A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động quân sự, quốc phòng của Lực lượng vũ trang Quân khu 4 - giải pháp thích ứng

Quân khu 4 là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Địa hình Quân khu 4 với vị trí địa lý đặc thù riêng, do vậy, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với hoạt động quân sự, quốc phòng của lực lượng vũ trang Quân khu 4 thể hiện rất rõ rệt. Trong phạm vi Hội thảo, bài tham luận tập trung khái quát đặc điểm địa hình, thời tiết và những tác động của BĐKH đến hoạt động quân sự, quốc phòng của Lực lượng vũ trang Quân khu, trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp ứng phó, thích ứng trong thời gian tới.

1. Đặc điểm địa hình, thời tiết địa bàn Quân khu 4

  Quân khu 4 bao gồm 06 tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Địa bàn Quân khu có diện tích tự nhiên 51.624 km2. Phía Đông tiếp giáp với biển Đông, có bờ biển dài 722 km, với 30 đảo lớn nhỏ nằm cách bờ từ 1- 30 km, bờ biển có 25 cửa sông lớn. Phía Tây tiếp giáp nước bạn Lào có chiều dài biên giới 1322 km; vùng đồng bằng ven biển nhiều nơi thấp, trũng nên dễ bị ngập úng khi có mưa to kéo dài. Đồi núi chiếm 2/3 diện tích, địa hình dài và hẹp. Các vùng ven biển và phía tây của các tỉnh thường chịu ảnh hưởng lớn của bão, lũ; địa bàn có nhiều sông, hồ, đập lớn (trên 70 con sông và 68 hồ, đập), có nhiều suối ngắn và dốc nên dễ xảy ra lũ ống, lũ quét; nắng, nóng kéo dài kèm theo nhiệt độ cao và không khí khô, nóng của gió Tây nên gây ra hạn hán.

Trung tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4 kiểm tra cảnh quan môi trường Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An.

 

          Xuất phát từ đặc thù địa lý, tự nhiên, địa bàn Quân khu 4 là vùng đất có thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, lắm dông, nhiều bão. Cùng với đó, do tác động của BĐKH nên thiên tai, sự cố xẩy ra trên địa bàn với tần suất cao, tính chất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bình quân hằng năm có từ 3 - 5 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn Quân khu với cấp độ mạnh;  theo dự báo đều có thể xuất hiện bão mạnh đến cấp 16, cấp 17, kèm theo mư­a to trên diện rộng, lượng mưa 470 mm đến 790 mm/ngày; nước biển dâng từ 5,7 - 6,2 m trong bão và kèm theo lũ ống, lũ quét ở vùng núi; lũ chồng lũ có thể xảy ra nhiều nơi ở vùng trũng, vùng hạ du các con sông lớn. Bên cạnh đó, địa bàn Quân khu luôn chịu ảnh hưởng của khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, nhiệt độ mùa hè có lúc lên tới 400c - 410c kèm theo không khí khô, nóng của gió Tây (từ Lào sang), gây ra khô hạn kéo dài trên diện rộng. Theo thống kê 10 năm trở lại đây, trên địa bàn Quân khu đã xảy ra 1050 cơn bão lụt, giông lốc, lũ ống, lũ quét; 35 vụ sạt lở đất, đá, sập hầm lò; 396 sự cố các loại khác; làm chết, mất tích 918 người; bị thương 1.844 người, thiệt hại lớn về tài sản. Điển hình như đợt mưa lũ kỷ lục vào tháng 10 năm 2020 tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, với lượng mưa 800 mm/ngày, tổng lượng mưa 300mm/đợt, cao gấp 3-5 lần so với mức trung bình cùng kỳ trong suốt 30 năm qua, gây ngập lụt trên diện rộng, gần 70.000 người đã phải rời nhà, rời làng đi tránh lũ khẩn cấp. Đặc biệt, mưa lớn kéo dài gây ra các vụ sạt lở đất kinh hoàng tại các điểm: Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Tiểu khu 67 của Trạm Kiểm lâm Sông Bồ thuộc địa bàn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; địa điểm đóng quân của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337/Quân khu 4,  xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng trị. Cùng thời điểm đó, cơn bão số 8 đổ bộ vào đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, tiếp tục gây mưa lớn tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế. “lũ chồng lũ”, “bão chồng bão” đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

          2. Tác động của biến đổi khí khậu đến hoạt động quân sự, quốc phòng của lực lượng vũ trang Quân khu 4

          Tác động của BĐKH trên địa bàn Quân khu 4 được thể hiện rõ rệt và toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có hoạt động quân sự, quốc phòng. Các đơn vị thuộc Quân khu 4 đóng quân rải khắp các vùng đồng bằng, đô thị, vùng núi, hải đảo, một số đơn vị trú quân ở khu vực có địa hình, địa chất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lũ lụt, sạt lở khi mưa lớn, nhất là các Đoàn kinh tế quốc phòng. Điều kiện thời tiết, khí hậu 6 tỉnh Bắc miền Trung hết sức khắc nghiệt đã tác động trực tiếp đến mọi hoạt động quân sự, quốc phòng, bao gồm huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, sức khỏe của bộ đội, hoạt động tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn cũng như việc tổ chức đóng quân, canh phòng, kho tàng bến bãi quân sự, xây dựng khu vực phòng thủ, sản xuất, giúp dân phát triển kinh tế gắn với quốc phòng…của lực lượng vũ trang Quân khu.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2020.

 

          Một là, đối với công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

          Tác động của BĐKH làm cho thời tiết mưa bão, nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm gián đoạn nội dung, chương trình huấn luyện. Mùa khô nắng nóng gay gắt, có những ngày nhiệt độ lên tới 40, 41 độ c, ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ đội trong học tập, công tác. Để đảm bảo tiến trình và an toàn trong huấn luyện, các đơn vị thường xuyên phải điều chỉnh tổ chức, phương pháp, thời gian huấn luyện, phòng chống say nắng, say nóng, sốc nhiệt cho bộ đội. Khi tổ chức huấn luyện ngoài thao trường phải thường xuyên bố trí lều chống nóng, đảm bảo đủ nước uống, túi thuốc và quân y thường xuyên theo dõi sức khỏe bộ đội. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện khắc nghiệt của địa bàn, đòi hỏi Quân khu phải tăng cường huấn luyện sát với thực tế như hoạt động trong đêm tối, cơ động trên địa hình khó khăn, phức tạp, thời tiết mưa bão; bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống như di chuyển người, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, bơi cứu đuối, sơ cứu người đuối nước, khắc phục, gia cố cầu đường…, đồng thời tăng cường tổ chức các cuộc diễn tập phòng thủ dân sự, diễn tập tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường (BVMT)…

          Hai là, đối với công tác đóng quân canh phòng

          Tác động của BĐKH đã ảnh hưởng đến hoạt động đóng quân, canh phòng của các cơ quan, đơn vị. Thiên tai làm hư hại, xuống cấp rất nhanh hệ thống doanh trại, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, các công trình, các khu vực tăng gia sản xuất.... Mùa hè nắng nóng, nhiệt độ môi trường cao kết hợp với gió Lào khô nóng càng khiến việc chống nóng, bảo đảm nước sinh hoạt và tăng gia sản xuất gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị đảo gần bờ chịu tác động của gió, bão, sương mù, độ ẩm không khí và nồng độ muối trong không khí cao, gây tác động ăn mòn rất lớn đối với các loại vật liệu và công trình xây dựng. Do vậy, chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng hầu hết doanh trại đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, tình trạng sạt lở núi thường xuyên xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đóng quân. Điển hình là vụ sạt lở đất năm 2020 do mưa lớn kéo dài tại địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã gây sập đổ, phá hủy hoàn toàn một phần doanh trại của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, có 22 cán bộ, chiến sĩ hi sinh.

          Ba là, đối với công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật

          Các yếu tố tác động từ BĐKH gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: nhiệt độ cao, lũ lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... gây ra nhiều khó khăn cho công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Hệ thống kho tàng, bến bãi của Quân khu đã phải điều chỉnh lại do nhiều địa điểm có thể bị tác động bởi các hiện tượng lốc xoáy, sạt lở đất, lũ lụt... Tiêu chuẩn xây dựng các nhà kho phải thay đổi để thích ứng với điều kiện khí hậu mới. Đặc biệt, hoạt động tăng gia sản xuất là lĩnh vực nhạy cảm liên tục bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khí hậu, nhất là nhiệt độ ngày càng cao, số ngày nắng, mưa thất thường, bão lốc thường xuyên xảy ra. Khí hậu nhiệt đới ẩm, các hiện tượng thời tiết cực đoan như sương muối, hơi mặn của nước biển …làm ăn mòn nhanh các vật liệu, vũ khí, phương tiện kỹ thuật; việc duy trì chế độ lau chùi, bảo dưỡng, niêm cất, kiểm định…vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật vì thế đòi hỏi quy trình phải rất chặt chẽ và hết sức nghiêm ngặt. Khí hậu hanh khô, nắng nóng gay gắt do tác động bởi gió Lào vào mùa khô làm cho công tác phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn các kho vũ khí, đạn dược khó khăn và phức tạp hơn, làm tăng thêm chi phí bảo quản, bảo dưỡng...

Trung tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu cứu trợ Nhân dân trong mưa lũ.

 

          Bốn là, đối với việc bố trí các phương án tác chiến, phòng thủ dân sự

          BĐKH, nước biển dâng, hệ thống đê bao quốc phòng trên địa bàn bị sạt lở, diện tích rừng phòng hộ ngày càng bị thu hẹp, khó có khả năng phục hồi, hệ thống sông ngòi, cửa biển bị bồi lấp do biến đổi dòng chảy…những thay đổi đó không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước mà còn làm thay đổi kết cấu các công trình quốc phòng trên địa bàn. Đây cũng là yếu tố buộc phải đánh giá chặt chẽ trong quy hoạch, xây dựng các công trình quốc phòng, xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, căn cứ chiến đấu, các điểm tựa, cụm điểm tựa và hệ thống trường bắn, chốt chiến đấu dân quân biên giới, biển, thao trường huấn luyện…đòi hỏi phải kết hợp hài hòa giữa xây dựng phục vụ sinh hoạt, huấn luyện với BVMT, đồng thời thường xuyên xây dựng, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phòng chống thiên tai, thảm họa, có phương án chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện, vật chất, luyện tập các phương án để đảm bảo ứng phó thắng lợi với tình huống bão, lụt, lốc xoáy, sét…và các thảm họa khác do thiên tai gây ra.

          Năm là, đối với các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng tiềm lực quốc phòng

          Tác động của BĐKH làm cho hoạt động sản xuất của các công ty, các Đoàn kinh tế quốc phòng của Quân khu trong các khu vực nhạy cảm với bão, lốc xoáy, các khu vực hạn hán thường xuyên, các khu vực dễ xảy ra trượt lở đất do mưa lớn …đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất. Đặc biệt, điều kiện môi trường lao động trong thời tiết nắng nóng với mùa nắng kéo dài đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động của công nhân. Kinh phí năng lượng cho thông gió, làm mát, giảm thiểu khí nhà kính, quy trình công nghệ trong các cơ sở sản xuất gia tăng đáng kể. Hạ tầng cơ sở (đường giao thông, cấp điện, cấp nước, trường trạm…) tại các vùng dự án kinh tế quốc phòng cũng vì thế phải đầu tư tốn kém hơn để đối phó với các yếu tố thời tiết cực đoan trên địa bàn…

Lực lượng vũ trang Quân khu 4 tích cực tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường.

 

          Sáu là, đối với hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn

           Lực lượng vũ trang Quân khu là lực lượng nòng cốt trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; điều kiện thời tiết, thiên tai với mức độ phức tạp, nguy hiểm, cường độ, tần suất ngày càng lớn …làm cho việc thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn phải đối mặt với nhiều mối hiểm nguy, đòi hỏi cao về kỹ năng cũng như bản lĩnh của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị trong Quân khu phải thường xuyên chủ động xây dựng kế hoạch, phương án để ứng phó với diễn biến của thiên tai trên địa bàn, nhất là các tình huống phức tạp. Hàng năm, phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án sát với diễn biến khí hậu, thời tiết và các dự án ảnh hưởng đến môi trường; tăng cường kíp trực sở chỉ huy các cấp, trực cứu hộ, cứu nạn, nắm và quản lý chặt chẽ bộ đội, tổ chức kiểm tra kho, trạm, xưởng và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối. 

          Như vậy, có thể khẳng đinh rằng: BĐKH đã và đang tác động rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của quân đội nói chung và lực lượng vũ trang Quân khu 4 nói riêng, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp phải chủ động các giải pháp nhằm thích ứng, đồng thời tích cực phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.

          3. Thực tiễn ứng phó của Quân khu 4 những năm qua và giải pháp ứng phó, thích ứng thời gian tới

Nhận thức rõ những tác động của BĐKH đến hoạt động quân sự, quốc phòng của Quân khu, những năm vừa qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương quán triệt, triển khai thực hiện tốt hệ thống văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng về công tác ứng phó với BĐKH, coi đây là nhiệm vụ chính trị, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT; Chương trình hành động số 251/CT-QUTW ngày 14/4/2014 của Quân ủy Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Điều lệ Công tác BVMT và ứng phó với BĐKH của QĐND Việt Nam; Chiến lược BVMT của Bộ Quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 2262/QĐ-BQP ngày 29/6/2013 của Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch hành động về BĐKH giai đoạn 2013-2020. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững quan điểm, nguyên tắc, phương châm trong ứng phó với BĐKH; nhận thức sâu sắc về ảnh hưởng và sự tàn phá nặng nề do BĐKH gây ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, sự cố, thích ứng với BĐKH là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của LLVT Quân khu, là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị, mọi cán bộ, chiến sĩ.

Lực lượng vũ trang Quân khu 4 giúp Nhân dân dập lửa cứu rừng.

 

Đảng ủy Quân khu đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn. Thành lập và duy trì nền nếp hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ cấp Quân khu xuống đến các trung đoàn, cơ quan quân sự huyện. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương coi trọng xây dựng lực lượng bán chuyên trách, lực lượng tại chỗ, nhất là xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng dự bị động viên, dân quân, tự vệ sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống thiên tai, thảm họa xảy ra ở địa phương, cơ sở. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng 01 tiểu đoàn Công binh kiêm nhiệm công tác tìm kiếm, cứu nạn để làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ này.

Các đơn vị, cơ quan quân sự địa phương các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, cháy nổ, cháy rừng, cứu sập, tìm kiếm, cứu nạn, kế hoạch bảo đảm và chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt theo phương châm “4 tại chỗ”, coi đây vừa là nguyên tắc, vừa là bài học kinh nghiệm quý báu trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nhất là trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, nắng nóng. Tăng cường phối hợp trong nắm, dự báo tình hình và làm tốt công tác tập huấn, huấn luyện, luyện tập, diễn tập về phòng, chống lụt, bão, cháy rừng, cứu hộ cứu nạn, nhằm nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng của các cấp, trình độ sử dụng phương tiện, trang bị và rèn luyện bản lĩnh, ý chí cho cán bộ, chiến sĩ. Hàng năm các địa phương, đơn vị đều chấp hành nghiêm túc Chỉ lệnh huấn luyện của Bộ về công tác cứu hộ, cứu nạn; tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đúng quy định, theo phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”; huấn luyện, diễn tập cứu hộ, cứu nạn kết hợp chặt chẽ với huấn luyện SSCĐ, phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện từng đơn vị.

Trong 10 năm (2013 - 2023), toàn Quân khu tham gia 64 lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ do Bộ tổ chức (quân số 652 đồng chí); Quân khu tổ chức 14 lớp huấn luyện nghiệp vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cho 1.274 cán bộ, nhân viên nòng cốt các đơn vị trực thuộc; chỉ đạo, theo dõi các đơn vị tổ chức 30 lớp huấn luyện, tập huấn tàu thuyền và cứu hộ, cứu nạn cho 1.762 cán bộ, nhân viên. Thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ; Quyết định số 4837/QĐ - BQP ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự trong Quân đội, hàng năm Quân khu chỉ đạo tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự cấp tỉnh, trực tiếp chỉ đạo diễn tập phòng thủ dân sự cấp huyện đối với 02 huyện trọng điểm. Năm 2022, chỉ đạo tỉnh Nghệ An diễn tập phòng thủ dân sự cấp tỉnh, quân số 1.890 người và 80 phương tiện tham gia; 45 huyện, thành phố diễn tập phòng chống lụt bão, Phòng cháy chữa cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn đạt được kết quả thiết thực, bảo đảm an toàn; tham mưu tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn chung giữa Quân đội 03 nước Việt Nam - Lào - Campuchia tại quận Naxithong, thủ đô Viêng Chăn, Lào đạt kết quả tốt.  Năm 2023, chỉ đạo diễn tập phòng thủ dân sự 02 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị; tham gia Hội thao cứu hộ, cứu nạn toàn quân đạt kết quả cao (giải Nhì).

Chăm sóc cảnh quan môi trường ở Lữ đoàn Pháo binh 16.

 

Với ý thức chính trị, quyết tâm cao và tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của chính quyền và nhân dân trên địa bàn trong phòng, chống, khắc phục hậu quả của BĐKH, nhất là thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn. Trong 10 năm (2013 - 2023) Quân khu huy động 277.807 lượt cán bộ, chiến sĩ (Bộ đội thường trực 76.839, DQTV 200.977); 4.186  ô tô và 871 tàu, xuồng các loại tham gia phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn, cùng hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng chục tỷ đồng để giúp nhân dân ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, sự cố, nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Đã có nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ không quản ngại hiểm nguy, dũng cảm hi sinh cứu người, cứu tài sản trong bão, lũ, tiêu biểu như anh hùng LLVT Phạm Hữu Huyên; liệt sĩ Lê Văn Phượng, liệt sĩ Nguyễn Tuấn Ngãi; 13 cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3; 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong vụ sạt lở đất tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng trị năm 2020…  Những hành động, việc làm trong thực hiện “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” đã tô thắm thêm truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của lực lượng vũ trang Quân khu; tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn ngày càng vững chắc, tạo nền tảng để Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Thời gian tới, để tiếp tục ứng phó và thích ứng có hiệu quả với BĐKH, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt giải pháp cơ bản sau đây:

          Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong công tác ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn Quân khu

          Tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động  các cấp về phòng ngừa, ứng phó và thích ứng với BĐKH. Cấp ủy, tổ chức Đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, thường xuyên phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; cần phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu, từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị vật chất, phương tiện phòng chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn phù hợp với nhiệm vụ, sát với đặc điểm địa bàn và thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung tổ chức luyện tập, diễn tập, ứng trực nghiêm túc, chặt chẽ.

          Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các địa bàn trọng điểm về thiên tai, sự cố

          Đây là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức, nhất là cho cấp ủy, chỉ huy các cấp về bản chất của BĐKH, về quan điểm thích ứng với BĐKH, luôn coi chủ động thích ứng với BĐKH là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về tác động và nguy cơ tiềm tàng của BĐKH, qua đó định hướng việc phòng ngừa, giảm thiểu và thích ứng với BĐKH trong mọi hoạt động của đơn vị, địa phương.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 giúp Nhân dân trồng rừng.

 

Theo đó, cần tập trung quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về phòng chống thiên tai, BĐKH cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT”; Nghị định số 30/2017/NSS-CP của Chính phủ về “Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn”, Nghị quyết số 689-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự và các văn bản luật của Nhà nước, nghị định, quyết định của Chính phủ, các thông tư, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương…Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quyết tâm, lòng dũng cảm trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó với BĐKH. Các cơ quan, đơn vị, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy cần xác định việc phòng chống thiên tai, sự cố, BĐKH, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chính trị, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, từ đó, tích cực đổi mới nội dung, hình thức và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp giáo dục tuyên truyền, bảo đảm sát thực tế, phù hợp đối tượng, địa bàn. Đưa nội dung tuyên truyền về ứng phó với BĐKH vào nội dung, chương trình giáo dục chính trị tư tưởng, sinh hoạt chính trị, các diễn đàn, tọa đàm, hội thi, các hoạt động văn hóa văn nghệ...Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức truyền thông, hoạt động tuyên truyền về BĐKH, nước biển dâng, BVMT; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động giảm thiểu, phòng ngừa, ứng phó, thích ứng với BĐKH.

          Ba là, thường xuyên tổ chức luyện tập các phương án phòng, chống thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm sát thực tiễn, xử lý linh hoạt, kịp thời mọi tình huống, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Tổ chức huấn luyện, tập huấn thành thục, chuyên sâu, nâng cao chất lượng huấn luyện cho các thành phần, chú trọng huấn luyện khả năng cơ động và thực hành tìm kiếm cứu nạn. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với tổ chức diễn tập các phương án, nhằm nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng, khả năng ứng phó với các hình thái thiên tai, năng lực tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng trong những điều kiện khó khăn, phức tạp. Hàng năm, phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch huấn luyện, diễn tập trong điều kiện gia tăng BĐKH. Bổ sung các tình huống tác chiến thích ứng với điều kiện thời tiết nguy hiểm phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý, dữ liệu khí tượng phục vụ cho hoạt động tác chiến nói chung và việc đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết đến các công trình quốc phòng nói riêng..; xây dựng, điều chỉnh các tiêu chuẩn ngành hậu cần, kỹ thuật nhằm đáp ứng điều kiện gia tăng ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, BĐKH. Tăng cường công tác phối hợp nghiên cứu với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội; ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến ứng phó với BĐKH và BVMT tại các khu vực có hoạt động quân sự với cường độ cao, tại các khu vực đã, đang và sẽ triển khai các hoạt động, xây dựng các công trình, các khu vực nhạy cảm để thích ứng, giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH.

          Quá trình thực hiện nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, tìm kiếm cứu nạn cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong xử lý các tình huống. Theo đó, chỉ huy tại chỗ phải tập trung, thống nhất; làm tốt vai trò trung tâm phối hợp với các ngành, tổ chức có liên quan kiểm tra việc triển khai thực hiện phương án, kế hoạch, giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc, đồng thời, chỉ đạo việc huy động nguồn lực tại chỗ để ứng phó, trực tiếp chỉ huy việc thực hiện, khắc phục hậu quả. Với lực lượng tại chỗ phải chủ động phối hợp với các lực lượng đóng trên địa bàn thực hiện việc ứng phó khẩn cấp, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; thường xuyên nắm vững tình hình, phương án xử lý tình huống. Phương tiện, vật tư tại chỗ phải được chuẩn bị tốt, huấn luyện sử dụng thành thạo, sẵn sàng huy động, ứng phó nhanh, kịp thời với các tình huống. Công tác hậu cần tại chỗ, phải được chuẩn bị từ trước cả về lương thực, thực phẩm, thuốc men và được cất giữ, bảo quản chu đáo, khi có tình huống huy động được ngay.

 Bốn là, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó BĐKH, nước biển dâng, sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

BĐKH là vấn đề có tính toàn cầu, vì thế cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng, địa phương và hợp tác quốc tế trong phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH. Các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng, địa phương nơi đóng quân tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, phòng ngừa, xử lý thiên tai, sự cố... Tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án xử lý trong phòng ngừa và ứng phó.

Lực lượng vũ trang Nghệ An kéo đường ống dẫn nước sạch về cho người dân xã Nậm Giải, huyện Quế Phong.

 

Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Thông tư số 105/2021/TT-BQP ngày 04/8/2021 của BQP quy định việc xây dựng, ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong QĐND Việt Nam; Nghị định thư Hợp tác cứu hộ, cứu nạn thiên tai giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và BQP nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Tham mưu và làm tốt công tác quản lý, nắm chắc tình hình thiên tai, sự cố; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh. Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh cần tham mưu cho chính quyền địa phương quán triệt triển khai Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BGTVT-BQP-BNG ngày 06/05/2015 giữa các Bộ Giao thông vận tải, BQP và Bộ Ngoại giao Quy định về cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.

          Năm là, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm, biểu dương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn 

          Các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có hành động dũng cảm trong phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH, tìm kiếm cứu nạn; nhân rộng các mô hình hoạt động tuyên truyền; các mô hình, sáng kiến kinh nghiệm trong giảm thiểu, phòng ngừa thiên tai, ứng phó BĐKH... Quan tâm, chăm lo nâng đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ phòng, chống thảm họa thiên tai, cứu hộ cứu nạn.

           Tóm lại, BĐKH là vấn đề hiện hữu, đã, đang và ngày càng gia tăng tác động ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội trong đó có hoạt động quân sự, quốc phòng của LLVT Quân khu. Do vậy, ứng phó, thích ứng với BĐKH là yêu cầu vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, bảo đảm cho LLVT Quân khu luôn duy trì sự ổn định các hoạt động quân sự, luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó trong tình hình mới.

                               Trung tướng TRẦN VÕ DŨNG,

                                                                          Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội