A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lập công xuất sắc trong trận đánh mở màn

Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là một trong những cán bộ chỉ huy tham gia Chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972. Ông đã kể lại với chúng tôi về trận đánh mở màn, lập công xuất sắc trong chiến dịch.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể: “Năm 1972, tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 (Mặt trận B5). Trong chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, nhiệm vụ của Trung đoàn 27 chúng tôi là đánh tiêu diệt khu vực điểm cao 544 (Phu Lơ) và Đồi Tròn, mở cửa hướng bắc cho các đơn vị chủ lực tiến vào giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Điểm cao 544 được Mỹ, ngụy cho là “con mắt thần” bất khả xâm phạm trên tuyến hàng rào điện tử McNamara bởi nó là cứ điểm cao nhất nằm ở phía tây bắc Quảng Trị, là tấm lá chắn cho căn cứ 241 và căn cứ Đầu Mầu.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, phương án tác chiến của Trung đoàn 27 đã được Bộ tư lệnh chiến dịch phê duyệt là sử dụng Tiểu đoàn 1 (thiếu) và Tiểu đoàn 2 tiến công tiêu diệt địch ở điểm cao 544 và Đồi Tròn từ phía tây và tây bắc. Sử dụng Đại đội 17 súng cối 82mm và Đại đội 21 (nay là Đại đội 16) súng máy cao xạ 12,7mm của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 bí mật luồn sâu vào đông nam điểm cao 322, điểm cao 288 xây dựng trận địa phục kích “đón lõng” tiêu diệt địch. Sở chỉ huy Trung đoàn 27 đặt ở điểm cao 425 do Trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm và Chính ủy Võ Hiển chỉ huy.

Trung úy Nguyễn Huy Hiệu (ngoài cùng, bên trái), Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 hạ quyết tâm tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ tại Tân Kim (Cam Lộ, Quảng Trị), tháng 4-1970. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Đêm 29-3-1972, dưới sự chỉ huy của tôi và Chính trị viên Trần Xuân Gứng, Tiểu đoàn 3 đã chiếm lĩnh xong trận địa phục kích tại điểm cao 322 và điểm cao 288. Đúng 7 giờ ngày 30-3, 5 chiếc xe tăng của địch ở quận lỵ Cam Lộ bất ngờ bắn pháo vào trận địa phục kích của Đại đội 2. Ngay sau đó, hai chiếc máy bay trực thăng vũ trang H-34 (thường gọi là máy bay cá lẹp) cũng xuất hiện và bắn pháo khói vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 3 làm cho hai chiến sĩ ta bị thương. Trước tình huống đó, có người nhận định trận địa phục kích của ta đã bị lộ, đề nghị tiểu đoàn cho ĐKZ và đại liên nổ súng. Nhưng tôi vẫn bình tĩnh kiểm tra xem xét tình hình rồi rút ra kết luận: “Địch chỉ bắn dọn đường và thăm dò, trận địa phục kích vẫn chưa bị lộ”.

Đúng như dự đoán của tôi, vào lúc 9 giờ, ta phát hiện có khoảng một tiểu đoàn địch đang hành quân từ phía Cam Lộ lên điểm cao 105. Đầu đội hình còn cách trận địa phục kích của Đại đội 1 ở nam điểm cao 322 khoảng 200m thì dừng lại nghỉ. Cùng lúc ấy, trinh sát Tiểu đoàn 3 cũng phát hiện có một tốp dân gồm cả người già và phụ nữ tay cầm dao đang đi qua trận địa phục kích của Đại đội 1. Tình huống thật bất ngờ, tôi lệnh cho đồng chí Nguyễn Phúc Sinh, Đại đội trưởng Đại đội 1 tuyệt đối giữ bí mật để cho người dân tiếp tục vượt qua điểm cao 322. Khi đoàn người đã vượt qua yên ngựa nối điểm cao 322 với điểm cao 288, Chính trị viên Trần Xuân Gứng nhanh chóng tiếp cận, bám sát người dân, tuyên truyền vận động thì được họ cho biết: Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 56 ngụy đang hành quân lên thay thế cho Tiểu đoàn 3 đang phòng thủ ở điểm cao 544 (Phu Lơ) và Đồi Tròn. Chúng bắt dân đi trước để thăm dò, nếu phát hiện Việt Cộng thì chạy về báo sẽ được trọng thưởng.

Khi thấy tốp dân đi tiền trạm đã vượt qua yên ngựa của điểm cao 322 mà vẫn không có động tĩnh gì, tiểu đoàn địch tiếp tục hành quân. Lúc này là 10 giờ 40 phút, còn 50 phút nữa mới đến giờ G-giờ nổ súng tiến công địch trên toàn mặt trận. Làm sao đây? Địch hành quân hết sức chủ quan. Một phần đội hình hành quân của địch đã lọt vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 3 từ nam điểm cao 322 đến bắc điểm cao 288. Nếu không nhanh chóng tiêu diệt lực lượng này thì chỉ nửa giờ nữa thôi, hai tiểu đoàn sẽ hợp quân tại điểm cao 544 và Đồi Tròn. Đến lúc ấy, chẳng những thời cơ tiêu diệt địch của Tiểu đoàn 3 sẽ qua đi mà Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 làm nhiệm vụ tiêu diệt địch ở điểm cao 544 và Đồi Tròn cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ở giây phút cần quyết đoán của một người chỉ huy, tôi vừa điện thoại báo cáo Trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm và Chính ủy Võ Hiển, vừa phát lệnh nổ súng tiêu diệt địch trước giờ G.

Thế là sau loạt mìn định hướng của Đại đội 1 hất bọn địch đổ rạp xuống bên đường, 8 khẩu cối 82mm của Tiểu đoàn 3 và Đại đội 17 bắn dồn dập vào đội hình địch đang lội qua sông Cam Lộ và quân địch ở bờ nam sông Cam Lộ. Đại đội 1 của Tiểu đoàn 3 ở điểm cao 322 lập tức chia thành 3 mũi tiến công, mũi thứ nhất do Trung đội trưởng Trung đội 1 chỉ huy đánh thẳng từ điểm cao 322 xuống chân điểm cao 322. Mũi thứ hai do Trung đội trưởng Trung đội 2 chỉ huy cơ động sang phía tây nam điểm cao 288 đánh thốc vào bên sườn quân địch. Mũi thứ ba phối hợp với Đại đội 2 vận động tiêu diệt địch ở bờ sông Cam Lộ. Bị tấn công bất ngờ từ ba hướng, bọn địch còn sống sót cố co cụm ở bờ bắc sông Cam Lộ và phía nam điểm cao 288 để chống trả, chờ lực lượng phía sau lên tăng viện. Khẩu 12,7mm của tiểu đoàn và Đại đội 21 sau khi hạ nòng bắn vào bọn địch đang hành quân trên đường tăng viện ở điểm cao 322 và tiêu diệt được 3 tên địch, đã được lệnh chuyển hướng bắn vào đội hình địch bên bờ nam và trên sông Cam Lộ. Ngay lập tức khẩu 12,7mm của ta quay nòng súng về phía mục tiêu điểm xạ dài...

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể chuyện về trồng cây đa tại Bắc sông Thạch Hãn (tháng 7-2014). Ảnh: ĐẶNG NGUYỄN 

 

Sau tiếng kèn phát lệnh xung phong của đồng chí Lê Văn Dần, liên lạc Tiểu đoàn 3, các chiến sĩ bộ binh Tiểu đoàn 3 đồng loạt hô xung phong thoát ly công sự tiêu diệt địch. Trong lúc Tiểu đoàn 3 đang xuất kích đánh địch từ hướng đông, hướng tây và hướng bắc điểm cao 322, điểm cao 288, hất địch xuống dòng sông Cam Lộ để hỏa lực của ta tiêu diệt thì một chiếc máy bay L-19 - loại máy bay trinh sát thường bắn pháo khói chỉ điểm mục tiêu cho không quân hoặc pháo binh đánh phá-từ hướng nam bay đến. Nó nghiêng cánh lượn một vòng xung quanh điểm cao 322 và điểm cao 288 để quan sát mục tiêu. Nhưng hình như tên phi công chưa phát hiện được ranh giới an toàn giữa bộ binh địch với lực lượng ta để bắn pháo khói chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh bắn phá nên nó thay đổi đường bay và hạ thấp độ cao, bay dọc theo con đường từ phía điểm cao 544 về hướng Cam Lộ. Chỉ chờ có thế, khi cả chiếc máy bay đã lọt vào vòng ngắm nhìn thấy rõ cả đầu tên phi công trong buồng lái, lập tức khẩu đội 12,7mm bắn một loạt đạn vào chiếc máy bay. Lửa bốc lên từ thân chiếc máy bay cùng với tiếng hò reo của các chiến sĩ bộ binh: Trúng rồi! Cháy rồi!

Lúc ấy là 11 giờ 30 phút ngày 30-3-1972, chiếc máy bay L-19 bốc cháy cũng là lúc giờ G chính thức bắt đầu. Bầu trời Quảng Trị rền vang tiếng nổ của hỏa lực pháo binh ta bắn phá căn cứ địch. Trong thế trận chủ động, chỉ trong 45 phút, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 và các đơn vị phối thuộc đã tiến công tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 56 ngụy. Trận này đồng chí Nguyễn Viết Mão của Đại đội 1, Tiểu đoàn 3 đã lập công xuất sắc, bắt sống 12 tên tù binh ở cống Thiện Xuân, trong đó có cả tên thiếu tá Hà Thúc Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 ngụy.

50 năm đã trôi qua, đồng đội của chúng tôi giờ đây người còn, người mất. Nhưng hằng năm, mỗi khi gặp mặt, chúng tôi lại cùng nhau ôn lại kỷ niệm không thể nào quên, trong đó có trận đánh mở màn Chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27-Đoàn Triệu Hải anh hùng.

Đại tá, PGS, TS TRẦN NAM CHUÂN (Ghi theo lời kể của Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu).

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội