A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy “tại chỗ” trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài 2: “Tại chỗ” “vô hiệu hóa” thủ đoạn chống phá

Trước thủ đoạn “đeo bám, rỉ tai, cài bẫy”, LLVT Quân khu 4 đã phối hợp các lực lượng tiến hành nhiều biện pháp đấu tranh. Một trong những cách thức, biện pháp mang lại hiệu quả lớn nhất, chính là phát huy “tại chỗ”, tạo thành thế trận đấu tranh thường trực, rộng khắp. Các cách làm, biện pháp và thực tiễn của việc phát huy “tại chỗ” đã làm lộ diện và “vô hiệu hóa” thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, chống phá sự nghiệp cách mạng.

Bài 1: Thủ đoạn “đeo bám, rỉ tai, cài bẫy”

 

Thời gian qua, các thế lực phản động, thù địch tích cực đẩy mạnh hoạt động chống phá. Một nội dung trọng điểm trong chiến lược chống phá cách mạng nước ta là phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây chia rẽ, bất ổn và rối loạn về xã hội. Chúng tiếp tục lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá một cách quyết liệt hơn. Cụ thể, chúng tạo ra các “điểm nóng” về xã hội cũng như “điểm nóng” về chính trị xã hội, gây sự bất ổn xã hội từ nhỏ đến lớn, lan rộng, kéo dài; từ mâu thuẫn nội bộ Nhân dân đẩy lên thành chống đối chính quyền. Đơn cử như lợi dụng sự cố môi trường biển tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh năm 2016; lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái pháp luật ở Giáo xứ Ngọc Long, xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An; Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra lệnh bắt bị can Hoàng Đức Bình về “hành vi chống người thi hành công vụ; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” năm 2017; lợi dung cơ quan chức năng thông qua dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng..., các thế lực phản động, thù địch, cực đoan kích động giáo dân và lương dân tụ tập biểu tình, tuần hành trái pháp luật, gây rối chính quyền và trật tự an toàn xã hội.

Trước tình hình đó, LLVT Quân khu 4 phát huy “tại chỗ” trong việc phát huy vai trò của các tổ chức nhằm phân hóa, cô lập các phần cực đoan; làm “tai mắt” cho lực lượng chức năng. “Cuộc chiến” đó được làm thường xuyên, liên tục.

Cán bộ, chiến sĩ  LLVT Quân khu 4 chung tay giúp Nhân dân huyện Kỳ Sơn, Nghệ An khắc phục hậu quả lũ quét, tháng 10/2022.

 

Phát huy tại chỗ

Trong “thế trận” đấu tranh, tuyên truyền, thanh niên, phụ nữ Quân khu 4 đóng góp một vai trò không nhỏ trong định hướng nhận thức, tuyên truyền, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Điều này có thể thấy rõ, thời gian qua, hội viên phụ nữ và đoàn viên, thanh niên các đơn vị LLVT Quân khu 4 đã có nhiều diễn đàn, sân chơi bổ ích định hướng tư tưởng, nhận thức, hướng tuổi trẻ, hội viên và Nhân dân vào mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, như: “Ngày thứ 7, Chủ nhật vì dân” ở Sư đoàn 968; “Chung tay vì trẻ em khuyết tật, khó khăn vùng giáo” của Ban CHQS thị xã Ba Đồn; “Đồng hành với ngư dân vươn khơi, bám biển” ở Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh; “Kết nghĩa yêu thương, gắn liền lương-giáo” và “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo” của Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An…; luôn bám sát tình hình địa bàn, xây dựng chương trình, kế hoạch tiến hành tốt công tác dân vận phù hợp với từng địa bàn.

Cán bộ, nhân viên Ban CHQS thị xã Ba Đồn giúp Trung tâm Mái ấm Hy vọng dòng Mến thánh giá Hướng Phương (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) trang trí đón Noel.
Hội viên Hội phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An chăm sóc các cháu tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, mồ côi Giáo họ Tân Hương, Giáo xứ Bố Sơn, xã Nghi Vạn, Nghi Lộc, Nghệ An trong bữa cơm dinh dưỡng.

 

Thông qua các đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, tuổi trẻ và phụ nữ LLVT Quân khu đã đến với Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáo, nơi gặp nhiều khó khăn để giúp Nhân dân xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân nắm và hiểu rõ về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; bản chất, hoạt động chống phá, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch, phản động, cực đoan lợi dụng tôn giáo, dân tộc và những hành vi vi phạm pháp luật, như: khiếu kiện đông người, tuần hành, biểu tình trái pháp luật, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…, để đồng bào nhận rõ được vấn đề, không nghe theo kẻ xấu; góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân - dân, lương - giáo, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý có hiệu quả những “điểm nóng”.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 842, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tại xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Lữ đoàn Công binh 414 tuyên truyền, vận động giáo dân trong đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận tại xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, tháng 7/2023.

 

Kỳ Sơn, Quế Phong là huyện miền núi biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, việc người Mông di cư vượt biên sang Lào, hay truyền đạo trái phép không phải là vấn đề mới; trở thành một thách thức lớn đối với cơ quan chức năng và địa phương. Phát huy vai trò LLVT đứng chân trên địa bàn, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 và Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo thành lập các đội cơ sở, thường xuyên bám dân, bám bản, phối hợp với biên phòng và các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động bà con không nghe theo kẻ xấu, vượt biên hay tham gia tà đạo; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tổ, hội, nhóm truyền đạo trái phép trên địa bàn.

Ban CHQS huyện Quế Phong phối hợp với bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo.
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hướng dẫn bà con học con chữ, nâng cao dân trí (những lớp xóa mù chữ như thế này đã lồng ghép tuyên truyền cho bà con về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, không nghe dụ dỗ, lôi kéo của kẻ xấu vượt biên trái phép, tham gia tà đạo).

 

Hằng năm, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 tuyển chọn và huấn luyện hàng trăm chiến sĩ là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Để chính sách của Đảng, Nhà nước được tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân, Trung đoàn 335 đã có cách làm hay, hiệu quả thông qua việc xây dựng các tiểu phẩm có chủ đề tuyên truyền về chính sách dân tộc, tôn giáo… do chính các chiến sĩ người đồng bào dân tộc thiểu số làm “diễn viên”, sau đó ghi hình, gửi về người có uy tín của thôn, bản, người thân chiến sĩ để chiếu cho bà con xem. Thượng tá Hoàng Nghĩa Phú, Chính ủy Trung đoàn 335 khẳng định: Nhờ coi trọng và phát huy vai trò của con em đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè, đã giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số hiểu và chấp hành tốt hơn pháp luật cũng như chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, góp phần vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Dân bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An xem tiểu phẩm “Dân bản Trường Sơn ưng cái bụng” trên kênh Quốc phòng Việt Nam do cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 thực hiện.

 

Thực tiễn cho thấy, Cựu chiến binh Quân khu 4 là lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, nhiều đồng chí có trình độ lý luận cao do được đào tạo cơ bản trong Quân đội, có phẩm chất năng lực, trình độ và bản lĩnh chính trị vững vàng. Trong thời đại bùng nổ thông tin, các thế lực phản động, thù địch gia tăng chống phá. Chính lúc này, các cựu chiến binh kiên trung đã đứng lên, tự giác tham gia trận tuyến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân; chỉ đạo hội viên tham gia bảo vệ, giữ vững an ninh ở cơ sở; chủ động, kịp thời nắm chắc tình hình, cung cấp thông tin cho cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng và động viên hội viên tham gia các tổ dân phòng, tổ bảo vệ dân phố, tổ an ninh xung kích. Khi có vụ việc xảy ra, cán bộ, hội viên đều trực tiếp tham gia các tổ công tác để tuyên truyền, vận động, phối hợp xử trí kịp thời các vụ việc.

Cựu chiến binh phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An tham gia cùng các lực lượng tại điểm chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phường, tháng 9/2021.

 

Cùng với đó, nhiều trang cá nhân của các tướng lĩnh và cựu chiến binh cũng đã thẳng thắn nêu ra chính kiến trước các thông tin xấu độc. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Trên trang facebook của "lão tướng" gần 80 năm tuổi Đảng thường xuyên chia sẻ những bài viết hay, hình ảnh đẹp giáo dục thế hệ trẻ; đồng thời thẳng thắn chỉ trích, phê phán những quan điểm, nhận thức sai trái, lệch lạc trong một bộ phận Nhân dân; đấu tranh với những thông tin, luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, chia rẽ tình quân - dân…

Tạo lập thế trận

“Thế trận” đấu tranh tuyên truyền được tạo lập rộng khắp, không chỉ với những quân nhân đang tại ngũ và các cựu chiến binh, mà những quân nhân sau khi xuất ngũ trở về địa phương cũng trở thành nòng cốt trong đấu tranh, tuyên truyền. Được giáo dục, rèn luyện trong môi trường quân ngũ, nhiều thanh niên sau khi xuất ngũ trở về địa phương trở thành tấm gương sáng trong làm ăn, phát triển kinh tế, tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân. Trước đây, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa là “điểm nóng” về vượt biên, di dịch cư tự do, truyền đạo trái phép. Năm 2009, thực hiện chủ trương xóa bản trắng đảng viên của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền xã Tam Chung, huyện Mường Lát và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa tuyển chọn một số thanh niên dân tộc Mông nhập ngũ, bồi dưỡng kết nạp đảng viên, làm nòng cốt xây dựng, phát triển Đảng. Thời điểm đó, anh Giàng A Chống ở bản Ón, xã Tam Chung lên đường nhập ngũ tại Bộ chỉ huy Quân sự Thanh Hóa. Sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, Giàng A Chống không ngừng công tác, rèn luyện, vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Rời quân ngũ về với bản làng, anh đã phát huy tốt những kiến thức được trang bị trong thời quân ngũ, tích cực vận động bà con dân bản làm ăn phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống mới. Giàng A Chống đã giúp đỡ, kèm cặp hơn 10 quần chúng ưu tú trong bản được đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành hạt nhân trong tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân ở bản làng.

Anh Giàng A Chống, đảng viên đầu tiên của bản Ón, xã Tam Chung hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây ngô lai (ảnh QĐND). 

 

Thế trận được mở rộng, nhiều cán bộ, người dân ở địa phương đã phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điển hình như anh Hồ Ê Nót, trú thôn CuPua (nay là thôn Vũng Kho, xã Đakrông, huyện ĐaKrông). Thôn CuPua trước đây có nhiều người theo đạo Tin Lành. Nhà bố mẹ Hồ Ê Nót là cơ sở sinh hoạt đạo Tin lành. Hồ Ê Nót đã có những việc làm tốt, như: Trực tiếp hiến hơn 1000m2 đất xây dựng trường mầm non cho con em dân bản và nhà cộng đồng; tuyên truyền vận động, xây dựng bản không có người dân nghiện rượu, bia… Việc làm xuất phát từ tấm lòng tốt đã có sức lan tỏa lớn trong thôn, góp phần “vô hiệu hóa” sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch, từng bước làm cho người dân Vân Kiều “phai nhạt”, “từ bỏ” đạo, đồng lòng xây dựng bản làng.

Tỉnh Quảng Bình tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các chức sắc, chức việc tôn giáo (ảnh CTV).

 

Thực tế cho thấy, chức sắc, chức việc là người có uy tín trong đồng bào có đạo, nên lời nói và việc làm của họ đều ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm và hành động với đồng bào có đạo. Nhận rõ điều này, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo Bộ CHQS các tỉnh, huyện làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, trên cơ sở đó, về tuyên truyền, vận động trong giáo dân, phật tử. Việc làm này đã tạo sự lan tỏa, giúp đồng bào có đạo hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ công dân, nhất là thực hiện nghĩa vụ quân sự, chấp hành các quy định về tổ chức lễ hội, xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự, tham gia bảo vệ các công trình quốc phòng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Hội Dòng Mến thánh giá Vinh nấu cơm hỗ trợ khu cách ly tập trung tại khách sạn Summer 2, thị xã Cửa Lò, Nghệ An tháng 9/2021 (ảnh tư liệu). 

 

Những ngày cả nước căng mình phòng, chống đại dịch Covid-19 hay phòng, chống bão lụt, sạt lở đất, có thể khẳng định các tôn giáo đã "đồng hành cùng dân tộc" tham gia kịp thời, tích cực và hiệu quả trong quá trình triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Ngày càng có nhiều chức sắc, chức việc, người đứng đầu các tôn giáo phát huy tốt vai trò trong kết nối, vận động tín đồ chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hoạt động tôn giáo đúng theo đúng hiến pháp, pháp luật và tinh thần “tốt đời đẹp đạo” và sống phúc âm trong lòng dân tộc, không ngừng nêu cao cảnh giác trước âm mưu, luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Đây cũng là yếu tố để góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, xây dựng đoàn kết tôn giáo, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tiễn Quân khu 4, phát huy “tại chỗ” đã tạo thành “Thế trận chiến tranh du kích” thường trực, rộng khắp. Khẳng định nơi nào cũng có “tai mắt” nên thủ đoạn  của các thế lực thù địch, phản động  nhanh chóng bị lộ diện và “vô hiệu hóa”. Chứng minh bằng việc ngày càng không có bất ngờ về các tình huống. Các “điểm nóng” đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa bàn an toàn, vững mạnh.

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN

Bài 3: Phát huy “tại chỗ” đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội