Chủ nhật, 19/05/2024 - 19:24
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ vướng trong thực hiện Luật sĩ quan ở Đảng bộ Quân sự tỉnh Hà Tĩnh. Bài 1: Những vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ ở Đảng bộ Quân sự Hà Tĩnh

Bài 1: Những vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ ở Đảng bộ Quân sự Hà Tĩnh

Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam (gọi tắt là Luật sĩ quan) hiện hành quy định, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp trung tá, thiếu tá, đại úy là 51, 48 và 46 tuổi như hiện nay đã và đang đặt ra những vướng mắc và tác động ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như tâm tư, nguyện vọng và động cơ phấn đấu của mỗi cán bộ. Vậy làm thế nào để từng bước giải quyết thỏa đáng tâm tư nguyện vọng chính đáng của số cán bộ trong diện này luôn là vấn đề được Đảng ủy Quân sự Hà Tĩnh và các cấp ủy quan tâm đi tìm lời giải.

“Vướng” từ tuổi phục vụ của Luật sĩ quan

Nguyên là trợ lý tác huấn, Ban CHQS huyện Kỳ Anh, tháng 4/2021, Thiếu tá Trần Trọng Thúy, ở thôn Đồng Tiến, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh nhận quyết định nghỉ hưu theo Luật sĩ quan hiện hành. Trở về đời thường với 48 năm tuổi đời, hơn 30 năm tuổi quân (30,3 năm đóng BHXH), nên khi nhận quyết định nghỉ hưu, anh chỉ được nhận 69% mức lương so với thiếu tá đương chức.

Nhận quyết định nghỉ hưu trở về địa phương trong hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Mẹ đã mất, bố bị chấn thương tủy sống, nằm liệt giường một chỗ; vợ anh là nhân viên thư viện trường Tiểu học Kỳ Đồng với đồng lương ít ỏi, hai con đang tuổi ăn học, mọi chi tiêu gia đình đều nhìn vào đồng lương quá em hẹp của hai vợ chồng. Hoàn cảnh là vậy nên anh phải làm thêm nghề sửa xe đạp và nhận thêm ruộng để làm nhưng rồi cuộc sống vẫn chật vật khó khăn.

Các đồng chí sĩ quan trẻ mới ra trường điều về Bộ CHQS tỉnh tham quan, tìm hiểu truyền thống đơn vị trước khi nhận công tác tại các cơ quan, đơn vị.

 

 “Về hưu ở độ tuổi này dù chưa cao nhưng với lĩnh vực đặc thù trong quân đội nên hầu hết các sĩ quan thiếu tá, trung tá khi về hưu rất khó để tìm được việc làm thêm để cải thiện thu nhập trang trải cho cuộc sống. Vậy nên chúng tôi chỉ mong sao Nhà nước sửa đổi Luật sĩ quan, kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ để khi về hưu phần nào giảm được gánh nặng khó khăn gia đình” - Anh Thúy chia sẻ!

Khác với Thiếu tá Trần Trọng Thúy, Trung tá Đào Xuân Hùng, nguyên trưởng ban Tổ chức, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh được xem là “cây đại thụ”, một “tư lệnh” ngành tổ chức xây dựng Đảng với năng lực, trình độ chuyên môn sâu, đức tính tận tâm, tận tụy, đặt công việc của cơ quan lên trên hết, trước hết để tham mưu cho Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh triển khai có chất lượng, chiều sâu công tác tổ chức xây dựng Đảng. Nhiều năm liền, anh liên tục được khen thưởng các hình thức, trong đó có 8 năm liên tục được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Đội ngũ cán bộ, sĩ quan ở Ban CHQS huyện Thạch Hà tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, kiến thức, tích lũy kinh nghiệm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Tháng 6/2023, anh có quyết định nghỉ hưu ở tuổi 51 theo quy định của Luật sĩ quan hiện hành khi đang ở độ chín về trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn. Dù anh là người cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tiễn và bề dày thành tích là vậy, nhưng chỉ “vướng” quy định tuổi nghỉ hưu cấp trung tá không quá 51 theo Luật sĩ quan hiện hành, anh phải nghỉ hưu khi năng lực, kinh nghiệm đang ở độ chín muồi.

Khảo sát thực tế hiện nay, trong tổng số sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở các cơ quan, đơn vị thì sĩ quan có quân hàm trung tá, thiếu tá chiếm 76,1%. Từ năm 2018 đến nay, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã giải quyết chế độ nghỉ hưu và nghỉ chờ hưu cho 220 cán bộ; trong đó, quân hàm thiếu, trung tá chiếm 61,3%. Số cán bộ này chủ yếu thuyên chuyển từ đơn vị chủ lực về, tuổi đời đã cao, chưa qua chức vụ tương ứng nên việc xem xét cử đi học, đào tạo cũng như việc quy hoạch, điều động, bổ nhiệm gặp nhiều khó khăn.

Tìm lời giải để “xóa sức ỳ” và tư tưởng “hết tuổi quy hoạch”

Theo Luật sĩ quan hiện hành, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan theo quy định của trung tá, thiếu tá, đại úy lần lượt là 51, 48 và 46 tuổi. Khi nghỉ hưu, đối với cấp trung tá, thường được hưởng 70 - 72%; đặc biệt cấp thiếu tá vốn đã thấp, khi về hưu, họ chỉ được hưởng 65 - 68% do chưa đủ 35 năm đóng BHXH. Từ thực tế đó, đa số sĩ quan cấp trung tá trở xuống khi về hưu sẽ không tránh khỏi những băn khoăn, trăn trở cho rằng mình không còn cơ hội để phát triển, điều đó sẽ nảy sinh tư tưởng buông xuôi, làm việc cầm chừng, kém hiệu quả.

Cấp ủy, Chi bộ Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh luôn quan tâm chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan trong cơ quan.

 

Vấn đề đặt ra được cấp ủy các cấp luôn trăn trở là làm sao để đánh bật được “sức ỳ” và tư tưởng cố hữu “hết tuổi quy hoạch” trong nhận thức của một số cán bộ sĩ quan có cấp bậc quân hàm trung tá trở xuống, nhất là đội ngũ trợ lý ở Ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã hiện nay sẽ là chìa khóa để phá rào cản, “xóa sức ỳ” và làm thui chột động cơ phấn đấu vươn lên của một bộ phận cán bộ hiện nay.

Đi tìm lời giải cho bài toán “xóa sức ỳ” của số cán bộ trong diện này, cùng với việc quan tâm gặp gỡ, đối thoại, nắm tâm tư nguyện vọng cán bộ, Đảng ủy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị đánh giá nắm chắc trình độ, năng lực của từng đồng chí để bố trí, sắp xếp công việc phù hợp nhằm phát huy hết  sở trường, nhiết huyết, trách nhiệm của mỗi cán bộ trong thực hiện nhiêm vụ. Đại tá Phan Huy Tâm, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho hay:

- “Cơ quan đã mạnh dạn tham mưu, chỉ đạo đánh giá, nhận xét đúng năng lực từng cán bộ, từ đó đề nghị lựa chọn bố trí, sắp xếp những cán bộ có đủ điều kiện tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, có độ tuổi phù hợp, được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn để tạo nguồn phát triển lên các vị trí chủ trì quản lý, chỉ huy và các chức danh phù hợp, có quân hàm tương ứng và cải thiện mức lương trước khi nghỉ hưu”.

Đội ngũ sĩ quan ở các cơ quan, đơn vị luôn phát huy vai trò xung kích, sáng tạo trong việc nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ.

 

Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần đánh giá, phân loại năng lực huấn luyện, chỉ huy, quản lý điều hành huấn luyện của cán bộ các cấp để có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn theo phương châm “Cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, chỉ huy bồi dưỡng đơn vị, cán bộ giàu kinh nghiệm bồi dưỡng cán bộ trẻ gắn với khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ tự học tự rèn”, “yếu khâu nào bồi dưỡng kỹ khâu đó”. Đại tá Nguyễn Xuân Thắng - Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh khẳng định:

“Việc mạnh dạn sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ sẽ tạo cho họ cơ hội được cống hiến và thể hiện mình, qua đó phát huy được nhiệt huyết, trách nhiệm, tích lũy được kỹ năng, kinh nghiệm, bồi dưỡng phương pháp chỉ huy, quản lý. Và qua thực tiễn để họ khẳng định trình độ, năng lực, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, tạo sức bật mới ở từng cơ quan, đơn vị”. 

                                                                       Bài, ảnh: XUÂN LIỆU


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội