Thứ ba, 19/03/2024 - 14:45
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Mẹ" của tất cả các loại tên lửa trên thế giới

              74 năm trước, ngày 3-10-1943, cuộc thử nghiệm thứ ba nhưng thành công lần đầu tiên của tên lửa V-2 đã được thực hiện tại khu thử nghiệm Peenemünde của Đức trên đảo Usedom ở Biển Baltic. Đây là tên lửa đạn đạo chiến đấu đầu tiên trên thế giới, nền tảng cho các chương trình tên lửa của Mỹ và Liên Xô... 

 

Vị nam tước thần đồng

Nhà thiết kế tên lửa Đức Werner von Braun đã có đóng góp to lớn trong việc phóng thành công tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới. Ông là người sáng lập ra công nghệ tên lửa hiện đại.

Sinh ra trong một gia đình quý tộc, từ khi còn nhỏ Wernher von Braun đã bị cuốn hút bởi những ý tưởng về các chuyến bay vào vũ trụ, chuyên tâm nghiên cứu về vật lý và toán học để sau này có thể thiết kế tên lửa. Khi 18 tuổi (năm 1930) Wernher von Braun đã thi đậu Trường kỹ thuật Berlin (nay là Đại học Kỹ thuật Berlin) và gia nhập nhóm Verein für Raumschiffahrt (Hội Du hành vũ trụ). Tại đây, ông đã tham gia thử nghiệm một động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng. Sau đó, Wernher von Braun cũng học tại Đại học Berlin Friedrich Wilhelm và Trường Kỹ thuật của Thụy Sĩ ở Zurich.

 

 

Nhà thiết kế tên lửa Đức Werner von Braun. Nguồn: en.wikipedia.org.

Vào đầu những năm 1930, ông đã dự một buổi thuyết trình của nhà khoa học Auguste Picard, người tiên phong trong các chuyến bay đến tầng bình lưu. Sau bài phát biểu của A.Picard, cậu sinh viên trẻ Braun tiếp cận ông và tuyên bố: "Tôi sẽ thực hiện chuyến bay tới Mặt trăng vào một ngày nào đó". Và Auguste Picard hoàn toàn ủng hộ cậu thanh niên Braun. Ngoài ra, còn có một nhân vật gây ảnh hưởng lớn tới Wernher von Braun, đó là lý thuyết gia về hỏa tiễn vĩ đại Hermann Oberth.

Từ năm 1933, các cuộc thử nghiệm tên lửa dân sự đã bị cấm ở Đức và chỉ có quân đội mới được phép chế tạo tên lửa. Một vài năm sau đó, theo yêu cầu của quân đội, một trung tâm nghiên cứu tên lửa lớn được xây dựng tại làng Peenemünde. Ở đó, Wernher von Braun được bổ nhiệm làm Giám đốc kỹ thuật và trưởng thiết kế của tên lửa A-4 (V-2).

 

Hình ảnh phóng tên lửa V-2. Nguồn: Wikimedia Commons.

Ngày 25-7-1934, Werner von Braun nhận bằng tiến sĩ Khoa học Vật lý Chuyên ngành phát triển tên lửa. Luận án của ông có tên là "Cách tiếp cận mang tính xây dựng, lý thuyết và thực nghiệm đối với vấn đề chế tạo tên lửa nhiên liệu lỏng". Luận án này được giữ kín theo yêu cầu của quân đội và không được công bố trước năm 1960.

Cuối năm 1934, nhóm nghiên cứu của Werner von Braun thử nghiệm thành công lý thuyết bằng việc phóng 2 tên lửa lên độ cao 2,2km và 3,5km.

Tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới

Nhờ có những kinh nghiệm lý thuyết và thực tiễn của Werner von Braun, tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới đã được chế tạo ra trong một khoảng thời gian rất ngắn (21 tháng).

Ngày 3-10-1943, lần đầu tiên tên lửa A-4 (V-2) đã được phóng thành công. V-2 với chữ V viết tắt từ Vergeltungswaffe, tạm dịch là “Vũ khí trả đũa”. Đây là tên lửa đạn đạo chiến đấu đầu tiên trên thế giới. Về mặt thiết kế, các nhà thiết kế Đức đã đạt được tiến bộ lớn trong việc tạo ra các động cơ tên lửa lỏng, hệ thống điều khiển tên lửa trong khi bay và dẫn đường.

V-2 có hình dạng tương tự như các tên lửa hiện đại ngày nay với trọng lượng lên tới 12,8 tấn, dài 14 mét, tầm bắn khoảng 320km mang theo đầu đạn nặng khoảng một tấn. V-2 là tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng, sử dụng hỗn hợp ethanol và oxy lỏng.

 

Tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới V-2. Nguồn: kp.ru.

Từ ngày 8-9-1944 đến tháng 2-1945, khoảng 4.200 tên lửa V-2 đã được phóng tới các mục tiêu ở Anh, khiến 2.700 người thiệt mạng; trong đó có hơn 2.000 tên lửa không đạt hiệu quả tác chiến. Do đó, bất chấp những nỗ lực và chi phí đắt đỏ, “vũ khí trả đũa” V-2 bị dừng sản xuất.

Nhưng V-2 đã mở ra những chân trời mới cho nhân loại, khởi nguồn cho tất cả các chương trình tên lửa của thế giới, bao gồm cả Israel và Trung Quốc.

Khi Đức Quốc xã bị đánh bại, Mỹ và Liên Xô đều tìm cách thu thập tài liệu kỹ thuật của V-2 nhằm phục vụ quá trình phát triển vũ khí của họ. Bản thiết kế và công nghệ của V-2 đã đưa công nghệ tên lửa của Mỹ và Nga đạt đỉnh cao của thế giới. V-2 cũng tạo ra cuộc chạy đua công nghệ tên lửa khốc liệt trong những năm Chiến tranh Lạnh.

Các tài liệu chế tạo ra V-2 đã được các chuyên gia Liên Xô nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều nhân viên của Peenemünde bị bắt cũng đã tham gia phát triển tên lửa đầu tiên của Liên Xô.

Bản thân Von Braun đã bị tình báo Mỹ bắt rồi đưa sang Mỹ. Vài năm sau, ông trở thành người đứng đầu chương trình vũ trụ và là một đối thủ cạnh tranh với Sergei Korolev (nhà khoa học, kỹ sư và nhà thiết kế tên lửa hàng đầu của Liên Xô trong cuộc chạy đua vào không gian với Mỹ vào thập niên 1950 và 1960).

Nguồn Báo QĐND


Tác giả: Lê Thắng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội