A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quân khu 4: Tập trung ứng phó với mưa lũ

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, từ ngày 31-3 đến ngày 02-4-2022, một số địa phương trên địa bàn Quân khu 4 có mưa to đến rất to và lốc xoáy. Đặc biệt, ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị mưa to xảy ra trên diện rộng. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế tổng lượng mưa đo được sáng ngày 2-4 ở các huyện A Lưới, Nam Đông và Phú Lộc phổ biến 120 - 290mm; một số nơi như Hồ Á Lá 312mm, Tà Lương 350mm, huyện A Lưới 367,8mm, Hương Phú 398mm, Hương Sơn 436mm, Hương Nguyên 453 mm, Nam Đông 464 mm... Mưa lớn đã làm nhiều địa phương bị ngập lụt, nhiều tuyến đường, đê bao bị sạt lở, hàng nghìn héc ta hoa màu của người dân mất trắng. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân các địa phương ứng cứu, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Lực lượng vũ trang huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế giúp Nhân dân xã Vinh Hiền lợp lại nhà bị tốc mái do lốc xoáy.

 

Khoảng 14 giờ chiều 31-3, tại các thôn Hiền Hòa 2, Hiền An 1 và Hiền Vân 2 thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra trận lốc xoáy làm 4 người bị thương, 27 ngôi nhà bị tốc mái, 7 chiếc thuyền, ghe của người dân neo đậu trên đầm phá bị chìm. Ngay sau khi xảy ra lốc xoáy, Ban Chỉ huy quân sự xã Vinh Hiền đã huy động lực lượng dân quân tại chỗ, dân quân cơ động tổ chức kiểm tra, nắm tình hình, hỗ trợ người dân. Đồng thời, báo cáo Ban Chỉ huy quân sự huyện tăng cường lực lượng giúp Nhân dân khắc phục hậu quả, bảo đảm cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Tam, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết: "Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, chúng tôi đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ dân quân, công an xã phối hợp cùng Ban Chỉ huy quân sự huyện, Đồn Biên phòng Vinh Hiền đến từng gia đình kiểm tra, nắm tình hình, phối hợp cấp cứu người bị thương và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả. Sự có mặt kịp thời của lực lượng vũ trang giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đến nay, các gia đình có nhà bị tốc mái cơ bản đã được khắc phục".

Cũng trong ngày 1-4, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nên một số xã trên địa bàn huyện Phú Lộc nước dâng cao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm hecta lúa. Đặc biệt, tại xã Lộc An, mưa lớn làm nước tràn đê Lệ Bàn có nguy cơ mất trắng khoảng 150 hecta lúa đang làm đòng. Nhận thông tin, chiều ngày 1-4, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc đã điều động hàng chục cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp phối hợp cùng lực lượng dân quân và người dân địa phương vận chuyển hàng nghìn bao cát để gia cố tuyến đê Lệ Bàn có chiều dài 1,5km, ngăn không cho nước tràn vào cánh đồng của xã Lộc An.

Thượng tá Phan Thanh Tài, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc thông tin: “Trời mưa to, nước ngập nên việc chuẩn bị bao cát tại chỗ để đắp đê ngăn lũ cũng rất khó khăn, chúng tôi phải huy động thêm đò máy của người dân địa phương để vận chuyển cát từ nơi khác về cánh đồng. Nếu không kịp thời huy động các lực lượng phối hợp đắp đê ngăn lũ thì cánh đồng lúa của người dân địa phương sẽ bị ngập úng, thiệt hại nặng nề…”.

Lực lượng vũ trang huyện Phú Lộc cùng Nhân dân gia cố tuyến đê bao Lệ Bàn, xã Lộc An để bảo vệ hoa màu của người dân.

 

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến sáng ngày 2-4, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lũ đã làm ngập hơn 6.480 hecta lúa, hoa màu của người dân. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu từ 0,3m đến 1m như: Quốc lộ 49B tại xã Phong Hòa, Phong Bình; Tỉnh lộ 17, đoạn qua thị trấn Phong Mỹ; Tỉnh lộ 16, đoạn qua thị trấn Phong Hòa; tuyến đường Đoàn Trực, đường Phạm Thị Liên, thành phố Huế... Một số tuyến đê bị sạt lở, đến nay cơ bản đã khắc phục xong.

Còn ở tỉnh Quảng Trị, đến sáng nay 02-4, mực nước trên các sông đang dâng cao làm ngập tràn hầu hết các tuyến đê bao vùng trũng huyện Hải Lăng; các tuyến đường liên thôn, liên xã ở các xã Hải Lâm, Hải Phong và một số khu dân cư đã chìm ngập, không đi lại được. Đến nay, trên địa bàn huyện Hải Lăng có hơn 5.216 hecta lúa đang làm đòng, 1.281 hecta hoa màu bị ngập nặng và có nguy cơ mất trắng.

Theo Thượng tá Trần Đình Hải, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, trong ngày 1-4, Ban Chỉ huy quân sự huyện Hải Lăng đã huy động 148 cán bộ, chiến sĩ cơ quan quân sự huyện và dân quân các xã cùng với Nhân dân địa phương tổ chức gia cố bờ đê bao thuộc 2 xã Hải Phong và Hải Định để bảo vệ diện tích ruộng lúa đang làm đòng và hoa màu của Nhân dân. Thế nhưng, càng về chiều mưa to, kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao nên việc gia cố tuyến đê phải dừng lại. Toàn bộ diện tích lúa, hoa màu của người dân coi như mất trắng.

Lực lượng vũ trang và Nhân dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đắp bờ ngăn nước vào cánh đồng lúa.

 

Thượng tá Trần Đình Hải, khẳng định: "Hiện nay nước đang dâng cao, có nơi từ 1,8 đến 2 mét. Chúng tôi ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Ban Chỉ huy quân sự huyện phối hợp cùng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện kiểm tra, theo dõi, nắm chắc tình hình, sẵn sàng huy động lực lượng ứng cứu, kiên quyết không để mưa lũ gây thiệt hại về người”.

Được biết, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đang có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt, nhiều khu vực bị ngập sâu trong nước. Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đang tổ chức lực lượng bộ đội, dân quân theo dõi, nắm chắc tình hình, lập các điểm chốt gác tại các điểm bị sạt lở để bảo đảm an toàn cho Nhân dân khi qua lại tuyến đường bị ngập lụt, sạt lở. Đồng thời, tổ chức lực lượng giúp Nhân dân khắc phục hậu quả, gia cố các tuyên đê bị sạt lở, nguy cơ sạt lở, sẵn sàng huy động lực lượng di chuyển người, tài sản của Nhân dân đến nơi an toàn.

Bài, ảnh: HUY CƯỜNG - CTV


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội