A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vị Chính ủy đôn hậu trong ký ức người y sĩ

Một ngày đầu tháng 5/2019, tôi nhận được cuộc gọi từ Đại tá Nguyễn Khắc Thuần, nguyên cán bộ Ban Sử CTĐ, CTCT, Cục Chính trị Quân khu 4: “Hôm nay chú dẫn cháu đi gặp một nhân chứng sống của đường Trường Sơn huyền thoại nhé!”. Mang theo tâm trạng háo hức, tôi cùng chú Thuần tìm đến căn nhà cấp 4 dung dị nằm trong ngõ nhỏ ở xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc thành phố Vinh của Thiếu tá, Y sĩ Phan Văn Cúc, người từng có nhiều năm chăm sóc sức khỏe cho Bộ Tư lệnh Đoàn 559, trong đó có Trung tướng Vũ Xuân Chiêm (1923-2012), nguyên Chính ủy Đoàn 559, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

        Phải thú nhận rằng, vốn kiến thức ít ỏi của thế hệ hậu sinh như tôi, những hiểu biết về đường Trường Sơn gần như chỉ gắn liền với vị Tư lệnh huyền thoại - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Thấy tôi e ngại khi tra cứu, lục tìm thông tin rồi hỏi về ông, chú Thuần cười hiền: “Chưa có nhiều bài viết về ông. Bác Cúc đây sẽ cho cháu câu trả lời”.

Đại tá Vũ Xuân Chiêm thời kỳ làm Chính ủy Đoàn 559
                                                              Ảnh: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

        Năm nay đã 84 tuổi nhưng người y sỹ từng có mặt trên tuyến đường huyền thoại những năm 1963-1972, giai đoạn khốc liệt nhất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu  nước hôm nay đây vẫn minh mẫn, tinh anh. Đón chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu, bác Cúc say sưa kể về cuộc đời quân ngũ và những năm tháng được phục vụ Trung tướng Vũ Xuân Chiêm. Nhập ngũ năm 1960 thì tháng 5/1963, bác Cúc về làm y tá ở Đoàn 559. Sau khi học y sĩ, ông về lại Đoàn, đến tháng 6/1968, được cử phụ trách chăm sóc sức khỏe Bộ Tư lệnh Đoàn. Bác Cúc nhớ lại: “Tôi có hơn 28 năm phục vụ trong Quân đội từ 2/1960-5/1988, trải qua nhiều chiến trường nhưng những ngày tháng được chăm sóc sức khỏe cho vị Chính ủy đôn hậu để lại trong tôi nhiều kỷ niệm và bài học sâu sắc”.

Các đoàn xe vận tải chở bộ đội vào chiến trường trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại
                                                                        Ảnh: TƯ LIỆU

        Trong tâm khảm người y sĩ từng xuyên qua đường Trường Sơn, sang chiến trường Campuchia rồi ngược ra chiến đấu ở biên giới phía Bắc luôn cảm thấy may mắn hơn các đồng đội bởi ông còn sống để trở về. Ông tâm sự: “Ngày nhận nhiệm vụ, tôi hiểu đây là trọng trách rất lớn, mừng, lo, đan xen lẫn lộn. Mừng là vinh dự được chăm sóc sức khỏe cho thủ trưởng Đoàn; lo là chẳng biết có đảm đương nổi nhiệm vụ hay không? Nhưng cách tiếp đón chân tình của anh Chiêm khiến tôi bớt đi cảm giác hồi hộp, lo âu, thêm vững tin”.

        Ông kể, Trung tướng Vũ Xuân Chiêm sinh ra ở thôn An Mỹ, xã Trực Đông (nay là xã Trung Đông), huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân nghèo, trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng nên sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Trải qua nhiều chiến trường, từng bị địch bắt giam tại nhà tù Sơn La rồi đày ra Côn Đảo, kẻ thù tra tấn ông dã man, chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn không khuất phục được khí tiết người cộng sản trong ông. Giai đoạn 1965-1970 ông là Phó chính ủy rồi Chính ủy Đoàn 559. Dù bộn bề trăm công nghìn việc nhưng ông luôn quan tâm đến đời sống, tâm tư tình cảm của cấp dưới. Đầu tháng 3/1969, ông đi cùng Chính ủy Chiêm đến kiểm tra một số binh trạm phía Nam. Từ sở chỉ huy Đoàn, chúng tôi vượt qua các trọng điểm La Hạp, Song Bạc, đèo Bản Long, cầu Tà Khống, là những trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân địch. Khi đi an toàn, tuy nhiên khi về đến Tà Khống, xe đang qua ngầm thì một quả bom từ trường phát nổ khiến chiếc xe chồm lên, bay trong không trung 3-4 mét, anh em chưa kịp hỏi thủ trưởng thì anh Chiêm đã ân cần kiểm tra từng đồng chí một trên xe, lo lắng liệu có ai bị thương không”.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (bên trái) và Chính ủy Vũ Xuân Chiêm
                                                              Ảnh: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

        Lần khác, trong chuyến công tác ra Hà Nội cuối mùa mưa năm 1969, vì nhiệm vụ chuẩn bị tổng kết công tác năm nên đồng chí Lê Mai Trung quê ở Hà Nội, là thư ký của Chính ủy Chiêm ở lại Tây Nguyên để làm báo cáo. Tư lệnh Nguyên cử đồng chí Nguyễn Xuân Bách, quê ở Thái Bình, thư ký của mình đi theo giúp Chính ủy. Khi về xe chạy suốt ngày đêm, khoảng 17 giờ ngày 19/9/1969 thì đến Quảng Bình. Vượt trọng điểm ATP, xe bị máy bay chỉ điểm bằng khói OV10 phát hiện. Nguỵ trang không kín nó mà phát hiện thấy là lập tức: "Bụp!", đạn khói phóng ra ngay. Chỉ mấy giây sau, bọn “chó ngao” (máy bay ném bom A4) lao đến đánh phá liền. Lúc này anh Bách xuống xe, lên quan sát, đồng chí Trần Văn Nho, chiến sĩ bảo vệ (nay ở phường Hưng Hòa, thành phố Vinh) chọn vị trí để anh Chiêm cùng tôi ẩn nấp, khi máy bay địch ngừng ném bom anh Nho lên nắm tình hình thì gọi lớn: “Cúc ơi! Anh Bách hi sinh rồi”. Chứng kiến Bách trút hơi thở cuối cùng trên tay mình và đồng đội khiến nỗi thương xót khôn cùng đối với người cán bộ trẻ trào dâng trong lòng Chính ủy Chiêm. Lần công tác khác, lái xe của Chính ủy Chiêm cũng hy sinh. Chỉ trong thời gian ngắn, mất liền hai cộng tác thân cận cứ ám ảnh tâm trí anh hoài.

Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) tại Hội nghị tổng kết
mừng công 16 năm của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh (1959-1975) tại Nha Trang, tháng 2-1976.
                                                 Ảnh: TƯ LIỆU

         Không chỉ trực tiếp chứng kiến những tình cảm, trăn trở của Chính ủy Chiêm đối với cán bộ, chiến sĩ cấp dưới mà Y sĩ Cúc còn được nghe kể nhiều về sự quan tâm của ông đối với bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn. Khi hay tin công tác chuyển thương gặp khó khăn, lập tức ông đến thăm Trạm giao liên chuyển thương hướng chiến trường Trị Thiên để có hướng khắc phục. Ông cho ghi lại những việc trạm đã làm được từ chăn nuôi, trồng rau, nhặt hái, xây dựng phòng không, cất nhà đón thương, chuyển thương về tuyến sau… thì thấy tổng số lao động trong 1 năm hơn chục ngàn công. Con số quá lớn với một trạm nhỏ ít người.

         Đi sâu tìm hiểu, ông mới biết anh em một người làm việc bằng hai, một công đôi việc. Ví như khi giao liên dẫn khách đi thường kết hợp gùi hàng tiếp tế cho trạm phía trước hoặc gùi bưu phẩm, lúc trở về tranh thủ kiếm rau rừng giúp nuôi quân cải thiện hoặc tre gỗ dựng lán trại. Biết chiến sĩ giao thương Hà Văn Thắng năm 1965 khiêng “hai trăm rưỡi” có lẻ cáng thương; 6 tháng đầu năm 1966 làm nhiệm vụ 181 ngày liên tục, vận chuyển được 171 cáng thương, chưa tính thời gian vào rừng hái rau tìm nấm, bẻ măng, chặt tre nứa đã đi 5430 cây số đường núi; ông liền gặp, động viên và ân cần thăm hỏi. Biết nguyện vọng của anh Thắng chờ hết mùa khô, thương binh ít thì xin về nhà mấy ngày thăm mẹ già ở một mình bị gãy chân trong trận bom đầu năm, Chính ủy Chiêm không chỉ đáp ứng nguyện vọng mà còn thưởng phép. Đối với công tác chuyển thương trong điều kiện quân số các trạm ít, thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, anh Thắng chỉ kiến nghị nếu có thể cho ô tô chở thương binh nhẹ, còn thương binh nặng vẫn để giao liên khiêng, đi xe xóc mạnh, anh em đau không chịu nổi. Sau khi lắng nghe, Chính ủy Chiêm đưa hai tay ôm lấy vai người giao liên, xúc động cảm ơn sự góp ý và biểu dương anh trước mọi người: “Đây không chỉ là một việc làm mà là tình người. Những chiến sĩ của chúng ta nghĩ và làm như thế đấy”.

Một trạm y tế, nơi các bác sĩ quân y đang điều trị cho bộ đội.
                                      Ảnh: TƯ LIỆU

         Giây phút sâu lắng đó làm chúng tôi ai cũng ngậm ngùi. Như nhớ ra điều gì và muốn thay đổi không khí, chú Khắc Thuần liền lấy điện thoại bấm cuộc gọi video rồi nói: “Hà đấy à! Cháu gặp chú Cúc nhé!”. Màn hình điện thoại hiện lên người phụ nữ đã luống tuổi rưng rưng xúc động, lễ phép: “Con chào chú! Chú khỏe không?”. Nheo mắt mãi mới nhận ra người quen, ông nhoẻn miệng cười, ôn tồn: “Hà à con! Chú khỏe. Con Phương dạo này bệnh tình răng rồi? Còn thằng Chi, thằng Chinh?”… Để hai chú cháu mừng mừng, tủi tủi hàn thuyên, chú Thuần cho tôi biết, người phụ nữ đó là Đại tá, Tiến sĩ Vũ Việt Hà, sinh năm 1955, từng công tác tại Viện Kỹ thuật quân sự, con gái thứ hai của Trung tướng Vũ Xuân Chiêm đang cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Ba người con còn lại của ông là Vũ Xuân Phương, Vũ Xuân Chi (trùng với bí danh của ông), Vũ Xuân Chinh ai cũng thành đạt và đều được người y sĩ của bố mình dạy bảo từ nhỏ, xem như con mình. Còn với họ, chú Cúc là điểm tựa tinh thần khi người bố yêu quý của mình đã khuất núi. Ai cũng mong có điều kiện để về thăm chú, nhất là sắp đến ngày kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.

Bác Phan Văn Cúc kể về những kỷ vật ở đường Trường Sơn với Đại tá Nguyễn Khắc Thuần
                                 Ảnh: MẠNH HÙNG

          Sau đêm tham gia chương trình giao lưu văn nghệ “Con đường huyền thoại” do Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tổ chức, nghĩ lại tâm nguyện đó của cô Hà, tôi liền chắp bút hoàn thiện bài viết này trong những cảm xúc đan xen lẫn lộn. Ai cũng xuýt xoa rằng, giá như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn còn đến ngày kỷ niệm thì ý nghĩa biết bao. Không ai tránh khỏi quy luật của tạo hóa nhưng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Trung tướng Vũ Xuân Chiêm hay bất kỳ người lính nào của đường Trường Sơn huyền thoại dù không còn nữa thì những tình cảm thân thương, quý mến và công lao cống hiến của họ vẫn trường tồn mãi trong tâm khảm người thân, đồng chí, đồng đội và nhân dân. Xin được trích dẫn ra đây những nhận xét về Trung tướng Vũ Xuân Chiêm của đồng đội trong cuốn sách “Con đường và cuộc đời” khắc họa lại cuộc đời quân ngũ và những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn của Trung tướng Vũ Xuân Chiêm mà chú Khắc Thuần tặng tôi ngay tại nhà bác Cúc thay cho lời kết:

         “Tôi đã từng công tác với nhiều đồng chí nhưng ở đồng chí Chiêm có những nét đặc biệt quý, hiếm có của một Chính ủy… Khi thiếu lương ăn, Chính ủy Chiêm chủ động đưa ra kiến nghị: “Ưu tiên dành các chiến trường, tiếp đến những những binh chủng trên Trường Sơn, sau rốt là cơ quan Tư lệnh bộ ngày ăn hai lạng gạo với rau rừng”… Với Vũ Xuân Chiêm, tôi quý nhất một con người trung thực, thủy chung, giản dị, tiêu biểu nhân cách vị tướng của QĐNDVN anh hùng” - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nhận xét về ông.

         Những người kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật luôn nói về một Bí thư Đảng độ lượng, bao dung, biết trân trọng tài năng, trí tuệ của cán bộ và quần chúng, nhất là đối với lớp trẻ…

         Chiến sĩ lái xe trên Trường Sơn nói về ông: “… Người thủ trưởng, người thầy đã cho tôi đến với khoa học kỹ thuật, vun đắp cho chúng tôi tổ ấm gia đình… và định hướng cho tôi rạng rỡ tới ngày nay”…

Bài, ảnh: MẠNH HÙNG


Tác giả: Mạnh Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội