A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng hành “đánh giặc” đói nghèo

Bài 2: Làm cho dân tin

Xác định “đánh giặc” đói nghèo nơi miền Tây xứ Nghệ là cuộc chiến lâu dài, cần có bước đi, cách làm phù hợp, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Nghệ An và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 luôn trăn trở tìm hướng xóa nghèo cho bà con. Cùng với "Nói cho dân hiểu" thì việc "Làm cho dân tin" từ các cách làm, mô hình thiết thực, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mỗi một cách làm, mô hình thành công là thước đo mà đồng bào tin bộ đội "Nói trúng, làm đúng" để từ đó nhân lên sự đồng thuận, chung sức "đánh giặc" đói nghèo.

 

* Bài 1: Nói cho dân hiểu 

Cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 4, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 khai hoang diện tích và giúp Nhân dân xã Mường Ải trồng cây lúa nước.
Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cắt băng khánh thành, bàn giao công trình nhà ăn bán trú tặng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong.

 

“Nuôi sống”, nhân rộng mô hình

Trong chuyến công tác lên huyện Kỳ Sơn mới đây, đến với  các bản làng đồng bào người Mông, Thái, Khơ Mú… bên dãy Phu Xai Lai Leng, chúng tôi được thấy nhiều mô hình phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo của đồng bào, như mô hình nuôi gà đen, lợn đen bản địa, mô hình trồng cây dong riềng, chè san tuyết, dưa lưới… Đi cùng tôi, Đại tá Vi Hiểu, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 4, người con của núi rừng Kỳ Sơn nói với tôi rằng: “Để có được những bản làng trù phú, những mô hình phát triển kinh tế góp phần giúp Nhân dân xóa nghèo là một cuộc chiến kiên cường, bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 và lực lượng vũ trang Nghệ An”.

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 tặng gia súc chăn nuôi cho bà con.

 

Trong câu chuyện với Đại tá Vi Hiểu, chúng tôi hiểu rõ hơn sự gian truân, vất vả của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 trong công cuộc xây dựng, duy trì và nhân rộng những mô hình chăn nuôi, trồng trọt nơi miền biên viễn này. Theo Đại tá Vi Hiểu, vùng đất Kỳ Sơn điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hết sức khắc nghiệt, đi cùng với đó là thói quen canh tác lạc hậu vốn tồn tại đối với đồng bào từ hàng ngàn đời nay. Do vậy, xây dựng, đưa vào nhân rộng một mô hình chăn nuôi, sản xuất là một quá trình kiên trì, bền bỉ và dày công nghiên cứu của cán bộ, nhân viên đơn vị. Trong đó, không ít mô hình sau một thời gian đưa vào nuôi trồng thí nghiệm đã bị thất bại do không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phong tục tập quán canh tác của đồng bào. Để “nuôi sống”, nhân rộng các mô hình, các đơn vị đã kết hợp phát huy các mô hình, giống cây, con truyền thống của đồng bào và các mô hình mới cho thu nhập cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục canh tác của bà con.

Hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh lở mồm long móng ở gia súc.

 

Qua tìm hiểu thực tế tại các địa phương trên Khu KT-QP Kỳ Sơn, chúng tôi được biết, những năm đầu đứng chân thực hiện nhiệm vụ nơi đây, Đoàn KT-QP4 đã triển khai một số mô hình chăn nuôi sản xuất nhưng không ít mô hình thất bại. Một phần do chưa nghiên cứu kỹ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và thói quen canh tác của đồng bào, mặt khác do chu kỳ thời gian từ khi triển khai đến lúc thu hoạch quá dài nên trong khoảng thời gian đó bà con không biết lấy gì sinh sống và việc giải quyết đầu ra sản phẩm gặp khó khăn nên bà con không muốn thực hiện mô hình dẫn đến thất bại. Qua nghiên cứu và rút kinh nghiệm, Đoàn KT-QP4 nhận thấy rằng để mô hình thành công và bà con tin, làm theo phải gắn với thực tế của đồng bào. Theo đó, Đoàn ưu tiên, phát huy các giống cây con bản địa trước đây bà con đã từng chăn nuôi, sản xuất như trồng ngô, nuôi gà đen, lợn đen… Nhưng để đạt hiệu quả cao hơn, đơn vị hỗ trợ kinh phí, ngày công giúp Nhân dân xây dựng chuồng, trại nuôi nhốt và áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng. Từ đó, các sản phẩm truyền thống của bà con hiệu quả năng suất cao hơn. Đồng thời, việc bảo đảm lương thực cho bà con là việc làm trước mắt đối với "cuộc chiến" xóa nghèo. Do vậy, Đoàn đã khai thác một số diện tích trồng lúa nước và xây đập trữ nước, thi công đường ống dẫn nước về tưới tiêu cho lúa. Từ những cách làm, bước đi vững chắc đã “nuôi sống” các mô hình, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt cho bà con. Bước tiếp theo, Đoàn khai thác các dự án, triển khai xây dựng một số mô hình mới, cho thu nhập cao như: Trồng, chế biến cây dong riềng, chè san tuyết và trồng sả Za Va để chế biến tinh dầu, nuôi cá nước ngọt, nuôi ếch thương phẩm…   

Chuyển giao kỹ thuật nuôi ếch thương phẩm cho Nhân dân xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn.
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 thu mua củ dong riềng cho đồng bào trong Khu Kinh tế - Quốc phòng Kỳ Sơn.

 

Ông Mùa Chồng Chà, Bí thư Chi bộ bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi kể lại, cách đây chừng 15 năm, khi bộ đội Đoàn KT-QP4 vận động bà con trồng cây dong riềng rất nhiều gia đình không tin. Bởi bao đời nay, cây dong riềng chỉ mọc trên đồi nay trồng đại trà thì việc tiêu thụ thế nào. Thế nhưng, sau một thời gian từ diện tích cây dong riềng do Đoàn KT-QP4 và một số do cán bộ, đảng viên trong bản trồng được Đoàn 4 thu mua, chế biến mang lại thu nhập cao rất nhiều gia đình đến đề nghị Đoàn 4 hỗ trợ, triển khai. Hay như, mô hình trồng lúa nước cũng là một minh chứng cụ thể cho việc “nuôi sống”, nhân rộng mô hình nơi miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, ở Kỳ Sơn gia đình nào có diện tích trồng cây lúa nước thì không lo thiếu lương thực và hộ nào thực hiện các mô hình phát triển kinh tế theo Đoàn KT-QP4 hướng dẫn, hỗ trợ thì đều vươn lên thoát nghèo.

Hướng dẫn kỹ thuật ươm giống cây chè san tuyết.

 

Đại tá Lê Văn Thắng, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP4 cho biết: Để “nuôi sống”, nhân rộng các mô hình việc đầu tiên phải bảo đảm cuộc sống trước mắt cho đồng bào và giải quyết đầu ra sản phẩm nuôi trồng của bà con. Vì thế, bên cạnh triển khai xen kẻ, lồng ghép đa dạng các mô hình, giống cây, con, đơn vị đã thu mua, chế biến các sản phẩm của bà con sản xuất, chăn nuôi. Từ việc bà con đắn đo khi đơn vị vận động, hỗ trợ triển khai các mô hình như trồng dong riềng, chè san tuyết, nuôi cá nước ngọt… đến nay sản phẩm đồng bào làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Thu nhập từ các mô hình do Đoàn KT-QP4 triển khai, hỗ trợ góp phần nâng cao đời sống Nhân dân trong Khu KT-QP Kỳ Sơn.

Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hướng dẫn bà con xã Mường Ải, Kỳ Sơn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau xanh.

 

Không chỉ ở Khu KT-QP Kỳ Sơn mà từ các mô hình do Đoàn KT-QP 4 và Ban CHQS các huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương… triển khai thực hiện như mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” của Ban CHQS Kỳ Sơn; mô hình “Chung sức cùng Nậm Giải thoát nghèo” của Bộ CHQS Nghệ An… đã góp phần giúp đồng bào các địa phương nơi miền Tây xứ Nghệ vươn lên chiến thắng đói nghèo.

Chi bộ xóa nghèo ở miền Tây xứ Nghệ

Năm 2021, gia đình anh Lầu Bá Khùa, ở bản Ca Nọi, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn được Chi bộ Đội Chế biến, Đoàn KT- QP4 hỗ trợ 30kg cá giống gồm, chép, trắm cỏ và rô phi đơn tính. Sau hơn 1 năm chăm sóc và được sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăn nuôi của các đảng viên Chi bộ Đội Chế biến, ao cá của gia đình đã cho thu hoạch. Anh Lầu Bá Khùa vui mừng nói với chúng tôi: Gia đình đã thu hoạch bán được 50kg, giá tiền là hơn 5 triệu đồng. Cá chép đang phát triển rất tốt. Tiền bán được thì giữ lại một số để tiếp tục mua thêm cá giống, số còn lại phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của gia đình”.

Đảng viên Chi bộ Phòng Chính trị trao quà tặng gia đình do Chi bộ nhận đỡ đầu, giúp đỡ.

 

Thực hiện chủ trương “Mỗi Chi bộ giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo, mỗi đảng viên gắn với một hộ nghèo”, do Đảng ủy Đoàn KT-QP4 chỉ đạo, Chi bộ Đội chế biến đã bàn bạc, thống nhất, phối hợp với địa phương, nắm bắt tình hình các hộ nghèo ở trong bản. Qua khảo sát, Đội chế biến đã giúp đỡ hộ gia đình anh Khùa mô hình nuôi cá nước ngọt mang lại hiệu quả tốt. Sau 2 năm giúp đỡ, nay gia đình anh Lầu Bá Khùa đã thoát nghèo.

Đảng viên Chi bộ Đội Sản xuất 2 giúp gia đình hộ nghèo do Chi bộ giúp đỡ khai hoang diện tích sản xuất.

 

Thiếu tá Lô Quốc Thể, Phó Đội trưởng Đội sản xuất 1, Đoàn KT-QP 4 là một trong những đảng viên tiên phong, bám dân, bám bản. Hàng tháng, anh đều đến thăm, trao hỗ trợ gia đình ông Lô Văn Mâng, 90 tuổi, ở bản Tặng Phăn, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn 10 kg gạo và hướng dẫn, giúp gia đình phát triển cây giống, chăn nuôi, vệ sinh nhà ở. Từ sự giúp đỡ của đảng viên Lô Quốc Thể, cuộc sống gia đình ông Mâng cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Đảng viên Chi bộ Đội Xe máy giúp gia đình do Chi bộ nhận giúp đỡ thu hoạch dong riềng.

 

Cũng giống như gia đình ông Mâng, gia đình chị Xồng Y Tồng, vợ liệt sĩ Và Tổng Khư ở bản Nậm Càn, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn được cán bộ, nhân viên Đội sản xuất số 3, Đoàn KT-QP 4 hỗ trợ 2 con lợn, 15 con gà. Đồng thời giúp gia đình chị xây chuồng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh... Sau gần 3 năm cán bộ đảng viên Đội sản xuất 3 đồng hành, giúp đỡ, giờ đây gia đình chị Xồng Y Tồng đã có cuộc sống ổn định.

Trăn trở trước sự đói nghèo, vất vả của người dân nơi đây, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 ngày đêm bám dân, bám bản, bám rừng, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Thực hiện chủ trương “Mỗi Chi bộ giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo, mỗi đảng viên gắn với một hộ nghèo”, đến nay đã có 170 hộ nghèo trên địa bàn được cán bộ, đảng viên nhận giúp đỡ và trực tiếp hướng dẫn phát triển kinh tế; 35 hộ gia đình được các cơ quan, đơn vị hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cán bộ quân y Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào.

 

Đại tá Chu Huy Lương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP4 khẳng định: Chủ trương “Mỗi Chi bộ giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo, mỗi đảng viên gắn với một hộ nghèo” để chung sức xóa nghèo là cách làm mới, mang lại hiệu quả cao trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Bởi trước đây, có thời điểm các dự án giúp Nhân dân xóa đói giảm nghèo thường triển khai đồng loạt và làm chung. Sau các đợt đơn vị ra quân giúp bà con xây dựng mô hình chăn nuôi, sản xuất và hỗ trợ cây con giống, bộ đội về đơn vị thì dự án cũng lụi tàn dần. Thực tế, một số gia đình đã có nhiều lần đơn vị cấp cây, con giống mang đi bán hoặc giết thịt. Nguyên nhân do thói quen trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước của một số người dân, mặt khác chưa gắn trách nhiệm cụ thể của cán bộ, đảng viên đối với việc giúp Nhân dân xóa nghèo. Thế nhưng, từ khi thực hiện chủ trương mỗi Chi bộ giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo, mỗi đảng viên gắn với một hộ nghèo đã gắn trách nhiệm của các chi bộ, với từng hộ gia đình nên đã phát huy hiệu quả các dự án. Từ đó, không còn tình trạng mô hình hỗ trợ cho Nhân dân chết yểu sau một thời gian, qua đó góp phần đẩy nhanh công cuộc giúp đồng bào chiến thắng đói nghèo.

Bộ đội Bộ CHQS Nghệ An giúp xã Nậm Giải, Quế Phong xây dựng đường nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

 

Trong cuộc chiến đồng hành giúp Nhân dân các địa phương miền Tây xứ Nghệ “đáng giặc” đói nghèo không thể không nhắc đến công sức của cán bộ, đảng viên lực lượng vũ trang các huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu. Với tinh thần tất cả vì cuộc sống Nhân dân, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các đơn vị đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đối với Nhân dân thông qua mô hình “Nâng bước em tới trường”, giúp các em nối liền ước mơ theo học con chữ. Theo đó, đã có hơn 100 con em đồng bào các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ đã được những người lính Cụ Hồ giúp đỡ. Đơn cử như cháu Trương Tùng Lâm, học lớp 4B, Trường tiểu học xã Châu Hạnh 1 ở với ông bà nội gần 70 tuổi. Nhà Lâm cách trường gần 3km, con đường khá ngoằn ngoèo nên những lúc mưa gió, những hôm ông nội đau ốm, em đành phải đi bộ. Từ khi được các chú bộ đội Ban CHQS huyện Quỳ Châu tặng xe em vui sướng, tự mình đạp xe đi học, thích đến trường hơn.

Bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 vui văn nghệ với bà con dân bản.

 

Theo đánh giá của ông Xồng Bá Dềnh, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn: Nhiều năm qua, cán bộ đảng viên Đoàn KT-QP 4, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn thường xuyên phối hợp và hỗ trợ cho các hộ nghèo, đặc biệt là các hộ khó khăn của xã Na Ngoi, đến nay đã có nhiều hộ thoát nghèo. Từ sự hỗ trợ của các đảng viên cơ bản người dân cũng đã học tập được kỹ thuật chăm sóc và chăn nuôi, thay đổi cách nghĩ, cách làm, xóa bỏ các phong tục lạc hậu. Đảng ủy xã cũng đã chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn cũng đã phối hợp với đơn vị tiếp tục triển khai các mô hình này nhân rộng.

Khi cuộc sống no đủ, hàng năm đồng bào Mông ở huyện Kỳ Sơn đều tổ chức Hội chọi bò.

 

Chủ trương “Mỗi Chi bộ giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo, mỗi đảng viên gắn với một hộ nghèo”  là một trong những mô hình rất thiết thực, hiệu quả, có tính lan tỏa nhanh, góp phần để cấp ủy, chính quyền địa phương giúp Nhân dân các địa phương miền Tây Nghệ An giảm nghèo đạt tỷ lệ 2,4%/năm. Đây cũng là cách làm sáng tạo để cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, làm chỗ dựa để bà con dân bản bám biên cương xây dựng quê hương nơi miền Tây xứ Nghệ.

                                                               Bài 3: Hoàn thiện lộ trình

                                                                          NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội