Phóng viên Lê Thắng dấn thân trong tâm dịch
Những ngày qua, khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn Quân khu 4, phóng viên Lê Thắng (Báo - Truyền hình Quân khu 4) là một trong những phóng viên thường xuyên có mặt tại các điểm “nóng” để đưa tin về tình hình dịch bệnh. Tâm dịch thành phố Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) hay thị xã Hoàng Mai, thành phố Vinh, huyện Diễn Châu (Nghệ An)…, ở đâu có "giặc Covid-19", ở đó có anh tác nghiệp, cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời đến bạn đọc.
Tuyên truyền trong tâm dịch là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm, bởi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 luôn thường trực, song phóng viên Lê Thắng cùng đồng nghiệp vẫn xung phong vào tâm dịch. Được làm việc với anh, chúng tôi nhận thấy, ngoài kinh nghiệm, kỹ năng tác nghiệp tốt, nhanh nhẹn, xông xáo, Lê Thắng còn rất "gan lỳ". Gần 2 tháng nay, kể từ khi dịch bùng phát trên địa bàn, được sự phân công của Ban Biên tập, anh dầm mình trong vùng dịch để ghi lại những hình ảnh chân thực của lực lượng trên tuyến đầu.
Xuyên ngày cùng bộ đội Hóa học phun khử khuẩn; trắng đêm cùng nhân viên y tế xét nghiệm cộng đồng; phỏng vấn F1 và lực lượng làm nhiệm vụ ngay trong bệnh viện, khu cách ly, chốt chặn; theo chân các lực lượng truy vết nguồn lây... Không kể ngày lẫn đêm, nắng đổ hay mưa sa, khó khăn, hiểm nguy không làm anh chùn bước. Những tin, bài, phóng sự về “cuộc chiến” chống Covid-19 đã ra đời như thế, nó mang hơi thở của cuộc sống, được xây dựng nên từ mồ hôi, công sức, với biết bao hiểm nguy...
"Nghề phóng viên phải thích nghi với mọi điều kiện hoàn cảnh; đã nhiều lần theo sát bộ đội trong ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, cháy rừng, cứu hộ cứu nạn, đối mặt với nhiều hiểm nguy rình rập, nên tôi đã quen. Tôi luôn tâm niệm rằng, càng khó khăn, nguy hiểm thì hình ảnh, tư liệu càng có giá trị", phóng viên Lê Thắng nói với chúng tôi như vậy.
Ai đã từng theo dõi các phóng sự của Lê Thắng liên tục phát trên kênh VTV1, Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Nghệ An hay trang Truyền hình Quân khu 4 mới thấy hết giá trị; hình ảnh sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của quân và dân Nghệ An, Hà Tĩnh trong cuộc chiến chống Covid-19 được khắc họa rõ nét. Ngồi trước màn hình, người xem vẫn có thể cảm nhận được hết sự tận tâm, tận tụy vất vả, hy sinh mà lực lượng y, bác sỹ, nhân viên y tế trong các khu cách ly, bệnh viện điều trị phải đối mặt; đó là những chiến sĩ quân đội, công an, dân quân đội mưa, vượt nắng, thắng nóng, ngày đêm canh trực tại khu cách ly, chốt chặn phong tỏa; những tình nguyện viên nấu ăn phục vụ khu cách ly; các tổ chức, ban ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm và bà con Nhân dân đều chung tay đầy trách nhiệm với cuộc chiến chống Covid-19 đầy cam go, thử thách… Nhưng ít ai biết được, để có được những hình ảnh đó, là cả một quá trình lao động, cống hiến hết mình.
Nhớ lại có lần tôi được cùng phóng viên Lê Thắng theo bộ đội Hóa học Quân khu 4 phun khử khuẩn tại thị xã Hoàng Mai vào ngày 07/5/2021; nếu có một thước phim ghi lại hình ảnh anh tác nghiệp, nó sẽ giống như một bộ phim hành động, "chiến binh" Lê Thắng trong bộ đồ bảo hộ màu xanh da trời, miệng bịt khẩu trang, mắt đeo kính chống giọt bắn, vai vác máy quay, cổ quàng máy ảnh; với trang bị "vũ khí" tận răng anh "tả xung hữu đột" khắp tâm dịch; camera, máy ảnh luôn dõi theo hành động của bộ đội Hóa học; leo lên, nhảy xuống, chạy tắt, đón đầu... giữa trời nắng nóng hơn 40OC để kịp ghi lại những hình ảnh chân thực nhất. Vất vả là thế, nhưng khi đề cập đến khó khăn lúc tác nghiệp, bằng nụ cười hiền khô, anh nói: "Thời tiết nắng nóng, khoác thêm bộ đồ bảo hộ vào khoảng 30 phút là mồ hôi túa ra như tắm; có vậy mới hiểu và cảm thông với đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, họ phải mặc bộ đồ đó suốt ngày này qua ngày khác, sẽ khó chịu và khổ nhường nào".
Qua câu chuyện với Lê Thắng, anh cho biết, mục tiêu của tất cả phóng viên là làm sao tiếp cận và ghi lại thật nhiều hình ảnh giá trị tại hiện trường về cuộc chiến chống Covid-19. Muốn vậy phải lao vào vùng dịch, lúc này phóng viên bước vào một cuộc chiến thực sự, vì giặc Covid-19 ở xung quanh, nếu bất cẩn có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Để bảo đảm an toàn, trước khi tác nghiệp, anh luôn ý thức tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch, mang đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn đầy đủ; thường xuyên rửa tay, phun khử khuẩn trang phục. Mỗi khi tác nghiệp xong, anh còn dùng cồn vệ sinh sát khuẩn cho máy quay, máy ảnh; xịt cloramin lên khắp trang phục bảo hộ, thay khẩu trang, súc họng, sát khuẩn tay sau đó mới dám về phòng, rồi bước một mạch vào nhà tắm, thay hết quần áo, tắm rửa, giặt giũ sạch sẽ để tránh lây lan cho mọi người.
Chia sẻ về kỷ niệm khó quên trong đợt tác nghiệp vừa qua, phóng viên Lê Thắng nhớ lại: "Đó là lần tôi được Tòa soạn giao phối hợp với kênh VTV1, Đài truyền hình Việt Nam làm phóng sự về phòng, chống Covid-19 của lực lượng vũ trang Quân khu 4, tôi liên hệ và đến một khu cách ly ở Nghệ An phỏng vấn một số dân quân phục vụ tại đây; ngày hôm sau đọc báo thấy thông báo có mấy trường hợp F1 ở khu cách ly này chuyển thành F0. Mặc dù được trang bị bảo hộ kỹ càng, nhưng có lẽ do thời tiết nắng nóng, làm việc căng thẳng, ngày hôm sau tôi có triệu chứng mệt mỏi, ngứa rát họng. Tôi đã rất lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên. Cho đến khi được test nhanh và sau đó được xét nghiệm khẳng định âm tính, mới thở phào nhẹ nhõm và yên tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ".
Có lẽ đối hầu hết người dân, dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày, công việc vì thế cũng nhàn rỗi hơn, nhưng đối với nhiều phóng viên, nhà báo thì khối lượng công việc cao hơn gấp nhiều lần so với bình thường. Bởi vì, để thông tin kịp thời đến với bạn đọc, các phóng viên phải làm việc với cường độ cao hơn, yêu cầu chặt chẽ hơn. Cũng như các phóng viên khác, tác nghiệp trong điều kiện thường xuyên cơ động trong vùng dịch, để tin, bài kịp thời chuyển về Tòa soạn xử lý, phóng viên Lê Thắng phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để viết tin, bài và dựng phóng sự sau khi tác nghiệp. Lúc mọi người nghỉ ngơi thì anh làm việc; tận dụng cả thời gian cơ động trên xe, hay tựa lưng vào gốc cây với chiếc máy tính kê lên đùi, anh miệt mài với những thông tin, hình ảnh vừa thu thập được. Bao tình huống diễn ra trong quá trình tác nghiệp, như: laptop hết pin, mất sóng điện thoại, không có internet… đòi hỏi người phóng viên phải linh động xử lý, để tin, bài được xuất bản sớm nhất.
Những ngày tác nghiệp tại các điểm nóng, đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng bằng lòng say nghề, mong muốn chuyển nhiều tin tức nóng hổi tới bộ đội và Nhân dân đã thôi thúc những người làm báo như phóng viên Lê Thắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vừa qua, anh đã vinh dự được Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An và Tổng biên tập Báo Quân khu 4 khen thưởng ngay tại hiện trường vì có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền Covid-19; cùng với các cuộc điện thoại, tin nhắn hỏi thăm, động viên của người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đồng đội… chính là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần to lớn giúp anh tiếp tục vững vàng, dấn thân nơi tâm dịch.
Đúng như Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã từng nhấn mạnh: “Điều đó cho thấy sự tâm huyết với nghề, trách nhiệm với xã hội của các nhà báo, cho thấy tinh thần dấn thân, tinh thần hy sinh, tinh thần quả cảm của các nhà báo khi tác nghiệp; bởi tác nghiệp ở những địa bàn như vậy, là nhà báo phải đối diện với khó khăn, thách thức, hiểm nguy và đôi khi là nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng điều này cũng có nghĩa, các nhà báo đã góp phần làm sáng ngời tinh thần chiến đấu của báo chí, tinh thần làm nghề hết sức đúng đắn, dũng cảm để khẳng định giá trị tích cực của báo chí cách mạng Việt Nam - một nền báo chí lấy Nhân dân, đất nước để phục vụ…”.
HOÀNG THÁI
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận