A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng hành "đánh giặc” đói nghèo

Miền Tây Nghệ An là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu, nơi có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đầu tư của tỉnh Nghệ An, cuộc sống của đồng bào nơi miền Tây xứ Nghệ đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn. Chung sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm qua, lực lượng vũ trang Quân khu 4 mà trực tiếp là lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An và cán bộ, chiên sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đã có các cách làm hiệu quả đồng hành "đánh giặc" đói nghèo nơi miền Tây xứ Nghệ.

Bài 1: Nói cho dân hiểu

Muốn đánh thắng "giặc" đói nghèo, trước tiên phải nói cho dân hiểu - đây là chủ trương xuyên suốt của các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn. Tuy vậy, đã có một thời gian dài, cách nói, cách tuyên truyền chưa phù hợp nên người dân chưa hiểu. Nhận rõ điều đó, các đơn vị đã đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sát với thực tiễn, trình độ của đồng bào, từng bước đưa nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con, tạo tiền đề đồng hành "đánh giặc" đói nghèo.

Tích cực xóa mù chữ và tái mù chữ

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 4 thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 8 xã: Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) và Tri Lễ, Nậm Giải, Thông Thụ, Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) thuộc vùng dự án Khu KT-QP Kỳ Sơn. Những năm qua, bên cạnh việc tích cực triển khai các dự án giúp Nhân dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, Đoàn KT-QP còn mở các lớp xóa mù chữ và tái mù chữ cho bà con Nhân dân, góp phần nâng cao dân trí nơi vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Hành trình tìm lại con chữ của bà con cũng lắm gian nan.

 

Đại tá Chu Huy Lương, Chính ủy Đoàn KT-QP 4 cho biết: Muốn giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo, điều quan trọng trước hết là phải “nói cho dân hiểu”. Mà muốn dân hiểu thì bộ đội phải nói được tiếng đồng bào và đồng bào phải hiểu được tiếng phổ thông (tiếng Kinh). Do đó, cùng với việc bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, nhân viên, Đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Phòng Giáo dục và đào tạo địa phương mở các lớp xóa mù chữ trên địa bàn hai huyện Quế Phong và Kỳ Sơn.

Từ nhận thức và chủ trương đúng đắn, nhiều lớp học xóa mù chữ và tái mà chữ cho người dân hai huyện Quế Phong và Kỳ Sơn đã được mở. Ngày cầm cuốc lên nương, lên rẫy, tối băng rừng, lội suối đến lớp học để được các thầy, cô giáo bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 4 dạy cho con chữ. Chăm chỉ, miệt mài, kiên trì suốt 6 tháng ròng, chị Lữ Mẹ Khương cùng 38 học viên lớp học của bản Pủng (xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn) đã biết đọc, biết viết. Khoe với chúng tôi Chứng nhận xóa mù chữ do địa phương cấp, chị Khương hồ hởi: “Học được cái chữ, giờ đi làm giấy tờ ở Ủy ban xã mình không phải điểm chỉ nữa mà đã ký được cái tên của mình. Biết đọc làm cái gì cũng thuận lợi, bán con gà, hạt ngô, củ sắn cho người ta cũng biết tính toán, không bị nhầm như trước nữa. Biết tiếng phổ thông, mình hiểu được bộ đội nói, nhất là khi bộ đội về tuyên truyền, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi để làm theo, hiệu quả lắm!”.

Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 4 dạy xóa mù chữ cho bà con bản Kẻm Đôn, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong

 

Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 4 dạy bà con Liên Sơn, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn học con chữ.

 

Cũng như bản Pủng, Kẻm Đôn là bản vùng sâu, vùng xa của xã Tri Lễ (huyện Quế Phong). Người dân ở bản, đặc biệt là chị em phụ nữ có tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ rất cao. Nhờ lớp xóa mù chữ và chống tái mù chữ của Đoàn KT-QP 4 tổ chức, 46 chị em người dân tộc Thái đã biết đọc, biết viết và áp dụng được những kiến thức được học vào cuộc sống hằng ngày.

Theo chị Lương Thị Chuyên - một người dân trong bản, được đi học con chữ chị em ai cũng mừng. Vì không học không biết gì, bán gà, bán rau cũng không biết tính lấy tiền. Nay đi học chị em biết chữ, biết tính toán, do đó đi chợ cũng dễ dàng hơn. Còn chị Lương Thị Hương thì chia sẻ: “Suốt ngày trên nương rẫy có được học hành chi. Nay đi học thấy vui hơn, lại biết chữ. Giờ mình có thể đọc sách, báo để theo dõi tin tức, xem tivi cũng hiểu hơn, biết cách người ta làm ăn mình học hỏi, giờ hết khổ, hết lạc hậu rồi”.

Bộ đội Đoàn KT-QP 4 hướng dẫn bà con học con chữ.

 

Nhờ theo học lớp xóa mù chữ, nhiều bà con Nhân dân người đồng bào dân tộc thiểu số ở Kỳ Sơn đã biết đọc, biết viết.

 

Không chỉ giúp bà con nâng cao dân trí, thoát “nghèo” con chữ; trong các buổi học, giáo viên còn lồng ghép tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy, vũ khí, vật liệu nổ; vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia, di canh, di cư tự do; hôn nhân và gia đình; cách chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sao cho hiệu quả…, nhờ đó, nếp nghĩ, cách làm trong đời sống của bà con cũng có nhiều thay đổi, đặt nền móng quan trọng cho mục tiêu tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân xóa đói, giảm nghèo.

Đồng chí Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nhấn mạnh: “Việc mở lớp xóa mù chữ là nỗ lực của ngành giáo dục đào tạo huyện nhà, cùng với sự tham gia đầy nhiệt tình của bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 4. Lớp học xóa mù chữ không những giúp bà con Nhân dân biết đọc, biết viết, nâng cao trình độ dân trí, mà còn thể hiện trách nhiệm của bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện với Nhân dân trên địa bàn. Qua chương trình này, nhiều người đã biết đọc, biết viết, biết học tập cách làm ăn, nhờ đó đời sống được nâng lên, tự tin hơn trong giao tiếp cũng như trong cuộc sống”.

Làm cho dân bản "ưng cái bụng" 

Khi bài toán khó xoá đói, giảm nghèo đã có lời giải là phải xoá cho bằng được mù chữ và tái mù chữ như ở đề cập ở trên thì công tác tuyên truyền mới hiệu quả. Mà muốn hiệu quả phải bằng những mô hình sát thực với đời sống bà con, dễ nhớ, dễ hiểu. Để kiểm chứng về đề trên, chúng tôi trở lại bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn để gặp Lầu Bá Chá, nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324. Chá vừa xuất ngũ trở về địa phương, đang cùng bà con dân bản khẩn trương xuống giống vụ ngô mới. Nghỉ tay khi mồ hôi đã đẫm lưng áo, Chá lại lấy điện thoại mở các tiểu phẩm kịch do bộ đội Trung đoàn 335 dàn dựng, ghi hình và vừa gửi qua mạng Zalo.

Tiểu phẩm “Bộ đội nói đúng, ta nghe lời bộ đội” do bộ đội Trung đoàn 335 dàn dựng, ghi hình gửi đi tuyên truyền người thân chiến sĩ không vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

 

Tiểu phẩm lần này có tên “Bộ đội nói đúng, ta nghe lời bộ đội” với nội dung xuất phát từ tình trạng tai nạn giao thông dọc tuyến Quốc lộ 7 ở Nghệ An, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Thái, Khơ Mú, là thân nhân của khá nhiều chiến sĩ đang công tác tại Trung đoàn 335, sau khi uống bia rượu vẫn lái xe gắn máy, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Thấy vậy, một tổ chiến sĩ tuần tra biên giới đã kịp thời tuyên truyền cho bà con về Nghị định 100 và tác hại của hành vi do mình gây ra.

Theo anh Lầu Bá Chư thì đúng là bản Trường Sơn trước đây rất nhiều vi phạm đó, nhất là thanh niên. Sách báo cán bộ cấp cũng nói cái này nhiều nhưng anh và bà con đã quên hết mặt chữ nên không đọc được. Nay biết lại mặt chữ, bà con xem clip của bộ đội gửi thấy hay và dễ hiểu, còn đọc được cả chữ trên màn hình. Anh và mọi người ai cũng thích xem và làm theo lời nói của bộ đội không vi phạm Luật Giao thông. Sau khi xem, anh lưu lại để lên rẫy không có sóng vẫn mở cho bà con cùng xem được. Xem các Video Clip tuyên truyền của bộ đội dân bản ai cũng "ưng cái bụng".

Còn anh Lầu Công Tủa, Trưởng bản Trường Sơn cho biết, trước đây khi Lầu Bá Chá đang trong quân ngũ, mỗi tháng đơn vị gửi 3-4 tiểu phẩm, mỗi tiểu phẩm dài 5-7 phút về các đề tài như tuyên truyền Luật Giao thông, Nghị định 100 của Chính phủ, quy định cấm buôn bán pháo, vật liệu nổ; không tham gia buôn lậu, vận chuyển hàng lậu; không di cư, phá rừng; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

 

 

 

 

Người dân bản Trường Sơn xem tiểu phẩm do bộ đội Trung đoàn 335 diễn.

 

"Chính sự hiểu biết còn hạn chế của bà con về luật là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Nhà thì mất người thân, nhà thì khánh kiệt tài sản. Vì thế cái đói, cái nghèo như cái vòng luẩn quẩn, cứ bám riết lấy dân bản chúng tôi bao đời nay. Có sự đồng hành của bộ đội thì phải thay đổi thôi" - Anh Tủa khẳng định. Tiếp lời, Lầu Bá Chá nói: "Mỗi tiểu phẩm dựng xong đơn vị sẽ tổ chức ghi hình, dịch thành chữ và tiếng H'Mông rồi gửi về cho trưởng bản, gia đình, bạn bè của em qua mạng xã hội Zalo, Facebook để tuyên truyền bà con chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước. Tết vừa rồi em vui lắm. Vui vì được về quê ăn Tết, chứng kiến bản đổi thay, khang trang, sạch đẹp; bà con dân bản vui Xuân, đón Tết không có tai nạn giao thông, rượu chè bê tha, ai đã uống bia rượu thì không tham gia giao thông nên không ai bị phạt. Em sẽ là "cầu nối" để bộ đội tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con quê em.

Theo chia sẻ của Đại tá Nguyễn Kỳ Hồng, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An thì cùng với sự hiểu biết còn hạn chế về luật pháp, chính sách của đồng bào dân tộc thiểu số thì một khó khăn, trở ngại lớn trong quá trình công tác tại các địa bàn đặc biệt khó khăn đó là sự khác biệt về ngôn ngữ. Chính vì vậy, với phương châm "Muốn đồng hành cùng đồng bào đánh giặc đói nghèo thì phải biết nghe và nói tiếng nói của đồng bào", những năm qua, các đơn vị thuộc Quân khu 4 như Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, Đoàn KT-QP 4, Sư đoàn 324... còn mở nhiều lớp học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền cho người dân.

"Đã là cán bộ cơ sở, một chức năng quan trọng là vận động quần chúng. Chưa biết tiếng của bà con thì phải học, học từng câu, từng chữ; cách học cũng đa dạng, vừa học trong lúc “cùng ăn”, “cùng ở”, “cùng làm” với bà con, vừa học từ đồng đội là người địa phương. Đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của chúng tôi trong tiến hành công tác dân vận. Chính vì vậy, năm 2022, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức học tiếng dân tộc Thái cho cán bộ, nhân viên Bộ CHQS tỉnh" - Đại tá Nguyễn Kỳ Hồng khẳng định.

Với Sư đoàn 324, đóng quân ở miền Tây Nghệ An, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trước đây, đội ngũ cán bộ trong đơn vị số đông không biết tiếng nói và nắm không chắc phong tục tập quán các dân tộc. Chính vì vậy, mỗi lần hành quân dã ngoại làm công tác dân vận gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, Sư đoàn đã tổ chức các lớp học tiếng dân tộc dân tộc cho hàng trăm cán bộ, nhất là những sĩ quan trẻ. Đội ngũ giáo viên tham gia dạy tiếng dân tộc là những cán bộ người dân tộc đang công tác ở đơn vị, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin và Trung tâm Giáo dục chính trị địa phương. Tài liệu học tập được sưu tầm qua hệ thống thư viện và internet, chú trọng rèn luyện kỹ năng nghe, nói.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 335 cho biết: "Sau mỗi khóa học, đi làm nhiệm vụ dân vận, cán bộ, chiến sĩ chúng tôi có dịp vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đồng bào thấy bộ đội nói được tiếng dân tộc mình nên rất tin, đồng thuận với thông tin, hướng dẫn xoá đói, giảm nghèo của bộ đội".

Trưởng bản Trường Sơn Lầu Công Tủa (người cầm mũ) tuyên truyền, vận động người dân chấp hành Luật Giao thông.

 

Có thể thấy, những năm qua, khi công tác xoá mù chữ, tái mù chữ đạt được nhiều thành tựu, Đảng, Nhà nước, Quân đội đã ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, để những chính sách này được triển khai hiệu quả cần phải đa dạng hóa công tác tuyên truyền, từ đó giúp bà con dần thay đổi tư duy, nhận thức. Thực hiện các chương trình, dự án phát triển Khu KT-QP Kỳ Sơn, Đoàn KT-QP 4 đã triển khai có hiệu quả một số chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền như: Quyết định số 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi"... Gần đây nhất là Dự án “Điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách dân tộc ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn".

Mặc dù thực tế các hoạt động tuyên truyền đến với đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4, công tác tuyên truyền đã góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Quân khu. Như ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn để tăng cường tuyên truyền xoá bỏ hủ tục, giải quyết vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xã đã chỉ đạo các bản thành lập tổ tư vấn vận động xoá bỏ hủ tục, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, theo anh Lầu Công Tủa, Trưởng bản Trường Sơn thì xã cũng vận động các dòng họ tự quản tuyên truyền cho con em trong dòng họ không bỏ học, kết hôn sớm, duy trì hủ tục. Việc đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền đã góp phần dần thay đổi nhận thức của người dân, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào ở Kỳ Sơn.

Để "đánh giặc" đói nghèo thì phát triển các mô hình, dự án kinh tế được coi là yếu tố then chốt nhằm tạo cho người dân nguồn sinh kế bền vững. Tuy nhiên, để bà con tin tưởng, thay đổi thói quen làm ăn nhỏ lẻ, manh mún từ bao đời nay thì vấn đề tuyên truyền để bà con hiểu và làm theo là điều không dễ dàng. Để vận động người dân thay đổi tư duy phát triển kinh tế, điều quan trọng là phải tuyên truyền để bà con hiểu về hiệu quả việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế. Muốn bà con tin và làm theo thì cán bộ, đảng viên phải làm trước, khi có hiệu quả thì bà con sẽ tự động làm theo và khi có một vài hộ thành công thì các hộ khác cũng vào cuộc tích cực.

Bài 2: Làm cho dân tin

 NHÓM PHÓNG VIÊN

 


Tác giả: Nhóm phóng viên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội