Những “chiến binh” khử khuẩn
Những ngày rong ruổi tác nghiệp đưa tin bộ đội Hóa học Quân khu 4 tham gia tiêu độc, khử khuẩn, ngăn chặn dịch Covid-19 trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, được chứng kiến hành động trong tâm dịch của các “chiến binh” khử khuẩn, chúng tôi thực sự cảm phục tinh thần tất cả vì cuộc sống bình yên của Nhân dân cũng như những vất vả, hiểm nguy mà cán bộ, chiến sĩ Hóa học phải đối mặt.
Thành Vinh những ngày tháng Sáu “nóng” trên mọi “mặt trận”. Vừa trở về từ tâm dịch Diễn Châu, tôi đã thấy Đại tá Vương Đình Quang, Trưởng phòng Hóa học Quân khu 4 di chuyển như “con thoi” khảo sát từ tuyến đường này sang con phố khác để khử khuẩn toàn bộ thành phố. Kể từ khi xứ Nghệ bùng phát dịch, vị “tư lệnh” của binh chủng “đặc biệt” này gầy hơn, da mặt anh sạm đi vì những ngày lăn lộn chỉ đạo bộ đội khử khuẩn dưới cái nắng chói chang còn đôi mắt anh thì thâm quầng bởi những đêm trắng cùng bộ đội đi tiêu độc, khử trùng hay những trăn trở, nghĩ suy về biện pháp khử khuẩn như thế nào vừa hiệu quả nhất, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bộ đội và Nhân dân để tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho Bộ Tư lệnh Quân khu.
Anh Quang nói với tôi: “0 giờ ngày 19/6/2021, thành phố Vinh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An, chúng tôi được Bộ Tư lệnh Quân khu giao nhiệm vụ phun khử khuẩn trên diện rộng thành phố, gồm phần lớn trụ sở các cơ quan ban ngành từ cấp phường, xã cho đến cấp tỉnh; các trục đường giao thông chính, trường học, bệnh viện, chợ, bến xe, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, các khu tập trung đông người... Thời gian khử khuẩn kéo dài 3 ngày từ 19/6-21/6/2021”.
Thời điểm anh Quang chỉ đạo phun hóa chất là khi đường và các địa điểm ít người đi lại, chủ yếu là ban đêm, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân cũng như tăng độ sát khuẩn, bởi dung dịch khi phun đêm sẽ bám địa hình hơn do khả năng bốc hơi kém. Hóa chất được sử dụng là dung dịch Clorin B 75% rất độc hại cho mắt và đường hô hấp nhưng tỷ lệ diệt khuẩn rất cao, đạt 99,9%. 18 giờ ngày 19/6/2021, có mặt tại Quảng trường Hồ Chí Minh, tôi đã thấy 8 chiếc xe tiêu tẩy đa năng ARS-14 với giàn vòi phun áp lực cao cùng 63 “chiến binh” Hóa học nai nịt gọn gàng sẵn sàng nổ máy. Phải “đóng thùng” bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, đeo mặt nạ phòng độc và nắm chắc các quy tắc bảo đảm an toàn, tôi mới được anh Quang và Trung tá Nguyễn Văn Minh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 38 “đặc cách” cho lên xe đi cùng bộ đội. Nhờ chuẩn bị tốt, sẵn sàng cao, nhiệm vụ đã được thực hiện nhanh gọn, chuẩn xác.
Có ở trên xe, đeo chiếc mặt nạ cao su ôm sát da mặt, cằm, cổ, mồ hôi cứ rịn ra nhưng không có chỗ thoát, ngột ngạt tưởng chừng không thể thở nổi, tôi mới cảm nhận rõ hơn những vất vả, hiểm nguy, hi sinh thầm lặng của các “chiến binh” dũng cảm. Làm việc trong môi trường độc hại, nguy cơ nhiễm virut SARS-CoV-2 cao đã đành, việc thường xuyên phải đeo mặt nạ cao su phòng độc, đồ bảo hộ kín bưng thực hiện nhiệm vụ nhiều tiếng đồng hồ trên những con đường nhựa, bê tông bị nung cả ngày dưới cái nóng gần 400C, đặc quánh làn hơi sương hóa chất Clorin B, quả thật chẳng khác nào “cực hình”.
Để công việc đạt kết quả cao nhất, thủ trưởng Phòng Hóa học Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An liên tục có mặt ở thực địa, bám sát bộ đội, trực tiếp chỉ đạo công tác đặc biệt này. Sau khi “càn quét”, làm sạch toàn bộ các tuyến đường chính như Lê Duẩn, Lê nin, Trường Thi, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… và các cơ quan, công sở, trường học, quán, ki ốt, nhờ sự tiếp nước kịp thời để hòa dung dịch của xe phòng cháy, chữa cháy, dưới sự dẫn đường của các “hoa tiêu” là các chiến sĩ Công an, dân quân, tự vệ thành phố, 8 “chiến binh” ARS-14 nhanh chóng chia đội hình, tiến vào các đường nhánh, ngõ hẻm, sục sạo, truy tìm, tiêu diệt “kẻ thù vô hình”. Khó chịu bởi sự ngột ngạt là vậy, các “chiến binh” hóa học còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro mất an toàn trong nhiều tình huống mà có lẽ chỉ khi ở trên xe tôi mới có thể tường tận.
Ngồi trong cabin, đang nhoay nhoáy lia ống kính máy ảnh thì cú đánh lái sang trái của đồng chí lái xe rồi phanh gấp làm đầu tôi theo quán tính cụng vào kính cửa xe bên phải. Thấy tôi xoa trán, anh lái xe ra hiệu xin lỗi rồi chỉ tay về phía hàng thép gai trên bờ tường chìa ra choán lấy một phần không gian đường như để giải thích. Thì ra để đồng đội trên thùng xe đang mải điều khiển hệ thống vòi phun không bị dây thép gai cứa vào người, anh lái xe đã có tình huống xử lý “đi vào lòng người”.
Thế mới thấy, quá trình phun khử khuẩn, nhiều mối hiểm nguy luôn rình rập người chiến sĩ như rào thép gai, cành cây, dây điện, mái tôn, biển hiệu giao thông, bảng quảng cáo… Tôi thầm nghĩ lấy lí do đường chật, nhiều chướng ngại vật, các anh có quay đầu xe thì cũng chẳng ai trách nhưng sự an toàn của Nhân dân không cho phép các anh suy nghĩ như vậy dù chỉ thoáng qua. Ngược lại, khi gặp hiểm nguy, khó khăn, vất vả, các anh tập trung tìm mọi cách khắc phục, làm sao để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Rời “chiến binh” ARS-14, khử khuẩn cá nhân theo quy định xong, tôi vội cởi ngay bộ đồ bảo hộ, quần áo trên người lúc này ướt sũng mồ hôi, mắt mũi, mồm miệng cay xè mùi hóa chất, chiếc mặt nạ cao su hằn lên mặt và cổ những vết đỏ ửng. Tôi mới chỉ “trải nghiệm” khử khuẩn một địa điểm đã oải cả người vậy mà các anh vẫn trên xe tiếp tục “đánh trận” ở nhiều khu vực khác. Đến tận đêm khuya tôi mới được gặp, trò chuyện với các anh.
Đeo mặt nạ phòng độc, mặc quần áo bảo hộ, ở trên xe suốt nhiều giờ dưới cái nóng hầm hập, cảm giác thật bức bối, khó chịu, nhưng chuyến đi nào trong suốt 2 tuần qua từ Hà Tĩnh ra Nghệ An, Thượng úy Nguyễn Bá Nguyên, Trung đội trưởng Trung đội Tiêu tẩy 1 và Binh nhất, chiến sĩ Phan Lê Anh Đức đều hăng hái, xung phong lên đường khi đơn vị nhận nhiệm vụ khử khuẩn, bởi ngoài ý thức, trách nhiệm thì họ luôn tự tin vào kinh nghiệm, kỹ năng mà mình được huấn luyện.
Thượng úy Nguyễn Bá Nguyên nói: “Tùy theo bề mặt khử khuẩn là đường hay vỉa hè, tường, trụ sở… chúng tôi sẽ tính toán sử dụng loại vòi phun nào đạt hiệu quả tối ưu nhất. Mỗi lần di chuyển địa điểm, hay sau khi hoàn thành phun hóa chất, chúng tôi đều tiến hành tiêu tẩy cho người và xe cẩn thận, kĩ càng. Nhiều hôm về đến đơn vị đã 2-3 giờ sáng nhưng anh em vẫn tranh thủ phun rửa, lau chùi xe, trang thiết bị, để khi có lệnh là lên đường được ngay”.
Dù dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, nhưng tất thảy người dân trên địa bàn hai tỉnh đều nói với chúng tôi rằng họ vững tâm hơn khi chứng kiến những nỗ lực “chống dịch như chống giặc” của bộ đội và lực lượng chức năng. Được trở thành “điểm tựa” niềm tin của Nhân dân có sự đóng góp công sức không nhỏ của những “chiến binh” Hóa học Quân khu 4.
MẠNH HÙNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận