A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thơ Tố Hữu

Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/1920, ở làng Phù Lai, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông là một nhà thơ cách mạng lớn của dân tộc. Bằng những áng thơ bất hủ, chạm đến từng trái tim của mỗi người dân Việt Nam, nhà thơ Tố Hữu đã viết về những chặng đường cách mạng của dân tộc với một tầm khái quát cao và sự rung động to lớn. Vì thế, những bài thơ của ông đã chiếm được tình cảm của đông đảo độc giả.

Nhà thơ Tố Hữu đã dành tình cảm đẹp nhất và có lẽ ông cũng là một trong những người đầu tiên viết và thành công nhất về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Năm 1947, trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông, lúc chạy giặc từ Thái Nguyên về Bắc Giang, qua Vĩnh Yên lên Phú Thọ, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài “Cá nước” in trên Tạp chí Văn nghệ số 1.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hành Bộ tem đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu.

“Tôi ở Vĩnh Yên lên/Anh trên Sơn Cốt xuống/Gặp nhau lưng đèo Nhe/Bóng tre trùm mát rượi/Anh là Vệ quốc quân/Tôi là người cán bộ/Hai đứa mỏi nhừ chân/Nghỉ hơi ngồi một chỗ/Gặp nhau mới lần đầu/Họ tên nào có biết?/Anh người đâu, tôi đâu/Gần nhau là thân thiết... Giọt giọt mồ hôi rơi/Trên má anh vàng nghệ/Anh vệ quốc quân ơi/Sao mà yêu anh thế!/Tôi nhích lại gần anh/Người bạn đường anh dũng...”

Đây là bài thơ nổi tiếng đầu tiên viết về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ còn thể hiện tình cảm của nhà thơ đối với những chiến sĩ, đó còn là tình cảm của toàn Đảng, toàn dân ta đối với lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam. Tình cảm đó đã nói lên sức mạnh của quân và dân, tạo nên chiến thắng oanh liệt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bài thơ “Cá nước” còn thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa quân và dân, phản ánh hình ảnh người chiến sĩ từ dân mà ra và vì Nhân dân mà chiến đấu.

Có nhiều nhà thơ viết về bộ đội như Chính Hữu với bài “Đồng chí”, Quang Dũng với “Tây Tiến”, Hoàng Trung Thông viết “Bộ đội về làng” nhưng qua bài thơ “Cá nước”, đã cho thấy Tố Hữu là người đầu tiên viết về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thực sự là của dân, do dân.

Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông, nhà thơ Tố Hữu tiếp tục viết bài thơ nữa ca ngợi bài quê hương, đất nước, tình cảm của Nhân dân với bộ đội và tình cảm của bộ đội với Nhân dân, đó là bài thơ “Bầm ơi”.“Con đi trăm núi ngàn khe/Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm/Con đi đánh giặc mười năm/Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi/Con ra tiền tuyến xa xôi/Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền/Nhớ thương con bầm yên tâm nhé/Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân... Nhớ con, bầm nhé đừng buồn/Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm...”. Bài thơ còn thể hiện tình cảm và nỗi niềm nhớ thương mẹ của người chiến sĩ. Ở bài thơ này khắc họa hình ảnh một người mẹ cụ thể nhưng cũng là “người mẹ đất nước”. Bài thơ còn thể hiện sự biểu cảm rất sâu đậm của bộ đội gắn bó với bà mẹ và quê hương.

Trong thời gian này, Tố Hữu còn có một bài thơ rất đẹp nữa là bài “Lên Tây Bắc”. Đây là bài thể hiện hào khí, lạc quan của bộ đội trên đường ra tiền tuyến đánh giặc. “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo/Núi không đè nổi vai vươn tới/Lá ngụy trang reo với gió đèo/Quê hương anh đó gió sương mù/Và rú rừng đây của chiến khu/Cỏ ngập đồng khô mờ lối cũ/Tan hoang làng cháy khói căm thù/Anh đi tìm giặc, tôi tìm anh/Người lính trường chinh áo mỏng manh/Mỗi bước vàng theo đồng lúa chín/Lửa vui từng mái nứa tươi xanh...”.

Bác Hồ làm việc với nhà thơ Tố Hữu (năm 1960).

Rồi đến bài thơ “Voi” viết về bộ đội pháo binh một lần nữa khẳng định tình cảm của nhà thơ đối với các chiến sĩ: “Nào voi nào Vệ/Ta quyết một lòng/Voi hăng voi nhé/Trận này lập công”. Thơ của Tố Hữu còn thể hiện sức mạnh của quân đội Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên": “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi,ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!/Những đồng chí thân chôn làm giá súng...”

Nhà thơ Tố Hữu đã theo sát từng bước đi của người lính, từng bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thông qua những áng thơ, ông đã miêu tả bản chất của người lính từ nhân dân mà ra, chiến đấu có lý tưởng, khát vọng, hoài bão, đó còn là sức mạnh đoàn kết của Quân đội.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Tố Hữu có rất nhiều bài hay về bộ đội, tình quân dân đậm đà “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Tố Hữu đi vào Trường Sơn và có một sự khái quát rất cụ thể trong bài thơ “Theo chân Bác”: “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai!”

Tố Hữu còn dành tình cảm sâu đậm cho những người lính trẻ ở Trường Sơn trong bài “Nước non ngàn dặm” viết vào mùa Hè năm 1973: “Mấy chàng lính trẻ măng tơ/Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”.

Thơ Tố Hữu luôn gắn tình quân dân, trong kháng chiến chống Pháp có bài “Bầm ơi”. “Con đi trăm núi ngàn khe/Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm/Con đi đánh giặc mười năm/Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi/Con ra tiền tuyến xa xôi/Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền/Nhớ thương con bầm yên tâm nhé...; trong kháng chiến chống Mỹ có bài “Mẹ Suốt”, chèo đò chở cán bộ, quân đội qua sông: “Một tay lái chiếc đò ngang/Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày/Sợ chi sóng nước tàu bay/Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!/Kể chi tuổi tác già nua/Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!”.

Điều này cho thấy góc độ bao quát của Tố Hữu rất lớn, vừa nói trực tiếp hình ảnh bộ đội ở chiến trường nhưng cũng thể hiện hình ảnh gốc gác, nguồn cội của người chiến sĩ gắn bó với nhân dân với địa phương và ngược lại, các bà mẹ ở hậu phương lại gửi gắm tình cảm đẹp nhất đối người những người lính ở mặt trận.

Tố Hữu là một trong số những nhà thơ có nhiều bài nhất viết về bộ đội và ông luôn dành tình cảm đặc biệt cho người lính. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thơ ông như một biểu tượng của lòng quả cảm, niềm tự hào dân tộc.

Theo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội