A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Chiến thắng Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược đầu tiên của Quân đội ta kể từ ngày thành lập (22-12-1944), kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại “kế hoạch Nava” của thực dân Pháp, tạo điều kiện đi đến quyết định ký Hiệp định Genève (21-7-1954).

atg6_6a
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. 
Ảnh: Tư liệu

 

Trong chiến thắng vĩ đại đó, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, không thể không nhắc tới vị tướng huyền thoại - Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trước khi lên đường ra mặt trận, Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát để chào Bác và xin ý kiến Bác, Bác hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại?”. 

Đại tướng báo cáo với Bác: “Ở mặt trận có mặt của Tổng Tham mưu phó và Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, sẽ tổ chức một cơ quan tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn quốc, kể cả bộ đội tình nguyện ở Lào và Campuchia. Hai đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Văn Tiến Dũng ở lại căn cứ phụ trách Mặt trận đồng bằng Bắc bộ. Chỉ có trở ngại là Mặt trận Điện Biên ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó kịp xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. 

Bác thân mật nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác còn nhắc: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Một lần, trong cuộc hội ý Đảng ủy mặt trận ở chiến trường, các cán bộ chỉ huy và cố vấn Trung Quốc đều nhất trí chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh” vì địch chưa tăng thêm quân và củng cố công sự, có khả năng chiến thắng trong vài ngày đêm. Khí thế bộ đội lên cao, ai nấy đều tỏ ra phấn chấn sẵn sàng xung trận.

Tuy nhiên, xem xét tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy địch đã có thêm nhiều xe tăng, pháo lớn, máy bay và tăng thêm quân. Ở nhiều cứ điểm, địch đã xây dựng hệ thống công sự kiên cố; những hàng rào dây thép gai, bãi mìn không ngừng mở rộng mỗi ngày, có nơi tới 100 - 200m. Những cứ điểm phía Tây tuy không mạnh như một số cao điểm phía Đông, nhưng nằm trên cánh đồng trống trải, bộ đội không có địa hình ẩn náu, địch dễ sử dụng xe tăng, pháo binh, máy bay và lực lượng phản kích để đối phó. Trong khi đó, công tác chuẩn bị của ta chưa như mong muốn. Cách ngày mở màn chiến dịch không xa, đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ trình bày với Đại tướng: “Pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá, sẽ khó tránh khỏi tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được đến trận địa”.

Đêm 25-1-1954, Đại tướng gần như thức trắng, với bao suy nghĩ đắn đo suốt gần một tuần qua. Đại tướng càng thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Đầu bốc lên đau nhức, đồng chí Thùy, y sĩ ở Bộ Chỉ huy phải buộc lên trán và hai bên thái dương ông một nắm ngải cứu lớn để làm dịu bớt những cơn đau đầu, khi ông suy nghĩ. Đại tướng có cảm nhận, nếu chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” là quá mạo hiểm. Tuy cho rằng “đánh nhanh” không thể giành được thắng lợi, nhưng chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã lựa chọn, cũng không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bác và Bộ Chính trị, Đại tướng đã triệu tập họp ngay Đảng ủy mặt trận vào sáng ngày 26-1-1954. 

Trước cuộc họp, Đại tướng đã gặp Trưởng đoàn cố vấn quân sự nước bạn Vi Quốc Thanh trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình. Trưởng đoàn cố vấn cho biết, chuyên gia quân sự Trung Quốc và cán bộ quân sự Việt Nam đều nhất trí là cần đánh sớm, có nhiều khả năng giành chiến thắng. “Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng sẽ không còn điều kiện công kích quân địch” - Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh nói.

Cuộc họp Đảng ủy mặt trận ngày 26-1-1954, có đủ các ủy viên: Hoàng Văn Thái, Lê Liêm và Đặng Kim Giang... Lúc đầu, một vài đồng chí muốn giữ vững quyết tâm phương án đánh nhanh, thắng nhanh. Có đồng chí lo không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được. Có đồng chí nói, lần này ta có ưu thế về binh lực, có pháo 105 và cao xạ xuất hiện lần đầu tạo thế bất ngờ, lại có kinh nghiệm của bạn, nếu ta đánh nhanh vẫn có khả năng giành được thắng lợi. Có người nói, đã động viên sâu rộng trong bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em tin tưởng và quyết tâm rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích làm sao cho bộ đội thông suốt?

Đại tướng nhắc lại lời Bác Hồ trao nhiệm vụ cho mình trước khi lên đường: “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, để bảo đảm yêu cầu trận đánh chắc thắng trăm phần trăm, Đại tướng đã kiên trì phân tích những khó khăn của bộ đội ta chưa được bàn bạc, khắc phục kỹ trước khi nổ súng. Cuối cùng, Đảng ủy đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn nếu đánh nhanh, không thể bảo đảm chắc thắng như nghị quyết Bộ Chính trị đề ra và quyết định thay đổi cách đánh của một trận quyết chiến chiến lược từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Sau cuộc họp, Đại tướng chỉ đạo Liên khu 5 đánh lên Tây Nguyên, điều lực lượng sang Thượng Lào để thu hút, phân tán địch.

Ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ (mật danh Trần Đình) chính thức bắt đầu, Đại đoàn 312 của Tư lệnh trưởng Lê Trọng Tấn đã phá toang cánh cửa thép đầu tiên của địch trên đồi Him Lam. Vào lúc 17 giờ 30 phút, ngày 7-5-1954, toàn bộ quân đội Pháp và tướng De Castries đã ra hàng, đến 24 giờ cùng ngày, số quân địch ở phân khu Hồng Cúm, trong đó có cả Lalande, Chỉ huy phó Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng bị bắt sống. Như vậy, sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. 

Sau này, chính người Pháp đã lấy làm tiếc rằng, giá không có sự thay đổi cách đánh, thì ắt tướng Giáp đã là người thua trận ở Điện Biên Phủ. Còn 10 năm sau, nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều tướng lĩnh mới trải lòng mình. Chính ủy Đại đoàn công pháo 351 Phạm Ngọc Mậu (sau này là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) nói: “Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là: Được lời như cởi tấm lòng”. Còn Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn (sau này là Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) thì nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó, thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Riêng Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ (sau này là Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) thì cho biết: “Tôi nghĩ, nếu lần đó cứ đánh nhanh, giải quyết nhanh, thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể phải lui lại đến 10 năm”. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, đây cũng là thắng lợi chung của các dân tộc nhỏ yếu trên thế giới trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng chứng minh chân lý của thời đại: “Một dân tộc dù nhỏ bé, nếu biết quyết tâm, đoàn kết chiến đấu và có một đường lối đúng thì có thể đánh bại được bất cứ tên đế quốc sừng sỏ nào”. 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không những là một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, xứng đáng được coi như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX, mà còn là tiền đề cho những “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, đại thắng mùa Xuân năm 1975, để đất nước hòa bình, thống nhất.

Theo Biên phòng


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội