A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quân đội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Trong chiến tranh ở Việt Nam, Quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 15 triệu tấn bom đạn và khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất độc da cam/dioxin, là chất độc nhất trong các chất độc mà loài người biết đến. Sau chiến tranh, ước tính số bom, mìn, vật nổ còn sót lại khoảng 800.000 tấn, làm ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha đất và có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó trên 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). 

Đa phần NNCĐDC là những quân nhân trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường ở miền Nam, những người đã từng hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau khi trở về địa phương, sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chất độc da cam/dioxin gây ra. Hiện nay, vẫn còn hàng trăm nghìn nạn nhân đang từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã, đau đớn vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam. Đáng quan tâm là, chất độc da cam di truyền qua nhiều thế hệ, làm cho hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì, phát triển giống nòi.

Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần trao 100 triệu đồng cho Quỹ NNCĐDC của Trung ương Hội.

Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những năm qua, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương Quân đội, trong đó có chính sách đối với NNCĐDC. Bộ Quốc phòng đã chủ động tham mưu, đề xuất về chính sách đối với NNCĐDC; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phối hợp với các địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Quốc phòng. Trong công tác đối ngoại quốc phòng, việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học và bom mìn, vật nổ còn tồn lưu sau chiến tranh luôn là nội dung quan trọng trong thúc đẩy hợp tác, nhất là hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong đối ngoại nhân dân, khi các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc có nội dung liên quan đến chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam, Bộ Quốc phòng luôn thông tin để họ thấy rõ hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin. Qua đó, để họ đồng cảm và tích cực ủng hộ công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học và cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC ở Việt Nam.

Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, Quân đội đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu của Chỉ thị; thấy rõ việc chăm lo, giúp đỡ NNCĐDC vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn và tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh.

Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động được cán bộ, chiến sĩ toàn quân nhiệt tình hưởng ứng và đạt được những kết quả rất đáng trân trọng. Phong trào đã được gắn kết với Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ năm 2015 đến năm 2021, các đơn vị đã hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ hàng chục nghìn NNCĐDC với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng; trong đó, các doanh nghiệp quân đội, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB); Quân chủng Hải quân; Quân khu 3; Quân khu 4, Quân khu 5… là những đơn vị luôn đi đầu trong công tác hỗ trợ xây "Nhà tình nghĩa", trợ cấp học bổng, hỗ trợ vốn sinh kế, khám chữa bệnh, thăm, tặng quà vào các dịp lễ, Tết… cho NNCĐDC. Sự giúp đỡ đó đã làm vơi đi nỗi đau, sự vất vả, khó khăn trong cuộc sống của hàng vạn NNCĐDC, góp phần thực hiện chính sách xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Trong điều kiện chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhiều quân nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam, nhưng do thất lạc hồ sơ, giấy tờ nên không đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện Đề án “Điều tra giải mã các đơn vị lực lượng vũ trang hoạt động trong các vùng bị Mỹ phun rải dioxin tại Việt Nam”. Qua đó, giúp nhiều cựu chiến binh chứng minh được thời gian đơn vị hoạt động, chiến đấu trong vùng bị địch phun rải chất độc da cam/dioxin, một trong những điều kiện tiên quyết, bắt buộc phải có đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Các đơn vị còn cung cấp hồ sơ quân nhân được lưu trữ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của địa phương để giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NNCĐDC theo đúng chính sách, chế độ quy định của Đảng, Nhà nước.

Cùng với việc quan tâm thực hiện chính sách hậu phương Quân đội, trong những năm qua, các đơn vị Quân đội, nhất là lực lượng hóa học và công binh, không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, chủ động triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án rà phá bom, mìn, vật nổ; điều tra, khảo sát, thu gom và xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh; xác định đây là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”. Các nhà trường, Viện nghiên cứu, Bệnh viện quân y, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga… đã tích cực phối hợp đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tham gia Hội thảo quốc tế về đánh giá ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái; khoanh vùng, xử lý các điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học. Bệnh viện Quân y 175 phối hợp với Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam triển khai Trung tâm Giải độc - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng; tiến hành khám sàng lọc, lựa chọn các trường hợp nạn nhân được hỗ trợ điều trị giải độc; chủ động tìm nguồn tài trợ, hợp tác quốc tế, đề xuất cơ chế điều trị giải độc cho NNCĐDC. Học viện Quân y đã triển khai thực hiện Đề tài nghiên cứu “Đánh giá thực trạng phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin và đề xuất giải pháp bảo vệ sức khỏe cho bộ đội đóng quân ở sân bay Biên Hòa”; tiếp nhận công nghệ tẩy độc bằng phương pháp Hubbard của Hoa Kỳ… góp phần bảo vệ sức khỏe, điều trị bệnh cho NNCĐDC và Nhân dân.

Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức thực hiện Dự án Xử lý chất độc hóa học tồn lưu ở khu vực sân bay Đà Nẵng. Sau 6 năm tiến hành, với kinh phí 110 triệu USD, Dự án đã xử lý hơn 90.000 m3 đất trầm tích ô nhiễm bằng phương pháp khử hấp thụ nhiệt và cô lập an toàn 50.000 m3 đất trầm tích ô nhiễm dioxin nồng độ thấp. Kết quả Dự án đã bảo đảm an toàn, hiệu quả, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Tiếp đó, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng còn hoàn thành chôn lấp, cô lập đất trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát (Bình Định). Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tổ chức thực hiện Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và sân bay A So, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thảm họa chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam còn hết sức nặng nề, lâu dài. Vì vậy, thời gian tới, các đơn vị Quân đội cần tiếp tục tuyên truyền và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Tích cực phối hợp với Hội NNCĐDC/dioxin tại các địa phương nơi đóng quân “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” bằng hành động và việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân vơi bớt khó khăn, vất vả, từng bước hòa nhập cộng đồng. Các cơ quan, học viện, cơ sở nghiên cứu của Bộ Quốc phòng tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học liên quan đến bệnh tật do chất độc da cam/dioxin gây ra, làm cơ sở tham mưu đề xuất, hoàn thiện chính sách đối với NNCĐDC. Tích cực đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng; qua đó, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống chiến tranh hóa học trong tương lai; đồng thời, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xử lý các sự cố hóa chất trong sản xuất và đời sống xã hội hiện nay./.

Thượng tướng, PGS, TS Hoàng Xuân Chiến

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

(Theo Tạp chí da cam)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội