A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người chỉ huy Trung đoàn đầu tiên đánh vào Dinh độc lập

          Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), tôi vinh dự được tặng cuốn sách “Sức mạnh như một binh đoàn” của Đại tá Nguyễn Sơn Văn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Lật giở từng trang sách, hình ảnh sống động về những người lính can trường, dũng cảm trên các chiến trường, làm nên lịch sử vẻ vang của đất nước, đã thôi thúc tôi đến xã Diễn Hạnh (nay là xã Hạnh Quảng), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để gặp người Trung đoàn trưởng Trung đoàn đầu tiên đánh vào Dinh độc lập.

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

Trong ngôi nhà nhỏ nhưng ngăn nắp, gọn gàng, treo đầy những Bằng khen, Giấy khen, Huân chương, Huy chương các loại mang tên Nguyễn Sơn Văn. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, cùng những di chứng của bao năm xông pha ở các chiến trường, đã khiến sức khỏe của Đại tá Nguyễn Sơn Văn sụt giảm. Nhưng bao ký ức về những năm tháng ở chiến trường luôn như mới ngày hôm qua trong tâm trí ông.

Đại tá Nguyễn Sơn Văn nhớ lại những năm tháng hào húng năm xưa.

 

          Khi hỏi về những năm tháng chiến tranh, ánh mắt Đại tá Nguyễn Sơn Văn trào dâng niềm xúc động, ông cho biết: “Năm tháng ngày một lùi xa nhưng ký ức hào hùng của một thời xông pha khói lửa chiến tranh và hình ảnh đồng đội, diễn biến từng trận đánh lớn nhỏ và niềm vui trong ngày toàn thắng vẫn luôn in đậm trong ký ức của tôi. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần giúp tôi vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc đời...”.

Quyền Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Nguyễn Sơn Văn (thứ 3, phải sang) trong lần tiếp đón đồng chí Phi-đen Cat-xtơ-rô tại Quảng Trị, năm 1972.

 

Như bao thanh niên thời chiến tranh, khi Tổ quốc lâm nguy, mới 18 tuổi, việc học hành còn dở dang nhưng tháng 10 năm 1963, chàng trai trẻ Nguyễn Sơn Văn quyết định “xếp bút nghiên” xung phong lên đường chiến đấu. Sau một thời gian huấn luyện tân binh, đến tháng 12 năm 1963, chiến sĩ trẻ Nguyễn Sơn Văn được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 803, Sư đoàn 324 nhận nhiệm vụ cùng đơn vị tham gia chiến dịch 128 ở Lào. Từ năm 1963 - 1964, người lính trẻ có mặt làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào. Đến năm 1965, sau khi cùng sát cánh chiến đấu với quân và dân nước bạn Lào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông được trở về nước dự khóa đào tạo tại Trường Sỹ quan lục quân. Năm 1966, ông trở lại chiến trường miền Nam trong đội hình Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, với cấp bậc Thiếu úy, được bổ sung về Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, làm trợ lý tác chiến Trung đoàn.

Ghi dấu ấn trong hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ

Khi chúng tôi hỏi về truyền thống gần 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Trung đoàn 66, Đại tá Nguyễn Sơn Văn không khỏi tự hào về trung đoàn mình là đơn vị có những trận đánh sáng tạo, hiệu quả đầu tiên trong toàn quốc, tiêu biểu như: Trận vận động tiến công ở Hoàng Dương, Tử Dương (Mỹ Đức - Hà Tây); Trận kỳ tập ở rừng núi, diệt gọn quân địch Mường Riệc (Hoà Bình); những trận đánh tiêu diệt địch ở chiến trường Trung Lào thu đông 1953-1954. Đặc biệt, Trung đoàn đã Mở “cánh cửa thép” Thượng Đức, được các chuyên gia quân sự đánh giá: "Trận Thượng Đức mãi mãi là niềm tự hào về nghệ thuật quân sự Việt Nam".  Với đôi chân đất, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã đi vạn dặm đường dọc theo đất nước kể cả chiến trường Việt, Miên, Lào cùng những cỗ xe tăng, trọng pháo, những trái tên lửa với khẩu hiệu “Thần tốc, thần tốc hơn nữa - táo bạo, táo bạo hơn nữa” cắm ngọn cờ Tổ quốc vinh quang lên Dinh độc lập.

Quyền Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Nguyễn Sơn Văn (thứ 3, phải sang) bàn kế hoạch tiến công vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tá Nguyễn Sơn Văn, từng trải qua nhiều cương vị chỉ huy khác nhau ở cấp đại đôi, tiểu đoàn, trung đoàn, quân đoàn; tham gia nhiều chiến dịch lớn, đánh hơn 500 trận, tiêu diệt và làm bị thương 15.719 tên địch, trong đó có 3.018 tên Mỹ, bắt sống 2.569 tên, bắn rơi 161 máy bay, bắn cháy 304 xe quân sự, 55 xe tăng, 32 khẩu pháo, thu và phá hủy hàng nghìn tấn vũ khí, trang bị. Đất nước ngừng tiếng súng chưa bao lâu, bọn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri lại gây hấn ở biên giới Tây Nam. Trung đoàn trong đội hình của Quân đoàn 2 lại lên đường chiến đấu. Trong chống Mỹ, trung đoàn được tặng thưởng 17 huân chương Quân công các loại. Ba đồng chí Trần Hữu Bảo, đại đội 5 tiểu đoàn 8; Trần Công Đoàn, Chính trị viên tiểu đoàn 9; liệt sĩ Lê Xuân Phôi, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Trung đoàn được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân ngày 19-5-1972. Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, khi nói tới các mũi phối hợp với chiến trường chính, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tuyên dương Trung đoàn 66, đại ý: “Sức mạnh và hiệu quả chiến đấu của Trung đoàn 66 như một binh đoàn”. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong trung đoàn đã mang theo lời tuyên dương quý báu đó của Đại tướng vào các trận đánh, trên khắp nẻo đường chiến dịch và giành nhiều chiến thắng trên các chiến trường ác liệt từ Quảng Trị, Hướng Hóa đến Tây Nguyên, Sài Gòn – Gia Định. Trong đó, có nhiều trận đánh vang danh trong nghệ thuật quân sự thế giới như: Chiến thắng Plâyme năm 1965 ở Tây Nguyên – nơi bắt đầu làm nên bản anh hùng ca của quân và dân ta; giải phóng quận lỵ Hướng Hóa năm 1968 – đơn vị đầu tiên giành thắng lợi ở cấp quận tại miền Nam; chiến thắng Làng Vây cùng năm – khẳng định bước trưởng thành vượt bậc trong tổ chức, hiệp đồng binh chủng. Tiếp đó là những trận đánh nổi bật như Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào (1971), Quảng Trị (1972),…

Ngày vui thống nhất non sông

Đại tá Nguyễn Sơn Văn kể tiếp: “Ngày 26/3/1975, đang chốt giữ ở Thượng Đức, chúng tôi nhận được lệnh hành quân ra đường 14, tìm đường tiến về Đà Nẵng đánh chiếm sân bay Nước Mặn. Toàn bộ trung đoàn bừng bừng khí thế, không kể hành quân và chiến đấu không kể ngày đêm khiến kẻ thù bỏ chạy tán loạn. Hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đà Nẵng, đơn vị chốt giữ tại địa điểm huấn luận của Sư 3 Ngụy quân…”.

Giữa tháng 4 năm 1975, theo mệnh lệnh của chỉ huy Quân đoàn 2, Trung đoàn 66 hành quân vào giải phóng Sài Gòn, dọc đường đi phối hợp với các lực lượng khác chiến đấu giải phóng các tỉnh dọc miền duyên hải và Đông Nam Bộ. Ngày 26/4, Trung đoàn 66 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh theo hướng tiến công từ cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn. Đây là hướng địch tổ chức phòng ngự chặt chẽ và kháng cự mạnh, gây cho chúng ta không ít khó khăn.

Đại tá Nguyễn Sơn Văn với cuốn hồi ký "Sức mạnh hơn một Binh đoàn".

 

Hơn 10h ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 do ông Nguyễn Sơn Văn làm Quyền Trung đoàn trưởng đã có mặt ở cổng Dinh Độc Lập, phối hợp cùng các đơn vị khác bao vây, giải phóng thành lũy cuối cùng của địch. Đại tá Nguyễn Sơn Văn nhớ lại: "Thời điểm này, chiếc cổng phụ của Dinh Độc Lập đã mở,  tôi cùng Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn, ngồi trên chiếc xe Zep tiến vào. Vào dinh độc lập thì tôi ở dưới, còn anh Thệ báo về đã bắt toàn bộ đội hình thì đưa sang đài phát thanh để đọc đầu hàng và tôi cũng được giao nhiệm vụ chỉ huy tất cả lực lượng, rà soát lại đội hình sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu mới.”.

11h30 ngày 30/4/1975, nghe tiếng Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên sóng phát thanh. “Giờ phút ấy, không riêng gì bản thân tôi, mà toàn thể mọi người đều vui sướng, mừng vui đến phát khóc. Vui sướng vì nhiệm vụ đã hoàn thành, khóc vì nhớ thương những đồng đội đã nằm lại khắp các chiến trường, nhớ thương người thân yêu bị bom Mỹ vùi lấp…”.

Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày toàn thắng, nhưng đối với Đại tá Nguyễn Sơn Văn như mới diễn ra hôm qua, bởi ký ức và niềm tin ngày chiến thắng vẫn còn vẹn nguyên vẹn và tươi mới. Hàng năm, cứ đến những ngày này, trong lòng Đại tá Nguyễn Sơn Văn lại lâng lâng cảm xúc lẫn tự hào về những ngày tháng chiến đấu năm xưa. Giờ đây chứng kiến sự đổi thay, phát triển của đất nước từng ngày, người cựu chiến binh cảm thấy tự hào về sự mất mát, hy sinh của những người lính năm xưa, của gia đình ông đã được thế hệ trẻ ghi nhớ bù đắp và phát huy truyền thống để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Bài, ảnh: PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội