A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 104 năm ngày cách mạng Tháng Mười Nga (1917-2021)

Bác Hồ viết báo ở nước Nga

Kể từ khi trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, Bác Hồ khát khao mong được đến Tổ quốc của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã làm rung chuyển thế giới.

Bác Hồ đến nước Nga

Từ Pari, trong tâm trí của mình, Bác nhận thấy cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Bác thể hiện quan điểm, tình cảm của mình với Cách mạng Tháng Mười Nga trong nhiều bài viết đầy tính chiến đấu đăng trên báo L’Humanité “Nhân đạo” cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, “Điện tín Quốc tế” cơ quan tuyên truyền của Quốc tế Cộng sản III, Le Paria “Người cùng khổ”, tờ báo do Bác sáng lập và là chủ bút kiêm thư ký Tòa soạn, họa sỹ trình bày mặt báo, thậm chí trực tiếp phát hành báo.

Khát vọng tìm đến đất nước Nga càng cháy bỏng khi ở Pari Bác đọc “Sơ thảo luận cương về các vấn đề Dân tộc và thuộc địa” của Lênin. Mùa Hè năm 1923, từ Pari tráng lệ, vượt qua mạng lưới mật thám dày đặc, Bác bí mật rời khỏi ga Đuynô (nước Pháp) bằng xe lửa tốc hành đến thành phố cảng Hăm buốc (nước Đức) với giấy đi đường mang tên Chen Vang.

 

Giấy thông hành số 1829, do Đại diện toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga
tại Đức cấp cho Nguyễn Ái Quốc, bí danh “Chen Vang”, ngày 16-6-1923. Ảnh tư liệu

 

Tại Hăm buốc, nhờ đồng chí Brađôpxky là cán bộ Đại sứ quán Liên Xô trực tiếp can thiệp, Bác Hồ được phép nhập cảnh vào Liên Xô với nội dung giấy phép như sau “Cộng hòa Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga. Giấy đi đường số 1829. Người mang giấy: Chen Vang; Sinh ngày 15-02-1895 ở Đông Dương. Nghề nghiệp: Thợ ảnh. Đi đến: Nước Nga”. Rời nước Đức từ ngày 26-06-1923 trên chiếc tàu thủy mang tên nhà cách mạng vô sản Đức (Cac lip nếch). Bác Hồ đến thương cảng Pêtơrôgờrát vào sáng ngày 30-06-1923.

Đến Liên Xô, sau 4 tháng, bằng ảnh hưởng, uy tín hoạt động quốc tế của mình, Bác được mời tham dự Đại hội của đại diện 40 nước lập ra “Quốc tế nông dân” họp tại điện Kremli với 158 đại biểu. Tại Đại hội của tổ chức nông dân toàn thế giới khai mạc vào ngày 12-10-1923, Bác Hồ được bầu vào Hội đồng Thường trực với 52 ủy viên. Hội đồng Nông dân Quốc tế họp phiên toàn thể ngày 17-10-1923 đã bầu Đoàn chủ tịch gồm 11 ủy viên, trong đó có Nguyễn Ái Quốc.

Sáng lập tạp chí Quốc tế Nông dân

Với kinh nghiệm sử dụng báo chí làm công cụ giáo dục, tuyên truyền tập hợp lực lượng cách mạng của mình, sau Đại hội Nông dân Quốc tế, khi tham gia nội dung chương trình hành động của Đoàn chủ tịch, Bác đề nghị thành lập Ban tuyên truyền và xuất bản tờ báo Chính trị của Quốc tế Nông dân. Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân chấp nhận ý kiến đề xuất của Bác xuất bản Tạp chí “Quốc tế Nông dân”. Đầu năm 1924, Tạp chí “Quốc tế Nông dân” ra mắt bạn đọc, được phát hành chuyển tới 40 nước thành viên tham gia Quốc tế Nông dân. Bác Hồ làm việc tại trụ sở Quốc tế Nông dân đặt tại ngôi nhà số 14 phố Vadơđơnhigin với cương vị theo dõi, phụ trách, chỉ đạo phong trào nông dân ở  các nước thuộc địa và nửa thuộc địa.

Với tư cách là người sáng lập Quốc tế Nông dân, trực tiếp chỉ đạo nội dung Tạp chí “Quốc tế Nông dân”, Bác vừa tham gia tổ chức nội dung xuất bản, vừa viết bài. Trong số 1 của Tạp chí “Quốc tế Nông dân” Bác gửi đăng 3 bài: “Tình cảnh nông dân Việt Nam”, “Tình cảnh nông dân Trung Quốc”, “Tình cảnh nông dân Bắc Phi”. Vào thời điểm này, Bác đã dịch “Lời kêu gọi Quốc tế Nông dân” từ tiếng Anh sang tiếng Việt gửi về Việt Nam và dịch sang tiếng Pháp gửi đăng trên báo L’Humanité “Nhân đạo”.

 

Người chụp ảnh kỷ niệm với các đoàn viên Công xã Leninsky Zakal, Moskva, tháng 10-1924. 
Ảnh sưu tầm từ tạp chí SMENA, tháng 12-1924 (ảnh bên trái) - Nguyễn Ái Quốc
và các đại biểu dự Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản (ảnh bên phải).

 

Những bài báo của Bác đăng trên Tạp chí Đỏ (cơ quan lý luận của Quốc tế Cộng sản III), Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ”, “Sự thật” do Lênin sáng lập cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô từ tháng giêng đến tháng 10 năm 1924 đều tập trung chủ đề bảo vệ quyền lợi, độc lập dân tộc, quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội của tầng lớp lao khổ mà đối tượng phản ánh là nông dân, công nhân ở Ấn Độ, Angiêri, Trung Quốc, Đông Dương, Tuynidi.

Đến Liên Xô vào cuối tháng 6 năm 1923, Bác Hồ đã gửi thư cho các đồng chí trong Trung ương Đảng Cộng sản Pháp tỏ thái độ phê phán tờ báo “Nhân đạo” bỏ mục “Diễn đàn của các thuộc địa”. Bức thư có đoạn “…Những cái diễn đàn đó về vấn đề thuộc địa bị báo Nhân đạo bỏ đi đột ngột. Không có phương tiện làm việc và hoạt động, Ban nghiên cứu các vấn đề về thuộc địa bị tê liệt. Điều đó làm cho những tờ báo lớn tư sản hài lòng, những tờ đó thường xuyên dành cả trang cho việc tuyên truyền vấn đề thuộc địa và chúng luôn luôn sợ bị cải chính, vạch trần. Điều đó đặc biệt gây ra những cảm giác nặng nề trong nhân dân các thuộc địa… Thay vì tăng cường tuyên truyền, chúng ta (chỉ Đảng Cộng sản Pháp) đã đánh trống bỏ dùi”. Và Bác đã đề nghị mở lại chuyên mục diễn đàn “Thuộc địa” trên báo “Nhân đạo” để “… Người đọc làm quen với các việc của thuộc địa…”.

Đấu tranh cho các dân tộc thuộc địa

Để có nguồn tư liệu viết báo, Bác tranh thủ mọi thời gian gặp gỡ đại biểu 40 nước tới Mátxcơva dự Đại hội Quốc tế Nông dân. Bác thường xuyên đến thư viện Rumianxép gần Điện Kremli, một thư viện đồ sộ, lớn nhất Mátxcơva để tra cứu tài liệu, làm phong phú những kiến thức khi viết những bài báo có tầm khái quát lớn, định hướng, chỉ đạo phong trào cách mạng Quốc tế với những vấn đề dành riêng cho cách mạng Việt Nam. Những bài báo của Bác viết cho báo chí Đảng Cộng sản Liên Xô, báo chí Đảng Cộng sản Pháp và báo chí của Quốc tế Cộng sản III; ngoài tính chất hiện thực sinh động, khả năng phân tích sâu sắc, bút pháp sắc bén, trình độ lập luận chặt chẽ còn chan chứa tình cảm khi đề cập tới số phận những người cùng khổ nhất trong những người cùng khổ.

Trong một bài báo viết về tình cảnh người nông dân Bắc Phi bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột, Bác nêu dẫn chứng: “… Hàng vạn người dân da trắng ồ ạt kéo đến đuổi nông dân bản xứ đi để cướp ruộng đất. Ở Angiêri và Tuynidi, thực dân Pháp đã cướp 1.800.000 héc ta ruộng đất của nông dân, 2.700.000 héc ta rừng, 800.000 héc ta công điền. Cũng ở Ma rốc, chúng đã cướp 545.000 héc ta đất đai…” và Bác kết luận bài báo “… Nông dân Bắc Phi sẽ biến khỏi quả đất nếu giai cấp vô sản không thức tỉnh họ và đến cứu họ…”.

Cũng vào cuối năm 1923, Bác được cử vào công tác ở Ban phương Đông thuộc Quốc tế Cộng sản III. Lĩnh vực công tác của Bác ở Ban phương Đông có mối quan hệ trực tiếp đến phong trào cách mạng ở Trung Quốc, Đông Dương nên những bài báo của Bác và cả những bức thư gửi từ Liên Xô tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đều đề cập tới vấn đề giải phóng thuộc địa, đặc biệt là vấn đề Việt Nam.

Các đồng chí trong “Hội Liên hiệp thuộc địa” theo đề nghị của Bác đã tìm mọi cách chuyển báo Le Paria “Người cùng khổ”, L’Humanité “Nhân đạo”, Tạp chí Cộng sản từ Pháp về Việt Nam. Các bài báo của Bác đăng trên những tờ báo tiến bộ vào năm 1923, 1924 đã về tới trường Bưởi (Hà Nội), trường Quốc học (Huế) và Sài Gòn thức tỉnh, cổ vũ, lôi cuốn thế hệ thanh niên Việt Nam hướng tới chân lý cách mạng của thời đại, thúc giục họ tìm con đường mới cứu nước, cứu dân, bất chấp sự đầu độc hệ tư tưởng cam chịu số phận nô lệ của thực dân Pháp mà lâu nay nền giáo dục thực dân vẫn duy trì trong hệ thống trường học Việt Nam.

Trong một thời gian không dài ở đất nước Lênin (từ 30-06-1923 đến 25-09-1924), Bác Hồ có nhiều đóng góp tuyên truyền về vấn đề giải phóng thuộc địa của hệ thống báo chí Xô viết Nga. Bạn đọc Liên Xô đã quen thuộc bút danh Nguyễn Ái Quốc trên các tờ báo “Nữ lao động” mỗi tuần phát hành 6 vạn số, cơ quan của Ban Phụ vận trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Nga, báo “Công nhân” cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Liên Xô. Trong bài viết về “Phụ nữ phương Đông” đăng trên báo “Nữ lao động”, Bác Hồ tố cáo thực dân Anh bóc lột lao động nữ ở Ấn Độ như sau: “...Những mỏ này dùng 42.000 phụ nữ và 1.117 trẻ em. Thật là điều sỉ nhục cho thế kỷ 20 khi thấy những phụ nữ gập người dưới thúng than, bước đi run run nhưng vẫn cứ bước đi vì đói và những trẻ em từ 12-13 tuổi bò trong các máng than, vừa bò vừa dùng răng kéo những thúng than…”.

Cũng trên tờ báo “Nữ lao động”, khi đề cao vai trò, ý chí đấu tranh của phụ nữ, Bác Hồ viết “… Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo vệ đất nước chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Phụ nữ Ấn Độ đứng dậy chống bọn thống trị Anh. Phụ nữ Trung Quốc tham gia cách mạng năm 1912. Phụ nữ Triều Tiên đã và đang chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Phụ nữ Nhật Bản đòi Chính phủ họ xóa bỏ đạo luật cấm phụ nữ tham gia sinh hoạt chính trị… Trong đời sống kinh tế những “Bông hồng” phương Đông cho chủ nghĩa tư bản thấy rằng họ có những gai nhọn chọc rất đau. Những cuộc bãi công của phụ nữ lao động không còn là hiện tượng hiếm thấy ở nhà máy và xưởng dệt lụa”.

Tạp chí “Thư tín Quốc tế”, cơ quan tuyên truyền và lý luận của Quốc tế Cộng sản, năm 1924 liên tục đăng nhiều bài báo mang tính lý luận sắc sảo, thực tiễn sinh động, giàu sức truyền cảm của Bác Hồ như: “Đông Dương và Thái Bình Dương”, “Chủ nghĩa đế quốc Pháp giám làm những gì”, “Sự phá sản của thực dân Pháp”, “Chủ nghĩa thực dân”, “Những cái tốt đẹp của nền văn minh Pháp”, “Hành hình kiểu Linsơ của Mỹ”, “Các nước đế quốc và Trung Quốc”, “Công cuộc khai hóa giết người”, “Thống chế Liôtây và bản tuyên ngôn nhân quyền”, “Chủ nghĩa thực dân bị lên án”, “Đảng Ku Klux Klan”…

Đến “Bản án chế độ thực dân Pháp”

Những bài báo viết trên đất nước Lênin của  Nguyễn Ái Quốc có giá trị soi sáng tư tưởng giải phóng cách dân tộc bị áp bức trên Thế giới, xác định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân do Lãnh tụ Lê Nin chỉ ra đã vạch trần bản chất thối nát của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, dự báo sớm nguy cơ chủ nghĩa phát xít và thảm họa do nó gây ra trên phạm vi thế giới.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu
Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12-7-1955. Ảnh tư liệu

 

Bằng những con số chính xác, sự kiện nóng hổi, Nguyễn Ái Quốc phân tích, nhận định xu thế phát triển cuộc đấu tranh cách mạng tất yếu của giai cấp công nhân, mối quan hệ gắn bó giữa giai cấp nông dân với giai cấp công nhân trên con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Một đặc trưng trong nội dung và chủ đề bài viết, dưới bất kỳ thể loại nào, Nguyễn Ái Quốc đều đề cập tới thực trạng xã hội, sự phân hóa giai cấp, mâu thuẫn thời đại, xu thế phát triển tiến bộ, khả năng cách mạng của tầng lớp nhân dân lao động ở các nước thuộc địa. Và từ những tác phẩm chính luận được tổng kết trong thời gian hoạt động chính trị ở Pháp kết hợp với nguồn tri thức, lý luận tích lũy suốt quá trình công tác tại “Quốc tế Nông dân”, “Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản”, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp” tại Mátxcơva.

Bản thảo tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” được gửi cho các đồng chí Cộng sản Pháp kịp in ở Nhà xuất bản Lao động Pari trước khi Nguyễn Ái Quốc nhận trách nhiệm Ủy viên Ban phương Đông, phụ trách Cục phương Nam, tới Quảng Châu (Trung Quốc) chỉ đạo phong trào cách mạng các nước Đông Nam châu Á theo quyết định của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ngày 25-9-1924. Và từ đây bình minh bừng sáng cách mạng giải phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi xướng, huấn luyện, tổ chức lực lượng cách mạng, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 trở thành vai trò lãnh đạo quyết định cách mạng thắng lợi mà khởi đầu là Xô Viết Nghệ Tĩnh long trời lở đất (1930-1931), tạo tiền đề giành độc lập dân tộc vào năm 1945.

Nguồn: BNA


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội