Vẻ đẹp Hồ Chí Minh trong thơ Tố Hữu
Tố Hữu là nhà thơ khắc họa thành công chân dung, hình tượng Hồ Chí Minh ở cả tầm cao và chiều sâu; ở cả dung nhan, diện mạo bên ngoài và tinh thần, tâm hồn, cốt cách bên trong; ở cả tư tưởng mang tầm thời đại và những cử chỉ, việc làm bình dị của một nhân cách lớn. Tố Hữu giúp chúng ta nhìn từ xa thấy hình tượng Bác Hồ lung linh tỏa sáng, nhìn gần thấy hình ảnh Người ấm áp, thân thương.
Nhà thơ Tố Hữu may mắn, vinh dự hơn nhiều nhà thơ khác cùng thời, vì trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, ông thường xuyên được gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì thế nhà thơ có cái nhìn vừa khái quát về hình tượng Bác Hồ, vừa có góc nhìn tinh tế, sâu sắc từ khuôn dung, diện mạo, thần thái, đức hạnh của Người trong cuộc sống, sinh hoạt và công tác.
Phác họa chân dung Hồ Chí Minh vĩ đại
Những ngày cuối tháng Tám năm 1945, như để tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho nhân dân quyết giữ bằng được chính quyền cách mạng non trẻ vừa giành được, nhà thơ Tố Hữu đã phác họa chân dung Hồ Chí Minh bằng những câu từ hào sảng qua bài thơ đầu tiên sáng tác về Người có tựa đề “Hồ Chí Minh” (26/8/1945).
Mở đầu bài thơ, Tố Hữu đã “dựng tượng” Bác Hồ trong lòng dân đất Việt bằng những câu từ khái quát: “Người lính già/ Đã quyết chiến hy sinh/ Cho Việt Nam độc lập/ Cho thế giới hòa bình”. Gọi Hồ Chí Minh là “người lính già”, vì năm đó Bác 55 tuổi và Người đã trải qua 30 năm bôn ba ở hải ngoại, từng lên rừng, xuống biển, dãi nắng, dầm sương, với đủ nghề làm thuê kiếm sống ở nơi xứ người xa lạ. Hình tượng Hồ Chí Minh được Tố Hữu thêm một lần miêu tả qua những vần thơ súc tích: “Hồ Chí Minh/ Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng/ Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc/ Trăm thế kỷ trong tên người: Ái Quốc/ Bạn muôn đời của thế giới đau thương” (Hồ Chí Minh).
Có lẽ Tố Hữu là người sớm nhìn thấy tầm vóc mang tầm thời đại của Hồ Chí Minh, bởi Người không chỉ được ví như ngọn đuốc soi sáng, phất cao ngọn cờ cho nhân dân Việt Nam vượt qua bóng tối, hướng về ánh sáng và đi tới con đường hạnh phúc, mà Người còn là chiến sĩ cộng sản quốc tế đã đấu tranh kiên cường vì những mục tiêu cao cả của các dân tộc bị áp bức, nô lệ trên toàn thế giới. Đó cũng là lý do để 45 năm sau, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1990), UNESCO đã tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.
Nếu như bài thơ “Hồ Chí Minh” viết tháng 8-1945, Tố Hữu “ký họa” chân dung Hồ Chí Minh ở tầm cao về tinh thần dấn thân, mục đích cống hiến, thì trong một số bài thơ sau này, hình tượng Hồ Chí Minh được khắc họa ở chiều sâu tư tưởng, vẻ đẹp nhân cách. Trong bài thơ “Sáng tháng Năm” viết tháng 5-1951, Tố Hữu có những “nét vẽ tài hoa” về phong thái đặc biệt của Bác Hồ: “Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao/ Giọng của Người, không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”; và: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”.
Sau khi Bác Hồ từ trần (ngày 2/9/1969), Tố Hữu đã thay mặt đồng bào, chiến sĩ cả nước khóc Bác bằng bài thơ “Bác ơi” với những câu từ chan chứa yêu thương, thành kính, tri ân công lao trời biển của Bác đối với nước, với dân. Trong bài thơ dạt dào xúc cảm này, hình tượng Hồ Chí Minh đã toát lên một vẻ đẹp siêu thực mà hiện thực: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”; lớn lao mà bình dị: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”; cao cả mà thân thương: “Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ/ Cho hôm nay và cho mai sau”; vĩ đại mà đời thường: “Vui tiếng ca chung hòa bốn biển/ Nâng niu tất cả, chỉ quên mình”.
Một con người mà cốt cách cao thượng như người cha, tấm lòng hiền từ như người mẹ, tình cảm ân cần như người bác, tấm lòng nâng đỡ như người anh, con người ấy xứng đáng được ví như “Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” giữ nhịp sống cho cả cộng đồng, dân tộc, non nước được trường tồn. Mỗi lời nói, chỉ dẫn, căn dặn của Người như chứa đựng hồn sông khí núi, như chứa đựng cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là tầm vóc, nhân cách đặc biệt chỉ có ở Hồ Chí Minh, mà sau này trong Điếu văn của Đảng ta tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969, đã khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Khắc họa hình ảnh Cụ Hồ hiền từ, phúc hậu
Không chỉ khái quát hình tượng Hồ Chí Minh bằng những vần thơ hào sảng, Tố Hữu rất nhạy cảm, tinh tế khi lột tả dung nhan, phong cách, tấm lòng của Bác Hồ hiện diện qua đôi mắt, vầng trán, mái tóc, chòm râu.
Trong nhiều bài thơ của Tố Hữu, hình ảnh đôi mắt, vầng trán của Bác toát lên vẻ đẹp vừa lãng mạn, cao sang, huyền ảo, vừa hiện thực, ấm áp, thân thương: “Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi/ Ta lớn cao lên, bay bổng diệu kỳ” và: “Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút/ Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời/ Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười/ Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi” (Sáng tháng Năm); “Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường” (Việt Bắc); “Người đứng trên đài, lặng phút giây/ Trông đàn con đó, vẫy hai tay/ Cao cao vầng trán... Ngời đôi mắt/ Độc lập bây giờ mới thấy đây” (Theo chân Bác).
Ngạn ngữ có câu “Giàu hai con mắt” và “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Đôi mắt Bác Hồ đâu chỉ nhìn nhận, quan sát, mà đó là đôi mắt “biết cười”, nào là “cười phấn khởi”, “cười không gì vui bằng” và toát lên vẻ tinh anh diệu kỳ qua hình ảnh “mắt sáng ngời”, “ngời đôi mắt”... Nụ cười hiện lên nét sáng trong, rạng rỡ từ đôi mắt Bác Hồ như có sức hút, sức cảm hóa, sức truyền cảm hứng đặc biệt đối với muôn dân.
Trong nhân tướng học, đôi mắt được ví như “giám sát quan” trên gương mặt con người và tướng thuật so sánh đôi mắt như mặt trăng, mặt trời chiếu sáng trần gian, còn vầng trán biểu thị cho trí tuệ, phúc đức của con người. Những người có vầng trán cao, rộng, thanh thoát thường biểu hiện cho tài năng, đức độ hơn người. Có lẽ hiểu điều đó, Tố Hữu đã khắc họa vầng trán Bác Hồ thật tinh tế qua những câu từ biểu cảm như: “Trán mênh mông thanh thản”, “Cao cao vầng trán”... Tính từ “mênh mông”, “thanh thản”, “cao cao” khi gắn với vầng trán vừa mang ý nghĩa khái quát hàm xúc về diện mạo, thần thái trên gương mặt Bác, vừa thể hiện tinh thần ung dung, tự tại của Người.
Cụ Hồ sở hữu mái tóc bạc, chòm râu trắng mang vẻ đẹp nho nhã, thanh tao, đậm chất Á Đông, giống như phong thái của một bậc văn nhân tiết tháo thời xưa. Nhìn chòm râu, mái tóc bạc của Cụ Hồ, chúng ta liên tưởng đến hình ảnh ba ông Phúc-Lộc-Thọ có bộ râu dài được toát lên trên khuôn mặt hiền từ, nhân hậu. Tố Hữu khi thì ước ao được hôn mái tóc, chòm râu Bác vì cảm nhận được sự bình yên, thanh thản trong khoảnh khắc đó: “Cho con hôn mái đầu tóc bạc/ Hôn chòm râu mát rượi hòa bình” (Sáng tháng Năm); khi thì hình tượng hóa lý tưởng của cách mạng và niềm vinh quang của đất nước gắn với mái tóc của Người: “Đã sáng lại trời thu tháng Tám/ Trên đường ta về lại Thủ đô/ Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ” (Ta đi tới, tháng 8-1954). Có lúc nhà thơ bày tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao trời biển của Bác đối với Đảng, với nước, với dân khi nhớ về mái tóc của Bác: “Bạc phơ mái tóc người cha/ Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người” (Ba mươi năm đời ta có Đảng, năm 1960).
Có lúc Tố Hữu thể hiện sự nhớ nhung, lo lắng cho sức khỏe, tuổi già của Bác: “Bác đi muôn dặm đường xa/ Hôm nay tuyết lạnh, nay vừa nắng lên/ Bác về tóc có bạc thêm?/ Năm canh, bốn biển, có đêm nghĩ nhiều?” (Cánh chim không mỏi, tháng 12-1960). Trong đoạn thơ hiện lên 3 hình ảnh màu trắng lung linh như hòa quyện vào nhau là màu tuyết, màu nắng, màu tóc bạc. Qua những từ “tuyết lạnh", "nắng lên", "tóc có bạc thêm”, nhà thơ thể hiện tấm lòng sẻ chia, thấu cảm sâu sắc của mình về nỗi gian lao, vất vả trên hành trình cứu dân, cứu nước, lo cho dân, cho nước mà Bác đã, đang trải qua và phần nào nói lên sự khắc nghiệt của thời gian, tuổi tác càng khiến cho sức vóc Bác giảm dần. Đó là một tình yêu thầm kín mà rất đỗi sâu nặng của nhà thơ đối với lãnh tụ.
Sau hơn 4 tháng Bác Hồ xa cõi trần, trong trường ca “Theo chân Bác” viết tháng 1-1970, Tố Hữu nhớ đến Bác là nhớ đến một gương mặt hiền từ như một ông tiên phúc hậu qua hình ảnh mái tóc, chòm râu của Người: “Tôi viết bài thơ cho các con/ Mai sau được thấy Bác như còn/ Phơ phơ tóc bạc chòm râu mát/ Đôi dép mòn đi, in dấu son”. Trong tình cảm và niềm tin của Tố Hữu, mái tóc, chòm râu của Bác như trường tồn cùng thời gian, như hóa thân vào khối óc, trái tim của mỗi người dân Việt.
Tôn vinh nhân cách cao đẹp của Người từ nếp sống giản dị
Hiếm có lãnh tụ cộng sản nào trên thế giới mà chiếc áo nâu, đôi dép cao su... trở thành một hình ảnh giản dị, một nhân cách thanh tao, một lối sống sinh hoạt đạm bạc, thân dân như lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chiếc áo, đôi dép của Bác đã đi vào nhạc, vào thơ một cách thật tự nhiên.
Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác và Trung ương Đảng làm việc tại khu ATK Định Hóa-Thái Nguyên. Trong hoàn cảnh đất nước, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân còn muôn vàn thiếu thốn, khó khăn, Bác sinh hoạt chắt chiu, tiết kiệm như người dân nghèo bản địa. Hình ảnh chiếc áo nâu của Bác mang mặc hằng ngày như hòa lẫn vào thiên nhiên, hòa quyện với núi rừng Việt Bắc, hòa vào cuộc sống cần lao, bình dị của người dân địa phương. Điều này đã được Tố Hữu miêu tả: “Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị/ Màu quê hương bền bỉ đậm đà” (Sáng tháng Năm) và: “Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường” (Việt Bắc).
Sau ngày kháng chiến thành công, Trung ương Đảng và Bác Hồ chuyển về Thủ đô Hà Nội công tác, dù Chính phủ nhiều lần đề nghị Bác chuyển về sinh hoạt, làm việc trong căn phòng khang trang, sang trọng hơn, nhưng Người vẫn khéo léo chối từ. Bác tự chọn cho mình một cuộc sống hòa vào thiên nhiên, hòa vào nhân dân mà trước đó Người đã bộc bạch với các nhà báo nước ngoài đầu năm 1946: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu”. Với quan niệm nhẹ nhàng ấy, trở về Thủ đô Hà Nội có điều kiện hơn ở Việt Bắc, Bác vẫn thủy chung với một cuộc sống vô cùng bình dị như Tố Hữu đã miêu tả khi đến thăm nhà sàn của Bác ở Hà Nội: “Nhà gác đơn sơ một góc vườn/ Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn/ Giường mây, chiếu cói, đơn chăn gối/ Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn” (Theo chân Bác).
Cùng với chiếc áo nâu, đôi dép cao su gắn liền với cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, đã cùng Bác leo đèo, lội suối, lên rừng, xuống biển, ra đồng thăm bà con nông dân gặt lúa, đến trận địa thăm hỏi bộ đội sẵn sàng chiến đấu. Gần như 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, kể cả nhiều lúc tiếp khách trong nước và quốc tế, Người vẫn đi đôi dép ấy. Thế nên, đôi dép Bác Hồ đã trở thành niềm thương nỗi nhớ của Tố Hữu khi Người đã về với thế giới bên kia: “Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn/ Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn” (Bác ơi!); và: “Máy chữ thôi reo nhớ ngón đàn/ Thong dong chiếc gậy gác bên bàn/ Còn đôi dép cũ mòn quai gót/ Bác vẫn thường đi giữa thế gian” (Theo chân Bác).
“Thiên tài và đức hạnh giống như viên kim cương: Đẹp nhất là lồng trong chiếc khung giản dị” (danh ngôn). Là một học trò gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng những vần thơ trong sáng, dung dị được Tố Hữu đặc tả qua những trang phục, vật dụng sinh hoạt hằng ngày của Bác, chúng ta cảm nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại không ở đâu xa, mà khởi nguồn và thể hiện từ trong tác phong, nếp sống, đức tính giản dị của Người. Đó là một phẩm hạnh cao quý làm nên tâm hồn thanh khiết Hồ Chí Minh.
Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận