A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

70 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: Giá trị to lớn của việc tự phê bình và phê bình

 Dẫu 70 năm đã trôi qua, nhưng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giá trị, vị trí, mục đích, phương pháp tự phê bình và phê bình (TPB&PB) trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" vẫn có tính thời sự nóng hổi đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, nhất là việc bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng

Các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định, TPB&PB rất cần thiết cho hoạt động và sự phát triển của Đảng. Ph.Ăngghen cho rằng, việc Đảng phê bình hoạt động đã qua của mình là việc tuyệt đối cần thiết và bằng cách đó, Đảng học được cách hoạt động tốt hơn. V.I.Lênin coi TPB&PB là quy luật phát triển của Đảng cách mạng trong quá trình lãnh đạo, đồng thời chỉ rõ: Nếu một đảng nào không dám nói thật bệnh tật của mình ra, không dám chẩn đoán bệnh một cách thẳng tay và tìm phương cứu chữa bệnh đó, thì đảng đó sẽ không xứng đáng được người ta tôn trọng.

Trung thành, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, ngay từ khi Đảng ra đời cho đến lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Đảng ta đã nhiều lần TPB&PB, điển hình như: Trung ương phê bình một số cấp ủy địa phương những năm 1930-1931; Đảng “Tự chỉ trích” 1936-1939; Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh phê bình cấp ủy Nam Kỳ về khởi nghĩa Nam Kỳ chưa đúng thời cơ và ý định khởi nghĩa sớm của Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng giai đoạn 1939-1945...

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người chỉ ra một căn bệnh xuất hiện trong cán bộ, đảng viên  dù chưa gây tác hại lớn nhưng nếu không kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa sẽ đe dọa đến thắng lợi của cách mạng. Người khẳng định: “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”. Người còn chỉ rõ, sự tồn tại, phát triển của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên bao giờ cũng tuân theo một chân lý hết sức giản đơn nhưng rất thực tế, đó là: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”, đúng như cổ nhân từng nói “nhân vô thập toàn”. Không ai một lúc có thể vẹn toàn được tất cả. Muốn hoàn thiện mình thì phải học tập, rèn luyện, phấn đấu, phải biết TPB&PB để tự giúp mình và giúp người.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, TPB&PB là hai mặt của một vấn đề, có sự thống nhất biện chứng, quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó những ý kiến phê bình đồng chí, đồng đội cũng là điều để mỗi người tự răn mình, tự phê bình mình. Muốn phát huy tốt tác dụng của phê bình, phải tự phê bình mình trước. Tự phê bình không phải là tự hạ thấp mình, tự “nhún nhường” mà là thể hiện trình độ nhận thức, lòng dũng cảm, sự trung thực, ngay thẳng trước tổ chức, đồng chí, đồng đội và rộng hơn là trước Đảng, trước nhân dân; là thể hiện tinh thần cầu thị, ý chí vươn lên của bản thân.

Để TPB&PB hiệu quả thì tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải có phương pháp khoa học. Theo Người, khi phê bình mình và phê bình người phải triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt, chỉ ra cho mình và đồng chí mình những cái được, cái chưa được, chỉ rõ đúng sai; chỉ rõ yếu tố tích cực và tiêu cực bên trong mỗi con người, mỗi tổ chức một cách rõ ràng, cụ thể, đúng người, đúng việc. Tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, liên tục, kiên trì, “... như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.

Tự phê bình và phê bình vì sự tiến bộ của tổ chức, cá nhân

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, TPB&PB phải xuất phát từ tình thương yêu giai cấp, yêu thương con người, coi con người là quan trọng nhất. Đó không phải là để khen mình, vạch tội người dẫn đến định kiến, thù hằn “chia bè, kéo cánh”, xa lánh nhau mà là để sửa chữa cho nhau, khuyến khích nhau, “bắt chước” nhau; để người có ưu điểm thì cố gắng phát huy, vươn lên không ngừng còn người có khuyết điểm, bị phê bình thì vui lòng nhận rõ để sửa chữa. TPB&PB không được gây tâm lý căng thẳng, nản chí hoặc oán ghét mà ngược lại phải làm cho đồng chí, đồng đội phấn khởi hơn, đoàn kết và gắn bó hơn, qua đó thành thật tự giác sửa chữa sai lầm, khuyết điểm… Qua đó, cứu mình, giúp người, tạo điều kiện cùng nhau tiến bộ, góp phần làm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Yêu thương con người là khi thấy đồng chí, đồng đội có sai lầm, khuyết điểm thì phải đóng góp ý kiến, phê bình ngay từ khi nó mới phôi thai; tiến hành thường xuyên liên tục; quyết không để các sai lầm, khuyết điểm lưu cữu vì theo Người “nếu để sai lầm và khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng”. Người còn cảnh tỉnh nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm thì cũng như giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mệnh. Phát hiện càng sớm, điều trị càng chóng khỏi, để bệnh nặng rất khó chữa, thậm chí có khi không chữa nổi. Điều đó thực chất là làm suy yếu tổ chức đảng, thủ tiêu vai trò lãnh đạo và tính chiếu đấu của Đảng, làm mất cán bộ, đảng viên. Đây là tư tưởng thể hiện sự tôn trọng con người, tôn trọng nhân cách cán bộ, đảng viên của Hồ Chí Minh; cũng là phản ánh tính khoa học, nhân văn trong TPB&PB của Hồ Chí Minh, đúng như Người đã viết: “Ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau”.

Nắm vững nguyên tắc xây dựng Đảng và chính quyền cách mạng là lấy TPB&PB làm quy luật phát triển, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn đề cao trách nhiệm, vì đồng chí mình mà xây dựng cho chính mình và đồng chí mình, tập thể ý thức TPB&PB như một nhu cầu bên trong, một động lực mạnh mẽ thúc đẩy cá nhân, tổ chức không ngừng phát triển. Thực tiễn cách mạng và xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã khẳng định: TPB&PB tốt sẽ là những “liều thuốc” giải quyết triệt để những mâu thuẫn trong mỗi tổ chức và con người, nếu không thì có thể dẫn đến kìm hãm, thậm chí thủ tiêu sự phát triển, nội bộ tổ chức xảy ra mất đoàn kết.

Trung thành và vận dụng sáng tạo

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống khu vực và quốc tế. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đất nước đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới; các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên… Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên đang chịu sự tác động lớn của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường và những tiêu cực khi mở cửa hội nhập…, dẫn đến một bộ phận bị suy thoái, biến chất.

Để khắc phục tình trạng trên và góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về  học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao TPB&PB nói chung và tính khoa học, tính nhân văn của TPB&PB theo tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Trong đó, cần chú trọng tập trung: Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế dân chủ ở cơ sở; thực sự cầu thị trong TPB&PB; mở rộng dân chủ để giải quyết những vấn đề đặt ra. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh các quy định về TPB&PB, quy chế dân chủ và quy chế giám sát trong Đảng để các tổ chức đảng và đảng viên có cơ sở chấp hành nghiêm túc. Tăng cường kỷ luật và công tác giám sát, kiểm tra tổ chức đảng các cấp. Tổ chức đảng có thẩm quyền phải kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có thái độ thành kiến hành vi trả thù, trù dập người thẳng thắn đấu tranh phê bình; có biện pháp bảo vệ người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; có biện pháp buộc người có khuyết điểm, bị phê bình phải sửa chữa khuyết điểm. Đồng thời, nâng cao tinh thần gương mẫu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và cán bộ chủ trì, chủ chốt. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, nhân rộng các điển hình tốt, cách làm hay. Kết hợp chặt chẽ TPB&PB trong Đảng với phê bình của quần chúng.

Đại tá, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN (Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội