Thứ năm, 09/05/2024 - 15:24
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên khu ủy Khu 4 trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Trung ương Đảng với các địa bàn trong cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thành lập các Khu ủy, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn diện trực tiếp các Bộ Tư lệnh Chiến khu, Tỉnh ủy các tỉnh trong Chiến khu thực hiện “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến”. Các đồng chí Chỉ huy trưởng Chiến khu (Tư lệnh), Chính trị ủy viên Chiến khu (Chính ủy) là Ủy viên Khu ủy. Báo Quân khu 4 xin trân trọng giới thiệu tiểu sử các đồng chí từng giữ chức Bí thư Liên khu ủy 4 qua các thời kỳ.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt.

*ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT (1905-1992)

Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên khai sinh là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28/5/1905, tại xã Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh).

Năm 1922, đồng chí học ở Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng và tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh, thanh niên, th thuyền đất Cảng. Năm 1925, tham gia bãi khóa biểu tình đấu tranh đòi Nhà nước bảo hộ Pháp bỏ án tử hình đối với nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu và bị đuổi học. Tháng 7 năm 1928, gia nhập đội ngũ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.

Năm 1929, đồng chí gia nhập Đông Dương cộng sản Đảng. Đầu năm 1930, đồng chí dự Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản. Tại Hôi nghị hợp nhất Đảng Cộng sản, dù đã bị địch bắt nhưng vẫn được Hội nghị bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tòa án thực dân Pháp kết án tù chung thân và đày đồng chí ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, đồng chí tham gia xây dựng tổ chức Đảng trong tù, thực hiện việc “Biến nhà tù thành trường học cách mạng".

Năm 1936, đồng chí được trả tự do và bắt liên lạc với tổ chức Đảng, phát triển cơ sở cách mạng tại Bắc Bộ, cùng với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu, Trường Chinh hoạt động báo chí công khai. Năm 1937, được giao nhiệm vụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1941, tham gia Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Bác Hồ chủ trì tại Cao Bằng. Từ năm 1941 đến tháng 8 năm 1945, cùng Thường vụ Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc Tổng khi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1947, đồng chí là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ sau đó là Bí thư Khu ủy Khu 4. Đầu năm 1948, được cử vào Nam Bộ công tác cùng Xứ ủy Nam Bộ tiến hành củng cố chính quyền cách mạng các cấp, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí phụ trách công tác Mặt trận. Năm 1951, tại Đại hội II Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Mặt trận và giữ cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1960, được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, tham gia Đoàn Chủ tịch y ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt - Trung.

Tháng 12 năm 1976, trong Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và tiếp tục giữ nhiều chức vụ: Chủ tịch Đoàn Chủ tịch y ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977 - 1983), Chủ tịch danh dự y ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983 -1992), là đại biểu Quốc hội các khóa V, VI, VII, VIII.

Đồng chí mất ngày 25 tháng 12 năm 1992 tại Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

* ĐỒNG CHÍ NGUYỄN CHÍ THANH (1914-1967)

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh. Sinh ngày 1/1/1914, tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Từ năm 1933 - 1934, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được các đồng chí Phan Đăng Lưu và Nguyễn Chí Diểu giác ngộ, dẫn dắt tham gia phong trào cách mạng. Tháng 7 năm 1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ đầu tiên thôn Niêm Phò (tổ chức Đảng đầu tiên ở huyện Quảng Điền). Đầu năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, cuối năm bị chính quyền thực dân bắt, cầm tù. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng và được tái cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Giữa năm 1939, đồng chí lại bị chính quyền thực dân bắt giam ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột...

Năm 1941, đồng chí vượt ngục thành công cùng với một số đồng chí khác thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên, xây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Năm 1943, đồng chí bị chính quyền thực dân bắt lần thứ ba. Tháng 3 năm 1945, khí Nhật đảo chính Pháp, đồng chí ra tù, được cử về chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nam Trung Bộ. Tháng 8 năm 1945, đồng chí được cử đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ; được Bác Hồ đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Từ đây, cái tên Nguyễn Chí Thanh đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Từ năm 1947 đến 1948, đồng chí được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên và sau đó làm Bí thư Phân khu ủy Bình Trị - Thiên, Năm 1948 đến 1950, với cương vị là Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4 đồng chí cùng với các cấp ủy Đảng lãnh đạo quân và dân toàn Liên khu đoàn kết chiến đấu, sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến và xây dựng hậu phương vững mạnh. Đầu năm 1950, được điều động ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương. Tháng 2 năm 1950, tại Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.

Tháng 7 năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng điều động vào Quân đội và giao trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Chính ủy. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương. Từ cuối năm 1960 đến 1964, đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Đồng chí đã góp nhiều công sức vào việc củng cố, đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Từ giữa năm 1964 đến 1967, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng điều động trở lại tham gia lãnh đạo Quân đội và trực tiếp vào chiến trường miền Nam, lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang Nhân dân giải phóng miền Nam.

Đồng chí mất ngày 6 tháng 7 năm 1967 tại Hà Nội do bệnh hiểm nghèo.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phong quân hàm Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1959.

Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Anh báo cáo công tác với Bác Hồ, năm 1965. 

* ĐỒNG CHÍ HOÀNG ANH (1912 – 2016)

Đồng chí Hoàng Anh (bí danh Hai Bình) sinh ngày 28/3/1912 tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1932; được kết nạp Đảng năm 1937, Cuối năm 1938 bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế); sau đó thả ra do không đủ chứng cứ.

Từ tháng 5 năm 1939 đồng chí bị bắt lần thứ hai và bị giam đến tháng 5 năm 1945; ra tù đồng chí bắt liên lạc và hoạt động trong Mặt trận Việt Minh của tỉnh. Ngày 23 tháng 5 năm 1945; tham gia Hội nghị Ban Chấp hành Việt Minh tỉnh Thừa Thiên và tham gia Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch y ban Khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên Huế. Tháng 1 năm 1946, đồng chí trúng cử đạí biểu Quốc hội khóa I của đơn vị bầu cử tỉnh Thừa Thiên. Tháng 3 năm 1946, đồng chí được cử làm Chủ tịch y ban Hành chính tỉnh Thừa Thiên. Từ năm 1947 đến 1949, đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy kiêm Chủ tịch y ban Hành chính Kháng chiến Mặt trận Bình - Trị - Thiên.

Năm 1949 đến 1954, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Liên khu ủy Khu 4 Tháng 2 năm 1951, tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Tháng 11 năm 1953, đồng chí được Trung ương cử trực tiếp chỉ đạo mở đường 41 lên Điện Biên Phủ và tổ chức các hoạt động tiếp tế chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đầu năm 1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí được Trung ương điều sang Bộ Quốc phòng tham gia Tổng Quân ủy, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch y ban Đình chiến Trung ương phụ trách theo dõi thi hành Hiệp định Giơnevơ (1954 - 1958). Tháng 6 năm 1958, đồng chí là Bộ trưởng Bộ Tài chính và được bầu bổ sung vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí lần lượt đảm nhận các cương vị: Bí thư Trung ương Đảng (1958 - 1976); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp (1965 - 1967), Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu Trị - Thiên (1968 -1969), Phó Thủ tướng Chính phủ (1971 - 1976), Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (1976 - 1977).

Đồng chí hai lần đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo cao nhất của ngành Tài chính Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài chính (lần một từ năm 1958 đến 1964; lần hai từ 1977 đến 1982). Năm 1982 đồng chí nghỉ công tác theo chế độ.

Đồng chí Đặng Thí.

* ĐỒNG CHÍ ĐẶNG THÍ (1921-2001)

Đồng chí Đặng Thí (bí danh Thanh Quang) sinh ngày 13 tháng 4 năm 1921 tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Đồng chí Đặng Thí tham gia hoạt động cách mạng năm 1936, là Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ thành phố Huế, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938.

Từ năm 1939 đến 1948, đồng chí giữ các cương vị: Bí thư Thành ủy thành phố Huế, Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (1939 - 1940); năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, trong tù đồng chí tham gia thành viên Ban lãnh đạo tổ chức Đảng nhà tù Buôn Ma Thuột (1941 -1945); vượt ngục ra tù tiếp tục hoạt động là Chủ tịch y ban Khởi nghĩa tỉnh Quảng Trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, y viên Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên (5.1945 - 1948).

Năm 1949 đến 1950, đồng chí là Khu ủy viên Liên khu ủy 4, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; năm 1951 đến 1954 là Phó Bí thư Liên khu ủy 4, Bí thư Đảng ủy kiêm Chính ủy Phân khu Bình - Trị - Thiên; tháng 7 năm 1954 đến tháng 7 năm 1957 là Bí thư Liên khu ủy 4. Từ năm 1958 đến 1964, đồng chí làm Cục trưởng Cục Thống kê, sau đó là Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê; năm 1965 đến 1970 làm Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm y ban Kế hoạch Nhà nước; từ năm 1971 đến 1973 là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng, Chủ nhiệm y ban Liên lạc kinh tế với nước ngoài.

Từ năm 1974 đến 1981, đồng chí làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Thống nhất, Bí thư Ban cán sự Đảng về công tác C, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Năm 1982 đến 1993, đồng chí giữ chức vụ Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bí thư Ban cán sự Đảng về công tác C, Chủ nhiệm ủy ban Hợp tác kinh tế - văn hóa với Lào và Campuchia, Trưởng ban công tác Lào. Sau khi nghỉ công tác, đồng chí tham gia Ban chỉ đạo biên soạn công trình "Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 – 2002)”; "Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu 4 (1945 -1954)”.

Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Đồng chí Đặng Thí mất ngày 16 tháng 12 năm 2001 tại Hà Nội.

NGUYỄN KHẮC THUẦN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội