A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vị quê

Miền ký ức quê hương trong tuổi thơ tôi, là quê nội, quê ngoại, chốn bình dị, yên ả như dòng sông quê ngày ngày âm thầm mang phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, mùa màng tươi tốt. Mọi thứ dường như có thể thay đổi, nhưng miền ký ức ấy vẫn còn đó và là mạch nguồn khó quên trong suốt cuộc đời.

Ai cũng đều có một quê hương của riêng mình, quê hương là những gì lắng đọng và thân thương nhất trong ký ức mỗi người. Khi xa quê hương dường như trong mỗi người đều không khỏi bồi hồi khi nghĩ về nếp nhà xưa, gian bếp quê đong đầy kỷ niệm.

Miền ký ức quê hương trong tuổi thơ tôi, là quê nội, quê ngoại, chốn bình dị, yên ả như dòng sông quê ngày ngày âm thầm mang phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, mùa màng tươi tốt. Mọi thứ dường như có thể thay đổi, nhưng miền ký ức ấy vẫn còn đó và là mạch nguồn khó quên trong suốt cuộc đời.

Nhớ khi xưa gia đình còn nhiều khốn khó, chị em chúng tôi lớn lên nhờ củ khoai, củ sắn, nhờ sự kiên cường của cha, sự tần tảo ngày ngày của mẹ. Gian bếp quê mộc mạc mà chứa đựng biết bao ân tình.

Miền ký ức quê hương trong tuổi thơ tôi, là quê nội, quê ngoại, chốn bình dị, yên ả. 

Cha mẹ tôi vốn là bộ đội, sau này chuyển công tác, cha tôi lái xe cho một công ty xây dựng nên thường xuyên vắng nhà. Mẹ làm ở một vườn ươm hoa của công ty môi trường đô thị, vì thế mẹ cũng phải đi học thêm chuyên ngành trồng hoa ở Hà Nội. Ông nội tôi xưa là một thợ may. Ông có nụ cười thật hiền và khuôn mặt đôn hậu. Ông đặc biệt yêu thương các cháu. Ông mất đã gần 20 năm, nhưng những bài hát ru ông “sáng tác” cho riêng chúng tôi ngày cha mẹ vắng nhà giờ đây vẫn còn in đậm trong ký ức tôi, bình dị mà sâu lắng, để mỗi lần trở về quê, tôi lại không khỏi bồi hồi, thương nhớ:“Mẹ cháu đi học trồng hoa/ Ở ngoài Hà Nội thật là xa xôi/ Cháu ngoan cháu ngủ cho rồi/ Ngủ ngoan cháu dậy ngồi chơi với bà/ Để ông còn phải tham gia/ May quần may áo để mà kiếm ăn/ Bây giờ thời buổi khó khăn/ Không dưng ai dễ đem phần đến cho/ Nếu không năm liệu bảy lo/ Thì ông sẽ phải đói to có ngày!”

Có những dịp, mẹ đi học nên phải gửi tôi về quê ngoại. Nhớ những ngày đông giá rét, bên bếp rơm, ngoại tôi vùi những củ khoai, củ sắn cho tôi ăn, mùi hương thơm phức tỏa khắp gian bếp. Tôi vừa ăn vừa thổi, mặt mày nhem nhuốc nhọ nồi, giờ lớn lên rồi tôi vẫn không sao quên được hương vị thân quen đó. Mỗi ngày không có gì ăn, ngoại tôi lại ra vườn hái dăm ba loại rau về nấu bát canh suông cho chị em chúng tôi, thêm vài con tép rang khế nữa là chúng tôi được bữa cơm ngon lành.

Giờ ngoại đã già, không còn minh mẫn để nấu những bữa cơm bình dị như thế. Nhưng tôi vẫn luôn nhớ ngoại tôi, nhớ cái bếp ám khói cũ kỹ nhưng lúc nào cũng ấm áp thân quen, nơi đó có tình yêu thương bao la của ngoại dành cho con cháu. Căn bếp quê là nơi nuôi những cảm xúc của tôi, để khi lớn lên, mỗi chúng tôi khi đi xa quê lại luôn muốn quay trở về bên căn bếp ấm hơi rơm, có tình yêu của ông bà, cha mẹ, có những bữa cơm giản dị mà nhớ mãi. Chúng tôi đã lớn lên trong căn bếp quê mái ngói rêu phong, vương khói lam chiều và đậm ân tình ấy.

Bình yên tuổi thơ là những cánh đồng ngát hương lúa.

 

Hoa cải bên sông.

Quê tôi mộc mạc nằm bên những lũy tre và những cánh đồng ngát hương lúa, hoa cải. Những buổi trưa hè, chị em tôi thích ra đồng hóng gió, ngắm những cánh diều vi vút trong hoàng hôn quê, chạy nhảy quanh triền đê mướt cỏ, ngắm những người quê hồn hậu, dễ thương. Tôi thích nhất được xem các mẹ, các chị gánh lúa nặng trĩu vai, tiếng nói cười lảnh lót hòa vào làn gió chiều mát thơm hương lúa mới. Hương lúa lẩn khuất trong chiều buông, chị em chúng tôi chạy quanh ruộng nô đùa.

Hồi bé chị em chúng tôi thích nhất là mùa thu hoạch lúa, bởi khi ấy cánh đồng rạ mới sẽ cho chúng tôi trò chơi thú vị và mùi rạ thơm nồng theo chúng tôi đến tận ngõ quê. Nhớ nhất là những trò đuổi bắt bên đống rơm. Tôi thường rúc hẳn vào đụn rơm để trốn, mặc cho đầu tóc vương đầy rơm rạ. Chơi chán chúng tôi lại rủ nhau đi hái hoa dọc bờ ao. Những bông cỏ nhọ nồi bé li ti, những bông lục bình tím trôi trên mặt ao luôn thu hút tôi. Tôi thích chúng bởi trông chúng mộc mạc mà dễ thương vô cùng.

Bọn con nít chúng tôi rất thích cùng nhau chạy ra đồng để bắt cào cào, châu chấu về rang với lá chanh. Tôi còn nhớ cha tôi đặc biệt thích món cào cào rang bởi vị ngầy ngậy xen lẫn hương thơm lá chanh của nó.

Mấy đứa em còn thường rủ tôi đi xem cậu tôi kéo vó. Mỗi lần kéo vó lên chúng tôi hò reo vui sướng rồi tranh nhau nhặt “chiến lợi phẩm” cho vào giỏ. Quê hương với một miền đất của lúa ngô khoai sắn, chứa đựng không ít kỷ niệm tuổi thơ tôi. Chái bếp giờ là ký ức trong tôi, ký ức đẹp đẽ, có hình ảnh của ngoại tôi tần tảo sớm hôm. Thời gian cứ thế trôi, mọi thứ có thể trôi đi nhưng ký ức về căn bếp quê vẫn mãi còn đó, ngày càng dầy dặn. Ký ức trong tôi được gọi tên bằng nguồn cội. Ký ức đó nuôi dưỡng tâm hồn tôi mỗi khi khó khăn trên đường đời.

Với tôi, gian bếp quê, nếp nhà xưa cũ, những ngày mưa bên mái hiên nhà, hương đồng cỏ nội… chính là một góc quê hương trong tôi. Vị quê theo năm tháng đã ngấm sâu nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ như chúng tôi. “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người.”

Vị quê là những gì thật thiêng liêng, thật gần gũi trong tâm hồn mỗi người. Khi lớn lên rồi, những ngày ấu thơ theo cùng vị quê đọng đầy trong ký ức. Giữa cuộc sống xô bồ, người ta càng thèm hơn những vị quê giản dị ấy, muốn tìm về những gì thật thanh bình, an yên, tìm về bên cha, bên mẹ với ký ức tuổi thơ êm đềm, với những bữa cơm canh dưa cà đong đầy tình cảm. Chúng tôi lớn lên bằng thứ tình cảm ấy.

Trải qua những gian truân cuộc đời, mỗi khi mệt mỏi, người ta lại muốn quay trở về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, nơi tìm về tuổi thơ tôi bên những cánh diều vi vút, bên lời ru ầu ơ của mẹ để tận hưởng vị quê thanh bình, ấm áp.

 

TƯỜNG VY

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội