A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy giá trị lịch sử, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chủ động tạo lập thế trận, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống

Cách đây 45 năm, vào cuối tháng 12 năm 1972, quân và dân cả nước, mà trực tiếp là quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, Bộ đội Phòng không - Không quân đã lập nên chiến tích kỳ diệu: Đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô chưa từng có trong lịch sử, chủ yếu bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Tư lệnh Quân khu động viên bộ đội tham gia diễn tập vòng tổng hợp Sư đoàn 324 năm 2017.
                                                                                                                                                                Ảnh: TRẦN DŨNG

 

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ, với tinh thần chủ động cao độ, xây dựng thế trận, chuẩn bị chu đáo từ trước, quân và dân ta bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần bình tĩnh, tự tin, quyết thắng. Vì thế trong 12 ngày đêm ngoan cường, sáng tạo, dũng cảm chiến đấu, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác. Bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ buộc phải kết thúc cuộc tập kích, trở lại bàn đàm phán Pa-ri, ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27 tháng 1 năm 1973. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” góp phần quyết định vào việc thực hiện chiến lược “đánh cho Mỹ cút” tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng đã giành được, tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc vào năm 1975, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Lực lượng pháo 37mm Lữ đoàn Phòng không 283 tham gia diễn tập Sư đoàn 324 năm 2017.
                                                                                                                      Ảnh: HÀ HỮU TÂN

 

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” khẳng định đường lối đúng đắn, tài thao lược của Đảng ta được biểu hiện cụ thể ở nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không độc đáo, sáng tạo. Chiến thắng đã để lại những giá trị lịch sử to lớn, là một trong những chiến thắng vĩ đại ở thế kỷ XX, viết những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Cùng với giá trị lịch sử to lớn, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đó là: Thường xuyên giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng mà thường xuyên là Quân ủy Trung ương và cấp ủy các cấp trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành cuộc chiến đấu; kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, trên cơ sở kết hợp sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; luôn chủ động nắm chắc địch để có phương án tác chiến phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ; phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, vững chắc, mưu trí, sáng tạo, linh hoạt trong cách đánh; nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Khẩu đội 12,7mm Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 thực hành bắn đạn thật trong diễn tập vòng tổng hợp năm 2017.
                                                                                                                                                               Ảnh: MẠNH HÙNG

 

 Những bài học quý giá đó chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong đó cần chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, mưu trí, sáng tạo, linh hoạt trong cách đánh.

Trong chiến dịch Phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 ta đã chủ động xây dựng kế hoạch đánh B52 từ rất sớm; bố trí, sử dụng lực lượng phòng không ba thứ quân và xây dựng thế trận phòng không “liên hoàn, vững chắc” được thực hiện tốt nhờ đó đã phát huy cao nhất khả năng chiến đấu của từng lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh không quân địch từ nhiều hướng, ở mọi độ cao, liên tục cả ngXày lẫn đêm. Đồng thời, thực hiện, kết hợp chặt chẽ hai phương thức tác chiến của chiến tranh nhân dân, đó là: Đánh địch rộng khắp của các lực lượng phòng không các địa phương, của dân quân tự vệ, với đánh tập trung hợp đồng quân binh chủng của bộ đội Phòng không- Không quân.

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá quyết liệt của thế lực thù địch trên địa bàn Quân khu thì việc quán triệt, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc đối với lực lượng vũ trang Quân khu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết là phải quán triệt, thấu suốt đường lối, quan điểm quốc phòng toàn dân (QPTD), chiến tranh nhân dân của Đảng. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có chất lượng tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu cao; xây dựng thế trận QPTD, gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND) vững chắc. Không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện quân sự sát với đặc điểm địa bàn, tình hình nhiệm vụ chiến đấu, cách đánh của ta, giỏi tác chiến bằng vũ khí, kỹ thuật; kết hợp huấn luyện với tổ chức thực hành diễn tập các cấp, gắn huấn luyện của các đơn vị chủ lực với yêu cầu xây dựng thế trận QPTD trong tác chiến KVPT tỉnh (thành phố), huyện (thị xã) với xây dựng cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ và phối hợp hoạt động có hiệu quả với lực lượng công an, biên phòng các địa phương trên địa bàn, góp phần bảo đảm cho cho LLVT Quân khu tiếp tục làm tốt trong xây dựng thế trận QPTD, gắn với thế trận ANND liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.

Hiệp đồng chiến đấu quân binh chủng trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Thanh Hóa năm 2017.
                                                                                                                                                Ảnh: NGỌC THĂNG

Để giành thế chủ động, đối phó thắng lợi, ngay từ thời bình, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương cần phải kế thừa, phát huy những kinh nghiệm trước đây, nghiên cứu, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng không nhân dân. Trong đó, chú trọng xây dựng thế trận phòng không nhân dân trên địa bàn Quân khu vững mạnh, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang và nhân dân có thể đánh máy bay, tên lửa hành trình của địch bằng tất cả các loại vũ khí, từ thô sơ đến hiện đại, đánh địch rộng khắp, cả tầm cao, tầm trung và tầm thấp, từ xa đến gần, từ nhiều hướng. Phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không, tổ chức đánh địch ở nhiều quy mô thích hợp; vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, hình thành lưới lửa dày đặc, rộng khắp, nhiều tầng, lớp, để tiêu diệt sinh lực và phương tiện tác chiến đường không của địch.

Quá trình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ trên từng địa bàn, từng hướng chiến lược cần quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc”; Nghị định 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về “Khu vực phòng thủ” đẩy mạnh phát kinh tế - xã hội gắn với Quốc phòng - An ninh, xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, trong đó, chú trọng bổ sung quyết tâm, kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ, nâng cấp, quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần - kỹ thuật và thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế,văn hóa, xã hội với tăng cường Quốc phòng - An ninh. Sự kết hợp đó phải được thể hiện ngay từ quy hoạch tổng thể, trong kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương, từng ngành, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là một bước tăng cường tiềm lực Quốc phòng - An ninh; đồng thời tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với nước bạn Lào, cùng nhau xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, nhằm bảo đảm ổn định, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn Quân khu.

Trong giai đoạn cách mạng mới, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, các địa phương nói riêng đặt ra ngày càng cao. Việc kế thừa và phát huy giá trị lịch sử bài học kinh nghiệm của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chủ động tạo lập thế trận, không để bị động, bất ngờ là một đòi hỏi cấp thiết và có tính khách quan nhằm tiếp tục xây dựng LLVT nhân dân địa phương ngày càng vững mạnh, tăng cường nền QPTD, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4


Tác giả: Trung tướng Nguyễn Tân Cương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội