A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Dấu ấn lãnh đạo của Đảng trên một số lĩnh vực trọng yếu

Thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Bài 3: Văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển bền vững

Một trong những thành quả đáng ghi nhận sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là lĩnh vực văn hóa có nhiều chuyển biến tiến bộ. Các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương ngày càng quan tâm, coi trọng văn hóa, từ đó có những giải pháp thiết thực, khả thi nhằm từng bước đưa văn hóa phát triển tương xứng với kinh tế, xã hội. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa đã có sự gia tăng đáng kể, góp phần làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.

Khai thác, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc

Khẳng định về những thành quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa, trong bài phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt..."; "các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực, có hiệu quả hơn đối với vấn đề phát triển văn hóa, xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội...”.

Sau Đại hội XIII của Đảng, một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội là đại dịch Covid-19, trong đó lĩnh vực văn hóa, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đặc biệt, từ khoảng giữa năm 2021 đến quý đầu năm 2022, hầu như các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch bị đứt gãy, ngưng trệ. Các nhà hát, rạp chiếu phim đều phải đóng cửa; các dịch vụ vui chơi, giải trí, tham quan, du lịch không hoạt động; các giải thi đấu thể dục, thể thao bị tạm hoãn... Vì thế, có thể nói rằng, "cơn bão" Covid-19 không những khiến không khí xã hội trầm lắng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp Nhân dân.

Vũ điệu trên mây ở Sa Pa.

 

Trong khó khăn, thử thách từ đại dịch khủng khiếp này, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam thêm một lần được tôi luyện, tỏa sáng, đặc biệt là truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, thủy chung, tương thân tương ái. Với phương châm “Không để ai bị đói, rét trong đại dịch”, “Không ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương đã hỗ trợ gần 16.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách an sinh xã hội cho hơn 19 triệu lượt đối tượng là người nghèo, đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ đại dịch. Cũng trong thời điểm khó khăn này, hàng nghìn tấm lòng nhân ái, hàng chục tổ, nhóm, mô hình thiện nguyện ra đời, như: “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, “ATM oxy”, “Cửa hàng 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”... Chính những mô hình ấy đã gắn kết tinh thần sẻ chia cộng đồng, góp phần tỏa sáng truyền thống đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, nước ta đã nhanh chóng kiểm soát được đại dịch Covid-19, sớm đưa đời sống kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường, vì Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị các cấp đã biết “phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu ra.

Văn hóa ngày càng được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

 Một trong những động thái tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong nửa nhiệm kỳ qua là đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII: “Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”; “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”. 

Với tinh thần đó, ngày 24/11/2021, lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tại hội nghị quan trọng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa: "Văn hóa còn thì dân tộc còn...", đồng thời có những chỉ đạo sát sao, gợi mở nhiều vấn đề có ý nghĩa định hướng cho sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra chỉ dẫn: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia-dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Lễ hội đường phố ở Festival Huế năm 2023.

 

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ cuối năm 2021 đến nay, chúng ta đã có nhiều việc làm thiết thực để đưa chủ trương, đường lối văn hóa của Đảng đi vào cuộc sống. Minh chứng sinh động nhất là việc tổ chức hai hội thảo quy mô toàn quốc: Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 29/11/2022 tại Hà Nội; Hội thảo “Văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức ngày 17/12/2022 tại Bắc Ninh.

Theo nhận định của các chuyên gia văn hóa, đây là hai hội thảo có quy mô lớn nhất, sức ảnh hưởng mạnh nhất, thu hút nhiều bài tham luận nhất của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa kể từ khi đất nước đổi mới (năm 1986) đến nay. Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước ta thực sự coi trọng lĩnh vực văn hóa, đưa văn hóa trở lại đúng vị trí, vai trò trong quá trình phát triển đất nước, thấm nhuần sâu sắc chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và quan điểm của Đảng “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Nhằm góp phần tạo ra sự chuyển biến nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, những ngày đầu năm 2023, các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (2-1943 / 2-2023) gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa được tổ chức rộng khắp, hiệu quả ở cả cấp Trung ương và các địa phương, từ đó tạo ra luồng sinh khí mới trong đời sống văn hóa nước nhà.

Tăng nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa

Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối văn hóa của Đảng được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 “Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”. Mục tiêu chiến lược đặt ra là: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền; hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...”.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, tăng dần mức chi ngân sách cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, một phần do nhận thức chưa đúng về vai trò của văn hóa, phần khác do thiếu quan tâm nên sự đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở nhiều ngành, địa phương còn hạn chế.

Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh.

 

Khắc phục tình trạng này, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28-7-2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó đã quyết định số vốn ngân sách Trung ương đầu tư phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng, tăng gấp 2,26 lần so kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, giai đoạn I (2021-2025), Chính phủ bố trí 2.233 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” ở các địa phương. Tiếp đó, Chính phủ có Tờ trình số 274/TTr-CP ngày 13/8/2022 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 2.728 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương để đầu tư cho các địa phương thực hiện “Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021-2025” và xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm.

Không chỉ chuyển động ở cấp Trung ương, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã có các chủ trương, giải pháp thiết thực để phát triển sự nghiệp văn hóa. Quán triệt và nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về văn hóa, nhiều địa phương đã có những việc làm thiết thực để xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa. Tỉnh ủy Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức Hội nghị văn hóa toàn tỉnh năm 2022 (ngày 19/5/2022). Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành nghị quyết nâng mức đầu tư tối thiểu lên 4% tổng chi ngân sách Nhà nước cho văn hóa, gấp đôi so với mức chung của cả nước là 2%. Ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hà Nội đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục và văn hóa giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong hai năm 2021-2022, Hà Nội đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố.

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột “tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế” nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, từ Trung ương đến các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp văn hóa nhằm khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh góp phần thúc đẩy đất nước phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chúng ta đã chú trọng hình thành hệ sinh thái văn hóa, chăm lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú; chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế về văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam ra thế giới nhằm gia tăng “sức mạnh mềm”, định vị thương hiệu quốc gia, nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

(Còn nữa)

Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội