Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Trước diễn biến “một ngày bằng hai mươi năm”, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (ngày 27/1/1973), so sánh tương quan cả về thế và lực giữa ta và địch nghiêng hẳn về phía ta, Bộ Chính trị nhất trí hạ quyết tâm: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh đến mức phát triển cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân đội Sài Gòn, đánh đổ chính quyền Sài Gòn, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, tháng 3/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta bắt đầu diễn ra và giành thắng lợi liên tiếp. Trước diễn biến “một ngày bằng hai mươi năm”, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quyết định này một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trong lãnh đạo, chỉ đạo và nghệ thuật điều hành kết thúc cuộc chiến tranh cách mạng.
Từ cuối năm 1973, cùng với quá trình gấp rút xây dựng lực lượng trên chiến trường, công tác chi viện của hậu phương miền Bắc được đẩy mạnh, kịp thời đáp ứng yêu cầu về nhân lực, vật lực cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Ngày 26/4/1975, sau một thời gian cơ động thần tốc, vừa hành quân vừa tiến công địch giải phóng địa bàn, vừa bổ sung lực lượng, trang bị, 5 binh đoàn chủ lực của Quân giải phóng chia thành 5 mũi cùng lúc tiến công vào trung tâm thành phố Sài Gòn - Gia Định. Trưa ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng, ngụy quyền Sài Gòn chính thức sụp đổ.

Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc và kinh nghiệm của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Những kinh nghiệm trong Chiến dịch Hồ Chí Minh góp phần làm phong phú thêm nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật điều hành chiến dịch, nghệ thuật chọn hướng tiến công, nghệ thuật nắm bắt thời cơ, nghệ thuật kết thúc chiến tranh,... Nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm mở chiến dịch chính xác, kịp thời là nét nổi bật và thành công xuất sắc của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Từ quyết tâm chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, sau thắng lợi vang dội ở Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế và Đà Nẵng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã kịp thời nhận định và bổ sung quyết tâm mới, nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, chỉ đạo tổ chức tiêu diệt ngụy quân Sài Gòn ở quân khu 1 và bộ phận còn lại ở quân khu 2, không cho chúng co cụm về Sài Gòn - Gia Định; đồng thời, chỉ đạo tập trung lực lượng, vật chất kỹ thuật, quyết tâm thực hiện thắng lợi trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kết thúc chiến tranh ngay trong năm 1975, rồi trước mùa mưa và cuối cùng là ngay trong tháng 4-1975.

Quán triệt quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã hạ quyết tâm chiến dịch chính xác, kịp thời. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã mở đầu đúng thời gian quy định và nhanh chóng kết thúc thắng lợi, đánh bại kế hoạch tác chiến của địch. Đó là đỉnh cao của nghệ thuật nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm chiến dịch chính xác, kịp thời.
Cách đánh chiến dịch, chiến thuật trong Chiến dịch Hồ Chí Minh rất sáng tạo, linh hoạt, thể hiện tài thao lược của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch và của từng đơn vị. Đó là cách đánh dùng lực lượng thích hợp trên từng tình huống, hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của địch ở vòng ngoài, đồng thời tập trung lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích vào 5 mục tiêu trong nội đô Sài Gòn - Gia Định.
Tiến công trong hành tiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là bước phát triển đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Từ cấp trung đoàn cơ giới tiến hành thọc sâu ở Buôn Ma Thuột, phát triển lên cấp sư đoàn binh chủng hợp thành, vận động bằng cơ giới với tốc độ tiến công cao, thọc sâu nhanh vào nội thành, đánh chiếm mục tiêu chiến lược theo kế hoạch. Tổ chức và sử dụng lực lượng cũng là một nét đặc sắc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Để thực hành chiến dịch, các lực lượng được tổ chức thành thế trận hoàn chỉnh, chặt chẽ, chính xác, đột phá bằng sức mạnh áp đảo của binh chủng hợp thành quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và quần chúng nhân dân trong tiến công và nổi dậy, tiếp quản chiến trường đã góp phần tạo ưu thế trong so sánh về lực lượng giữa ta và địch.
Nét độc đáo trong Chiến dịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở nghệ thuật kết thúc chiến tranh. Trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử, với sức mạnh như vũ bão, quân và dân ta hoàn toàn có thể tiêu diệt toàn bộ lực lượng còn lại của quân đội Sài Gòn. Song, lực lượng cách mạng đã thực hiện chính sách khoan dung, vận động chính quyền Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội Sài Gòn hạ vũ khí và tuyên bố đầu hàng không điều kiện vào trưa ngày 30-4-1975.
Đây là việc làm cần thiết, kịp thời, không chỉ có ý nghĩa logic giải phóng Sài Gòn gần như nguyên vẹn mà còn trực tiếp kết thúc cuộc chiến nhanh nhất, làm thất bại mưu đồ và điều kiện của những thế lực chống đối muốn “tử thủ”, đồng thời dập tắt mọi hy vọng về “thương lượng đàm phán” vốn đã bị đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn chà đạp, phá hoại. Điều này phản ánh một trình độ mới của nghệ thuật kết thúc chiến tranh nhân dân Việt Nam, buộc đối phương phải kết thúc chiến tranh theo cách của chiến tranh cách mạng có lợi cho phát triển về sau.

Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả của đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh qua các giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong giai đoạn cuối, Đảng ta đã nhạy bén nắm bắt, đánh giá đúng tình hình, kịp thời điều chỉnh kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy, từ kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976 chuyển thành kế hoạch giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4/1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến thắng 30/4/1975 chính là sự hội tụ tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
NGUYỄN THỊ THẢO, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận