A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường đối ngoại Nhân dân trong tình hình mới.

Bài 2: Tạo lập "thế trận" đối ngoại Nhân dân rộng khắp, vững chắc, hiệu quả

Luôn xác định: Đối ngoại Nhân dân là "Chìa khóa" góp phần an dân, yên biên giới, ổn định địa bàn, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, đối ngoại Nhân dân thực chất là công tác dân vận, vận động các đối tượng quần chúng Nhân dân trong và ngoài nước đồng tình, ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc., lực lượng vũ trang Quân khu 4 và cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương trên địa bàn đã có nhiều cách làm hiệu quả nhằm xây dựng, tạo lập "thế trận" đối ngoại Nhân dân rộng khắp, vững chắc, hiệu quả. Qua đó, tuyên truyền, vận động Nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước thực hiện chủ trương hòa bình, hữu nghị và hợp tác của nước ta đối với các nước; đồng thời vận động Nhân dân các nước ủng hộ đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, Nhà nước ta; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, huy động ủng hộ quốc tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc; kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa, vô hiệu hóa các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bài 1: Đối ngoại Nhân dân nhân lên sức mạnh

 

Tạo lập "thế trận" từ sớm, từ xa

Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng gần gũi, núi liền núi, sông liên sông, từ bao đời nay Nhân dân hai nước luôn thủy chung son sắt, kề vai sát cánh bên nhau trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Tình nghĩa ấy càng được thể hiện sâu sắc và nâng tầm cao mới khi Nhân dân hai nước thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại Nhân dân, gắn kết nghĩa tình bên dãy Trường Sơn. Đặc biệt, trên địa bàn 6 tỉnh của Quân khu 4 (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế), tiếp giáp với 7 tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô ly Khăn xay, Khăm muôi, Sa Văn na khệt, Sa na văn, Sê Kông) với tổng chiều dài đường biên giới là 1.337,038 km. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của cả hai nước.

Bệnh viện Quân y 4, Cục Hậu cần Quân khu 4 khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân Lào.

 

Với tinh thần “hai dải đất, một tấm lòng”, ngày 28/4/2005, bản Ka Tăng thuộc thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và bản Densavan thuộc huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet (Lào) đã tổ chức kết nghĩa. Sau kết nghĩa, hai bản đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như cán bộ, Nhân dân hai bản thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên nhau lúc khó khăn hoạn nạn, trong các dịp lễ, tết; giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội, trao đổi hàng hóa, trao đổi thông tin liên quan đến an ninh, trật tự xã hội... Hai bản đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân về chủ quyền lãnh thổ, việc chấp hành các quy định của Hiệp định quy chế quản lý biên giới Việt Nam - Lào... Qua đó, Nhân dân hai bản đã tích cực tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản; không vượt biên, không xâm canh, xâm cư, buôn bán hàng cấm, hàng lậu qua biên giới...; luôn đoàn kết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, phá hoại tình anh em của hai dân tộc, nhằm xây đắp truyền thống hữu nghị giữa Nhân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Xôm Cắt Tí Nhạ Vong Xá, Bí thư, Trưởng cụm bản Densavan khẳng định: “Hoạt động kết nghĩa giữa bản Densavan và bản Ka Tăng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân bản Densavan luôn coi người dân bản Ka Tăng là anh em một nhà. Dù ở hai dải đất khác nhau nhưng chúng tôi cùng chung một tấm lòng, luôn đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, vượt qua đói nghèo, lạc hậu...”.

Nhiều lần chúng tôi cùng các đoàn công tác Quân khu 4 sang thăm, làm việc trên đất bạn Lào. Trong mỗi chuyến đi, tôi cảm nhận rõ những tình cảm thiêng liêng, cao quý mà người dân Lào dành cho những người bạn Việt Nam. Với những người dân Lào, việc giúp Quân khu 4 tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào trong các cuộc chiến tranh vừa là tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ, là sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ hi sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Người dân bản Bua La Pa, huyện Không Sê Đôn, tỉnh Sa La Vẳn, Lào dẫn đường, chỉ mộ cho Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ 192, Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế đi tìm hài cốt liệt sĩ.

 

Mỗi chuyến hành quân sang đất nước Lào đi tìm đồng đội, cán bộ, nhân viên các đội quy tập hài cốt liệt sĩ Quân khu 4 luôn bám dân, bám bản và được cấp ủy, chính quyền, Nhân dân các địa phương Lào giúp đỡ rất tận tình. Từ việc cung cấp thông tin, dẫn đường, chỉ mộ, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đến việc ăn uống, nghỉ ngơi, công tác bảo đảm an toàn...

Thượng tá Phạm Hữu Tiến, Chính trị viên Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Trong hành trình đi tìm đồng đội trên đất bạn Lào, chúng tôi luôn được người dân nước Bạn quan tâm, giúp đỡ và coi chúng tôi như người thân trong gia đình. Ngược lại, những nơi đến công tác, chúng tôi cũng thực hiện tốt công tác dân vận như tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho bà con; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con, nhất là ở vùng sâu, vùng xa...”.

Cán bộ, nhân viên Tổng Công ty Hợp tác Quân khu 4 hướng dẫn người dân Lào kỹ thuật chăm sóc cây dong riềng.

 

Nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Lào luôn coi các đơn vị của Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 như những “người con của bản”. Bởi, nhiều năm thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn Lào, cán bộ, nhân viên Tổng Công ty Hợp tác kinh tế đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để hướng dẫn cho bà con học tập, làm theo. Qua đó cuộc sống của bà con đã từng bước đổi thay. Những việc làm đó đã góp phần ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn nghĩa tình bên dãy Trường Sơn.

Khi nói về việc tạo lập "thế trận" đối ngoại Nhân dân từ sớm, từ xa, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Chúng ta không thể nắm tay nhau đứng thành hàng ngang để bảo vệ biên giới mà phải có thế trận lòng dân, biên giới của lòng dân, gắn kết người dân hai nước có chung biên giới, xem biên giới là ngôi nhà chung để cùng vun đắp, bảo vệ”.

Dù lực lượng chức năng có nhiều đến bao nhiêu, có sâu sát đến bao nhiêu cũng không thể kiểm soát hết mọi hoạt động trên tuyến biên giới nếu không có “tai mắt” của Nhân dân. Do vậy, thực hiện tốt công tác đối ngoại Nhân dân là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, khi Tổ quốc chưa nguy.

Lực lượng vũ trang huyện Kỳ Sơn, Nghệ An (Việt Nam) và huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) tổ chức tuần tra chung đường biên, cột mốc.

 

Để việc tạo lập "thế trận"  đối ngoại Nhân dân từ sớm, từ xa đạt hiệu quả thiết thực, thời gian qua, lực lượng vũ trang và chính quyền các địa phương trên tuyến biên giới Quân khu 4 đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu và thực hiện nghiêm Hiệp định quy chế quản lý biên giới. Nhân dân luôn tự giác tham gia bảo đảm an ninh biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm; tích cực phối hợp cùng lực lượng chức năng tham gia kiểm soát cửa khẩu, đường mòn, lối mở; kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin để lực lượng chức năng ngăn chặn các hoạt động xâm nhập, móc nối của các thế lực thù địch, phản động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Theo ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị  là huyện miền núi, biên giới, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, mật độ dân cư thưa thớt. Bà con Nhân dân hai bên biên giới giữa nước bạn Lào và địa phương có quan hệ họ hàng với nhau nên việc xâm cư trái phép thường diễn ra. Trước đây, lợi dụng các khu vực biên giới các đối tượng xấu thường vận chuyển hàng lậu, hàng cấm từ nước ngoài về diễn ra khá phức tạp. Một số phần tử xấu lợi dụng địa bàn “nhạy cảm” tổ chức truyền đạo trái pháp luật, đưa người qua biên giới, mua chuộc, kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động chống đối chính quyền... Những năm gần đây, nhờ tạo lập được thế trận đối ngoại nhân dân rộng khắp nên các hoạt động trên đã bị “tai mắt” Nhân dân hai bên biên giới phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đã ổn định, người dân yên tâm làm ăn...

Nghĩa tình quân dân Việt - Lào.

 

Không chỉ trên tuyến biên giới mà ở trong nội địa, Lực lượng vũ trang Quân khu 4 và các địa phương trên địa bàn đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm tạo lập thế trận đối ngoại Nhân dân rộng khắp. Do vậy, nhiều vụ việc phức tạp đã được người dân đã lên tiếng vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị để tranh thủ sự ủng hộ của công đồng quốc tế và không để nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ nước ta.

Những chiến sĩ tiên phong trên "mặt trận" đối ngoại Nhân dân

Với tinh thần, mỗi cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 4 là một chiến sĩ tiên phong trên "mặt trận" đối ngoại Nhân dân. Ở các khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế, xã hội của đồng bào còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí có mặt còn hạn chế, thì các đơn vị của Quân khu, nhất là các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện trên tuyến biên giới, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, xã hội; tổ chức các lớp xóa mù chữ; tuyên truyền, giáo dục cho người dân nắm chắc Luật Biên giới quốc gia, Luật Cư trú, Hiệp định quy chế quản lý biên giới... Đồng thời, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách đấu tranh, ngăn chặn hoạt động móc nối, chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh biên giới. Do vậy, nhiều địa bàn, từ chỗ là điểm “nóng” về tệ nạn xã hội, an ninh trật tự, nay đã trở thành các điểm “sáng” về kinh tế, văn hóa, xã hội và Quốc phòng - An ninh.

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 xây dựng các mô hình tăng gia, sản xuất chăn nuôi để Nhân dân học tập làm theo.

 

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế cho biết: “A Lưới là huyện nghèo, kinh tế chậm phát triển, đặc biệt là ở khu vực biên giới. Đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Vậy nhưng, từ khi có Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 (Quân khu 4) về đóng quân ở đây đã xây dựng nhiều mô hình giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tổ chức các lớp xóa mù chữ; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt đường lối đối ngoại nhân dân... Qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân, giữ ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn”.

Cùng với giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Thời gian qua, các đơn vị trên tuyến biên giới của Quân khu luôn chú trọng phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong thực hiện công tác đối ngoại nhân dân. Đại tá Chu Huy Lương, Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4) khẳng định: “Già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được xem là cầu nối, đưa đường lối, chủ trưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Do vậy, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức bồi dưỡng cho các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số làm nòng cốt trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân...”.

Các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Quân khu 4 tham quan truyền thống.

 

Cùng với các đơn vị trên tuyến biên giới, các đơn vị ở nội địa cũng có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả trong công tác đối ngoại nhân dân. Sư đoàn 324 là đơn vị chủ lực, đủ quân của Quân khu. Với phương châm mỗi cán bộ, chiến sĩ là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đối ngoại Nhân dân, các đơn vị của Sư đoàn đã có cách làm sáng tạo là xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia, Luật Cư trú, tình hữu nghị Việt - Lào; hay khi có những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị trên địa bàn gửi về cho gia đình thông qua ứng dụng như zalo, messenger. Khi những tiểu phẩm do chính con em mình thực hiện sẽ được người thân, gia đình lưu giữ, gửi cho nhau xem, từ đó có tác động đến suy nghĩ và hành động và mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 4 phát huy tốt vai trò “Đội quân công tác” trực tiếp về các địa bàn phức tạp, nhạy cảm và thông qua người thân, gia đình tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để các thế lực thù địch, phản động, những đối tượng cực đoan lợi dụng chống phá làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, làm hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo cơ cán thiệp vào nước ta.

Lực lượng vũ trang huyện Hoằng Hóa tuyên truyền về Luật biển cho ngư dân xã Hoằng Trường.
Lực lượng vũ trang huyện Hoằng Hóa tuyên truyền về Luật biển cho ngư dân xã Hoằng Trường, Thanh Hóa..

 

Xác định công tác đối ngoại Nhân dân là một trong "ba trụ cột" công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Để phát huy hiệu quả công tác đối ngoại Nhân dân trong tình hình mới, Lực lượng vũ trang Quân khu và các địa phương trên địa bàn cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách làm sát thực tế, phù hợp với tình hình, mang lại hiệu quả thiết thực.

Bài 3: Tăng cường đối ngoại Nhân dân trong tình hình mới

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội