Những “đại thụ” nơi núi rừng A Lưới
Ở miền Tây xứ Huế, mỗi thôn, bản đều có một già làng, trưởng bản hay người có uy tín với cộng đồng các dân tộc thiểu số. Họ được ví như những “đại thụ” nơi núi rừng a lưới, bởi họ là thủ lĩnh tinh thần của cộng đồng, là trung tâm đoàn kết, đồng thời là kho báu kinh nghiệm sống làm cầu nối của Đảng đến với bà con nhân dân.
Gặp già làng Quỳnh Nhất của thôn A Bung, xã Nhâm, huyện A Lưới - một con người rắn rỏi, nhanh nhẹn, hoạt bát, đôi mắt sắc như lưỡi dao đi rừng, không thể tin được năm nay ông đã bước qua cái ngưỡng tuổi 80. Ông được người dân trong thôn tin tưởng, nghe theo bởi nhờ ông mà đến nay đời sống bà con trong thôn ngày càng khởi sắc. Trong ký ức của nhiều người dân thôn A Bung còn nhớ mãi vào năm 1995, khi tỉnh có chủ trương di dân lập thành các thôn, bản mới ở tập trung, nhiều người còn ngần ngại. Nhưng già làng Quỳnh Nhất đã đến từng nhà vận động và vẽ trên nền đất cho bà con hiểu chủ trương của Đảng, Nhà nước là xây dựng mô hình của ngôi làng mới ở tập trung tại A Bung có giếng nước, trường học, trạm y tế, chuồng nuôi gia súc cách xa nhà... Hơn nữa chính già làng Quỳnh Nhất quyết tâm xung phong đi đầu đến dựng nhà, trồng trọt trước, thấy hiệu quả khiến mọi người tin tưởng làm theo. Ngôi làng mới đông đúc không cách trở núi đồi, khe suối như trước đây.
Để giúp bà con thoát nghèo, ông khăn gói đến các làng của người Kinh ở miền xuôi học cách trồng trọt, chăn nuôi. Về thôn, ông tiên phong làm trước; không lâu sau người dân trong thôn làm theo, vùng đất mới của thôn A Bung sau một thời gian đã bạt ngàn màu xanh của ruộng lúa, nương ngô. Tuy vậy, cái bụng của già làng Quỳnh Nhất vẫn chưa ưng bởi sản phẩm của bà con làm ra bán không hết vì không có đường để xe ô tô vào thôn thu mua. Già làng Quỳnh Nhất lại họp thôn để bàn chuyện mở đường. Ông vận động, một khi có đường, ô tô mới vào mua sản phẩm của người Tà Ôi mình bán. Già làng Quỳnh Nhất làm trước, rồi cựu chiến binh và thanh niên làm theo. Con đường vào thôn A Bung dài hơn 5km hoàn thành, hàng ngày ô tô của thương lái vào ra liên tục. Cả làng vui mừng vì sản phẩm làm ra bán được giá, có tiền để làm nhà, mua sắm tiện nghi sinh hoạt. Từ đó mọi người trong thôn một lòng nghe theo già làng Quỳnh Nhất từ việc nhỏ đến việc lớn.
Già làng A Viết Rải vận động nhân dân trong thôn tham gia xây dựng bản giàu, đẹp, văn minh
Già làng A Viết Rải, ở xã A Đớt, huyện A Lưới cũng là một trong những "đại thụ" của núi rừng A Lưới được mọi người nể phục. Ông bắt đầu câu chuyện bằng những hồi ức buồn: "Tôi từng là một cậu bé mồ côi khi cha mẹ mất sớm nên từ bé được bộ đội cưu mang và tham gia du kích rồi trở thành "Bộ đội Cụ Hồ" chiến đấu ở thung lũng A Sho. Tôi không bao giờ quên ơn Đảng, Bác Hồ nên dù sức khỏe không còn tốt, tôi vẫn muốn đóng góp sức mình cho đồng bào".
Sau ngày thống nhất đất nước, ông A Viết Rải về xã A Đớt tham gia mọi công tác từ chính quyền thôn đến mặt trận. Trong cộng đồng người Tà Ôi ở xã A Đớt đều biết tiếng ông là người gương mẫu, luôn đưa ra những lý lẽ có tính thuyết phục; hơn nữa ông còn là một cựu chiến binh thể hiện tất cả phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời bình. Theo già A Viết Rải, người đứng đầu làng thời buổi này phải năng động, chịu khó đọc báo, nghe đài, xem ti vi để nắm thông tin xã hội, biết làm lúa nước, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm… theo khoa học kỹ thuật mà bày cho bà con dân làng làm theo đúng cách. Muốn vậy, bà con phải học được cái chữ. Có cái chữ, cái đầu mới nghĩ được nhiều cách làm hay mà thoát đói nghèo. Nghĩ vậy, già làng A Viết Rải đi từng nhà vận động con cháu trong làng đến trường học lấy cái chữ, không được bỏ dở giữa chừng với một điều mong muốn là để sau này chúng giỏi hơn mình, để giúp sức xây dựng thôn, bản. Với người lớn mù chữ, già vận động họ đi học ở các lớp xóa mù chữ do Đoàn KT – QP 92 mở. Già làng A Viết Rải bảo, cũng tội cho bọn trẻ vì điều kiện kinh tế khó khăn nhiều đứa phải ở nhà đi làm nương, làm rẫy phụ giúp gia đình. Vận động tụi nhỏ đi học đã khó, vận động những người lớn đi học lớp xóa mù chữ ban đêm do “Bộ đội 92” mở càng khó khăn hơn. Nhưng khó thì mình càng phải làm, làm vì “cái chữ” sẽ giúp người dân thôn, bản mình thoát đói nghèo mà!
Còn có hàng nghìn câu chuyện về hàng trăm già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Huế luôn gương mẫu đi đầu trong vận động, tuyên truyền người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước mà bài viết không thể đề cập hết. Cũng chính từ “cái tâm” của những già làng, trưởng bản luôn kiên trung, gương mẫu, như “đại thụ” giữa bao la đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đã góp một phần giúp cuộc sống của các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy ở miền Tây xứ Huế hôm nay đang ngày càng khởi sắc.
Bài, ảnh: Đức Trường
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận