Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca bất tử
“Kháng chiến ba nghìn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như Huân chương trên ngực
Dân tộc ta dân tộc anh hùng!”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu)
70 năm đã trôi qua nhưng khúc khải hoàn ca ấy vẫn còn vang vọng mãi trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - chiến thắng của niềm tin, bãn lĩnh và trí tuệ Việt Nam đầy tự hào vẫn luôn ngời sáng tinh thần chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, không chỉ mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học quý báu có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Thắng lợi của tài thao lược, bản lĩnh và ý chí quyết tâm
Mở Chiến dịch Điện Biên Phủ là quyết định mang tầm vóc lịch sử của Đảng ta trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Chọn Tây Bắc làm hướng hoạt động chính trong Đông Xuân 1953-1954 đã điểm đúng huyệt hiểm yếu nhất của đối phương; chọn Điện Biên Phủ làm chiến địa quyết chiến và kiên quyết chỉ đạo, lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta tập trung sức mạnh đánh sập hoàn toàn cứ điểm này là nhân tố quyết định cho thắng lợi của chiến dịch, thể hiện bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhìn lại để khẳng định, việc vận dụng đường lối quân sự Mác - Lênin vào thực tiễn cụ thể của chiến tranh cách mạng nước ta là một thành công điển hình trong việc chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến lược này được cụ thể hóa vào phương châm: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt; nắm vững chủ trương tiêu diệt sinh lực địch là chính, lợi dụng triệt để những mâu thuẫn của địch, phát huy tinh thần tích cực chủ động tiến công cao của Quân đội để phát động chiến tranh du kích khắp nơi, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Sự chỉ đạo chiến lược kiên quyết, chính xác, sáng suốt đó cùng với việc quán triệt tư tưởng “đánh chắc tiến chắc”, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh được bộ đội ta giữ vững trong suốt quá trình chiến đấu - một kế hoạch tác chiến phù hợp với trình độ chiến thuật, kỹ thuật của Quân đội lúc bấy giờ, tạo điều kiện cho chiến sĩ khắc phục mọi khó khăn đánh từng bước, vừa chiến đấu vừa học tập kinh nghiệm, không những hạn chế đến mức tối đa chỗ mạnh, mà còn khoét sâu được những nhược điểm của địch, kết hợp những biện pháp kỹ thuật với tinh thần anh dũng, tinh thần lao động và chiến đấu của một Quân đội Nhân dân anh hùng đã góp phần làm nên thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân mà trung tâm điểm là chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cùng với đó, việc nhận rõ Chiến dịch Điện Biên Phủ là “một chiến dịch lịch sử, có một ý nghĩa rất quan trọng đối với tình hình quân sự và chính trị ở nước ta, đối với sự trưởng thành của Quân đội ta, cũng như đối với sự nghiệp đấu tranh để bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á” như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nhận định. Quán triệt phương châm “tích cực phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng, chịu đựng gian khổ, giành toàn thắng cho chiến dịch”, toàn quân ta với một quyết tâm sắt đá, luôn nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng và chịu đựng gian khổ bền bỉ, dẻo dai, khắc phục không biết bao nhiêu khó khăn, thử thách, vượt qua không biết bao nhiêu trở ngại đã chiến đấu với một tinh thần anh dũng cao cả. Dưới mưa bom của không quân địch, trong bão lửa của pháo binh địch, các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã dũng cảm xung phong đánh chiếm đồi Him Lam, rồi chiếm đồi Độc Lập, ào ạt như vũ bão phát triển trận địa, tấn công tiêu diệt địch trên các ngọn đồi phía Đông, cắt đứt sân bay, đánh lui các trận phản kích…, thắt chặt vòng vây tập đoàn cứ điểm. Mặc cho bom napan của địch đốt cháy cỏ khắp các ngọn đồi, mặc cho đạn của địch cày sâu nhiều mảnh đất trên khắp các trận địa, quyết tâm chiến đấu, chiến thắng của bộ đội ta vẫn không ngừng được nâng cao, không có một khó khăn nào làm chùn bước. Đây chính là biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng tập thể từ bản chất cách mạng của Quân đội ta, dưới sự dày công giáo dục, rèn luyện của Đảng, của Bác Hồ, từ các cuộc chiến đấu và chỉnh huấn trước đây mà hun đúc nên. Đó cũng chính là thành quả của một quá trình lãnh đạo, giáo dục, là cả một sự cố gắng liên tục và bền bỉ của công tác chính trị trên chiến trường, một nhiệm vụ lớn của Đảng.
Tinh thần quyết chiến quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ và trên các mặt trận phối hợp đã nói lên một cách hùng hồn lòng trung thành vô hạn của Quân đội đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, đối với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tinh thần ấy là sự kế thừa truyền thống mấy nghìn năm đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, biểu hiện tập trung bản chất giai cấp công nhân, bản chất triệt để cách mạng của Quân đội ta, sự phát triển đến trình độ cao của truyền thống chiến đấu anh dũng, chịu đựng gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Để góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, bên cạnh thành công trong chỉ đạo chiến lược, chiến dịch, chiến thuật; quyết tâm quyết chiến quyết thắng của Quân đội thì tinh thần phục vụ tiền tuyến của Nhân dân ta cũng đóng một vai trò hết sức to lớn bởi trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng.
Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Nhân dân ta, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Hội đồng cung cấp tiền phương, đã đem tinh thần anh dũng ra phục phục vụ mặt trận. Trong suốt những năm trường kỳ kháng chiến, chưa bao giờ, dân tộc ta góp công sức nhiều như trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 để chi viện cho Quân đội đánh giặc.
Trên mặt trận chính ở Điện Biên Phủ, lương thực, đạn dược phải cung cấp cho một binh lực lớn, kịp thời, khoảng cách địa lý xa hậu phương 500-700km, trong một thời gian dài, đường sá đi lại hết sức khó khăn, phương tiện vận tải thiếu thốn vậy mà với tinh thần hăng hái, phấn khởi và sự cố gắng không thể ngờ tới, toàn dân ta nêu cao khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, đã đưa cả một hậu phương hùng hậu, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc, đến vùng du kích và căn cứ du kích đồng bằng Bắc Bộ, đổ người, đổ của và đổ cả nhiệt tình, tâm huyết chiến đấu cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Với lòng yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc cao độ, hàng chục vạn dân công vượt đèo cao, núi dốc, nắng, mưa, rét mướt, vượt qua mưa bom, bão đạn, chuyển lương thực và đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Hàng trăm ngàn dân công miền ngược, miền xuôi với hàng chục triệu ngày công đã tham gia phục vụ chiến dịch, tham gia làm và sửa chữa hàng trăm kilômet đường, nhiều bến, cầu, phá bom mìn; vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn dược tới mặt trận; giữ vững mạch máu giao thông quan trọng nhất. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ được cứu chữa, chăm sóc từ bàn tay yêu thương của hàng trăm cán bộ y, bác sỹ… Hàng chục ngàn tấn gạo, thịt và thực phẩm khác được huy động cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Hình ảnh từng đoàn xe hơi anh dũng vượt suối băng ngàn, có đồng chí lái xe hàng chục đêm liền không ngủ; từng đoàn xe đạp thồ, hàng vạn chiếc từ khắp các nơi tiến ra mặt trận; từng đoàn thuyền lớn nhỏ, hàng nghìn chiếc, từng đoàn bè mảng, hàng vạn chiếc vượt thác qua ghềnh; từng đoàn ngựa thồ từ trên vùng đồng bào Mông, Dao xuống, từ các địa phương lại; hình ảnh hàng vạn anh chị em dân công, thanh niên xung phong lấy sức người mà chuyển lương thực, đạn dược ngày đêm trèo đèo lội suối, mặc máy bay của địch, mặc bom nổ chậm đe dọa vẫn mang lương thực, đạn dược để tiếp tế cho tiền phương, cung cấp cho Quân đội giết giặc mãi vẫn còn được lưu truyền cho đến hôm nay như nhưng thanh âm rộn ràng, hào hùng nhất. (Tính chung trong chiến dịch Nhân dân ta đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt công dân, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ, 3.130 chiếc thuyền…”).
Chưa bao giờ người Việt Nam đi ra mặt trận nhiều như vậy, chưa bao giờ, thanh niên ta đã đi đến nhiều vậy. Từ đồng bằng đến rừng núi, trên các đường lớn và các nhánh đường nhỏ, trên các dòng sông, các ngọn suối… đâu đâu cũng nhộn nhịp hẳn lên tạo động lực, tinh thần, cỗ vũ lớn cho bộ đội xung phong giết giặc giành chiến thắng.
Ghi nhận kết quả này, tại hội nghị tổng kết chiến dịch, thay mặt cho toàn quân, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định “…Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật; khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu…quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục khó khăn này. Bọn đế quốc, phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của Nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”.
Khải hoàn ca vang mãi khắp năm châu
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, “Không một người sĩ quan, binh sĩ Pháp nào có thể hình dung rằng trang sử cuối cùng của chiến tranh Đông Dương sẽ viết lên ở Điện Biên Phủ trong cái thung lũng nhỏ bé của xứ Thái mà dòng sông Nậm Rốm uốn quanh đã cắt làm đôi”. Các tác giả Pháp, người thì gọi Điện Biên Phủ là “sự vỡ tan của ác mộng”, người thì buông những dòng ý nghĩa cô đọng: “…Cuộc thất trận ở Điện Biên Phủ đã gieo một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn nhất của phương Tây. Thất bại đó báo hiệu sự sụp đổ của những đế quốc thực dân và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện đó vẫn còn đang ầm rung…”.
Kế hoạch Nava hoàn toàn thất bại đồng nghĩa với việc đế quốc Pháp - Mỹ cũng thất bại trong âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương. Chúng ta đã thu về được nhiều thắng lợi, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần quan trọng đưa Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương thành công, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời, phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi ba nước Đông Dương.
Với nhãn quan chiến lược sắc bén, sự lãnh đạo tài tình, đầy thao lược, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm của toàn quân và toàn dân, chúng ta đã làm nên kỳ tích lịch sử trong Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhìn lại đường lối quân sự của Đảng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để một lần nữa thấy rõ tầm vóc vĩ đại và những tác động lớn lao của chiến thắng này đối với tiến trình lịch sử dân tộc cũng như lịch sử nhân loại suốt hơn nửa thế kỷ qua, làm sáng rõ thêm những giá trị còn tiềm ẩn, làm sống dậy tinh thần Điện Biên Phủ thể hiện qua lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Thật tự hào biết bao khi bạn bè khắp năm châu bốn bể đều nhắc đến Điện Biên Phủ như một chiến thắng vĩ đại của toàn nhân loại. Họ xem việc giải phóng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của Việt Nam mà còn “chứng minh Nhân dân Châu Á có đủ khả năng kết thúc lịch của bọn thực dân âm mưu dùng lực lượng vũ trang để thực hiện tham vọng của mình”. Xem Điện Biên Phủ không chỉ là biểu tượng anh hùng của dân tộc Việt Nam, mà còn là niềm tự hào chung của nhân loại, tấm gương sáng cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do.
70 năm qua, hình ảnh những đứa con của thần chiến thắng, thần chiến thắng mặc quần áo vải thô và đội mũ nan. Thần chiến thắng thét “xung phong” và băng qua lửa đạn… để buộc tướng Đờ cáttri, Tư lệnh Điện Biên Phủ, người từng cho rải truyền đơn thách thức quân ta tấn công Điện Biên Phủ phải vội vã giơ cả hai tay lên trời, hàng trước một tổ ba người nông dân Việt Nam mặc áo lính sẽ mãi trở thành niềm tin, lẽ sống trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế nói chung, thế hệ thanh niên thanh niên ngày nay nói riêng, trong đó có Tuổi trẻ LLVT Quân khu 4 kiên cường.
Nối tiếp chiến công, tô hồng truyền thống
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới ra đời đã quan tâm đến công tác vận động thanh niên. Phong trào đấu tranh những năm 1930-1931, với đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh là trận “thử lửa” đầu tiên đối với lớp lớp đoàn viên thanh niên cộng sản cả nước nói chung, đoàn viên thanh niên Khu 4 nói riêng, và không ngoài mong đợi, tuổi trẻ Khu 4 bấy giờ đã tỏ rõ lòng trung thành với Đảng, phát huy vai trò “rường cột”, xung kích đi đầu trong các cuộc biểu tình chống cướp đất, chống sưu cao thuế nặng và sự khủng bố của kẻ thù, được Nhân dân và thanh niên cả nước đánh giá rất cao.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với khẩu hiệu “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cùng với thanh niên cả nước, thanh niên Khu 4 lại một lần nữa anh dũng đứng lên cầm súng, cầm giáo chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ Tổ quốc. Lớp lớp thanh niên Khu 4 không sợ hy sinh đã kiên cường chiến đấu quả cảm trên các chiến trường. Những tấm gương tiêu biểu như Liệt sĩ Phan Đình Giót (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận tiến công tiêu diệt vị trí Him Lam; liệt sĩ Tô Vĩnh Diện (Nông Cống, Thanh Hóa) lấy thân mình chèn pháo; liệt sĩ Trần Can (Yên Thành, Nghệ An) kiên cường bám trụ đánh địch, giữ vững trận địa trên Điểm cao 507… và hàng triệu thanh niên dũng cảm khác đã cống hiến tuổi xuân, sức lực cùng với toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi vẻ vang 9 năm kháng chiến gian khổ, vô cùng anh dũng của quân và dân ta là ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng cho tuổi trẻ Quân khu 4 vững bước đi lên.
Đất nước thống nhất, tiến lên CNXH, mở ra một chân trời mới đối với thế hệ trẻ. Từ chỗ mang trên mình nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, từ chỗ học tập, lao động trong hoàn cảnh chiến tranh, thì nay tuổi trẻ LLVT Quân khu 4 được sống, lao động, học tập ở thời bình. Đây là điều kiện thuận lợi, là “đòn bẩy” cho tuổi trẻ LLVT Quân khu phát huy tối đa những tiềm năng vốn có, không ngừng phấn đấu trưởng thành, cố gắng hết mình bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, học tập để vững về chuyên môn, đảm bảo về sức khỏe, làm tròn những nhiệm vụ nặng nề, vươn tới đỉnh cao của ước mơ, cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước.
Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua các kỳ Đại hội, nhận thức được vị trí, vai trò của mình, các thế hệ thanh niên LLVT Quân khu 4 cùng tuổi trẻ cả nước, mang trên mình niềm vinh dự, tự hào luôn nêu cao tinh thần tự giác học tập và phát huy vai trò xung kích sáng tạo của mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên trong quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của QUTW - BQP, nhất là Nghị quyết 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo; mệnh lệnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Tư lệnh Quân khu và kế hoạch huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của cơ quan, đơn vị ngay từ những ngày đầu, tuần đầu ra quân huấn luyện; nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: Chi đoàn “Một tốt, hai không, ba rèn luyện”,“Chi đoàn huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm”... đã góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của các địa phương, đơn vị.
Các hoạt động “Ngày Thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”; Chiến dịch “Tháng Thanh niên”, “Thanh niên tình nguyện Hè”; chương trình “Hành trình nhân ái vì cộng đồng”, “Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương”, “Tri ân Tháng 7” kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7; tổ chức khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người với giá trị lên đến hàng tỷ đồng; tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới; tham gia hoạt động hiến máu cứu người… được duy trì có hiệu quả ở khắp các cơ quan, đơn vị trong toàn LLVT Quân khu thu hút hàng ngàn đoàn viên thanh niên tham gia góp phần khơi dậy tiềm năng to lớn của tuổi trẻ LLVT Quân khu, tạo cơ hội, môi trường để đoàn viên thanh niên thể hiện mình, phát huy tinh thần xung kích, đi đầu xung phong tình nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần; đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ chung của LLVT và của đất nước.
Vận dụng bài học “lấy dân làm gốc”, xác định đại đoàn kết toàn dân, tăng cường “thế trận lòng dân” là một chiến lược xuyên suốt, quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Không dừng lại ở nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuổi trẻ Quân khu 4 hôm nay phát huy vai trò là đội quân công tác, không ngừng ra sức thi đua. Với nhiều phong trào sôi nổi, thiết thực “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, thông qua nhiều hoạt động phong phú, sinh động, đoàn viên, thanh niên LLVT Quân khu đã xây dựng được hàng trăm công trình, phần việc cụ thể, hỗ trợ Nhân dân trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, được cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân đánh giá cao.
Nhìn những con đường đổ bê tông trải dài sạch đẹp, nối các thôn, bản vùng sâu, vùng xa giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống chính là những con đường mang trọn nghĩa tình quân dân. Kiến tạo nên mỗi đoàn viên thanh niên là một cán bộ “Dân vận khéo”, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, trí thức trẻ tình nguyện các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng LLVT Quân khu kiên trì bám bản, bám dân, thực hiện tốt phương châm: “3 bám, 4 cùng” cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hình ảnh màu xanh áo lính, màu xanh trí thức trẻ tình nguyện của đoàn viên thanh niên hòa quyện với bà con dân bản khắp nơi trên các vùng biên cương xa xôi tạo nên những vụ mùa bội thu. Biến “vườn không” thành nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển kinh tế. Biến những vùng “đất trống, đồi trọc” thành nơi phủ bạt ngàn màu xanh của cây thảo dược, cây ăn quả... như những “ngọn đuốc” thắp sáng vùng biên cương.
Học tập noi gương các anh, các chị đi trước, tinh thần cống hiến tiếp tục được thế hệ thanh niên Quân khu 4 tiếp nối và phát huy. Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, với tinh thần “Phía trước là Nhân dân”. Đứng trước mọi cam go, hiểm nguy đều không lùi bước, sẵn sàng tiên phong, dấn thân đi bất cứ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì. Từ tâm bão, rốn lũ đến đương đầu với “giặc lửa”, ở đâu có thiên tai, hoạn nạn là ở đó có hình bóng đoàn viên, thanh niên Quân khu 4 anh hùng.
Chúng ta sẽ không thể nào quên được những tấm gương hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Phát huy phẩm chất xung kích đi đầu, với tinh thần “Cứu dân là mệnh lệnh không lời”, 33 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ Đoàn, đoàn viên đã mãi mãi nằm lại nơi núi rừng Trường Sơn, hóa thành những tượng đài bất tử trong lòng Nhân dân. Những cái tên Binh nhất Cao Văn Thắng, Binh nhất Lê Tuấn Anh, Binh nhất Nguyễn Anh Duy, Binh nhất Hồ Văn Nguyên… tuổi mới mười tám, đôi mươi với nhiệt huyết sức trẻ đã thắp sáng lên ngọn lửa rực cháy mãi theo dòng chảy phát triển của lớp lớp thế hệ đoàn viên thanh niên Quân khu 4 hôm nay và mai sau.
Không chỉ là điểm tựa vững chắc cho Nhân dân trong thiên tai, khi dịch Covid-19 bùng phát trên khắp cả nước, gác lại niềm riêng, tạm xa gia đình, tuổi trẻ Quân khu 4 lại hăng hái lên đường thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình”. Bất cứ ở đâu có “điểm nóng” về dịch là thanh niên Quân khu 4 có mặt ở đó, xông pha, không quản ngại khó khăn, gian khổ. Hình ảnh những người lính đội nắng, đội mưa “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm mang đến từng hộ dân trong từng con ngõ, hẻm đã để lại những dấu ấn không thể nào phai trong lòng Nhân dân, làm ngời sáng hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” giữa thời bình.
Ước mơ vươn tới những đỉnh cao
Với nhiệt huyết và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, ngay từ những ngày đầu trong quân ngũ, đoàn viên thanh niên trong Quân đội nói chung, tuổi trẻ LLVT Quân khu 4 nói riêng đã đem hết tài năng, trí tuệ tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng để trở thành người quân nhân cách mạng, kế thừa và giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nuôi dưỡng ước mơ khát vọng vươn tới những đỉnh cao, đóng góp sức lực nhỏ bé của mình xây dựng quê hương, đất nước.
Bằng sự tích cực, chủ động, trí tuệ, bản lĩnh của mình, thông qua hoạt động Giải thưởng Nguyễn Viết Xuân Quân khu, Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong Quân đội đã tiếp tục khẳng định quyết tâm, khát vọng cao đẹp của đoàn viên thanh niên Quân khu 4. Hàng năm, có hàng nghìn công trình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực được đưa vào ứng dụng có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, bảo đảm an toàn, nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao tính giáo dục cho cán bộ, đoàn viên thanh niên. Trong 5 năm (2017 - 2022), tuổi trẻ LLVT Quân khu 4 đã có 791 hồ sơ sáng kiến, cải tiến Kỹ thuật tham gia Giải thưởng Nguyễn Viết Xuân Quân khu, lựa chọn 50 hồ sơ tham gia Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong Quân đội, trong đó có 20 hồ sơ đạt giải cao. Các công trình, sáng kiến được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có cách tiếp cận, khai thác vấn đề mới, sáng tạo, mang tính ứng dụng cao, được đánh giá, nghiệm thu chặt chẽ từ cơ sở, tiêu biểu như: “Bộ kiểm thử hệ thống đánh lửa TK”, của Thượng úy Lê Văn Hào, Xưởng 467, Cục Kỹ thuật Quân khu 4; “Hệ thống phát thanh nội bộ mạng không dây”, của Đại úy lê Hồng Dương, Sư đoàn 968... tạo nguồn cảm hứng, động lực mạnh mẽ, sức lan tỏa sâu rộng, khát vọng vươn tới những đỉnh cao mới cho thế hệ thanh niên Quân khu 4.
Sự trưởng thành của thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, tuổi trẻ LLVT Quân khu 4 nói riêng với những khởi sắc đi lên từ các phong trào trong những năm qua một lần nữa chứng minh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn trong việc vận dụng tư tưởng, đường lối của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp thanh niên Việt Nam, tuổi trẻ Quân đội nói chung, tuổi trẻ LLVT Quân khu 4 nói riêng, thế hệ sau tiếp bước thế hệ đi trước, bằng sức lực của tuổi thanh xuân nguyện mãi không ngừng nỗ lực phấn đấu, đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước ngày một đi lên, giành thắng lợi trên mọi mặt trận.
NGUYỄN THỊ NGA
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận