A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Công tác quản lý tư tưởng quân nhân ở Bộ Tham mưu Quân khu:

Chủ động, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả

Những năm qua, các đơn vị trực thuộc Bộ Tham mưu Quân khu 4 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; phòng, chống thiên tai, chữa cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn; đơn vị an toàn tuyệt đối. Có được kết quả đó là nhờ Đảng ủy Bộ Tham mưu đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động, quyết liệt đề ra các chủ trương, giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác quản lý tư tưởng quân nhân, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Chú trọng xây dựng đội ngũ sĩ quan, QNCN vững mạnh

Tham dự buổi Tọa đàm sĩ quan, QNCN của Tiểu đoàn Phòng hóa 38 chúng tôi rất ấn tượng với không khí sôi nổi, trao đổi thẳng thắn, cởi mở của sĩ quan, QNCN đơn vị, nhất là những lời tâm sự đầy tự hào khi trở thành Bộ đội Cụ Hồ của các sĩ quan trẻ. Nhiều câu hỏi phản ánh thực trạng hiện nay như: Hiện nay không ít bạn trẻ chọn các ngành nghề khác... vậy động lực nào thôi thúc đồng chí quyết tâm trở thành sĩ quan Quân đội?”; Từng là chiến sĩ, hiểu rõ sự gian khổ trong quân ngũ nhưng vì sao vẫn thi vào Quân đội?”; “Đồng chí nghĩ thế nào về thực trạng hiện nay không ít sĩ quan trẻ có biểu hiện bị chi phối bởi môi trường bên ngoài; sống ích kỷ, thực dụng, ngại khó khăn, gian khổ, muốn hưởng thụ mà không cống hiến, muốn được tổ chức quan tâm, bổ nhiệm nhưng lại không phấn đấu?”… 

 

 

Tọa đàm sĩ quan, QNCN Tiểu đoàn 38 năm 2023.

 

Trả lời các câu hỏi trên, các ý kiến tham luận đều tập trung đi sâu phân tích làm rõ nội hàm “Bộ đội Cụ Hồ”, “Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” cũng như niềm tự hào khi được trở thành người quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Nhiều ý kiến khẳng định: “Môi trường quân ngũ mang lại cho mỗi quân nhân một thứ vô giá đó là sự trưởng thành mà để trưởng thành thì phải tôi rèn. Người cán bộ, QNCN phải nỗ lực không ngừng mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ”.

Điểm nhấn ở các buổi tọa đàm của Bộ Tham mưu chính là những phóng sự, video, tiểu phẩm về vấn đề vi phạm kỷ luật; là bài học cảnh tỉnh đối với sĩ quan, QNCN vì thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến vi phạm kỷ luật, buộc phải loại ngũ, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một vấn đề mà chỉ huy các cấp nêu ra đáng để mỗi quân nhân suy ngẫm đó là, theo thống kê, số lượng sĩ quan, QNCN trong toàn quân thành đạt sau khi phục viên là rất ít, chủ yếu là lao động phổ thông.

Giao lưu với sĩ quan, QNCN đơn vị, Thượng tá Võ Hữu Hòa, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu đánh giá cao trình độ, năng lực, hoài bão, khát vọng cống hiến xây dựng đơn vị của sĩ quan, QNCN Tiểu đoàn 38. Tuy nhiên, anh cũng rất trăn trở với thực trạng sĩ quan, QNCN hiện nay và tâm đắc với chủ đề tọa đàm, bởi với quân nhân thì “Trung hiếu, tiên phong, khát vọng”, là ba thành tố riêng nhưng có sự biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển, trong đó “Trung hiếu” là khởi đầu, nền móng để thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, tiên phong, khát vọng, cống hiến, từ đó trưởng thành. Vì vậy, mỗi sĩ quan, QNCN phải biết “định vị” bản thân, cống hiến hết mình, bởi một quy luật chắc chắn rằng, tổ chức sẽ luôn quan tâm, tạo điều kiện hết mức đối với những cá nhân tận tâm, tận lực cống hiến xây dựng đơn vị.

Chủ động nắm, quản lý tư tưởng mọi lúc, mọi nơi

Xác định “Tư tưởng không thông, đeo bình tông không nổi”, vì vậy, để cán bộ, QNCN, chiến sĩ luôn có tư tưởng vững vàng, yên tâm công tác, Đảng ủy, chỉ huy các đơn vị thuộc Bộ Tham mưu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ.

Các đơn vị duy trì, phát huy hiệu quả việc quản lý tư tưởng quân nhân thông qua hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, đoàn, hội đồng quân nhân và phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình quân nhân... Bên cạnh đó, các đơn vị còn tích cực đổi mới cách thức quản lý tư tưởng, triển khai một số biện pháp bước đầu mang lại hiệu quả ở đơn vị, như: Lập “Hồ sơ thông tin chiến sĩ”; “Phiếu khảo sát tư tưởng”, “Quản lý tư tưởng theo nhóm”...

Hằng năm, trên cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác tư tưởng, Đảng ủy, chỉ huy các cấp chủ động, kịp thời ra Nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng nói chung, công tác tư tưởng trong quản lý quân nhân nói riêng. Nghị quyết xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ sĩ quan, QNCN, nhất là đối với cán bộ trẻ trong tổ chức thực hiện.

Sĩ quan, QNCN Tiểu đoàn 97 trao đổi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ tại buổi tọa đàm.

 

Từng quý và hằng tháng, các đơn vị thực hiện nền nếp công tác giáo dục, định hướng, quản lý, dự báo tư tưởng bộ đội; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ phản ánh, báo cáo theo phân cấp để kịp thời giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong đơn vị. Đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn chủ động tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình tư tưởng, việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, các quy chế, quy định của đơn vị cũng như nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của quân nhân. Qua đó, tham mưu cho Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tham mưu bổ sung các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý tư tưởng quân nhân.

Các đơn vị luôn coi trọng xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, gắn kết chặt chẽ với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là đối với các phân đội đóng quân nhỏ lẻ, xa chỉ huy. Một nét nổi bật trong quá trình tiến hành nắm, quản lý tư tưởng quân nhân của các đơn vị những năm qua đó là luôn gắn công tác tư tưởng với việc duy trì nền nếp xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; đẩy mạnh các phong trào thi đua; kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ và công tác chính sách.

Việc xét, đề bạt quân hàm, nâng lương, bổ nhiệm chức vụ, khen thưởng, kỷ luật được Đảng ủy Bộ Tham mưu và cấp ủy các cấp tiến hành đúng quy chế, bảo đảm dân chủ, công bằng và công khai trong đơn vị. Vào các dịp lễ, Tết, các đơn vị thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho quân nhân, làm tốt công tác thăm hỏi, tặng quà đối với gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn...

Thượng tá Nguyễn Doãn Hoan, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu khẳng định: “Việc đánh giá kết quả, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong Phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động, nhất là trong nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, phòng chống thiên tai, mưa lũ, cháy rừng, cứu hộ cứu nạn... luôn được Đảng ủy, chỉ huy Bộ Tham mưu quan tâm, tạo nên tâm lý phấn khởi, tinh thần tự giác trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi quân nhân”.

Đồng bộ, nhiều giải pháp, định hướng tư tưởng từ sớm, từ xa

Theo Thượng tá Nguyễn Doãn Hoan thì việc nắm, quản lý tư tưởng quân nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là đối với các đơn vị của Bộ Tham mưu luôn thực hiện nhiệm vụ trên các địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và đô thị hóa nhanh, thường xuyên chịu sự tác động phức tạp, nhất là các tệ nạn xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, QNCN, chiến sĩ được quy tụ từ nhiều vùng, miền khác nhau, mang những nét riêng về văn hóa và lối sống...

Vì vậy, để đạt được những kết quả trên, trên cơ sở quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trên, nhất là triển khai thực hiện Quy chế công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong Quân đội, trong nghị quyết lãnh đạo hằng quý, tháng, cấp ủy các cấp đều đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý tư tưởng, kỷ luật; kịp thời bổ sung nội dung, biện pháp phù hợp với sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ và nhận thức của cán bộ, chiến sĩ.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 31 tổ chức huấn luyện.

 

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tham mưu thực hiện công tác quản lý tư tưởng bộ đội, cơ quan Chính trị chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ đối tượng, nội dung, thời gian thực hiện. Từ đó, từng đơn vị tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình tư tưởng, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, các quy chế, quy định cũng như nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của bộ đội; đồng thời, tiến hành công tác sơ kết rút kinh nghiệm, phát hiện những vấn đề nổi cộm để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp.

Để làm tốt công tác định hướng tư tưởng, Phòng Chính trị chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ, rèn luyện đạo đức, lối sống, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức chấp hành kỷ luật và tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài việc thực hiện có chất lượng nội dung, chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng, các đơn vị kết hợp chặt chẽ giáo dục cơ bản, thường xuyên với giáo dục truyền thống, giáo dục chung với giáo dục riêng, giáo dục qua hoạt động thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác dân vận và giáo dục bằng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Chú trọng vận dụng linh hoạt các hình thức giáo dục bổ trợ, giúp cho người học dễ nhớ, dễ hiểu, lĩnh hội nhanh kiến thức để vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn.

Phút giải lao trên thao trường Tiểu đoàn Đặc công 31.

 

Để công tác tư tưởng đi vào nền nếp và mang lại hiệu quả thiết thực, Phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đầu tư mô hình, sơ đồ, bảng kẻ phục vụ các bài giảng chính trị; sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa để tạo sân chơi lành mạnh cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là trong 2 ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ, Tết. Đồng thời, duy trì tốt hoạt động “Tổ tư vấn pháp luật, tư vấn tâm lý”, công khai số điện thoại của lãnh đạo, chỉ huy trong đơn vị; qua đó, tạo mối liên hệ mật thiết giữa cán bộ và chiến sĩ, giúp cấp ủy, người chỉ huy có cơ sở để nhận định, đánh giá, dự báo và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những bức xúc, vướng mắc của mọi quân nhân.

Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị còn chú trọng nắm toàn diện về nhận thức, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ xã hội và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng quân nhân; phân công cụ thể từng đồng chí cấp ủy viên và quần chúng cùng tham gia các hoạt động công tác, sinh hoạt, học tập hằng ngày với bộ đội để nắm, định hướng và giải quyết tư tưởng bộ đội. Nội dung nắm và quản lý toàn diện, nhưng tập trung vào những vấn đề, như: Xu hướng, sở thích, năng khiếu, nhận thức chính trị, thái độ, trách nhiệm với đơn vị, động cơ phấn đấu rèn luyện; ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, lối sống của quân nhân.

Tọa đàm sĩ quan, QNCN Tiểu đoàn Đặc công 31.

 

Đặc biệt, công tác tư tưởng còn được thực hiện thông qua hoạt động Ngày chính trị và văn hoá tinh thần, Ngày pháp luật; tổ chức đối thoại, trao đổi cởi mở giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, giữa cấp trên với cấp dưới. Qua đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong đơn vị, góp phần làm cho tình cảm giữa cán bộ, chiến sĩ ngày càng được củng cố, gắn bó; đồng thời, giúp cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp có cơ sở để nhận định, đánh giá, dự báo và xử lý những vấn đề tư tưởng phát sinh. 

Nhờ có chủ trương đúng, hình thức, biện pháp sáng tạo, công tác tư tưởng đã thực sự góp phần xây dựng, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí, niềm tin, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Tham mưu Quân khu, bảo đảm vững chắc để bộ đội miễn dịch trước âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong từng cơ quan, đơn vị.

MẠNH HÙNG


Tác giả: Mạnh Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội