Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông (1947 - 2017): Chiến thắng sông Lô
Chiến thắng sông Lô có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành sức mạnh và niềm tin cho quân và dân ta làm nên Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947, như lời khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến thắng Đoan Hùng như một luồng gió mát thổi lan khắp Việt Bắc trong những ngày nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh...”.
Thu Đông năm 1947, sau khi đánh chiếm một số vùng ở đồng bằng và trung du, thực dân Pháp thực hiện ý đồ mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực của ta, phá hủy căn cứ địa kháng chiến, kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam một cách nhanh chóng. Ngoài ra, tấn công Việt Bắc, thực dân Pháp còn nhằm mục đích khóa chặt biên giới Việt - Trung, ngăn chặn sự liên lạc giữa Việt Nam với bè bạn quốc tế.
Trong lần tấn công lên Việt Bắc theo dòng sông Lô, thực dân Pháp đã huy động hơn 2.000 quân tinh nhuệ, 800 xe cơ giới, 40 máy bay, 40 ca nô, tàu chiến, nhằm tạo ra hai gọng kìm. Gọng kìm phía Đông theo đường số 4 do binh đoàn Bôphrê đảm nhiệm.Gọng kìm phía Tây theo đường sông Lô do binh đoàn Commuynan đảm nhiệm.
Thực hiện chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp” của Trung ương Đảng. Phát huy được lợi thế vừa trên sông nước, vừa phục kích đôi bờ, tại khu vực mặt trận sông Lô, Ban Chỉ huy các lực lượng Khu 10 đã triển khai kế hoạch phối hợp với dân quân, du kích của tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang tích cực phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu. Tại Chí Đám (Đoan Hùng), Phú Thọ và Bình Ca (Tuyên Quang), ta xây dựng trận địa phục kích, chặn đánh tàu chiến của địch trên đường tấn công Việt Bắc. Nhân dân Đoan Hùng nhà nhà góp lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho bộ đội chủ lực ăn no để mai phục và tấn công kẻ thù. Đặc biệt, giống bưởi quý ở Đoan Hùng nức danh cả nước được nhân dân trồng hai bên bờ sông Lô cũng “tham gia” chiến dịch. Những trái bưởi tròn vàng được nhân dân góp lại, nhuộm thành màu đen mang thả xuống dòng Lô để giả làm những quả ngư lôi khiến quân địch trên những tàu chiến khiếp sợ.
Ngày 24/10/1947, đoàn tàu địch gồm 5 chiếc, được 6 máy bay hộ tống từ Tuyên Quang xuôi sông Lô đi ứng cứu cho tàu chở quân từ Hà Nội lên đang bị ta chặn đánh tại Khoan Bộ (Lập Thạch – Vĩnh Phúc). Khi tới Chí Đám chúng lọt vào trận địa phục kích của ta. Sau gần 6 giờ chiến đấu quyết liệt, pháo binh ta đã bắn chìm 2 tàu chiến trọng tải 500 tấn, bắn cháy và bắn bị thương 3 chiếc khác; 350 tên địch bị tiêu diệt. Ta phá hủy và thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự.
Sau đó, vào ngày 22/11/1947, địch từ Tuyên Quang theo sông Lô rút lui về Việt Trì; đường sông, tàu thủy và ca nô đi chậm; đường bộ, lính bộ binh do thám và sục sạo đề phòng bị phục kích; có máy bay yểm trợ trên không. Ngày 24/11/1947, tàu chiến địch tới Chí Đám bị trúng trận địa thủy lôi của ta. Tàu chở các sĩ quan của địch bị trúng đạn, hơn 100 tên chết chìm theo tàu. Thắng lợi thôi thúc quân ta tiếp tục truy kích diệt thêm nhiều tên địch. Tính tổng cộng trên mặt trận sông Lô – Thu Đông năm 1947 ta tiêu diệt hơn 1.000 tên địch; 10 tàu chiến và 1 ca nô; 1 thủy phi cơ, thu rất nhiều vũ khí, đạn dược và đồ dùng quân sự.
Bằng ý chí, sự đoàn kết và trí tuệ chiến tranh du kích, với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, quân và dân ta đã cắt đứt hướng tấn công với âm mưu thâm độc của thực dân Pháp trên con đường lên Chiến khu Việt Bắc. Dòng sông Lô xanh thẳm trở thành mồ chôn giặc Pháp, nhấn chìm dưới đáy sông biết bao tàu chiến và súng pháo của kẻ thù. Nơi đây đã trở thành bản trường ca lịch sử về ý chí và tinh thần dân tộc. Chiến thắng sông Lô có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành sức mạnh và niềm tin cho quân và dân ta làm nên Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947, như lời khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến thắng Đoan Hùng như một luồng gió mát thổi lan khắp Việt Bắc trong những ngày nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh...”.
Hương Sơn
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận