A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Nghệ thuật bao vây, vu hồi, xuyên thủng “lá chắn thép” Phan Rang

Sau khi để mất Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Nha Trang, quân ngụy chủ trương xây dựng Phan Rang thành “lá chắn thép”, cầm chân chủ lực của ta đến mùa mưa, để có cơ hội nghiền nát Quân giải phóng. Thế nhưng ý định của chúng đã không thành hiện thực và bị thất thủ hoàn toàn bởi thế mạnh quân sự vượt trội của ta.

Vào thời điểm cuối tháng 3-1975, ta đã tiêu diệt và làm tan rã 35% sinh lực địch, hơn 40% binh khí kỹ thuật hiện đại của chúng bị mất, 12 tỉnh, thành phố đã được giải phóng. Phần kiểm soát còn lại của địch chủ yếu ở miền Đông và miền Tây Nam bộ nhưng cũng bị ta đánh chiếm và giải phóng nhiều nơi. Trên thực tế, địch đang bị dồn vào chân tường.

Trước tình hình đó, địch chọn Phan Rang, cách Sài Gòn 342km là tuyến phòng thủ từ xa. Vì thế, khi một loạt tỉnh miền Trung bị mất, ngày 2/4/1975, Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng ngụy quân, gào thét, "quyết tâm giữ phần đất còn lại, cố thủ từ Phan Rang trở vào" và lập ra Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 3 đóng sở chỉ huy tại Phan Rang do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy.

Ngụy tăng cường cho mặt trận Phan Rang 1 lữ đoàn dù, 1 liên đoàn biệt động quân, một số đơn vị thiết giáp và pháo binh. Ngoài khơi có đội chiến hạm sẵn sàng yểm trợ hỏa lực pháo hạm theo yêu cầu, không quân cũng được ưu tiên cho việc yểm trợ giữ Phan Rang.

Trong cuộc họp của Bộ Tổng tham mưu ngụy, địch được phổ biến: "Theo lệnh của ông Thiệu, bằng bất cứ giá nào cũng phải cố thủ từ Ninh Thuận trở vào, nếu cần sẽ đem hết lực lượng đánh xả láng tại đó". Những nỗ lực thành lập phòng tuyến Phan Rang có gây khó khăn, nhưng hoàn toàn không thể cản được đà tiến công thần tốc của quân ta về hướng Sài Gòn.

Lực lượng tăng-thiết giáp của cánh quân phía Đông Bắc quân Giải phóng vượt xa lộ Biên Hòa, phát triển đánh thẳng về Sài Gòn sau khi tấn công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Biên Hòa.

 

Ngày 14/4/1975, Sư đoàn 3, Quân khu 5 được tăng cường Trung đoàn 25 Tây Nguyên đã nổ súng tiến công đột phá tuyến phòng thủ tại hẻm Du Long do Trung đoàn 5 (Sư đoàn 2) và liên đoàn 31 biệt động quân ngụy trấn giữ. Để hạn chế thương vong, Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 chỉ dùng Trung đoàn 2 đánh vỗ mặt, đồng thời điều Trung đoàn 52 luồn sâu vào phía Nam, bất ngờ đánh chiếm ấp Bà Râu; đến buổi chiều cùng ngày thì khép được vòng vây ở phía bắc Phan Rang tại Bà Râu, Du Long, Kiền Kiền, Ba Tháp, Suối Đá.

Trên hướng Tây Bắc, Trung đoàn 25 đánh bật các đợt phản kích của trung đoàn 4, sư đoàn 2 ngụy tại đèo Ngoạn Mục, đẩy đơn vị này phải lùi khỏi tuyến phòng ngự ngoại vi Phan Rang và rút về thị xã.

Trước sức mạnh của quân ta, địch cho 8 máy bay A-37 ném bom phá sập cầu Kiền Kiền và dùng trực thăng đổ thêm quân xuống tuyến phòng thủ Kiền Kiền - Ba Tháp, tạm thời chặn được mũi tấn công của Sư đoàn 3 Sao Vàng ở hướng này.

Ngày 15/4/1975, trong lúc các lực lượng của Sư đoàn 325 đang vây địch thì ta sử dụng Trung đoàn 2 và Trung đoàn 52 đột phá vỡ tuyến phòng ngự phía bắc Phan Rang tại Kiền Kiền và Ba Tháp; đồng thời điều lực lượng dự bị vượt Đường 1 thực hiện mũi vu hồi thọc sâu thứ hai, tấn công áp sát sân bay Thành Sơn.

Bộ đội đánh chiếm Tòa hành chính - cơ quan đầu não Ngụy quyền Ninh Thuận lúc 9h30, ngày 16/4/1975.

 

Ngày 16/4/1975, dưới sự chi viện mạnh mẽ của hỏa lực pháo binh, một bộ phận của Sư đoàn 325 thuộc Quân đoàn 2 được tăng cường xe tăng, thiết giáp cùng Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 từ 3 hướng tiến công vào trung tâm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn. Trước sự tiến công mãnh liệt của quân ta, quân địch hoảng loạn bỏ chạy. Ta tiêu diệt sư đoàn 6 không quân... bắt tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và nhiều sĩ quan cao cấp của địch, ta thu gần 40 máy bay còn nguyên vẹn.

Sau khi đập tan phòng tuyến Phan Rang, Quân đoàn 2 theo hướng Đường số 1 vừa hành tiến vừa chiến đấu quét địch trên đường, đánh cả tàu chiến dưới biển và máy bay trên trời, rồi thừa thắng, phối hợp với bộ đội Khu 6 tiến đánh Phan Thiết và giải phóng luôn Hàm Tân.

Chiến thắng Phan Rang được thực hiện bằng cách đánh hiệp đồng binh chủng nhuần nhuyễn và đặc biệt là cách đánh bao vây diện rộng; vu hồi, đột kích, tấn công liên tục, thọc sâu tiêu diệt địch được quân ta thực hiện nhuần nhuyễn, khiến địch không kịp phán đoán và chủ động đối phó.

Thế nên, dù có chuẩn bị nhiều lực lượng, bố trí trận địa phòng ngự có chiều sâu, với nhiều lớp và lại được hỏa lực trên không, ngoài biển tăng cường nhưng trước cách đánh tạo thế ngay trong tác chiến và sử dụng lực lượng dự bị đột kích đúng thời điểm, chọn đúng vị trí không ngờ để tấn công và tấn công mãnh liệt đã giúp ta tiêu diệt “lá chắn thép” trong thời gian rất ngắn.

Phòng tuyến Phan Rang thất thủ khiến địch lo sợ và cuống cuồng lập phòng tuyến Xuân Lộc, hy vọng bảo vệ được Sài Gòn. Tuy nhiên, những hy vọng của chúng chỉ là ảo tưởng.

Chiến thắng Phan Rang có sự đóng góp quan trọng của Sư đoàn 3 và các lực lượng của Quân đoàn 2, là dịp để kiểm chứng cách đánh hiệp đồng thần tốc, bất ngờ, phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cuối tháng 4-1975 sau đó.

Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội