Điền… và rất nhiều hiện vật khác đã được ông trưng bày một cách công phu. Các liệt sỹ của Liên đội như anh Mực, anh Châu được ông đặt lên bàn thờ Tổ quốc của phòng trưng bày và dặn cháu con: “Sau này hãy hương khói cho các chú ấy như hương khói cho ba”.
Ký ức về một thời đạn bom, ký ức về đồng đội, về những đêm trên bom, dưới đạn chiếu phim phục vụ chiến sỹ đồng bào vẫn mãi mãi tỏa sáng trong tâm hồn ông và tâm hồn những chiến sỹ văn hóa Quân khu 4. Đó là liều thuốc thần giúp họ sống vui, sống khỏe, sống có ích, sống xứng đáng với đồng đội đã hy sinh. Liên đội chiếu bóng Phòng Tuyên huấn Quân khu 4 là đơn vị nòng cốt để Cục chính trị Quân khu 4 thành lập Nhà văn hóa Quân khu 4 ngày nay.
NGUYỄN KHẮC THUẦN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận