Khúc tráng ca người lính Thông tin
Tuyên Hóa là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đây là một trong những chiến trường ác liệt nhất. Đế quốc Mỹ đã trút hàng vạn tấn bom đạn xuống con đường Trường Sơn chạy qua địa bàn huyện nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường miền Nam Việt Nam. Bất chấp hiểm nguy, gian khổ, quân và dân Tuyên Hóa cùng các lực lượng trên con đường huyền thoại Trường Sơn đã anh dũng chiến đấu, bảo đảm giao thông, bảo đảm thông tin liên lạc cho các chiến trường. Trong đó, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Binh trạm Thông tin A69 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một trang sử vàng chói lọi.
Khi đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc, cùng với việc đẩy mạnh tiếp tế, chi viện trên tuyến đường Trường Sơn, các trạm thông tin đóng dọc đường Trường Sơn cũng được tăng cường đáp ứng nhu cầu bám sát mục tiêu đánh phá của địch trên tuyến đường này để báo về Quân ủy Trung ương nhằm đảm bảo cho việc chi viện được thông suốt. Năm 1966, trên đoạn đường đi qua địa phận xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, có Binh trạm Thông tin A69 thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc đóng quân trong hang Lèn Hà ở bản Hà, xung quanh hang là cây cối rậm rạp, gần hang có một khe suối chảy qua. Theo người dân bản Hà thì hang dùng để đặt máy thu phát thông tin và cất giấu bình axít để chạy máy phát điện. Còn các cô gái làm lán bằng tre nứa ngoài cửa hang để sinh hoạt, ăn ở, xây đập thủy điện ở dưới khe suối để chạy máy phát điện.
Nhiệm vụ của Binh trạm là nhận và truyền thông tin kịp thời, bí mật, chính xác về diễn biến tình hình trên tuyến đường Trường Sơn để xe vận tải đi vào, đi ra tránh nhỡ cung độ; nhận và truyền thông tin từ chiến trường Lào, chiến trường Đường 9 - Khe Sanh về Quân ủy Trung ương. Những năm tháng đóng quân ở bản Hà, Binh trạm Thông tin đã kết nghĩa với Y viện xã Thanh Hóa và được người dân nơi đây giúp đỡ, cưu mang. Các cô thường hay ra chơi với người dân bản Hà, cùng ăn sắn luộc, canh măng, họ còn mượn cuốc để cuốc đất trồng rau, trồng sắn… Trong đợt sưu tầm hiện vật trên địa bàn xã Thanh Hóa, cán bộ bảo tàng đã sưu tầm được một bình đựng axít của Binh trạm Thông tin A69. Hiện nay, ở bản Hà, một số gia đình còn lưu giữ bình axít của Binh trạm Thông tin A69 để làm kỷ niệm.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta ngày càng đi vào giai đoạn ác liệt. Tháng 6 năm 1966, mặt trận Đường 9 được mở, Quảng Bình trở thành hậu phương trực tiếp chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Vì thế, Mỹ đã tập trung lực lược không quân đánh phá trục đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình. Vùng bản Hà, nơi Binh trạm Thông tin A69 đóng quân trở thành tọa độ lửa hứng chịu nhiều bom đạn của Mỹ.
Ngày 02/7/1972, trong đợt thả bom cháy xuống hủy diệt rừng Trường Sơn để tìm mục tiêu của ta, cả Binh trạm Thông tin bị trúng bom napal trong lúc đang làm nhiệm vụ, 13 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 10 nữ chiến sĩ tuổi đời từ mười sáu đến hai mươi) hy sinh ngay tại cửa hang. Các anh, các chị ngã xuống khi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc sắp đến ngày toàn thắng. Tấm gương hy sinh ấy đã góp phần tô thắm thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Đã 50 năm trôi qua, bản Hà - nơi cán bộ, chiến sĩ Binh trạm Thông tin A69 đóng quân đã có nhiều thay đổi, những ngọn núi được phủ lên một màu xanh của cây lá. Song, tiếng suối vẫn chảy hòa vào tiếng gió rừng như đang cất lên một giai điệu rất quen thuộc về Trường Sơn mà tôi từng được nghe: “Mười hai tòa thiên nhiên, sừng sững giữa thiên nhiên, trong trắng ngọc ngà, hòa trần giữa Trường Sơn…”.
Cùng với một số di tích lịch sử đã được công nhận như: Hang Tám Cô, đồi 37 Cha Quang… thì Binh trạm Thông tin A69 cũng là một địa chỉ đỏ trên đường Hồ Chí Minh, đánh dấu mức độ khốc liệt của chiến tranh và minh chứng cho tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng của thế hệ thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Những tấm gương hy sinh cao cả ấy sẽ góp phần trau dồi thêm lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay biết tri ân với những người đã ngã xuống, cùng ra sức phấn đấu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.
Bài, ảnh: TRƯƠNG VĂN SỸ
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận