A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mái chèo mẹ Tân

Một ngày đầu tháng Năm, Bảo tàng Quân khu 4 vinh dự đón mẹ Đậu Thị Tân (tên thường gọi là Đậu Thị Em) đến thăm lại chiếc mái chèo có số đăng ký 674/G.41 - kỷ vật từng gắn bó cùng mẹ trong thời gian vượt qua mưa bom bão đạn, chèo đò đưa bộ đội qua sông trên dòng sông Lam trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tại buổi gặp mặt, mẹ Tân đã chia sẻ nhiều ký ức với kỷ vật của cuộc đời mình.

Mẹ Đậu Thị Tân, sinh ra tại xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Lớn lên bên dòng sông Lam hiền hòa, chèo đò dọc để kiếm miếng cơm manh áo, mưu sinh cuộc sống qua ngày. Rồi mẹ theo chồng, sinh được chín người con nhưng chỉ nuôi được bảy cùng ba con riêng của chồng. Dù cuộc đời khổ cực nhưng mẹ luôn dạy các con tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh trở thành hậu phương lớn cho các chiến trường. Bến đò Đô Lương trở thành con đường huyết mạch. Chồng của mẹ tham gia dân công hoả tuyến, mẹ ở nhà vừa lo việc gia đình, vừa xung phong chèo đò vận chuyển thương, bệnh binh từ Đô Lương về trạm quân y điều trị, vận chuyển lương thực cho chiến trường ở Thượng Lào.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mẹ động viên năm người con tham gia nhập ngũ vào bộ đội để đánh đuổi giặc ngoại xâm, còn mẹ vẫn tận tụy đưa bộ đội qua sông. Những người con của mẹ đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có một người hy sinh, hai người là thương binh và bây giờ đều trưởng thành, giữ nhiều cương vị quan trọng trong quân đội.

Khi xem lại kỷ vật mái chèo và hình ảnh mẹ đang chèo đò năm xưa ánh mắt mẹ không dấu nỗi xúc động. Chúng tôi hỏi: “Mẹ nhận ra ai trong bức ảnh này không?” Mẹ nheo mắt cười hiền hậu. Chị hướng dẫn viên gỡ bức ảnh xuống để mẹ xem rõ hơn rồi đọc lời chú thích ảnh: “Mẹ Đậu Thị Tân chèo đò đưa bộ đội qua sông”. Mẹ đã nhận ra và xúc động vô cùng bởi làm sao có thể quên được những ngày gian khổ mà rất tự hào.

Kỷ vật mái chèo của mẹ Tân tại Bảo tàng Quân khu 4

 

Mẹ kể lại: “Giai đoạn ni là năm 1965 - 1968, khi đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc, vùng đập Bara Đô Lương, quê hương mẹ bị địch thường xuyên đánh phá, mẹ làm nghề chèo đò chở khách sinh sống và chở bộ đội qua sông. Nhà cửa, ruộng vườn của mẹ trở thành kho quân lương, thành nhà bếp nấu ăn cho bộ đội. Thậm chí, bộ ván hòm của mẹ để dành lúc cuối đời cũng đưa ra cho bộ đội lát đường kéo pháo. Có lần mẹ chở 10 chiến sĩ của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Pháo cao xạ 222 sang khảo sát lập trận địa mới ở bên kia sông chẳng may bị máy bay địch phát hiện, chúng bắn đạn 20 ly và rốc-két trắng xoá cả khúc sông. Trước tình thế hiểm nguy mẹ đã nhanh chóng chèo lái con đò men theo lạch nước vào đoạn sông cạn và ra hiệu cho các chiến sĩ nhảy xuống sông ẩn mình dưới thân đò tránh đạn địch. Hôm đó cả 10 chiến sĩ đều an toàn, còn mẹ bị mảnh đạn làm dập 2 ngón tay.” Tháng 5/1967, mẹ lại nhận nhiệm vụ vận chuyển một số đạn pháo phục vụ trận địa cao xạ đang chiến đấu, trong thời điểm này khu vực sông Lam đoạn qua huyện Đô Lương đang là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Chúng tổ chức nhiều tốp máy bay trinh sát bất ngờ xuất hiện và bắn phá bất cứ mục tiêu nào phát hiện trên sông. Quyết không để bộ đội thiếu đạn đánh giặc, mẹ đã chọn thời điểm giữa trưa lúc máy bay địch bất ngờ nhất rồi xếp đạn trong lòng con đò, che củi lên nguỵ trang và nhanh chóng chèo qua sông. Chuyến đi ấy mẹ qua sông an toàn.

Với mái chèo này, không biết bao nhiêu lần, dưới làn bom đạn địch mẹ vẫn kiên cường, bình tĩnh lái đò đảm bảo người và lương thực, thực phẩm qua sông an toàn. Những đoàn quân trên đường vào Nam chiến đấu quen dần với hình ảnh bà mẹ lái đò thông thuộc từng khúc sông, vũng nước xoáy của dòng sông Lam để ngày đêm đưa bộ đội qua sông an toàn. Họ trìu mến gọi bà là “Mẹ Tân lái đò”. Mẹ còn đến các trận địa pháo ở Cồn Bù, Bãi Dầu, Vòm Cóc... để thăm hỏi, động viên bộ đội, thương binh. Xúc động trước tấm lòng và sự quả cảm của người mẹ chèo đò, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Pháo cao xạ 222 đã nhận mẹ Tân làm mẹ nuôi của đơn vị. Năm 1968, mẹ Đậu Thị Tân được đi báo cáo thành tích tại các Đại hội mừng công chống Mỹ, cứu nước do Quân khu 4 và tỉnh Nghệ An tổ chức.

Tháng 10 năm 1968, mẹ đã tặng lại Bảo tàng Quân khu 4 chiếc mái chèo, kỷ vật thiêng liêng từng gắn bó với mẹ trong những ngày tháng kháng chiến ác liệt. 50 năm sau, chiếc mái chèo của mẹ vẫn được lưu giữ cẩn thận và trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4. Cùng với nhiều kỷ vật khác, mái chèo của mẹ là thông điệp gửi lại cho thế hệ sau hiểu rõ hơn về những chiến công thầm lặng của bao lớp người đi trước đã góp sức mình giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

Bài, ảnh: LÊ DUNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội