A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
“Pháo đài” trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thời bình

Bài 2: “Bức tường lửa” trong lòng Nhân dân

LTS: Những vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu như: Đại dịch Covid - 19; thiên tai, bão lụt, cháy rừng… đã và đang hiện hữu trong đời sống chúng ta, gây ra những hậu quả khôn lường đối với tính mạng và tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Nhận thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ và truyền thống kiên cường, đoàn kết, tương thân, tương ái, Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 luôn xác định giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa môi trường là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt này, cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 nói riêng không chỉ đánh giặc “dịch bệnh”, “giặc thủy”, “giặc hỏa” mà còn chiến đấu quyết liệt với các “loại giặc” trên không gian mạng. Bằng tinh thần “phía trước là Nhân dân”, cứu Nhân dân là mệnh lệnh không lời, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 đã dũng cảm xung kích, xông pha càng trong gian khó, hiểm nguy càng tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”... góp phần xây nên “Pháo đài” trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thời bình.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh... cùng với sự chống phá trực diện, quyết liệt của các thế lực thù địch, thời gian qua, địa bàn Quân khu 4 thực sự trở thành “mặt trận” khốc liệt của “cuộc chiến đấu trong thời bình”. Trong cuộc chiến đấu đó, cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu không quản ngại vất vả, khó khăn, luôn xung phong vào nơi gian khó, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tài sản, tính mạng Nhân dân. Những hình ảnh, việc làm đó của LLVT Quân khu đã làm lay động lòng người, mãi khắc sâu, in đậm, tạo thành “bức tường lửa” trong lòng Nhân dân; góp phần đập tan mọi âm mưu, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị “đắp chăn hô xung phong”.

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của Nhân dân khi gặp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh… hàng năm, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu ra nghị quyết chuyên đề; ban hành nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Các cơ quan, đơn vị chủ động nắm, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch, dự kiến các phương án; tổ chức huấn luyện, diễn tập; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sát với tình hình từng địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”... Đồng thời, thường xuyên giáo dục, quán triệt cho bộ đội luôn thường trực tinh thần “Phía trước là Nhân dân”, sẵn sàng lên đường giúp Nhân dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất…

Mỗi khi Nhân dân gặp hiểm nguy, từ Thủ trưởng Bộ Tư lệnh  Quân khu đến cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực tiếp xuống địa bàn, bám nắm, chỉ đạo… Các đồng chí thực sự là “linh hồn” để bộ đội thêm vững tâm “đánh trận” giữa thời bình.

Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị di dời Nhân dân ra khỏi vùng bị lũ cô lập, 
tháng 10 năm 2020. (Ảnh: Xuân Diện)

 

Đợt mưa lũ lịch sử diễn ra vào tháng 10, tháng 11 năm 2020, trong khi cấp ủy, chính quyền, LLVT Quân khu đang căng mình phòng, chống, khắc phục hậu quả thì những kẻ thù địch, tự cho mình là nhà dân chủ, nhân quyền dù không một phút có mặt tại hiện trường vẫn trơ tráo cắt ghép hình ảnh, trắng trợn xuyên tạc, phủ nhận những vất vả, hy sinh của bộ đội, của cán bộ chính quyền các cấp… như chúng tôi đã đề cập ở Bài 1: Thủ đoạn của những kẻ “đắp chăn hô xung phong”.

Những ngày “bão chồng bão, lũ chồng lũ” tàn phá các tỉnh Bắc miền Trung, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 chạy đua với thời gian, tỏa đi khắp các mũi hướng, vào tâm lũ, rốn bão, những nơi ngập sâu nhất, dũng cảm, can trường, bất chấp nguy hiểm để ứng cứu Nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, dù nhà cửa, tài sản của gia đình ngập chìm trong mưa lũ, thiệt hại nặng nề, vẫn xung phong lên đường với tinh thần “Giúp Nhân dân cũng chính như công việc của nhà mình”. Gia đình Trung tá Hoàng Hải Bằng, Trợ lý Tuyên huấn Ban CHQS thị xã Quảng Trị, ở phường 2, thị xã Quảng Trị là một trong hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu như thế. Lũ vào nhà ngập hết hàng hóa trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng anh vẫn gác việc nhà lên đường ứng cứu Nhân dân, ở nhà chỉ có vợ, con cùng với bà con lối xóm chạy lũ. Quá trình ứng cứu Nhân dân, anh Bằng bị thương nặng... Và còn đó, hàng trăm gia đình cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ dù nhà ngập sâu trong nước vẫn ngày đêm cùng các lực lượng ứng cứu Nhân dân những vùng ngập sâu, nguy hiểm. Hay trong phòng, chống dịch Covid - 19, nhiều cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng gác việc trăm năm; người thân bị mất hoặc ốm đau vẫn nén nỗi đau để xung phong lên tuyến đầu, bảo vệ sức khỏe Nhân dân…

Giữa trắng trời mưa lũ xứ Huế, dù vất vả nhiều ngày đêm chỉ đạo các lực lượng ứng cứu Nhân dân nhưng khi nghe tin có nhiều công nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3 mất tích do mưa lũ, đoàn công tác do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu đã băng rừng, hành quân trong đêm tối, dưới trời mưa như trút nước. Hình ảnh những công nhân đang chới với trong mưa lũ, khiến các anh lo lắng mà dồn bước chân dù nguy hiểm rình rập. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man động viên anh em: “Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì Nhân dân cần chúng ta từng phút, từng giờ, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả hy sinh…”. Câu nói ấy xuất phát từ ý chí, tinh thần tận tụy vì nước, vì dân, không nề hà hiểm nguy, gian khổ của những người lính thời bình. Những hình ảnh cuối cùng về 13 đồng chí trong đoàn công tác hy sinh do phóng viên Báo Quân khu 4 ghi lại đã neo vào lòng mọi người sự cảm phục, xúc động khôn nguôi.

Vậy nhưng, những kẻ xấu như vẫn cố tình lờ đi, xuyên tạc một cách trắng trợn những việc làm, hành động quên mình vì Nhân dân của LLVT Quân khu 4 và cán bộ chính quyền địa phương. Ngay cả khi, 13 cán bộ anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, cả nước bàng hoàng, xót thương, thì những đối tượng “đắp chăn hô xung phong” vẫn không mảy may tiếc thương mà tiếp tục bóp méo sự thật, hướng lái dư luận bằng những luận điệu khó chấp nhận. Tuy nhiên, những luận điệu đó nhanh chóng bị nhận diện và dập tắt bởi thời gian đã chứng minh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, tuyệt đối không hề có “cổ phần” “mối quan hệ” với nhà đầu tư Thủy điện Rào Trăng 3 như kẻ xấu xuyên tạc, đặt điều, mà chỉ có hình ảnh vị tướng hiền lành, luôn lo lắng cho Nhân dân, cùng các đồng đội ngã xuống giữa thời bình là lung linh tỏa sáng, khắc ghi vào lòng quân và dân sự cảm phục khôn nguôi.

Noi gương sự hy sinh quả cảm của đồng đội, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và các cơ quan, đơn vị đã phát động Phong trào thi đua “Học tập gương dũng cảm hy sinh của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn”. Nén đau thương, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tiếp tục lên đường hành quân vào những tâm lũ dữ, khẩn trương từng phút, từng giờ, quên cả đói rét, mệt mỏi, vừa giúp Nhân dân, vừa tìm kiếm đồng đội. Thương và cảm phục ý chí “Bộ đội Cụ Hồ”, người dân xứ Huế dù ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, cũng đã chung tay, góp sức bằng những việc làm thắm tình quân dân, thắm nghĩa đồng bào. Trong những ngày tìm kiếm đồng đội, công nhân mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3, Nhân dân xã Phong Xuân, huyện Phong Điền dù lũ lụt cướp đi  phần lớn tài sản vẫn nhặt nhạnh, giành dụm chung sức nấu ăn, tiếp tế cho bộ đội. Những công nhân thoát nạn trong mưa lũ vẫn xung phong ở lại cùng bộ đội tìm kiếm đồng nghiệp mất tích...

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, trong ngày truy điệu 13 liệt sỹ hy sinh thì 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 anh dũng hy sinh khi giúp Nhân dân phòng, chống mưa lũ trở về đơn vị. Đau thương thấu tận trời xanh nhưng quyết biến đau thương thành hành động, nhiều “mũi quân” lập tức lên đường tìm kiếm đồng đội mất tích ở Hướng Hóa; bộ phận ở lại tranh thủ từng phút mở đường vào Rào Trăng 3 tìm kiếm công nhân mất tích; hàng chục nghìn bộ đội thường trực, dân quân bất chấp hiểm nguy, xả thân cứu dân ở những vùng ngập sâu trong nước lũ.

Ông Huỳnh Ngọc Hai, 93 tuổi, ở thôn Nhĩ Trung, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị kể: “Tháng 10 năm 2020, chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp 4 cơn lũ kéo về làm cả thôn chìm sâu trong nước lũ. Đêm hôm đó, nếu bộ đội không đến cứu kịp thì tôi và nhiều người dân chắc hẳn sẽ không còn sống sót…”.

Hơn 7 tháng sau khi lũ dữ vào tháng 10 năm 2020 đi qua, gặp lại chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tâm, ở thôn Trung Thiện, xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình không cầm được nước mắt, nói trong xúc động: “Lúc tôi chuyển dạ, nước lũ kéo về dâng nhanh, cả gia đình chỉ kịp lên nóc nhà để tránh lũ. Lúc đó, tôi chỉ mong sao có “phép màu” đổi mạng của tôi để con được sinh ra an toàn. Và hơn cả “phép màu”, các chú bộ đội chèo xuống đến đưa tôi vượt biển nước đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy. Nhờ có bộ đội mà “mẹ tròn, con vuông”, mẹ con tôi như được sinh ra lần 2. Trong thiên tai, hoạn nạn, “Bộ đội Cụ Hồ” luôn sát cánh cùng Nhân dân”.

Sự cảm kích của ông Hai, chị Tâm trước những hành động quên mình vì Nhân dân trong mưa lũ cũng là sự cảm kích của những công dân trong khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn dành cho cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4. Nhớ lại những ngày cách ly, bà Trần Thị Hạnh ở Thừa Thiên Huế nói: “Các chú bộ đội  thức khuya, dậy sớm, chăm lo cho người dân trong khu cách ly từng bữa ăn, giấc ngủ và luôn niềm nở, ân cần chăm sóc Nhân dân, chúng tôi rất thương và cảm phục”. Ông Hoàng Nghĩa Cường, ở Đồng Hới nói: “…Trời nắng nóng như thiêu, như đốt mà cả ngày phải khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ, chắc các chú bộ đội ngột ngạt, khó chịu lắm. Nhìn các chú hằng ngày đưa cơm, dọn rác, đêm lại luân phiên nhau tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn cho bà con, chúng tôi rất xúc động”.

Tất cả vì sức khỏe của Nhân dân, nơi nào có nguy cơ dịch xâm nhập, nơi đó có cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 xung phong lên tuyến đầu cùng các lực lượng tạo thành “lá chắn thép” bảo vệ an toàn cho người dân. Những hình ảnh cán bộ, chiến sĩ thức khuya, dậy sớm lo cho người dân từng bữa ăn, giấc ngủ trong khu cách ly; người ướt sũng mồ hôi trong những bộ đồ bảo hộ; mặc gió rét, mưa rơi, nắng cháy da, cháy thịt vẫn can trường bám chốt, kiểm soát phòng, chống dịch hay gác việc riêng để xung phong lên tuyến đầu... đã chạm đến triệu con tim đất Việt. Thương bộ đội, các tầng lớp Nhân dân từ người già, trẻ em, từ thành thị đến nông thôn, các tổ chức, cá nhân... đều chung tay, góp sức ủng hộ vật chất, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly. Hình ảnh những bà mẹ chắt chiu từng bơ gạo, quả trứng, bó rau; các cháu nhỏ tặng tiền mừng tuổi, góp sức cho khu cách ly, càng thôi thúc ý chí quyết tâm, tiếp thêm sức mạnh cho “Bộ đội Cụ Hồ” đẩy lùi dịch bệnh...

Không chỉ khi mưa lũ, dịch bệnh mà trong bất luận hoàn cảnh nào, mỗi khi giặc giã, thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa môi trường… đe dọa đến an toàn tài sản, tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu luôn có mặt trên tuyến đầu, những nơi nguy hiểm nhất, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để mang lại bình yên cuộc sống Nhân dân. Hành quân đến với Nhân dân, lo cho người dân như người thân ruột thịt luôn là “mệnh lệnh từ trái tim”, mệnh lệnh không lời của Bộ đội Cụ Hồ. Điều này, Nhân dân ai cũng biết, ai cũng ghi nhận, tuyệt nhiên không có một sự  “ưu tiên” hay “bỏ rơi người dân” trong thiên tai, hoạn nạn như kẻ xấu suy diễn, trắng trợn đặt điều.

Theo số liệu thống kê, tính riêng xử lý sự cố Rào Trăng 3 và ứng cứu đợt mưa lũ lịch sử tháng 10, tháng 11 năm 2020, Quân khu 4 đã điều động hơn 45.000 lượt cán bộ, chiến sĩ LLVT, hơn 1.000 phương tiện, phối hợp với địa phương di dời 98.380 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Lũ rút đến đâu, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ sát cánh cùng Nhân dân khắc phục hậu quả; khám, cấp phát thuốc miễn phí; trao kinh phí hỗ trợ cho các địa phương, người dân bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Như thế, sao có thể gọi là “bỏ rơi người dân”. Chỉ có những kẻ luôn “vỗ ngực” tự xưng là “nhà dân chủ” đấu tranh cho nhân quyền, những “nhà báo sạch”, vì công lý, vì người dân nhưng khi Nhân dân gặp hoạn nạn thì tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một ai. Mà chỉ có cán bộ, chính quyền và bộ đội luôn sát cánh, sẵn sàng đổ máu, ngã xuống vì Nhân dân.

Thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, song song với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp ứng cứu, phòng, chống, giúp đỡ Nhân dân, Bộ Tư lệnh Quân khu mà trực tiếp là Cục Chính trị Quân khu 4 đã chỉ đạo Báo Quân khu 4, “Lực lượng 47” các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong mưa lũ, cháy rừng, dịch bệnh, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Quân khu 4 dũng cảm vượt khó khăn, nguy hiểm luôn có mặt kịp thời trên mọi hướng, mọi vùng trọng điểm, trên các tuyến đầu để phản ánh kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng những khó khăn, mất mát của Nhân dân; sự hy sinh quên mình của “Bộ đội Cụ Hồ” khi ứng cứu, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. 

Từ  hiện trường, Phóng viên Báo Quân khu phản ánh sinh động, chân thực hình ảnh, việc làm của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu, cán bộ chính quyền các cấp. Mỗi một cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu thực sự là một “tấm gương sống” làm lan tỏa, thắp lên những ngọn lửa hồng để quân và dân miền Trung càng thêm đoàn kết, siết chặt tay nhau vượt qua thiên tai, hoạn nạn và tạo thành “bức tường lửa” lòng dân vững chắc đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thời bình.

NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội