Thứ sáu, 29/03/2024 - 11:39
Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt” Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Gặp mặt cán bộ, học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN đối tượng 2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh đối tượng 2 Giúp chiến sỹ mới tự tin trong “Ngôi nhà mới”. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu chăm lo chu đáo cho chiến sĩ mới Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên Chiến sĩ mới. Tư lệnh Quân khu thăm, kiểm tra Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu chúc mừng Bệnh viện Quân y 4 nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 dự, chỉ đạo Lễ giao, nhân quân tại thành phố Huế
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946-06/01/2021)

5 sắc lệnh về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta

Ngay trong những ngày đầu tiên vừa tuyên bố độc lập tháng 9-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành nhiều sắc lệnh chuẩn bị thực hiện cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước để bầu cơ quan quyền lực cao nhất - Quốc hội.

 

Sắc lệnh số 14 - sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội - Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia

 

Giữa tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" của một đất nước non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy nhận định một trong những cơ sở cần có đầu tiên của một Nhà nước là Hiến pháp, mà muốn có Hiến pháp phải có Quốc hội.

Vì thế, trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ vô cùng khó khăn là phải tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu càng sớm càng tốt.

5 sắc lệnh liên tiếp được đưa ra để chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử lịch sử, khi lần đầu tiên người Việt Nam từ 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, "không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…".

Ngày 8-9-1945, sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử - Sắc lệnh số 14-SL được ban hành.

Tiếp theo đó là Sắc lệnh số 39-SL ngày 26-9-1945 về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17-10-1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL ngày 2-12-1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51-SL nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử và Sắc lệnh số 76-SL ngày 18-12-1945 về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử.

Kết quả, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra trong cả nước với khoảng 90% cử tri đi bỏ phiếu, cả nước đã bầu được 333 đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân.

Ở Hà Nội, 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu. Kết quả, 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%) và được đề nghị suy tôn là người công dân thứ nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Sắc lệnh số 39-SL ngày 26-9-1945 về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử 
do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành - Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia

 

Sắc lệnh số 14 - sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội, đặt nền móng cho sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - ra đời chỉ 6 ngày sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ông Võ Nguyên Giáp (khi ấy là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) đã ký Sắc lệnh số 14 về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Sắc lệnh này quy định về thời hạn, độ tuổi được tuyển cử, ứng cử, số đại biểu của Quốc dân đại hội…

Cụ thể, trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày ký sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất quyền công dân và những người trí óc không bình thường. Số đại biểu của Quốc dân đại hội ấn định là 300 người. Quốc dân đại hội sẽ có toàn quyền ấn định Hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa…

Sắc lệnh số 39-SL ngày 26-9-1945 về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành để thi hành Điều thứ 5 trong Sắc lệnh số 14 ngày 8-9-1945 lập một Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử.

Ủy ban gồm có 9 vị: ông Trần Huy Liệu, ông Vũ Đình Hòe, ông Cù Huy Cận, ông Nguyễn Mạnh Hà, ông Nguyễn Hữu Đặng (đại biểu của Văn hóa cứu quốc), ông Lê Văn Giang (đại biểu của Thanh niên), ông Nguyễn Văn Chức (đại biểu của Công nhân cứu quốc), ông Nguyễn Hữu Tiêu (đại biểu của Nông dân cứu quốc), bà Tám Kinh (đại biểu của Phụ nữ cứu quốc).

Sau gần một tháng hoạt động, Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc tổng tuyển cử đã hoàn thành bản dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử và đệ trình Chính phủ xem xét.

Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 51-SL về thể lệ Tổng tuyển cử trong cả nước. Bản gốc của sắc lệnh hiện đang được lưu trữ, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, sắc lệnh gồm 10 trang, 12 khoản và 70 điều, quy định chặt chẽ, cụ thể và chi tiết các vấn đề về tổng tuyển cử như: quy định thời gian tổng tuyển cử, quyền ứng cử và bầu cử, vận động tuyển cử, đơn vị tuyển cử, danh sách ứng cử, danh sách bầu cử, tổ chức bầu cử, quy định về trường hợp đặc biệt (nếu tỉnh hoặc thành phố số người ứng cử chưa bằng hoặc vừa đủ số đại biểu định lấy thì cũng cứ bầu như thường), quy định về điểm phiếu, kiểm soát cuộc bầu toàn tỉnh hay thành phố, vấn đề khiếu nại và triệu tập Quốc dân đại hội...

Thể lệ Tổng tuyển cử được thông qua là cơ sở pháp lý chỉ đạo, hướng dẫn về cách thức tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội, quy định quyền lợi, trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền và đối với mỗi công dân Việt Nam.

Sắc lệnh được ban hành và thực thi đã góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử.

Sắc lệnh số 76-SL quy định thay đổi ngày bầu cử, ấn định vào ngày 6-1-1946 - Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia

 

Sắc lệnh số 71-SL ngày 2-12-1945, bổ khuyết điều thứ 11, chương 5, đạo sắc lệnh ngày 17-10-1945 về thể lệ Tổng tuyển cử, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử. Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tiếp ký.

Cụ thể, sắc lệnh quy định: "Vì sự giao thông hiện thời khó khăn, người ứng cử có thể gửi đơn ứng cử ngay cho UBND nơi mình trú ngụ và yêu cầu UBND ấy điện cho UBND nơi mình xin ứng cử. Đơn và giấy chứng thực đủ điều kiện sẽ do UBND nơi trú ngụ chuyển sau cho UBND nơi ứng cử".

Sắc lệnh số 76-SL ra đời để ứng phó với tình hình đất nước phức tạp lúc bấy giờ là vừa phải kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc…

Hoàn cảnh này khiến cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên không còn là một cuộc Tổng tuyển cử thông thường mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc hết sức gay go, phức tạp và quyết liệt.

Bởi vậy, cuộc Tổng tuyển cử ban đầu được dự kiến là ngày 23-12-1945 nhưng gặp phải sự chống đối của Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội (Việt Cách).

Để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho Tổng tuyển cử; đồng thời, để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các nhân sĩ có đủ thời giờ để nộp đơn và vận động tranh cử và sau khi Hội đồng Chính phủ đồng ý, ngày 18-12-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký Sắc lệnh số 76-SL về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử vào ngày chủ nhật 6-1-1946.

Sắc lệnh này cũng quy định hạn nộp đơn ứng cử định đến hết ngày 27-12-1945.

Tuy nhiên, những tỉnh nào nhận được chậm sắc lệnh này, không đủ thì giờ để thông tri cho tất cả các làng, thì UBND tỉnh ấy được phép cứ tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 23-12-1945 và sẽ báo cáo ngay với Bộ Nội vụ.

Báo Quân khu 4


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội