A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Kỷ niệm 550 năm thành lập huyện và đón Huân chương Lao động hạng Nhì

Tối ngày 31/8/2019, tại Quảng trường Khu lưu niệm Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện (1469 - 2019) và đón nhận Huân chương lao động Hạng Nhì. Tới dự có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh. Về phía Bộ Tư lệnh Quân khu 4 có đồng chí Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 4.

 

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Nghi Xuân và cùng Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn tặng hoa chúc mừng lãnh đạo huyện Nghi Xuân.

 

Năm 1469, khi vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ đất nước, huyện Nghi Xuân, thuộc phủ Đức Quang chính thức ra đời. Lịch sử hình thành và phát triển của huyện Nghi Xuân gắn với quá trình hình thành miền quê giàu truyền thống văn hóa, là một trong những cái nôi của người Việt cổ, là mảnh đất của thi ca và dày đặc các tầng văn hóa. Qua bao thăng trầm, địa danh Nghi Xuân vẫn trường tồn, trở thành một miền quê đi vào thơ ca và lịch sử dân tộc bởi những tên đất, tên người làm rạng rỡ non sông như Đại thi hào Nguyễn Du, Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, Giáo sư khảo cổ học Hà Văn Tấn, Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu, Nghệ sỹ nhân dân Đào Mộng Long...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tặng huyện Nghi Xuân bức tranh Bác Hồ.

 

Lịch sử 550 năm với bao thăng trầm của Nghi Xuân luôn gắn những dấu ấn đậm đặc về văn hóa làng, với những làng nghề nổi tiếng. Cũng chính những ngôi làng ấy đã gìn giữ cho quê hương những tinh hoa, di sản văn hóa từ hàng nghìn năm, như: Ca trù Cổ Đạm, Trò Kiều Tiên Điền và Xuân Liên… Từ khi hình thành chế độ khoa cử, cho đến khoa thi chữ Hán cuối cùng của nhà Nguyễn, Nghi Xuân có 21 người đỗ đại khoa, 111 người đỗ Hương khoa. Từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, danh tài Nghi Xuân phát tiết rực rỡ, với những dòng họ khoa bảng nổi tiếng như: họ Nguyễn Tiên Điền, họ Ngụy Xuân Viên, họ Hà, họ Đặng, họ Trần, họ Phan, họ Uông, họ Đậu…, có những gia đình cả cha con, anh em, chú cháu đều là tiến sĩ...

Sau phần lễ, các đại biểu và nhân dân đã được thưởng thức chương trình văn nghệ với màn sử thi đặc sắc “Nghi Xuân - từ di chỉ đến thăng hoa”.

 

Trong thời kỳ đổi mới, nhất là bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Nghi Xuân đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong công cuộc xây dựng và phát triển. Đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 5,02%, tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 năm trở lại đây đạt từ 14% đến 16%. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, khôi phục và phát huy. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu, gắn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cuối năm 2018, Nghi Xuân là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước thời hạn hai năm; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Đây là cơ sở, tiền đề để Nghi Xuân tiếp tục xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch và phát triển đô thị.

Tại lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Lao động hạng nhì tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Xuân.

Tin, ảnh: HUY CƯỜNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội