Thứ tư, 08/05/2024 - 06:15
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam: Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo

Thiên tai vốn dĩ là hiện tượng tự nhiên bất thường đang ngày càng có diễn biến phức tạp, khắc nghiệt hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ, sạt lở đất,... xảy ra phức tạp, bất thường đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân tại nhiều địa phương. Trong bối cảnh đó, nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) nói chung và dự báo thiên tai nói riêng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Không ngừng hiện đại hóa

Hiện nay, hệ thống thông tin KTTV đã được đầu tư hiện đại và khá đồng bộ, từ hệ thống máy chủ, các hệ thống thông tin chuyên ngành; hệ thống kênh thông tin quốc tế (GTS và WIS); hệ thống mạng riêng luôn đảm bảo sự hoạt động ổn định, thông suốt trong mọi tình huống, nhất là trong khi có tình hình thời tiết nguy hiểm, phục vụ tốt yêu cầu của công tác dự báo, cảnh báo bão, lũ cũng như truyền tin kịp thời tới các Bộ, ngành, địa phương theo quy định. Thực hiện phát báo quốc tế số liệu KTTV thời gian thực qua hệ thống viễn thông toàn cầu đảm bảo đúng quy định của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO); cơ sở dữ liệu thông tin KTTV đã lưu trữ được nhiều tài liệu mang tính lịch sử, khẳng định chủ quyền đất nước.

Lĩnh vực KTTV đã có một mạng lưới quan trắc KTTV liên tục được cấy dày, tăng cường tự động hóa bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã hội hóa và trở thành mạng lưới nền cho mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường. Hiện Việt Nam có 284 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; 782 trạm đo mưa tự động; 359 trạm thủy văn; 27 trạm khí tượng hải văn; có 180 trạm, điểm đo môi trường; mạng lưới trạm khí tượng cao không gồm có: 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 3 trạm đo tổng lượng ô dôn - bức xạ cực tím, 10 trạm ra đa thời tiết trải khắp mọi miền đất nước và 18 trạm định vị sét.

Quan trắc viên lấy thông tin số liệu đo đạc từ trạm Khí tượng Vũng Tàu.

Trong những năm gần đây, với nhu cầu mang tính chi tiết - định lượng trong các thông tin dự báo KTTV của xã hội, ngành KTTV đã từng bước hiện đại hóa theo phương châm có được một cơ sở hạ tầng mang tính bền vững, được đầu tư có trọng điểm, chuyên sâu cùng các lộ trình định hướng cụ thể nhằm đáp ứng các công nghệ dự báo hiện đại trên thế giới hiện nay, đặc biệt ứng dụng công nghệ dự báo số trong vấn đề dự báo thời tiết nguy hiểm, mang tính cực đoan như mưa lớn, bão,...Bên cạnh đó, với gần 1.500 kỹ sư có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ vùng sâu, vùng xa đến núi cao và hải đảo, họ đã không ngại khó khăn gian khổ, thầm lặng ngày đêm thu thập các số liệu điều tra cơ bản về KTTV, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, dự báo KTTV phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Bên cạnh tăng cường đổi mới công nghệ, sự nỗ lực của cán bộ ngành KTTV rất đáng được ghi nhận. Với phương châm liên tục, kịp thời, các hệ dự báo từ Trung ương đến địa phương luôn theo dõi, dự báo, cảnh báo kịp thời về tình hình KTTV, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm. Kết quả đem lại là chất lượng các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn ngày một nâng cao, nhiều tiến bộ khoa học, trang thiết bị, công nghệ mới đã được triển khai ứng dụng có hiệu quả vào công tác dự báo, cảnh báo KTTV.

Cảnh báo sớm, nâng mức an toàn trước thiên tai

Có thể khẳng định, những năm qua, ngành KTTV có sự phát triển về mọi mặt, phục vụ đa lĩnh vực, đa mục tiêu, vừa đảm bảo một xã hội an toàn trước thiên tai, vừa thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở thông tin dự báo KTTV, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Năm 2018, cùng với sự chủ động phòng, chống của các cấp chính quyền, nhân dân và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành KTTV đã góp phần  giảm khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017, tương ứng với 40.000 tỷ đồng. Năm 2019 - 2020, nhờ dự báo sớm nên mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt nghiêm trong nhất trong lịch sử, tuy nhiên mức độ thiệt hại đến sản xuất, dân sinh được giảm thiểu, đặc biệt là thiệt hại về sản xuất nông nghiệp chỉ bằng khoảng 9,6% so với năm 2016.

Trong thời gian tới, ngành KTTV sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý Nhà nước về KTTV nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực KTTV; cảnh báo, dự báo sát, kịp thời mọi diễn biến các hiện tượng thời tiết, thủy văn, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm. Chủ động xây dựng các phương pháp dự báo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ dự báo, nâng cao chất lượng dự báo KTTV...

Nguồn: TN&MT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội