A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Tất yếu khách quan và giải pháp hoàn thiện

Bài 1: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – Con đường tất yếu của Việt Nam

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc, cho rằng Việt Nam đang đi theo con đường tư bản khi thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đây là một luận điệu sai trái, cố tình đánh đồng hai khái niệm có bản chất khác nhau.

Âm mưu của các thế lực thù địch

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc, chống phá chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Thông qua nhiều hình thức khác nhau, từ các bài viết trên mạng xã hội, diễn đàn quốc tế đến các chiến dịch truyền thông có chủ đích, chúng cố gắng gieo rắc hoài nghi, phá hoại niềm tin của Nhân dân vào đường lối kinh tế của Đảng và Nhà nước ta.

Một trong những luận điệu phổ biến là xuyên tạc rằng “Việt Nam thực chất đang đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, từ bỏ chủ nghĩa xã hội”. Chúng cố tình đánh đồng kinh tế thị trường với kinh tế tư bản chủ nghĩa, cho rằng việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tham gia vào nền kinh tế toàn cầu là biểu hiện của “tư bản hóa”.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn xuyên tạc rằng “kinh tế nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo”, từ đó kích động tư nhân hóa toàn diện, làm suy yếu vai trò điều tiết của Nhà nước. Một số đối tượng còn tìm cách bôi nhọ, bóp méo những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải, coi đó là hệ quả tất yếu của mô hình kinh tế hiện tại. Chúng phóng đại vấn đề bất bình đẳng thu nhập, khó khăn của doanh nghiệp nhà nước hay nợ công, từ đó tạo ra tâm lý hoang mang, dao động trong xã hội.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty Cổ phần Nhựa - Bao bì Vinh (Ảnh minh họa).

 

Những luận điệu sai trái trên không chỉ mang tính chất kích động, chống phá mà còn cố tình sự xuyên tạc có chủ đích nhằm làm suy giảm niềm tin vào con đường phát triển của đất nước. Do đó, nhận diện và đấu tranh phản bác những quan điểm này là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Kinh tế thị trường không phải là chủ nghĩa tư bản

Kinh tế thị trường, bản chất là một mô hình tổ chức kinh tế dựa trên quy luật cung - cầu, giá cả và cạnh tranh. Trong mô hình kinh tế này, các chủ thể kinh tế có quyền tự do sản xuất, trao đổi và tiêu dùng hàng hóa theo nhu cầu và khả năng của mình. Ngay từ thời kỳ các nền văn minh như Lưỡng Hà, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã hay Trung Hoa, con người đã tham gia vào hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa dựa trên quy luật thị trường.

C.Mác đã chỉ ra rằng, kinh tế hàng hóa (tiền thân của kinh tế thị trường) xuất hiện khi có phân công lao động xã hội và chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Trong tác phẩm Tư bản luận (1867), C.Mác phân tích rằng, trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, giá trị hàng hóa được quyết định bởi lao động xã hội cần thiết và chịu tác động của quy luật giá trị. Tuy nhiên, kinh tế thị trường không chỉ tồn tại trong chủ nghĩa tư bản mà còn có thể được điều chỉnh để phục vụ lợi ích xã hội. Còn V.I.Lê-nin, trong quá trình lãnh đạo nước Nga Xô Viết đã từng áp dụng cơ chế kinh tế thị trường có điều tiết thông qua Chính sách Kinh tế Mới (NEP). V.I.Lênin khẳng định: “Chúng ta không thể ngay lập tức chuyển sang nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hoàn toàn, mà phải sử dụng một số yếu tố của kinh tế thị trường để khôi phục sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân”[1]

Như vậy, kinh tế thị trường là một hình thức tổ chức kinh tế linh hoạt, có thể được sử dụng trong nhiều hệ thống xã hội khác nhau. Trong điều kiện chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường được Nhà nước định hướng và kiểm soát để đảm bảo phát triển bền vững và công bằng xã hội.

Ngược lại, chủ nghĩa tư bản chỉ thực sự hình thành vào thế kỷ XV – XVI, khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bắt đầu thay thế phương thức sản xuất phong kiến. Chủ nghĩa tư bản thường sử dụng kinh tế thị trường làm cơ chế vận hành, nhưng không có nghĩa rằng, tất cả các nền kinh tế thị trường đều là tư bản chủ nghĩa. Thực tế, nhiều quốc gia đã áp dụng kinh tế thị trường nhưng không đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thuần túy. Trung Quốc, Việt Nam là những ví dụ điển hình khi vận dụng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy cũng phát triển kinh tế thị trường nhưng vẫn duy trì một hệ thống phúc lợi xã hội mạnh mẽ nhằm hạn chế bất bình đẳng kinh tế.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân 4 khu nắm tình hình, động viên công nhân may tại cơ sở 2, Công ty Cổ phần Nhựa - Bao bì Vinh (Ảnh minh họa).

 

Như vậy, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản mà chỉ là một phương thức tổ chức kinh tế đã tồn tại từ lâu. Chủ nghĩa tư bản là một trong những hình thái kinh tế - xã hội sử dụng kinh tế thị trường làm công cụ vận hành.

Sự lựa chọn đúng đắn

Trước năm 1986, Việt Nam vận hành nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, tuy đạt được thành tựu nhất định nhưng bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là sự kìm hãm động lực phát triển. Từ Đại hội VI (12/1986), Đảng ta đã đề ra chủ trương đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là bước đi có tính lịch sử, phù hợp với quy luật phát triển khách quan và điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Thực tiễn đã chứng minh, không có mô hình kinh tế nào là “vạn năng” hay phù hợp tuyệt đối với mọi điều kiện. Việt Nam không thể sao chép mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa, vì điều đó đi ngược lại bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng thời, cũng không thể duy trì một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cứng nhắc, bởi những hạn chế của mô hình này trong việc kích thích sáng tạo, nâng cao năng suất và hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng và khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam duy trì ở mức khá cao so với khu vực và thế giới, trung bình khoảng 6-7%/năm. Đặc biệt, ngay cả trong bối cảnh dịch COVID-19 và những bất ổn kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi nhanh chóng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Công nghiệp và dịch vụ ngày càng đóng vai trò chủ đạo, tỷ trọng nông nghiệp giảm dần nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2024, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,64%; khu vực dịch vụ chiếm 42,36%. (Cơ cấu tương ứng của năm 2023 là 37,58%; 42,30%). [2]

Lãnh đạo, chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 tặng quà cho các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn (Ảnh minh họa).

 

Môi trường đầu tư và hội nhập quốc tế được mở rộng. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP…, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút dòng vốn FDI lớn từ các tập đoàn hàng đầu thế giới. Môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số.

Kinh tế nhà nước đã phát huy tốt vai trò chủ đạo trong việc giữ vững ổn định vĩ mô, phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt. Các doanh nghiệp nhà nước lớn tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng nâng cao hiệu quả, đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Kinh tế tập thể, với nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới, đang ngày càng khẳng định vai trò trong việc nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tạo việc làm và cải thiện đời sống thành viên. Mô hình hợp tác xã hiện đại không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn mở rộng sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Đời sống Nhân dân được nâng cao, giảm nghèo bền vững. Thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo chuẩn đa chiều. Các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm, đảm bảo phúc lợi cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế. Theo Cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2024 đạt khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8% so với năm 2023. Mức sống tối thiểu của người dân Việt Nam sơ bộ năm 2024 khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng.[3]

Những thành tựu đạt được sau gần 40 năm đổi mới đã khẳng định tính tất yếu và đúng đắn của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trước những luận điệu xuyên tạc, việc kiên định mục tiêu, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, phát huy vai trò quản lý của Nhà nước và bảo đảm sự gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Bài 2 và hết: Giải pháp hoàn thiện

Bài, ảnh: CẢNH VINH


[1] Lê-nin toàn tập, tr 274, tập 43, NXB Chính trị Quốc gia, H2005.

[2] Thông cáo báo chí tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024, Trang thông tin điện tử Cục Thống kê (www.gso.gov.vn).

[3] Thông cáo báo chí tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024, Trang thông tin điện tử Cục Thống kê (www.gso.gov.vn).

 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội