Nguồn lực tổng hợp của hậu phương Liên khu 4 chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là chiến công lớn nhất cả dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954). Thắng lợi đó đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, dẫn đến ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước. Với vai trò là hậu phương chi viện cho chiến trường chính Bắc Bộ, quân và dân Liên khu 4 vừa là hậu phương trực tiếp cung cấp sức người, sức của; vừa bảo đảm mở đường, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ đến ngày thắng lợi. Vai trò đó được thể hiện rõ ở các yếu tố sau:
Một là, xây dựng và bảo vệ hậu phương vững mạnh; củng cố hệ thống giao thông, huy động tối đa nhân lực, vật lực chi viện cho chiến trường
Sau gần tám năm kháng chiến, lực lượng mọi mặt của quân và dân Liên khu 4 phát triển vững chắc và trưởng thành toàn diện: Chính quyền ở các cấp không ngừng được củng cố, phát triển; trình độ tác chiến của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích ngày càng tiến bộ. Đó là những tiền đề cơ bản, quan trọng để chi viện cho các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Bước vào chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, Liên khu 4 được Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ: “Tham gia cùng quân và dân nước Bạn mở chiến dịch Trung Lào; tác chiến bảo vệ hậu phương, xây dựng lực lượng và bảo đảm cung cấp mọi nhu cầu phục vụ chiến dịch Trung Lào và chiến dịch Điện Biên Phủ; đẩy mạnh chiến tranh du kích ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, tiêu hao, tiêu diệt và kìm chân địch, phối hợp với chiến trường chính”.
Thực hiện chủ trương trên, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 đã khẩn trương chỉ đạo ba tỉnh Bình - Trị - Thiên tiếp tục đẩy mạnh kháng chiến, tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp, chia lửa với chiến trường chính Bắc Bộ; tỉnh Hà Tĩnh và một phần tỉnh Nghệ An cung cấp cho Chiến dịch Trung Lào; tỉnh Thanh Hóa và một phần tỉnh Nghệ An cung cấp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là vinh dự lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của quân và dân Liên khu 4, bởi thiên tai cùng với sự đánh phá của kẻ thù làm cho đời sống của Nhân dân và cán bộ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Song, trên cơ sở quán triệt sâu sắc nhiệm vụ và chỉ thị của Bộ Chính trị:“Toàn Đảng, toàn dân tập trung chi viện cho tiền tuyến”, các cấp bộ Đảng, quân và dân Liên khu 4 đã phát huy tinh thần chủ động linh hoạt, khắc phục khó khăn, tập trung lãnh đạo toàn Liên khu gấp rút chuẩn bị lực lượng và thế trận, dốc toàn lực phục vụ các chiến dịch, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ Trung ương Đảng giao phó.
Để bảo đảm cho vận chuyển nhân lực, vật lực ra tiền tuyến, lực lượng công binh của Liên khu 4 và Thanh Hóa được huy động đánh mìn, phá thác, khai thông đường thủy ngược sông Mã; đồng thời, sửa chữa các tuyến đường bộ Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đi Vạn Mai (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) với tổng chiều dài hơn 200 km cho ô tô và xe thồ vận chuyển thông suốt, bí mật. Thanh Hóa được Trung ương giao mở đường, khai thông đường 41 lên Điện Biên Phủ và vận chuyển chuyến hàng đầu tiên cho chiến dịch. Tỉnh Nghệ An, huy động số lượng lớn dân công mở đường 15A từ Cây Da Bu (Đô Lương) lên Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn) và ra tỉnh Thanh Hóa. Lực lượng dân công được tổ chức thành các đơn vị có cán bộ kỹ thuật đi kèm. Vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, dân công hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã hoàn thành vượt mức kế hoạch, nhiều tuyến giao thông quan trọng như đường ô tô Nam Đàn đi Đô Lương, Vạn Mai đi Như Xuân, Tân Kim đi Vĩnh Lộc… được nối liền. Bên cạnh đường bộ, tuyến đường thủy Vinh - Thanh Hóa cũng có tác dụng lớn trong thời kỳ này, bảo đảm cho việc vận chuyển nhân lực, vật lực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cùng với sự phát triển của mạng lưới giao thông, các loại phương tiện vận tải cũng được huy động mạnh mẽ. Đến cuối năm 1953, toàn Liên khu 4 có 10 xe ô tô, 488 xe trâu bò, 320 xe ba gác và hàng nghìn xe đạp thồ, xe cút kít; có 1.415 thuyền, 19 ca nô với tổng trọng tải 7.148 tấn được tập hợp trong các tổ chức vận tải; 549 thuyền và hai canô còn hoạt động riêng lẻ. Các phương tiện vận tải thủy có ưu điểm rõ rệt là tiết kiệm được nhân công và chi phí.
Ngay trong ngày mồng 1 Tết Giáp Ngọ (tức là ngày 3/2/1954), lệnh tổng động viên của Chính phủ được thực hiện khẩn trương khắp ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh. Ở Nghệ An, trong vòng 24 giờ, hơn 32.000 dân công hỏa tuyến được tổ chức chu đáo trước đó đã có mặt đông đủ tại vị trí tập kết. Trong đó có hơn 2.000 dân công xe đạp thồ, thanh niên xung phong, thợ kỹ thuật cầu phà. Theo kế hoạch của Hội đồng cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ, dân công Nghệ An có nhiệm vụ chuyển từ Hoàng Mai (Nghệ An) ra Suối Rút (Hòa Bình) 5.000 tấn lương thực, thực phẩm. Do thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch, đoàn Nghệ An phải vượt qua Mộc Châu đưa hàng lên Sơn La; đường đi dài thêm hơn 100km phải qua nhiều đèo núi hiểm trở, bom đạn, nhưng tất cả đều hăng hái, không ngại hy sinh, đói rét, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn dân công đã phải tìm ăn thêm khoai, sắn, rau rừng để dành được nhiều gạo đến tay bộ đội ở mặt trận. Ở Thanh Hóa, trong đợt 1 đã huy động hơn 5.000 dân công cùng nhiều xe đạp thồ, thuyền nan, xe ngựa thực hiện nhiệm vụ tải hàng lên mặt trận. Sang đợt 2, huy động được trên 3.500 dân công, thợ kỹ thuật lên đường làm nhiệm vụ. Đợt 3, huy động dân công, thanh niên xung phong đạt mức kỷ lục 120.000 người, 10.075 xe đạp thồ, hàng nghìn thuyền gỗ, thuyền nan, xe ngựa, hình thành một đội quân vận tải hết sức hùng hậu. Tính cả ba đợt, Thanh Hóa và Nghệ An đã huy động cho chiến dịch 268.900 lượt dân công ngắn hạn và dài hạn, chiếm gần 70% dân công toàn chiến dịch. Tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù được Trung ương giao nhiệm vụ chi viện cho Chiến dịch Trung Lào và mặt trận Bình - Trị - Thiên, nhưng quân và dân Hà Tĩnh vẫn huy động được 35.200 lượt dân công hỏa tuyến, 4.030 xe đạp thồ, 130 thuyền vận tải, đóng góp hàng triệu ngày công vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, hàng hóa quân sự tập kết tại Bắc Thanh Hóa rồi bàn giao cho Hội đồng cung cấp mặt trận tiếp tục vận chuyển ra chiến trường.
Khó khăn lớn nhất trong phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ là công tác vận tải. Tuyến vận tải từ Cẩm Thủy, Thanh Hóa (Nơi Sở chỉ huy tiền phương của Liên khu 4 đóng) lên Sơn La dài hơn 300 km, từ Sơn La đến mặt trận hơn 150 km, đi qua nhiều địa hình rừng núi hiểm trở, sông suối chia cắt, đường sá gồ ghề, quanh co lắm đèo dốc; lại thường xuyên bị địch tập trung không quân đánh phá ác liệt, nhưng với tinh thần cả nước ra trận, hàng vạn dân công cùng hàng chục nghìn xe đạp thồ của Thanh Hóa, Nghệ An vẫn rầm rập tải lương thực ra tiền tuyến.
Trên tuyến vận tải 80 của Hội đồng cung cấp mặt trận cũng như trên các tuyến khác (Hòa Bình, Sơn La, Pha Đin, Tuần Giáo), dân công ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng” đã không ngừng thi đua, nghĩ ra nhiều phương pháp và sáng kiến thồ hàng bằng xe đạp. Lúc đầu mỗi xe chỉ thồ 100 kg, sau đó xe được cải tiến, nâng mức thồ lên 200 kg, nhiều dân công trở thành kiện tướng vận chuyển, chiến sĩ thi đua số 1, số 2 của tỉnh. Chiến sĩ Cao Văn Ty (Thanh Hóa) thồ từ 160 kg lên 320 kg một chuyến, chiến sĩ Ma Văn Kháng đạt kỷ lục thồ 352 kg một chuyến. Anh Đới Sỹ Trầu (Quảng Xương, Thanh Hóa) liên tục gánh 60 kg hàng trong quá trình vận chuyển, dẫn đầu về gánh bộ. Đặc biệt, dân công xe đạp thồ của Thanh Hóa cả ba đợt phục vụ chiến dịch đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Cờ thi đua. Chiến công của quân và dân Thanh Hóa cũng là thành tích chung của quân và dân Liên khu 4, hòa cùng với chiến công của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Hai là, tổ chức tuyển quân, luyện quân, xây dựng và bổ sung quân kịp thời chi viện cho chiến trường
Trước khi quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 -1954, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương: Các liên khu và hậu phương kháng chiến đẩy mạnh xây dựng lực lượng, phát triển bộ đội chủ lực song song với củng cố, kiện toàn bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích, đẩy mạnh tuyển quân, luyện quân, xây dựng lực lượng dự bị, sẵn sàng tổng động viên.
Thực hiện chủ trương của cấp trên, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 đã chỉ đạo các tỉnh hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh tích cực đẩy mạnh xây dựng lực lượng, phát triển bộ đội chủ lực song song với củng cố, kiện toàn bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích, đẩy mạnh tuyển quân, luyện quân, xây dựng lực lượng dự bị, sẵn sàng tổng động viên. Đảng ủy các cấp nhanh chóng tỏa xuống cơ sở tuyên truyền giáo dục Nhân dân nhận rõ nhiệm vụ, động viên thanh niên sẵn sàng tòng quân giết giặc. Qua tuyên truyền, giáo dục hầu hết thanh niên nam nữ trong độ tuổi tòng quân đều hăng hái xung phong đăng ký; chỉ trong một thời gian ngắn, ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh đều hoàn thành vượt chỉ tiêu tuyển quân.
Các đơn vị mới được thành lập ở ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh đã thực hiện các đợt chỉnh quân chính trị, qua đó nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về bản chất giai cấp Quân đội, về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lao động được nâng cao. Các chiến sĩ tuy mới trong quân ngũ song do có hiểu biết chủ trương cải cách ruộng đất của Đảng, lại được giáo dục, rèn luyện nên có tinh thần sẵn sàng hy sinh chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt quân thù. Cùng bồi dưỡng chính trị, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 còn quan tâm huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội. Các đơn vị chủ lực được huấn luyện theo từng đợt ngắn cho phù hợp với hoạt động và điều kiện từng nơi. Sau mỗi đợt huấn luyện, các đơn vị đều tổ chức diễn tập, sẵn sàng chủ động đối phó với các tình huống xảy ra. Trải qua quá trình huấn luyện và diễn tập, trình độ chỉ huy của cán bộ, khả năng và bản lĩnh chiến đấu của chiến sĩ tiến bộ rõ rệt. Số tân binh được biên chế thành 7 tiểu đoàn, sau một tháng huấn luyện được bàn giao cho trên theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Bên cạnh đó, các tỉnh còn xây dựng và kiện toàn bộ đội địa phương của tỉnh, huyện theo nguyên tắc tỉnh lấy xây dựng đại đội, huyện lấy xây dựng trung đội làm lực lượng dự bị cho Liên khu và Bộ khi có yêu cầu động viên ra mặt trận. Trước đó, các đơn vị: Trung đoàn 53 chủ lực Liên khu, Tiểu đoàn 362 Nghệ An được Liên khu 4 bàn giao cho Bộ Tư lệnh chiến dịch, lập tức hai đơn vị này đã được tỉnh xây dựng lại và gấp rút huấn luyện về mọi mặt, làm lực lượng dự bị sẵn sàng lên đường khi có lệnh của trên.
Chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm 1954, ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh đã bàn giao cho Bộ gần 9.400 tân binh, trong đó chưa kể quân số của Trung đoàn 53 và Tiểu đoàn 362 mà Bộ đã điều toàn đơn vị lên trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ. Chỉ trong thời gian ngắn, Liên khu 4 đã đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu giao quân tăng gấp 3 lần so với kế hoạch của Bộ. Kết quả tuyển quân, luyện quân, huy động lực lượng vũ trang cho mặt trận Điện Biên Phủ đã thể hiện sự nỗ lực và tinh thần yêu nước cao độ của nhân dân Liên khu 4, nhất là vai trò nổi bật của hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh trong kháng chiến.
Ba là, bảo đảm lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm quân sự, đáp ứng yêu cầu của chiến dịch
Để sẵn sàng phục vụ cho bộ đội chiến đấu, đến cuối tháng 1 năm 1954, hơn 8.000 tấn lương thực và 2.000 tấn thực phẩm khô cùng hàng trăm tấn hàng quân sự khác đã được nhân dân tỉnh Thanh Hóa và các huyện phía bắc Nghệ An huy động, vận chuyển tập kết tại các kho chiến dịch ở Vạn Mai, Mộc Châu, Yên Châu.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ càng gần đến thắng lợi cuối cùng càng đòi hỏi phải phát triển lực lượng, cung cấp sức người, sức của cao hơn cho mặt trận; Trung ương Đảng yêu cầu các địa phương phát huy cao hơn nữa khả năng cung cấp, phục vụ chiến dịch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Liên khu ủy, hậu phương ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm “dốc bồ, thổ thúng”, huy động đến mức cao nhất số lương thực, thực phẩm còn dự trữ, phân tán trong các hộ gia đình để phục vụ cho chiến dịch.
Sau đợt huy động đầu tiên đạt kết quả tốt, đến đầu tháng 3 năm 1954, Trung ương giao cho Thanh Hóa huy động 1.000 tấn gạo và 165 tấn thực phẩm giao tại km 22 đường 41, Thanh Hóa đã hoàn thành vượt mức trước 13 ngày. Ngày 15 tháng 4 năm 1954, đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng thay mặt Tổng quân ủy Trung ương vào Sở Chỉ huy tiền phương của Liên khu 4 ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) giao nhiệm vụ cho Thanh Hóa trong vòng 20 ngày phải huy động thêm 2.000 tấn gạo, 147 tấn thực phẩm và muối để phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để có đủ lương thực, thực phẩm Trung ương giao, Nhân dân Thanh Hóa đã phải ăn ngô, khoai, sắn non, ăn rau má, rau rừng để giành gạo cho chiến sĩ ngoài mặt trận. Số lương thực Thanh Hóa huy động cho mặt trận là 34.925 tấn, vượt 7.000 tấn so với chỉ tiêu trên giao. Số lương thực, thực phẩm Nghệ An đã huy động cho chiến dịch là 4.630 tấn thóc từ kho dự trữ quốc gia, hơn 10.300 tấn ngô, đậu, vừng, rau quả các loại; 2.500 tấn thịt, cá khô cung cấp mặt trận cũng nhiều trâu bò, gà vịt… Những tấn lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu từ khắp nơi tập trung về kho Cẩm Thủy và kho Lược (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) sau đó tiếp tục được dân công vận chuyển qua hai chặng: Thanh Hóa - Suối Rút, Suối Rút - Điện Biên Phủ dài 600 km đến tiền tuyến cung cấp cho bộ đội.
Cùng với việc cung cấp nhân lực, lương thực, thực phẩm, hậu phương ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh còn đẩy mạnh chế tạo vũ khí, sản xuất các nhu yếu phẩm quân sự để phục vụ chiến trường. Khắp mọi nơi hàng nghìn công nhân, bộ đội tại các công binh xưởng, công trình, xí nghiệp được sơ tán trong các nhà dân hoặc khu vực rừng núi an toàn ngày đêm miệt mài thi đua sản xuất, có nhiều phát minh cải tiến, sáng kiến hay để sản xuất được nhiều hàng hóa cung cấp kịp thời cho chiến trường. Trong đợt một và đợt hai Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Thanh - Nghệ - Tĩnh đã cung cấp cho chiến trường 550 tấn súng đạn bộ binh, 25.000 quả lựu đạn và đạn cối, 350 tấn thuốc men, dụng cụ y tế và hàng trăm tấn hàng quân nhu khác.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường gian khổ, ngày 7 tháng 5 năm 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc toàn thắng. Chiến công vô cùng oanh liệt này đã góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới của nhân dân Việt Nam và thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công hiểm hách bậc nhất trong lịch sử nước ta, đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng phát triển lên một tầm cao mới. Thắng lợi này không chỉ là chiến công của các lực lượng trên chiến trường mà còn là sự góp sức to lớn của đồng bào cả nước, trong đó có sự đóng góp to lớn của quân và dân Liên khu 4 nói chung, ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh nói riêng. Phát huy vai trò của hậu phương chiến lược, quân và dân Thanh - Nghệ - Tĩnh đã nỗ lực đảm nhiệm chi viện cho ba chiến trường; vừa tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng để làm cơ sở vững chắc, dốc hết sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến. Hàng chục vạn thanh niên nhập ngũ, bổ sung xây dựng các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, cung cấp hàng ngàn cán bộ từ Liên khu ủy đến chi ủy viên và đảng viên cho Quân đội, hàng triệu lượt người đi dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong; hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, súng đạn đã cung cấp phục vụ tiền tuyến góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trung tướng TRẦN VÕ DŨNG
Chính ủy Quân khu 4
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận