Nghề báo trong tôi
Nghề báo mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm, sự hiểu biết và vốn sống, mà nếu không làm báo thì có lẽ sẽ không bao giờ tôi có được. Sau mỗi lần tác nghiệp, tôi lại có thêm một mối quan hệ mới, những người bạn mới...
Tôi nhớ nhất là bài báo “Chiến sĩ nhà báo với thành tích 3 giỏi” của mình về một chiến sĩ đam mê viết báo của Lữ đoàn Công binh 414, vốn là một cử nhân báo chí. Bài viết vô tình trở thành cầu nối giữa em với gia đình. Em tâm sự: “Bố mẹ ở quê sau khi đọc bài viết về em đã khóc vì xúc động, khóc vì môi trường quân ngũ đã rèn luyện em trưởng thành hơn, chín chắn hơn”.
Sau đó, em còn xin tôi thêm mấy tờ báo có đăng bài viết ấy để gửi về làm quà cho người thân. Nghe em thổ lộ, với chiến sĩ xa nhà không có gì quý bằng món quà tinh thần, tôi rất xúc động và cảm thấy mừng vì bài viết của mình đã mang lại niềm vui cho nhân vật.
Ngày trước, tôi nghĩ chỉ cần giỏi văn, nhiều chữ là có thể viết báo. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, bởi nghề báo còn đòi hỏi sự đam mê, nhiệt huyết, sức sáng tạo không ngừng, sự lăn lộn với thực tiễn để cảm nhận hơi thở cuộc sống, sự tìm tòi đề tài đúng với tâm lý người đọc… Nghề báo - cái nghề cao quý, nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt.
Tâm sự về nghề báo, ai cũng nói như một cái duyên. Nghề báo nhiều vất vả, thậm chí thường xuyên đối mặt với hiểm nguy nhưng cũng đầy thú vị. Khi trở thành phóng viên, tôi vẫn thường được các anh ở cơ quan chỉ bảo rằng, khác với cộng tác viên, viết theo ý thích còn ở đây, đừng nghĩ đến nghỉ ngơi vì ngày nào, giờ nào cũng luôn phải sẵn sàng lên đường tác nghiệp.
Nhớ những ngày đầu ấy, tôi lúng túng, ngần ngại vì lẽ mình không quen với cái guồng quay ấy, làm sao mà viết? Khi công việc bắt đầu thuận lợi hơn, thì nảy sinh một khó khăn khác là làm sao để duy trì lượng tin, bài mỗi ngày. Nghe thì rất bình thường, nhưng nếu cứ đều đặn hằng ngày, hàng tuần thì là một vấn đề. Làm sao để khai thác được đề tài mới, hấp dẫn? Làm thế nào để lôi cuốn bộ đội và độc giả, phản ánh được tâm tư nguyện vọng, hơi thở cuộc sống của bộ đội…
Để nâng cao chất lượng tin, bài, đội ngũ phóng viên phải lao động vất vả ngày đêm, năng động, sáng tạo và có trách nhiệm với tin, bài của mình. Để rồi niềm hạnh phúc vỡ òa khi “đứa con tinh thần” của mình được bộ đội, độc giả đón nhận. Nghề báo khó khăn, nhưng đầy thú vị, nếu muốn cảm nhận sự ngọt ngào của nó, hãy dấn thân với cái đầu lạnh và một trái tim nóng để lắng nghe, phát hiện.
Tôi vẫn nhớ chuyến công tác đầu tiên khi trở thành phóng viên Báo Quân khu 4. Lần đó, tôi được Ban Biên tập cử đi viết vệt bài về vấn đề bộ đội “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số tăng gia sản xuất. Tôi cùng đồng nghiệp hăm hở vượt 300 cây số đường trường từ thành phố Vinh, Nghệ An vào Trung đoàn Nông lâm 52, Đoàn KT-QP 337 ở Hướng Hóa, Quảng Trị rồi hành quân hơn 50km vượt đèo Sa Mù vào tận thôn Tri, xã Hướng Lập sát biên giới Lào. Người thôn Tri vốn ở tít trong rừng sâu, sống biệt lập với xã hội. Thương bà con, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) vận động, thuyết phục rồi di dời 34 hộ dân về khu tái định cư do Đoàn san lấp, cải tạo. Về nơi ở mới nhưng bà con vốn quen săn bắt, hái lượm nên chẳng biết làm gì để có cái ăn, thế là bộ đội lại cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng rau tại nhà. Giao nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên, TTTTN, Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Chính ủy Trung đoàn 52 nói một câu làm tôi ấn tượng mãi: “Đừng để rau “nhớ” bộ đội mà theo về các đồng chí nhé”.
Sau đó, vệt bài “Lòng dân yên, biên giới vững” của tôi được Ban biên tập khen ngợi. Nhưng hạnh phúc hơn cả là khi kỳ đầu của vệt phóng sự vừa đăng tải đã góp thêm động lực để cán bộ, nhân viên, TTTTN Đoàn KT-QP 337 “cầm tay chỉ việc” cho bà con thành công. Rau không những không “theo” bộ đội về mà còn phát triển xanh tốt, vật nuôi thì đầy chuồng. Thành quả đó như khơi thêm nguồn cảm hứng để tôi hoàn thành kỳ cuối với tựa đề: “Rau hết “nhớ” bộ đội”. Sau lần trải nghiệm đầu tiên ấy, tôi hiểu rằng, với nghề báo, nhiệt huyết, đam mê thôi là chưa đủ, mà còn phải dấn thân để cảm nhận, phát hiện...
MẠNH HÙNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận