Lý Văn Sáu - nhà báo xuất sắc, nhà ngoại giao tài ba
Cư dân đầu tiên của vùng Yên Thành có nguồn gốc từ người vượn cổ sinh sống ở các vùng rừng núi, hang động của dãy Trường Sơn thuộc một số tỉnh Bắc Trung Bộ, di cư xuống nơi này. Trong quá trình canh tác và xây dựng nhà, trường học, người dân Bảo Nham (Bảo Thành), Đồng Thành, Hậu Thành, Vĩnh Thành... đã thu được nhiều rìu đá, cuốc đá, chày nghiền bằng đá, nhiều công cụ bằng đá nằm sâu dưới tầng đất 1m, có niên đại khoảng 2.700 +/- 75 năm trước Công nguyên.
1.Quê hương Yên Thành của Lý Văn Sáu
Cư dân đầu tiên của vùng Yên Thành có nguồn gốc từ người vượn cổ sinh sống ở các vùng rừng núi, hang động của dãy Trường Sơn thuộc một số tỉnh Bắc Trung Bộ, di cư xuống nơi này. Trong quá trình canh tác và xây dựng nhà, trường học, người dân Bảo Nham (Bảo Thành), Đồng Thành, Hậu Thành, Vĩnh Thành... đã thu được nhiều rìu đá, cuốc đá, chày nghiền bằng đá, nhiều công cụ bằng đá nằm sâu dưới tầng đất 1m, có niên đại khoảng 2.700 +/- 75 năm trước Công nguyên.
Điều đó chứng tỏ "Cách ngày nay khoảng 5.000 năm, người Việt cổ đã quần tụ trong các hang động ở Yên Thành. Đó là những cư dân trồng lúa cuối thời đại đá mới... Họ chính là con cháu của những người vượn ghè đá ở Thẩm Ồm (Quỳ Châu)...".
Thời các Vua Hùng và thời Bắc thuộc, Yên Thành đã có nhiều làng xã cổ của người Việt trên các đồi cao, đất bằng được gọi bằng các tên cổ như kẻ, sách, trang, giáp... Gia phả của nhiều dòng họ còn lưu giữ niên hiệu tổ tiên khai khẩn vùng đất này từ lâu đời. Đến thời Tiền Lê, nhà Lý, rồi nhà Trần... mới có nhiều dân di cư từ các tỉnh miền Bắc vào khai khẩn, lập nghiệp, làm cho cư dân Yên Thành ngày càng đông đúc.
Mùa xuân năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), huyện Đông Thành tách thành hai huyện Đông Thành và Yên Thành (Đông Yên nhị huyện) theo chiều đông tây, huyện nào cũng có núi, có đồng bằng, có biển. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), triều đình nhà Nguyễn chia lại hai huyện theo chiều nam bắc: Huyện Đông Thành ở phía đông. Huyện Yên Thành ở phía tây gồm các tổng Quý Trạch (tức Thái Trạch), Quan Hóa (tức Quan Triều), Vân Tụ, Quan Trung và Vân Hội. Lỵ sở của huyện chuyển về làng Phụng Luật (Hợp Thành). Từ đó đến năm 1945, huyện Yên Thành có 5 tổng, 136 xã.
Sản phẩm quý của nông nghiệp Yên Thành là lúa. Đặc sản là lúa Hẻo, lúa Chăm, lúa Dự Hương, lúa Nếp Rồng thơm ngon nổi tiếng. Yên Thành là vựa lúa lớn nhất của xứ Nghệ “Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống”.
Con người Yên Thành vốn cần cù, sáng tạo trong lao động, ngoài nghề nông là chủ yếu còn có nghề thủ công gia truyền như nuôi tằm dệt vải, đan lát, đồ gốm... Nghề dệt chiếu cói làng Văn Trai (Long Thành), nghề làm nồi đất chợ Bộng (Bảo Thành)... còn lưu truyền đến ngày nay. Gắn liền với sản phẩm của các nghề ấy là nghề buôn bán hình thành các chợ sầm uất ở các tụ điểm giao thông cả thủy và bộ trong huyện.
Yên Thành cũng là vùng có truyền thống văn hóa lâu đời phản ánh trực tiếp và sâu sắc nền văn minh lúa nước Việt Nam. Các hoạt động lễ hội gắn liền với ca nhạc, vũ điệu, phục trang rất đa dạng, phong phú như ca trù, hát ví, hát dặm, hát chèo, tuồng, chơi đu, đánh cờ, chọi gà... diễn ra hầu hết ở các làng xã, chợ phiên, đình, chùa, miếu, miễu... trong huyện và cuốn hút cư dân của các huyện khác cùng tham gia.
Đạo Phật vào Yên Thành từ rất sớm. Thời Lý, ở vùng đất này đã có các ngôi chùa thờ Phật. Nho học vào đây từ thời Trần, tuy muộn nhưng phát triển nhanh nhờ có nhiều nét tương đồng và đáp ứng được nhu cầu về đời sống tinh thần của nhân dân. Yên Thành là vùng đất nổi tiếng về Nho học, khoa bảng. Có dòng họ ba, bốn đời ông, cha, con, cháu... đều đỗ đạt cao. Thời xa xưa có Trạng nguyên Bạch Liêu (1236 - 1315) vị tổ khai khoa cho xứ Nghệ và cả một vùng rộng lớn ngoài kinh trấn (Trạng nguyên trại). Gia đình có ba cha con, ông cháu đều đỗ Trạng nguyên “Một nhà ba Trạng nguyên ngồi/ Một gương từ mẫu mấy đời soi chung” là Hồ Tông Thốc (1324-1404), con trai cụ Hồ Tông Thốc là Hồ Tông Đốn và cháu nội là Hồ Tông Thành. Đó là Nguyễn Hữu Đạo - Hội nguyên Hoàng giáp khoa Tân Vỵ năm Chính Hòa 12, vua Lê Hy Tông (1691). Là Thám hoa Phan Thúc Trực (1808 - 1852), Tiến sĩ Trần Đình Phong (1843 - 1909); Phó tướng phong trào Cần Vương, Tiến sĩ Lê Doãn Nhã; là cụ Tác Bảy - Lãnh Ngợi một tướng tài của cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn; cụ Cử nhân Chu Trạc... Thời hiện đại là Nhà văn hóa, Nhà cách mạng xuất sắc Phan Đăng Lưu (1902 - 1941), Thường vụ Trung ương Đảng, hy sinh sau Khởi nghĩa Nam Kỳ; Nguyễn Cảnh Dinh (sinh 1934, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; nhà thơ, nhà báo, nhà viết kịch thời tiền chiến Phan Khắc Khoan (1916 - 1998); là Học giả, nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc (1925 - 2020), Giải thưởng Nhà nước về Khoa học-Công nghệ năm 2001; Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, tức Nguyễn Bá Đàn (chúng tôi sẽ nói rõ ở phần sau); PGS,TS Nguyễn Văn Hoàn (1932 - 2015) là dịch giả, học giả Kiều học, Ý học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, người Việt Nam đầu tiên được trao Huân chương Hiệp sĩ của Nhà nước Ý; GS, TSKH Phan Đăng Nhật (1931 - 2020) là nhà nghiên cứu văn học dân gian về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nhất là Tây Nguyên; nhạc sĩ Hồng Đăng (1936 - 2022) Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2022; nhiều các nhà văn, nhà thơ, nhà báo trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ,
Sinh thời, do hoạt động cách mạng xa nhà, xa quê, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu ít có dịp về thăm quê hương Yên Thành nhưng như ông bày tỏ lúc sinh thời: Luôn nặng lòng, tha thiết, đau đáu với quê, với bà con học tộc, xóm giềng. Khi tuổi đã cao, nỗi niềm ấy được nhân lên. Ông nhờ anh em cơ quan cũ giúp cho xã nhà một trạm truyền thanh để bà con được nghe tin tức và văn nghệ. Ông đã cố gắng về thăm quê khi sức khỏe không quá kém. Ông cùng con cái, dâu rể và bà con hai họ nội ngoại sửa sang nhà thờ tổ và nghĩa trang cho các cụ đã khuất.
Năm 2010, lúc tuổi đã cao, đau ốm liên tục, ông ghi mấy câu thơ và mấy dòng thư gửi về quê nhà: “Quê hương nghĩa nặng tình sâu/ Đêm nằm không ngủ, lệ sầu tuôn rơi/ Xa quê đã bao năm rồi/ Tấm lòng thương nhớ, bồi hồi khôn nguôi…”. Sau khi viết thêm mấy lời “chịu tội với ông bà, cha mẹ và mong bà con tha thứ” vì định về mà chưa về quê được, ông viết tiếp 4 câu thơ xa xót: “Từ ngày cắt cụt một chân/ Tấm lòng thương nhớ bội phần nhân thêm/ Mong năm sau khá hơn lên/ Về quê, dù cụt, dù rên, vẫn về”.
2. Nhà báo xuất sắc, nhà ngoại giao tài ba Lý Văn Sáu
Nhà báo, Nhà ngoại Lý Văn Sáu (tên thật là Nguyễn Bá Đàn) sinh ngày 5-11-1924 tại làng Yên Nhân, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Gần cận làng ông là làng quê của nhà cách mạng tiền bối, “Trí thức tiêu biểu của Đảng” Phan Đăng Lưu, quê xã Hoa Thành; nhà thơ, nhà viết kịch Phan Khắc Khoan, quê xã Hợp Thành; học giả Phan Ngọc, con cụ Phó bảng Phan Võ, Đốc học Phú Yên, Án sát Hà Tĩnh, Thượng thư Bộ Lễ, cùng quê Nhân Thành. Cha ông là cử nhân Nguyễn Trọng Thuần, một trí thức nho học, một vị quan thanh liêm, bạn thân thiết của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, từng giúp đỡ, bảo vệ nhiều chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Từ nhỏ, vốn thông minh, hiếu học, Nguyễn Bá Đàn được theo cha mẹ đi xa, học tiểu học ở Phú Yên, sau đó học trung học tại trường Quốc học Huế và đậu bằng tú tài toàn phần ban triết học hạng ưu. Được những người anh, người bạn cùng quê như Tạ Quang Bửu, Phan Anh hướng dẫn, giúp đỡ, ngay từ năm 1944, Nguyễn Bá Đàn đã tham gia hoạt động truyền bá quốc ngữ cho những người dân lao động ở chợ An Cựu, Huế.
Năm 1945, Nguyễn Bá Đàn về Yên Thành tiếp tục tham gia hoạt động yêu nước, truyền bá quốc ngữ, được cán bộ Việt Minh cử làm thủ lĩnh thanh niên, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện quê nhà. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nguyễn Bá Đàn lên đường Nam tiến, tham gia kháng chiến tại Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Vốn thông minh, năng nổ, có khiếu về tuyên truyền, Nguyễn Bá Đàn được giao nhiệm vụ Trưởng ty Thông tin Khánh Hòa khi còn rất trẻ.
Sau này ông kể lại: “Một sáng mùa thu 1946, dò được làn sóng Đài TNVN, khi Quốc ca nổi lên, tôi sung sướng đứng phắt dậy làm động tác chào cờ. Không may, đầu đụng vào mỏm đá trong hang núi Hòn Dữ - nơi đặt máy thu thanh và máy nổ, máu thấm ướt tóc. Cũng tại đây tôi còn được đồng đội đặt cho bí danh “Đại Tây” (tức là đậy tai, nói lái của người miền Trung), vì suốt ngày mang cặp tai nghe để nghe đài”.
Tháng 2-1947, Nguyễn Bá Đàn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, cũng năm đó, ông được tổ chức giao làm Chủ bút tờ Báo Thắng, tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay. Hồi đó, ông Nguyễn Minh Vỹ (tên thật Tôn Thất Vỹ) cùng ông và các ông Võ Văn Sung, Nguyễn Sung (nhà thơ Giang Nam) say sưa làm công tác lãnh đạo, quản lý và làm báo, ngoài Báo Thắng còn ra thêm một ấn phẩm bằng tiếng Pháp đặt tên là "Le Trait d'Union" (cái gạch nối) dùng để địch vận, hướng đến binh lính Pháp và tay sai người Việt, giúp họ hiểu được vì sao ta kháng chiến chống Pháp, vạch trần bộ mặt xấu xa, tàn ác của quân Pháp xâm lược, kêu gọi họ phản chiến hoặc bớt làm điều ác.
Tên thường dùng của ông có chữ đầu là Lý - tên người chị ruột yêu quý và Sáu là tên gọi của vợ yêu thương của ông - cô Sáu Ánh, bà Sáu Ngô Thị Ngọc Ánh, quê ở Khánh Hòa, nơi ông sống và hoạt động cách mạng từ thời trẻ. Bà Sáu Ánh cũng hăng hái tham gia cách mạng từ lúc trẻ như chồng, luôn bên chồng trong mọi chặng đường công tác. Năm 1949, nhà báo Nguyễn Bá Đàn nhận nhiệm vụ mới ở Liên Khu uỷ V và được giao trọng trách Giám đốc Đài Phát thanh Tiếng nói miền Nam của Liên khu V.
Được gần gũi những người anh xuất sắc như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Minh Vỹ, từ một trí thức tân học yêu nước, Nguyễn Bá Đàn trở thành một cán bộ tuyên truyền, một nhà báo sắc sảo, có uy tín ở chiến trường Liên khu V ác liệt thời chống Pháp. Từ năm 1953-1954, Nguyễn Bá Đàn là Thư ký Ban chỉnh Đảng của Trung ương ở Liên khu V. Sau đó, ông là sĩ quan liên lạc ở Ban Liên hợp đình chiến bên cạnh Ủy ban Quốc tế về Hiệp định Geneva.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, nhận nhiệm vụ ở Ban Thống nhất Trung ương. Từ tháng 1/1957 đến 9/1960, ông được cử sang Moscow học Trường Đảng cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong cuộc hành trình trên chuyến tàu liên vận từ ga Đồng Đăng sang Trung Quốc rồi sang Nga, Nguyễn Bá Đàn đã tranh thủ học tiếng Nga, khi đặt chân lên đất Nga, ông đã có thể làm phiên dịch viên tiếng Nga cho cả đoàn. Về nước, Nguyễn Bá Đàn nhận nhiệm vụ ở Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương. Năm 1962, ông được cử đi Cuba làm Phó trưởng đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Hoàn thành nhiệm vụ ở Cuba, ông về nước và công tác ở Ban Thống nhất Trung ương.
Với vốn tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha điêu luyện và năng lực làm báo, làm tuyên truyền, làm đối ngoại xuất sắc, ông được tổ chức bố trí sang lĩnh vực ngoại giao - làm ngoại giao mà vẫn gắn kết với báo chí. Ông là thành viên quan trọng của ta tham gia Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam từ năm 1968 - 1973 trên các cương vị Cố vấn, Người phát ngôn của Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, người trợ thủ đắc lực của bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris lúc đó.
Ông Lý Văn Sáu công tác ở mặt trận cam go, nhiều thử thách này suốt 5 năm, chủ trì gần trăm cuộc họp báo lớn nhỏ và cái tên Lý Văn Sáu nổi tiếng ở cả Việt Nam và thế giới từ đó. Tại cuộc họp báo sau phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris, một nhà báo Mỹ đưa ra một tấm bản đồ khá lớn và hỏi ông có tính xỏ xiên: "Mặt trận các ông thường khoe là kiểm soát được tới hai phần ba lãnh thổ Nam Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu?".
Ông Lý Văn Sáu trả lời ngay và đầy tự tin: "Điều ông hỏi cũng là điều Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông báo quân sự của Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ ném bom nơi nào ở miền Nam Việt Nam, những nơi ấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi".
Nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng, khâm phục vang lên trong phòng họp. Tại một cuộc họp báo khác, một nhà báo Pháp hỏi ông và dường như ngầm ủng hộ ông và cả Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam: "Ông nghĩ gì về việc Trưởng đoàn Sài Gòn khoe mẽ về bản chất tốt đẹp của chính quyền họ?". Lý Văn Sáu đáp: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn chính quyền Sài Gòn tự cho mình là độc lập, dân chủ, yêu nước". Trong phòng họp bỗng rộ lên những tiếng cười vui tán thưởng. Ngay sáng hôm sau, tờ báo công giáo La Croix viết: "Người phát ngôn Việt Cộng đã dùng ngụ ngôn trong Kinh Thánh để trả lời báo chí”. Ở một cuộc họp báo khác, lại có nhà báo hỏi “Trung ương cục các ông ở đâu?”. Trung ương cục là cơ quan lãnh đạo của Ðảng ta ở miền Nam, Mỹ gọi là COSVN (Central Office for South Vietnam).
Quân Mỹ mở nhiều chiến dịch tiến công vào vùng Móc Câu - Mỏ Vẹt hòng “cất vó” cho được COSVN. Nhưng khi vòng vây khép lại thì chính họ phải thừa nhận, chỉ tìm thấy được vài túp lều bỏ trống. Nhà báo hỏi: “COSVN của các ông biến đi đâu mà tài thế?”. Lý Văn Sáu chỉ vào tim mình và trả lời: “Các nhà lãnh đạo của chúng tôi ở trong lòng nhân dân nên quân Mỹ không thể nào tìm bắt họ được. Có thể giờ này họ đang ở Sài Gòn”. Sau lễ ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam, trước khi rời phòng họp, một nhà báo Mỹ hỏi ông: "Ông có nhắn gì với người Mỹ không?"
Ông Lý Văn Sáu đáp: "Tôi muốn nhắn với họ rằng, họ hãy remember Việt Nam, hãy nhớ mãi Việt Nam để không bao giờ những người cầm quyền của họ tới đây phạm sai lầm bi thảm như cuộc chiến tranh của họ ở Việt Nam". Sau này, khi đất nước thống nhất, một cán bộ Trung ương Cục miền Nam gặp ông và nói trong niềm vui: “Hồi ấy tụi này đang nằm dưới hầm, bom Mỹ nổ rền trên đầu, nghe đài BBC thấy ông nói với các nhà báo và công chúng thế giới như vậy, khoái quá, tự hào quá !”.
Một người bạn khác hỏi ông: "Ông ngồi ở Hội nghị Paris gần 5 năm, họp báo gần trăm lần, nói từ năm này qua năm khác, có sợ lặp đi lặp lại ?" Ông Lý Văn Sáu vui vẻ đáp: "Nhớ lại việc làm của Người phát ngôn và trả lời báo chí trong chừng ấy năm trời, dù hoàn cảnh nào, câu hỏi nào, của ai chăng nữa, thì sự thật và chân lý chỉ có một và luôn nhất quán: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Người Việt Nam dầu ở miền Nam hay miền Bắc cũng đều có nghĩa vụ thiêng liêng là phải chung lưng đấu cật chống xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi giải quyết mâu thuẫn giữa các nước, các bên, điều cần thiết là phải coi trọng quyền dân tộc cơ bản và chính đáng của mỗi nước, mỗi bên liên quan".
Vừa hoàn thành xuất sắc vai trò là Cố vấn, Người phát ngôn của Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, ông Lý Văn Sáu còn chú trọng và tích cực, khéo léo tham gia các hoạt động đối ngoại bên ngoài Hội nghị như đối ngoại nhân dân, vận động Việt kiều, vận động nhân dân, giới báo chí, trí thức và chính khách các nước đồng tình, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
3. Học tập tấm gương nhà báo, nhà ngoại giao xuất sắc Lý Văn Sáu
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng phong phú, sôi động của Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu trên các cương vị Trưởng ty Thông tin Khánh Hòa kiêm Tổng biên tập Báo Thắng (tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay); Giám đốc Đài Tiếng nói miền Nam Liên khu 5; Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền quốc tế, Ban Thống nhất Trung ương; Phó trưởng Cơ quan đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cuba; Phó giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh; Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng biên tập Đài Truyền hình Việt Nam; Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba...
Dù ở cương vị nào, ông luôn chủ động, sắc sảo, cẩn trọng, lịch lãm trong mọi công việc; ông kiên trì học ngoại ngữ, học kỹ năng báo chí, ngoại giao; ông viết báo, trả lời phỏng vấn báo chí, quản lý nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi công việc được giao.
Lúc đã nghỉ hưu, ông vẫn đam mê với công việc vốn quen làm, tham gia biên tập nhiều tập sách có giá trị nói về cuộc chiến đấu của chúng ta, điển hình là cuốn sách “Mặt trận Dân tộc giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam” do bà Nguyễn Thị Bình là chủ biên; sách “Chúng tôi làm Báo Khánh Hòa” và rất nhiều công trình, bài báo khác. Chúng ta từng có một thế hệ Vàng đầy bản lĩnh, tài năng của cách mạng sau ngày lập Đảng, dựng nhà nước mới, trong đó có cả lĩnh vực báo chí: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Đăng Lưu, Tố Hữu, Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Đăng, Trần Lâm, Đào Tùng, Trần Kim Xuyến, Lưu Quý Kỳ, Lý Văn Sáu, Huỳnh Văn Tiểng, Thép Mới, Hữu Thọ… Ở họ, tài năng và đức độ; chính trị và văn hóa; bản lĩnh và sự sáng tạo; đối nội và đối ngoại; nhà lãnh đạo tài ba và nhà báo xuất sắc… luôn song hành, gắn kết. Họ đã làm vẻ vang non sông, vẻ vang nền báo chí cách mạng. Họ để lại nhiều di sản văn hóa, nhiều bài học quý giá cho hôm nay và mai sau. Thật tự hào, trong số các nhà lãnh đạo, nhà văn hóa, nhà báo, nhà ngoại giao tài ba đó có tên Nguyễn Bá Đàn - Lý Văn Sáu.
PGS, TS NGUYỄN THẾ KỶ
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận