A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Trị cùng cả nước, với cả nước

Có thể khẳng định, cùng với những chiến dịch được tiến hành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy năm 1972 và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện tính chủ động, sáng tạo, không sợ gian khổ, hy sinh và đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng, của quân đội ta. Trong chiến công chung đó, những đóng góp của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị là hết sức to lớn. Quảng Trị đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm để giải phóng quê hương và cùng cả nước đi đến ngày toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khát khao giải phóng quê hương

Chiến dịch tấn công và nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị là bằng chứng hùng hồn phản ánh quyết tâm chiến lược tiến lên giải phóng miền Nam của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đó là kết quả của ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội chủ lực, khát khao cháy bỏng giải phóng quê hương của quân và dân Quảng Trị. Khẩu hiệu “Tất cả vì Quảng Trị thân yêu!”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt!” đã trở thành tâm huyết của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nên dù khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh đến mấy, ta cũng quyết đập tan hệ thống phòng ngự “kiên cố nhất Đông Dương”, “pháo đài bất khả xâm phạm” mà Mỹ- ngụy đã xây dựng trên đất Quảng Trị. Để thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy năm 1972, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã trải qua 17 năm đấu tranh kiên cường, chấp nhận mọi hy sinh, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, tạo đà, tạo thế, chớp thời cơ đứng lên phối hợp chặt chẽ với Quân giải phóng miền Nam tiến công tiêu diệt địch, giải phóng quê hương.

 Với địa bàn chiến lược đặc thù, nơi Mỹ ngụy dồn sức xây dựng tuyến phòng thủ hết sức kiên cố, cuộc đấu tranh của cán bộ, đảng viên, quân và dân Quảng Trị ngay từ đầu đã gặp rất nhiều thử thách, cam go. Nhưng với truyền thống anh hùng, bất khuất, những cán bộ, đảng viên cơ sở đã kiên cường bám dân, bám đất, quần chúng nhân dân một lòng thủy chung, son sắt với cách mạng, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ của Đảng.

 Nhờ đó, phong trào cách mạng vẫn ngày càng lớn mạnh. Chấp hành chủ trương của Trung ương, Quảng Trị chuyển hướng từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp chính trị với vũ trang và bước cao hơn là đấu tranh bằng “hai chân” (chính trị và quân sự), “ba mũi giáp công” (quân sự, chính trị, binh vận), trên cả “ba vùng chiến lược” (rừng núi, đồng bằng, đô thị), từng bước giành nhiều thắng lợi lớn. Đặc biệt, Tỉnh ủy sớm có chủ trương xây dựng, củng cố và ngày càng mở rộng căn cứ địa miền núi, làm bàn đạp để tiến về đồng bằng, bảo vệ tuyến hành lang Bắc - Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, góp phần củng cố khối liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị.

 

 Ngay từ cuối năm 1967, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15, quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở các tỉnh, thành phố miền Nam, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thực hiện chủ trương chiến lược trên, thể theo đề nghị của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968. Khi Mặt trận Đường 9 được mở, Quảng Trị trở thành chiến trường thu hút và giam chân một lực lượng lớn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn.

 Chiến tranh càng khốc liệt, Nhân dân Quảng Trị càng nêu cao quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ và tay sai, phối hợp với quân chủ lực đánh mạnh trên cả ba vùng rừng núi, nông thôn và đô thị, làm cho chính quyền cơ sở của địch sụp đổ từng mảng lớn. Vùng giải phóng được củng cố và mở rộng, tạo thế liên hoàn từ rừng núi đến giáp ranh về đồng bằng, nối liền với hậu phương Vĩnh Linh, vùng giải phóng nước bạn Lào và tỉnh Thừa Thiên.

 Trong tiến trình đấu tranh, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị luôn đặt lợi ích của toàn miền lên trên lợi ích địa phương, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh vì sự nghiệp cứu nước vĩ đại của dân tộc. Xuất phát từ tư tưởng, tình cảm cao đẹp đó mà Quảng Trị đã tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi, chớp thời cơ giành nhiều thắng lợi lớn và mỗi thắng lợi giành được đều có tác động tích cực đến cục diện chiến trường miền Nam.

 Vùng đất của những trận đánh lớn

 Cuối năm 1967, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968, nhằm thu hút lực lượng chủ lực của địch, chủ yếu là quân Mỹ ra đường 9 để giam chân chúng lại, trực tiếp phối hợp và tạo thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta tại các đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn, Huế và Trị - Thiên, đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là quân Mỹ, phá vỡ một phần tuyến phòng ngự đường số 9 của chúng. Chủ động tiến công địch, ngày 20/1/1968, chiến dịch mở màn và sau 11 ngày đêm, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 quân địch, giải phóng hơn 8.000 dân huyện Hướng Hóa.

 Tiếp đó, ngày 9/7/1968, quân ta đã tiếp tục tiến công dũng mãnh làm chủ Tà Cơn, ngày 15/7, giải phóng hoàn toàn Khe Sanh, kết thúc thắng lợi chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968. Sau 177 ngày đêm chiến đấu, ta đã giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa với 1 vạn dân. Tiếp đó, nhằm thực hiện quyết tâm đã xác định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971. Sau gần 50 ngày đêm liên tục phản công và tiến công, chiến dịch kết thúc với thắng lợi vang dội.

 Kể từ ngày chiến dịch giải phóng Quảng Trị mở màn (30/3/1972) đến kết thúc cuộc chiến đấu chống địch phản kích tái chiếm vùng giải phóng (31/1/1973), suốt 11 tháng chiến sự diễn ra ác liệt, lực lượng du kích và đồng bào ở lại bám trụ luôn sát cánh cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chăm sóc, nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, chôn cất tử sĩ. Nhiều trận đánh của bộ đội, du kích địa phương trong chiến dịch tấn công cũng như phòng ngự đạt hiệu suất cao, đúc rút nhiều kinh nghiệm hay, gây tiếng vang lớn, xứng đáng được ghi vào lịch sử những trận đánh đẹp, những chiến công oai hùng.

 Có thể kể đến chiến thắng oanh liệt của Trung đoàn 27, Mặt trận B5 tại điểm cao 544 (Phu lơ) nằm trong hệ thống phòng ngự kiên cố vòng ngoài của địch ở phía Bắc đường 9, trận đánh mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972; hay như vào đêm 30/3/1972 tại Dốc Miếu, được sự hỗ trợ của pháo ta từ trận địa Trung Hải bắn mãnh liệt, bộ đội, du kích Gio Linh ập vào đánh tan tác các lô cốt, hầm ngầm của địch, gây thương vong nặng 1 tiểu đoàn ngụy đóng chốt ở căn cứ Dốc Miếu, buộc chúng phải tháo chạy thục mạng; đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972 phát lệnh tấn công, chỉ sau 3 ngày chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, các Trung đoàn 27 và 48, Sư đoàn 308 cùng các binh chủng và quân dân Quảng Trị đã đập tan hệ thống phòng ngự được mệnh danh là “lá chắn thép” của địch từ Cửa Việt, Quán Ngang, Bái Sơn, Cồn Tiên, Dốc Miếu, cứ điểm 544, Động Toàn, phá hủy, san bằng hàng rào điện tử Mắc namara.

 Ngày 2/4/1972, Gio Linh, Cam Lộ được giải phóng. Quân ta đã hình thành thế bao vây cụm cứ điểm Đông Hà từ ba hướng: Đông Bắc, Đông Nam,Tây Nam…Hay như tại “Chốt thép Long Quang” xã Triệu Trạch, Triệu Phong, xã đội trưởng Phan Tư Kỳ chỉ huy đã đánh tan một đại đội thủy quân lục chiến ngụy có 5 xe tăng yểm trợ, bắn cháy 3 xe, diệt nhiều tên, thu nhiều vũ khí, đẩy lùi cuộc hành quân lấn chiếm của địch…

 Đặc biệt, trải qua 81 ngày đêm chiến đấu, phải chịu đựng hàng trăm ngàn tấn bom đạn của địch, nhưng với ý chí “Bộ đội còn, Quảng Trị còn”, khí phách và sự anh dũng của quân và dân ta ở thị xã Quảng Trị và Thành Cổ trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đúng như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự- những con người Việt Nam với truyền thống bốn ngàn năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại…”.

 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên mỗi chặng đường chiến đấu và chiến thắng, quân và dân ta đã lựa chọn những địa bàn hiểm yếu tổ chức những trận đánh với quy mô thích hợp, nhằm tạo bước ngoặt, tăng thế và lực cho ta, đồng thời đẩy địch vào thế bị động đối phó, từng bước đi đến thất bại hoàn toàn. Quảng Trị - miền đất địa linh, nhân kiệt đã đi vào lịch sử dân tộc với những sự tích rất đỗi hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước chính là một trong những địa bàn như vậy.

Theo Báo Quảng Trị


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội