Vững vàng trên mọi trận tuyến
Phát huy truyền thống Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam anh hùng, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn nỗ lực, chủ động khắc phục mọi khó khăn để huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu; làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại; tích cực tham gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/2/944 - 22/12/2021), 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2021), xin trích đăng một số ý kiến của cán bộ, chiến sĩ xung quanh nội dung này.
Thượng tá TRẦN VĂN BẢNG, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (Quân khu 9):
Khắc phục khó khăn, luyện giỏi, rèn nghiêm
Năm 2021, Trung đoàn 1 được giao nhiệm vụ trọng tâm là huấn luyện chiến sĩ mới và tổ chức diễn tập chỉ huy cơ quan 1 bên 2 cấp ngoài thực địa. Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, đơn vị tổ chức huấn luyện theo phương pháp chia nhỏ, tập nhiều, triệt để tận dụng địa hình làm thao trường huấn luyện, tổ chức lên lớp cấp trung đội. Chúng tôi cũng làm tốt công tác chuẩn bị, coi trọng khâu thục luyện giáo án của cán bộ... Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, nỗ lực khắc phục khó khăn nên chất lượng huấn luyện của trung đoàn chuyển biến vững chắc; năng lực chỉ huy, quản lý, điều hành huấn luyện của đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng tiến bộ. 100% nội dung kiểm tra đạt yêu cầu, trong đó hơn 75% khá, giỏi; tổ chức diễn tập các hình thức đạt khá, bắn chiến thuật các cấp đạt giỏi; diễn tập chỉ huy cơ quan 1 bên 2 cấp ngoài thực địa có phối thuộc hỏa lực, chi viện bắn đạn thật hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
QUANG ĐỨC (ghi)
---------------
Thượng tá NGUYỄN NGỌC TÊNH, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện M’Drắk (Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc):
Hết lòng vì Nhân dân
Do có nhiều sông, suối, hồ đập và các khu vực trũng thấp, tụ thủy nên hầu như năm nào trên địa bàn huyện M’Drắk cũng xảy ra tình trạng lũ lụt, ngập úng cục bộ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tính mạng, tài sản của Nhân dân. Có đợt, nửa đêm nước lũ đột ngột dâng cao, khiến hàng trăm hộ dân sinh sống trong lòng hồ Krông Pắc thượng (xã Cư San) không kịp trở tay. Để tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng phải đi vòng sang huyện khác, dùng ca nô, thuyền máy xuôi theo dòng nước xuống lòng hồ, kịp thời sơ tán người dân đến nơi tránh trú an toàn. Mùa mưa lũ năm nay, căn cứ dự báo của cơ quan chức năng và lượng mưa thực tế trong từng thời điểm, khi các tuyến đường chưa bị cô lập, ngập úng, sạt lở, Ban CHQS huyện chủ động đưa lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn cơ động đến các địa bàn trũng thấp ở thị trấn M’Drắk và các xã: Cư San, Cư Prao, Krông Jing, Krông Á, Ea Riêng để sẵn sàng xử trí khi có tình huống xảy ra. Nhờ cách làm này, trong 3 đợt lũ dâng, chúng tôi đã sơ tán hơn 200 lượt người dân, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi đến nơi tránh trú an toàn. Tại các khu vực sơ tán, lực lượng chức năng cũng chuẩn bị chu đáo, đầy đủ nhu yếu phẩm, bảo đảm phục vụ bà con sinh hoạt dã chiến, đáp ứng tốt yêu cầu PCD.
THUẬN AN (ghi)
----------------
Thượng tá NGHIÊM XUÂN THÁI, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 (Vùng 2 Hải quân):
Việc làm ý nghĩa của bộ đội nhà giàn DK1
Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua đặc biệt “Quân đội cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Các nhà giàn đã trích quỹ từ nguồn tăng gia sản xuất và tự nguyện quyên góp để ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19. Trong đó, gửi về đất liền mua 300 túi an sinh (mỗi túi trị giá 300.000 đồng) hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh... Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 còn có nhiều hoạt động hỗ trợ ngư dân lúc khó khăn, gặp sự cố khi đánh bắt hải sản trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc... Qua đó, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
QUANG TIẾN (ghi)
-------------
Trung tá QUẢN TRỌNG HẢI, Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân):
Làm chủ máy bay hiện đại
Lữ đoàn 918 được trang bị dòng máy bay Casa C-295 hiện đại. Để làm chủ máy bay, phi công phải có bản lĩnh, kiến thức chuyên ngành vững vàng. Chúng tôi vinh dự được lựa chọn tham gia khóa chuyển loại máy bay Casa C-295 đầu tiên tại Tây Ban Nha. Quá trình học tập, chuyên gia yêu cầu rất cao. Trước hết, phi công phải có trình độ tiếng Anh tốt để giao tiếp, đọc hiểu các thông tin về máy bay. Cùng với đó, phải nắm chắc nguyên lý bay, kỹ thuật hàng không, dẫn đường bay, khí tượng... Bay an toàn là yếu tố đặt lên hàng đầu. Vì vậy, trước mỗi ban bay, chúng tôi phải hiệp đồng chặt chẽ, chuẩn bị cụ thể, tỉ mỉ sơ đồ bài bay, nắm chắc các số liệu, tình huống có thể phát sinh và biện pháp xử lý, tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan, đơn giản. Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, kế thừa kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, với tinh thần ham bay say học, chúng tôi tham gia nhiều ban bay huấn luyện trên máy bay mới bảo đảm an toàn tuyệt đối... Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao trong khai thác làm chủ máy bay hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
VŨ DUY (ghi)
---------------
Thiếu tá QNCN NGUYỄN VĂN PHÓNG, Đồn Biên phòng Tân Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn):
Dịch chưa yên, chưa về quê
Gần hai năm nay, bất kể nắng mưa, đêm tối, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết giá rét, chúng tôi vẫn tích cực trực chốt PCD Covid-19 và tuần tra ở các đường mòn, lối mở qua lại hai bên biên giới. Thời gian đầu triển khai lực lượng, cơ sở vật chất tại các chốt khá sơ sài. Vừa qua, cấp trên đã cho xây dựng chốt bán kiên cố, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện để chúng tôi yên tâm làm việc... Quê tôi ở Hải Dương, tuy không quá xa đơn vị nhưng gần một năm nay tôi chưa về thăm nhà. Ở đơn vị, vì nhiệm vụ, có đồng chí không thể về chịu tang khi bố, mẹ qua đời; có đồng chí phải hoãn cưới mấy lần. Đồng đội cố gắng, vượt qua mọi khó khăn nên tôi là chốt trưởng càng phải gương mẫu. Đây là mùa đông thứ hai chúng tôi ăn lán ngủ rừng, bám chốt bảo vệ biên giới, PCD Covid-19. Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng chúng tôi không một phút lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, luôn xác định rõ quyết tâm “dịch chưa yên, chưa về quê”.
HUYỀN TRANG (ghi)
-------------
Đại úy, bác sĩ LÊ THỊ THÙY NHUNG, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Quân y 175:
Động lực làm việc là sức khỏe, tính mạng của người dân
Từ khi Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 được thành lập (tháng 7-2021) cũng là lúc chúng tôi tham gia điều trị bệnh nhân và cách ly với bên ngoài. Công việc của chúng tôi là hỗ trợ các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Thời gian làm việc mỗi ngày được chia làm 3 ca: Ca sáng từ 7 giờ đến 14 giờ; ca chiều từ 14 giờ đến 21 giờ; thời gian còn lại thuộc về ca đêm. Đêm là ca dài nhất, vất vả nhất. Riêng với nhiệm vụ của bác sĩ kiểm soát nhiễm khuẩn thì thời gian không cố định theo từng ca trực, song bị chi phối bởi nhiệm vụ hướng dẫn, bảo đảm cho mỗi ca trực khác nhau nên cũng rất áp lực, vất vả.
Ngoài công việc trên, chúng tôi còn hỗ trợ qua điện thoại cho bệnh nhân điều trị tại nhà. Hiện tại, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, công việc còn nhiều nhưng được sự động viên của cấp trên, đồng đội, phát huy tinh thần, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, chúng tôi luôn nỗ lực vượt qua khó khăn. Đặc biệt, mỗi lần chứng kiến bệnh nhân được xuất viện, đoàn tụ với gia đình, mọi mệt mỏi trong chúng tôi dường như tan biến. Sức khỏe, tính mạng của người dân là động lực để chúng tôi tiếp tục công việc của mình.
DUY HIỂN (ghi)
(Theo Báo QĐND)
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận