Công bằng để hợp lòng dân
“Trong công tác lưu thông phân phối, có hai điều quan trọng phải luôn luôn nhớ: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng/ Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không theo”.
Ngày 29 tháng 12 năm 1966, tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ, khi đề cập đến khuyết điểm của công tác lưu thông phân phối, Bác Hồ đã căn dặn những điều trên. Ở đây, Bác đề cập đến “không sợ thiếu”, “không sợ nghèo” không phải là cam tâm chịu nghèo, chịu thiếu. Cách mạng là để cuộc sống con người giàu có hơn, sung sướng hơn. Nhưng trước cái thiếu, cái nghèo còn đang hiện hữu thì phải làm sao thiếu mà được công bằng, nghèo mà lòng dân vẫn yên. Sợ sự không công bằng và sợ lòng dân không theo là biểu thị thái độ, trách nhiệm của người quản lý.
Trước đó, năm 1947, để giữ nghiêm pháp luật và kỷ luật, Bác đã phải thức trắng đêm để suy nghĩ và đi đến quyết định bác đơn xin ân xá của Đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu vì những vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức, quản lý không tốt, bớt xén của bộ đội để dùng vào việc riêng.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Người, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác phân phối hàng hóa trong hệ thống phân phối của Nhà nước đã đề cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là giai đoạn đất nước còn trong chiến tranh và thực hiện cơ chế bao cấp, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong Quân đội, mọi chế độ, tiêu chuẩn, chính sách của cán bộ, chiến sĩ được quy định cụ thể trong các văn bản, được phổ biến và niêm yết công khai theo quy định ở từng cấp để mọi quân nhân biết, thực hiện. Hằng tháng, các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp Ngày Chính trị văn hóa tinh thần để bộ đội được dân chủ tham gia góp ý trên mọi mặt công tác; qua đó tạo bầu không khí dân chủ, tin cậy, trực tiếp xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
BÁO QUÂN KHU 4
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận